Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

KHAI THỊ Q.6/171285

Niệm Phật một câu, phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy, tội diệt hà sa


SANH TỬ NHƯ NGỦ VÀ THỨC
Trích dẫn KHAI THỊ - Quyển 6 - Giảng ngày 17/12/85
Cố H/T. Thích Tuyên Hóa

Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta sanh ra rồi tử, tử rồi lại sanh, giống như con người thức rồi lại ngủ, ngủ rồi lại thức.  Tối đến đi ngủ thì giống như người chết.  Ðến sáng thức dậy, giống như người mới sanh ra.  Chẳng qua chuyện sanh tử nầy thì ngắn ngủi, còn cuộc đời thọ mạng của chúng ta, so ra thì dài hơn một chút.

Song, sanh tử thì cũng giống như chuyện ngủ, thức mà thôi.  Vì sao?  Bởi chúng ta có lúc hồ đồ mê muội, có lúc minh bạch sáng suốt.  Minh bạch tức là sanh, hồ đồ tức là tử.  Cho nên nếu chúng ta có một niệm sáng suốt, và với niệm đó là mình đang sống; hễ có một niệm mê muội, với niệm đó là mình như đã chết.  Ðó là thời gian ngắn ngủi tạm bợ của cuộc sanh tử.  Bất luận thời gian sanh tử dù ngắn thì cũng vậy, dài cũng vậy, cũng đều là luân chuyển trong vòng sanh tử luân hồi, nổi trôi chìm hụp chẳng yên.  Có lúc chúng ta được sanh vào nhà giàu sang phú quý, có lúc lại sanh vào nhà nghèo hèn bần tiện.  Có lúc chúng ta sanh làm trâu, làm ngựa, làm súc sanh, có lúc làm ngạ quỷ, hoặc xuống địa ngục.  Ðây đều là những kiếp luân hồi, nổi trôi bất định trong biển khổ sanh tử, vì sự sanh tử tuần hoàn nầy không chấm dứt, không khi nào hết được.

Ðức Phật Thích Ca vì quá tội nghiệp chúng sanh, cho nên Ngài chờ không nổi nữa mà “Bất vấn tự thuyết” không ai hỏi mà Ngài tự nói ra Pháp Môn Tịnh Ðộ nầy.  Pháp Môn Tịnh Ðộ là pháp môn phương tiện rất dễ dụng công.  Ðường đi rất ngay thẳng, chỉ cần chúng ta niệm Nam Mô A Di Ðà Phật với lòng tin, lòng phát nguyện và tâm thực hành là đủ rồi.  Cho nên TÍN, NGUYỆN, HÀNH là BA MÓN TƯ LƯƠNG, là ba thứ lộ phí cần thiết để chúng ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. 

Thứ nhất, chúng ta phải tin Ðức Phật A Di Ðà, tin Thế Giới Cực Lạc, tin Pháp Môn Niệm Phật có thể đưa chúng ta đến cõi Cực Lạc để diện kiến Đức Phật A Di Ðà.  Chúng ta phải có lòng tin.  Chớ nên nói: Tôi chưa thấy điều đó, mà cũng không có chứng cớ gì nên tôi không thể nào tin được.  Chúng ta chỉ cần có lòng tin, còn ngoài ra không cần gì khác cả.  Kế đến là sự phát nguyện gặp Đức Phật A Di Ðà, nguyện sanh về thế giới Cực Lạc, nguyện tu Pháp Môn Niệm Phật.  Sau khi đã phát nguyện, chúng ta phải y chiếu theo Pháp Môn Niệm Phật, niệm Phật mà tu hành.  

Chúng ta phải Lão Thật Niệm Phật, tức là phải niệm Phật một cách thật thà.  Niệm thật nhiều rồi, chúng ta mới có thể trở thành một khối, nhất tâm bất loạn và đạt được Niệm Phật Tam Muội.  Như thế chúng ta nhất định sẽ được sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.  Thế giới Ta Bà là cõi muôn cảnh khổ nung nấu vây quanh, đầy dẫy vạn điều dữ ác, cùng những mưu tính hãm hại lẫn nhau, không có lúc nào bình an.  Ở cõi Tây Phương Cực Lạc thì chẳng hề xảy ra những chuyện phiền não hay có vấn đề gì.  Bởi vậy chúng ta phải mong cầu được sanh về cõi Cực Lạc, được diện kiến Đức Phật A Di Ðà, được hóa sanh từ Liên Hoa và đạt được quả vị Bất Thoái Chuyển.  Bất Thoái Chuyển là: vị bất thoái, niệm bất thoái và hành bất thoái.  VỊ BẤT THOÁI là chứng được quả vị không thoái đọa.  NIỆM BẤT THOÁI chuyển là tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, thời khắc nào tâm cũng không thoái chuyển.  HÀNH BẤT THOÁI tức tu hành theo pháp môn nầy mình cũng không thoái chuyển.

Khi quý vị chứng đắc được TAM BẤT THOÁI nầy, tương lai nhất định sẽ thành Phật.  Một khi chúng ta có được BA MÓN TƯ LƯƠNG: TÍN, NGUYỆN, HÀNH rồi, thời rất dễ cho ta đi trên con đường diện kiến Đức Phật A Di Ðà ở cõi Cực Lạc, bởi vì đó là nguyện lực của Đức Phật A Di Ðà.  Trong Mười Phương Thế Giới, nếu có chúng sanh nào thành tâm niệm danh hiệu Nam Mô A Di Ðà Phật, thời người đó lúc lâm chung sẽ được Đức Phật A Di Ðà đến tiếp dẫn về cõi Phật.

Khi niệm Phật cũng như là mình đánh điện tín đến Thế Giới Cực Lạc vậy.  Chúng ta niệm Phật một câu là đánh một cái điện tín, niệm Phật hai câu là đánh hai cái điện tín.  Mỗi ngày chúng ta đều đánh điện đến Đức Phật A Di Ðà, Đức Phật A Di Ðà ở cõi Cực Lạc cũng có radar, cũng có máy nhận điện tín.  Vậy máy radar, máy nhận điện tín là cái gì?  Thì là Ao Sen Thất Bảo đó. Quý vị niệm Phật một câu, Hoa Sen lớn lên một chút.  Nếu quý vị niệm niệm đều là A Di Ðà Phật, như vậy Hoa Sen sẽ to lớn dần như bánh xe.  Chờ đến lúc quý vị sanh về cõi Cực Lạc, Nhất Linh Phật Tánh của quý vị và Nhất Linh Chân Tánh của quý vị sẽ đến Hoa Sen nầy mà hóa sanh.  Khi Hoa Sen nở, Phật Tánh của quý vị cũng sẽ xuất hiện.  Cho nên nói:

Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung,
Cửu Phẩm liên hoa vi Phụ Mẫu,
Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh,
Bất Thoái Bồ Tát vi bạn lữ.

Chúng ta mong muốn sẽ được Hoa Sen THƯỢNG PHẨM THƯỢNG SANH làm Cha Mẹ.  Khi Hoa sen nở là chúng ta thấy được Đức Phật A Di Ðà và ngộ nhập được VÔ SANH PHÁP NHẪN.  Lúc bấy giờ chúng ta chứng được BẤT SANH BẤT DIỆT, thoát khỏi sanh tử, được cùng làm bạn với Chư Vị Bồ Tát Bất Thoái.  Khi chúng ta đến Thế Giới Cực Lạc, bằng hữu và quyến thuộc của chúng ta đều là bạn với các vị Ðại Bồ Tát.  Cho nên chúng ta ngày ngày cùng nhau giảng Kinh thuyết Pháp, đều cùng hướng về phía trước mà tiến tới.

Giảng ngày 17 tháng 12 năm 1985
Trích dẫn KHAI THỊ - Quyển 6 của Cố H/T. Thích Tuyên Hóa

Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

YẾU NGHĨA CỦA THẬP THIỆN

Niệm Phật một câu, phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy, tội diệt hà sa


MƯỜI NGHIỆP LÀNH
Trích dẫn PHẬT HỌC TINH YẾU - Thiên Thứ Ba
Cố H/T. Thích Thiền Tâm


MƯỜI NGHIỆP LÀNH là gì?  Là BA NGHIỆP của THÂN, BỐN NGHIỆP của MIỆNG và BA NGHIỆP của Ý.  THÂN KHÔNG SÁT SANH, KHÔNG TRỘM CƯỚP, KHÔNG TÀ DÂM; MIỆNG KHÔNG NÓI DỐI, KHÔNG NÓI THÊU DỆT, KHÔNG NÓI ĐÔI CHIỀU, KHÔNG NÓI THÔ ÁC; Ý KHÔNG THAM LAM, KHÔNG GIẬN HỜN, KHÔNG SI MÊ TÀ KIẾN.  Ðó là MƯỜI NGHIỆP LÀNH.  Trái với đây là MƯỜI NGHIỆP ÁC.
Theo trong Luận Tỳ Ðàm, thì chúng sanh ở địa ngục duy có thể phát BA NGHIỆP LÀNH về Ý, song chỉ sanh khởi bên trong mà không hiện hành ra được bên ngoài.  Chúng sanh ở Châu Bắc Câu Lư cũng thế, ngoài ra các nẻo khác đều có thể tu MƯỜI NGHIỆP LÀNH.  Có kẻ gạn hỏi:  “Những nghiệp như:  lễ­ bái, cúng dường, nhẫn nhục, bố thí, trì trai... đều là NGHIỆP LÀNH, sao không gọi Vô Lượng Thiện Nghiệp Đạo, lại chỉ nói Thập Thiện Nghiệp Đạo?” - Xin thưa:  “MƯỜI THIỆN NGHIỆP nầy là căn bản của các Pháp Lành khác, vì lấy phần thắng trọng, nên chỉ gọi Thập Thiện Nghiệp Đạo”.  Kinh Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn nói:
“Nếu chúng sanh nào làm MƯỜI NGHIỆP BẤT THIỆN, sẽ bị đọa vào Ba Đường Ác; và tu MƯỜI NGHIỆP LÀNH, sẽ được hưởng Phước Nhơn Thiên”.

Thế nào là KHÔNG SÁT SANH?  Sát sanh có Năm Tướng, nếu không phạm các tướng đó, là KHÔNG SÁT SANH.  Năm Tướng ấy là:
Ðiều thứ nhất (CỐ TÂM), nếu có tâm giết hại, dù giết sanh mạng lớn nhỏ, cũng đều mang tội.  Như vô tâm ngộ sát thì không thành tội.  Nếu vô tâm giết mà thành tội thì bậc A La Hán cũng không ưng đắc Niết Bàn.  Bởi bậc A La Hán đã đoạn nhân thế gian, như vô tâm giết rồi bị đọa luân hồi, thì không thành A La Hán.  Nhưng sự thật chẳng phải thế; vì nghĩa nầy nên biết vô tâm giết không thành tội sát.  Ðiều thứ hai (SANH MẠNG KẺ KHÁC), nói “sanh mạng khác”, tức không phải chính mình.  Nếu giết sanh mạng khác mới đắc tội, còn tự sát thì không thành tội.  Ðiều thứ ba (NGHI TÂM), nếu dùng nghi tâm mà giết hại, cũng mang tội sát, bởi kẻ ấy đã thiếu lòng từ bi.  Ðiều thứ tư (TỰ LÀM, MIỆNG BẢO), tự mình giết, hoặc dùng tay chân, dao gậy, cung tên, thuốc độc, thư ếm, đã đành đắc tội.  Như không tự giết mà bảo kẻ khác giết, nếu sự giết thành, người bảo liền mang tội sát.  Ðiều thứ năm (DÙNG PHƯƠNG TIỆN), tuy thân không làm, miệng bảo, nhưng khởi ý giết hại, dùng mưu mô phương tiện để đưa người đến chỗ chết, nếu kết quả thành, cũng mang tội sát.

Thế nào là KHÔNG TRỘM CƯỚP?  Trộm cướp có Năm Tướng, nếu không phạm các tướng đó, là KHÔNG TRỘM CƯỚP.  Năm Tướng ấy là:
Ðiều thứ nhất (VẬT KẺ KHÁC), vật thuộc quyền sở hữu của kẻ khác, trọng như vàng bạc châu báu, khinh như mũi kim ngọn rau, nếu người không cho mà lấy, là mang tội trộm; kể đến vật của quỷ thần, súc sanh.  Ðiều thứ hai (BIẾT VẬT KẺ KHÁC), biết vật của kẻ khác mà lấy, là cố tâm trộm cướp, tất nhiên đắc tội.  Trừ ra như khi để đồ chung, của kẻ khác lầm tưởng là của mình mà lấy, thì không đắc tội.  Ðiều thứ ba (NGHI TÂM), trường hợp hai món đồ giống nhau, đối với vật kẻ khác nghi ngờ không biết là của người hay của mình, vội lấy đi là đắc tội, vì có tâm mờ ám tham lam.  Ðiều thứ tư (TỰ LẤY BẢO NGƯỜI), tự mình lén trộm, hoặc dùng sức mạnh cướp giựt, cho đến dùng pháp thuật mà lấy, đều đắc tội.  Nếu mình không làm, song xui sử kẻ khác lấy đem cho mình, cũng mang tội trộm cướp.  Ðiều thứ năm (DÙNG PHƯƠNG TIỆN), nếu dùng mưu mô phương tiện, như ăn hối lộ, đầu cơ bán chợ đen, giả đạo đức để gạt người lấy của..., cũng đều mang tội trộm.

Thế nào là không TÀ DÂM?  Tà dâm có Năm Tướng, nếu không phạm các tướng đó, là KHÔNG TÀ DÂM.  Năm tướng ấy là:
Ðiều thứ nhất (CỦA KẺ KHÁC), đối với vợ hoặc chồng của kẻ khác, hay thanh nam thiếu nữ còn non dại dưới quyền thủ hộ của cha mẹ, mà dẫn dụ, cưỡng bức làm việc phi hạnh, là mang tội tà dâm; kể đến sự nhiễm phạm cùng quỷ thần, súc sanh.  Ðiều thứ hai (BIẾT CỦA KẺ KHÁC), nếu biết là vợ chồng hay con cái của kẻ khác mà xâm phạm, tất nhiên đắc tội, vì cố ý.  Như trường hợp lầm tưởng là chồng hay vợ của mình thì không phạm; điều nầy tuy ít khi xảy ra, nhưng chẳng phải là không có.  Ðiều thứ ba (NGHI TÂM), như có nam hoặc nữ song sinh rất giống nhau, nghi không biết là vợ hay chồng của mình mà làm tà hạnh thì đắc tội, vì có tâm gian nhiễm.  Ðiều thứ tư (TỰ HÀNH, PHI ĐẠO), như nam hay nữ tự làm việc thủ dâm, hoặc hành dâm, chẳng phải chỗ nam căn, nữ căn (phi đạo), đều đắc tội.  Ðiều thứ năm (PHI XỨ, PHI THỜI), tuy vợ chồng chánh thức, nhưng ăn nằm không phải chỗ, gần gũi không phải thời, không chừng độ, cũng phạm tội tà dâm.  Phi xứ ở đây, còn chỉ cho nơi lầu xanh, nhà chứa.

Thế nào là BỐN NGHIỆP LÀNH của MIỆNG?  Vọng ngữ gồm có một tướng chánh và bốn tướng phụ, nếu không phạm Năm Tướng đó, là KHÔNG VỌNG NGỮ.  Năm Tướng ấy là:
Ðiều thứ nhất (như tướng VỌNG NGỮ) là chỉ cho bốn điều ác của miệng:  nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều, nói thô ác.  Ðây là bốn điều chánh của vọng ngữ.  Ðiều thứ hai (NGHI TÂM), lòng còn nghi ngờ chưa biết việc ấy có thật hay không, liền vội nói ra với tánh cách quả quyết rằng có, tất phạm tội vọng ngữ.  Ðiều thứ ba (VÔ NGHĨA), nói những lời bông lông không chủ đích, trái với thật nghĩa, đã vô ích còn làm mất thời giờ của mình và người, đều là nói vọng.  Ðiều thứ tư (PHI THỜI), lời nói tuy có nghĩa lý, nhưng không phải thời phải lúc, rốt cuộc duy thành hư thuyết, chỉ làm người chán, không đem lại lợi ích cho ai, cũng là lỗi vọng ngữ.  Ðiều thứ năm (TƯƠNG ƯNG ÁC PHÁP), nói những lời châm biếm xa gần làm cho người khó chịu, hoặc lời bỡn cợt khiến cho người sanh buồn giận, sợ hãi, tán tâm, hay hát ca điều phi pháp, khích động dục niệm cho đến tâm háo sát căm thù của kẻ khác, đều là những lời tương ưng với ác pháp cũng mang tội nói vọng.  Bốn tướng sau đây là những điều phụ của vọng ngữ.

Thế nào là BA NGHIỆP LÀNH của Ý?  Ðó là KHÔNG THAM, KHÔNG SÂN, KHÔNG SI MÊ TÀ KIẾN.  


KHÔNG THAM là không luyến trước theo Ngũ Dục, hằng giữ lòng trong sạch.  KHÔNG SÂN là không giận trong những trường hợp vô lý hay hữu lý, mà hằng giữ lòng trung thứ xót thương.  KHÔNG SI MÊ TÀ KIẾN là không tối tăm hàng động trái với lẽ phải, hoặc chấp theo thiên kiến rồi khinh hủy Chánh Pháp, bài bác Nhân Quả, mà hằng tìm hiểu Kinh điển, suy nghiệm lẽ thật, làm cho trí huệ phát sanh.
Trên đây là lược thuyết về MƯỜI NGHIỆP LÀNH thuộc nhân thiên thừa.  Cũng mười điều nầy, đối với hàng Nhị Thừa và Bồ Tát, còn có những tầm mức sâu xa hơn nữa.  (Lược trích Pháp Uyển Châu Lâm)
Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật