Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

SỰ TÍCH ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa


THỜI PHẬT GIÁC HOA TỰ TẠI VƯƠNG
Đức Địa Tạng là một vị đã chứng bực Đẳng Giác trải đến vô lượng A tăng kỳ kiếp rồi.  Ngài có lời Đại Nguyện rằng:
"Nếu tôi chưa độ hết chúng sanh, thì tôi không chứng quả Bồ Đề, và nếu sự thọ khổ trong Địa Ngục hãy còn, thì tôi thề không chịu thành Phật".
Do cái Bổn Nguyện ấy, nên Ngài phân thân nhiều phen, đặng độ thoát hằng hà sa số chúng sanh đương tội khổ, trải đã không biết bao nhiêu kiếp rồi, mà Ngài cũng còn làm một vị Bồ Tát như vậy.  Còn như nói đến tiền thân của Ngài từ khi chưa chứng quả vị, có kiếp Ngài làm con gái, có kiếp thì Ngài làm con trai, và cũng có kiếp Ngài làm vua nữa.  Nay y theo KINH ĐỊA TẠNG của Phật THÍCH CA nói tại cung Trời Đao Lợi rất có chứng cớ rõ ràng, mà lược điển một sự tích, khi Ngài làm con gái dòng Bà La Môn như dưới này.
Hồi đời quá khứ, tại kiếp bất khả tư nghị A tăng kỳ, có Đức Phật GIÁC HOA TỰ TẠI VƯƠNG ra đời.  Sau Phật ấy nhập diệt rồi, đến thời kỳ Tượng Pháp thì Ngài ĐỊA TẠNG lúc ấy chưa chứng vị Bồ Tát, sanh làm con gái dòng Bà La Môn.  Vì nàng có Túc Phước rất nhiều, nên hết thảy mỗi người trong hàng thân thích đều tôn trọng cung kính, cho đến khi đi đứng nằm ngồi, cũng đều có hàng Chư Thiên ủng hộ.  Ngặt vì Thân Mẫu của nàng tín theo ngoại đạo, nên thường đem lòng tà niệm mà khinh khi Tam Bảo, đã không tin nhân quả nghiệp báo, mà lại còn chê bai Chánh Pháp nữa.
Khi đó nàng đã biết Mẹ mình không tin Phật Pháp, thế nào đến khi thác rồi cũng phải trầm luân nơi khổ ải, nên nàng mới hết lòng khuyên can, sớm tối kiếm nhiều lời, phương tiện mà giảng nói, muốn làm sao cho Mẹ mình tín ngưỡng theo Chánh Giáo, thì mới đành lòng.  Song khuyên thì khuyên, can thì can, mà Thân Mẫu của nàng Ác Nghiệp đã dãy đầy và Tín Tâm lại cạn cợt, nên chẳng có chút gì tin theo.
Ôi chẳng bao lâu bà đã nhuốm bệnh trầm kha, bổng chốc hóa ra người thiên cổ.  Vì lúc sanh tiền Ác Nghiệp đã thành thục, nên chi thần hồn phải theo Nghiệp Quả mà đọa lạc vào Vô Gián Địa Ngục.  Còn phần nàng, một nỗi thì thương Mẹ cách biệt, dậm đất kêu trời, một nổi thì sợ Mẹ trầm luân, kinh hồn hãi vía, ngổn ngang trăm mối bên lòng, ăn không ngon, nằm không ngủ, đêm ngày than khóc, ngàn thảm muôn sầu.  Tưởng trong cảnh huống ấy, nếu có phương gì mà cứu Mẹ được, dầu thịt nát xương mòn nàng cũng không hề tiếc, huống chi nói đến sự gì.  Khi ấy nàng mới bán hết nhà cửa ruộng vườn, rồi mua sắm đủ các thứ hương hoa và những đồ quí báu đem đến Chùa Phật mà dâng cúng.
Lúc nàng vào chùa lễ lạy, xem thấy hình tượng của Đức GIÁC HOA TỰ TẠI VƯƠNG Như Lai sơn vẻ trang hoàng, oai dung nghiêm chỉnh, dường như một vị Phật sống thì trong lòng nàng lại bội phần kính ngưỡng.  Nàng lễ bái rồi tự nghĩ rằng:
“Phật là bực Đại Giác, đủ trí sáng suốt và hiểu thấu các lẽ, nếu được Phật còn tại thế, thì trong lúc Mẹ ta chết rồi, thì có phạm tội gì và sanh về đường nào, ắt nhờ Phật từ bi chỉ bảo cho ta biết đặng, có đến nổi đâu mà thảm như thế này”
Nàng nghĩ như vậy rồi, cứ đứng nhìn sửng tượng Phật mà khóc, không chịu bước ra, dường có vẻ muốn tỏ lòng cầu khẩn với Phật mà mong Phật chỉ bảo chỗ thọ khổ của Mẹ mình và nhờ ơn cứu độ.  Vừa một chập lâu, thoạt nghe giữa thinh không có tiếng gọi rằng:
“Nàng Thánh Nữ kia!  Thôi đừng buồn rầu khóc lóc nữa, để ta chỉ chỗ thác sanh của Mẹ ngươi cho ngươi biết”.
Nàng nghe nói như vậy, liền chấp tay ngữa mặt lên hư không mà bạch rằng:
“Từ khi Mẹ tôi mất đến nay, ngày đêm thương nhớ, không biết hỏi han ai cho rõ chỗ thác sanh của Mẹ tôi, nay không biết Đức Thánh Thần chi mà có lòng đoái thương đến tôi như vậy”.
Lúc nàng nói vừa rồi, giữa thanh không lại có tiếng trả lời rằng:
“Ta đây là GIÁC HOA TỰ TẠI VƯƠNG Như Lai mà ngươi cúng dường lễ bái đó!  Vì thấy ngươi có lòng thương nhớ Mẹ rất tha thiết, thiệt là chí hiếu hơn hạng chúng sanh thường tình, nên ta đến đây mà chỉ bảo”.
Nàng nghe mấy lời Phật nói như thế, thì lòng thiết tha muốn biết rõ tin của Mẹ thác sanh về chỗ nào, nên không kể đến thân hình, liền gieo mình xuống đất, tay chân bủn rủn, chết điếng một hồi.  May đâu có những người ở hai bên xúm lại đỡ dậy, nên nàng mới hồi tỉnh lại, rồi bạch với giữa thanh không rằng:
"Xin Phật đem lòng từ bi thương xót mà chỉ dùm chỗ thác sanh của Mẹ tôi cho mau, chứ tôi đây hình mòn tâm khổ chẳng bao lâu phải chết".
Khi ấy Đức GIÁC HOA TỰ TẠI VƯƠNG Như Lai mới nói với nàng rằng:
“Ngươi cúng dường và lễ bái xong rồi, mau mau sớm trở về nhà, ngồi ngay thẳng và yên lặng mà nghĩ danh hiệu của ta, tự nhiên biết được xứ sở của Mẹ ngươi thác sanh”. 
Nàng lễ Phật vừa xong, liền trở về nhà cứ y theo lời Phật dạy, nàng ngồi yên lặng một chỗ, niệm danh hiệu của Đức Phật GIÁC HOA TỰ TẠI VƯƠNG một ngày một đêm.  Thình lình nàng thần mộng đi đến một chỗ bờ biển kia, nước cuồn cuộn sôi trào, ba đào sóng bủa, lại thấy nhiều giống ác thú, cả mình bằng sắt, nhảy nhót bơi chạy trên mặt biển, không biết là bao nhiêu, lại thấy những đàn ông và đàn bà, kể hơn trăm ngàn, lặn xuống trồi lên ở trên ấy, thảy đều bị những thú dữ kia dành giựt bấu xé mà ăn thịt.  Còn Quỷ Dạ Xoa thì hình thù khác nhau hoặc có thứ nhiều tay nhiều chân, hoặc có thú nhiều con mắt nhiều đầu, hoặc có thứ nanh bén nhọn như gươm mọc ló ra ngoài miệng, thảy đều áp lại lùa đuổi những bọn tội nhơn đến gần cho thú dữ kia ăn thịt.  Thiệt cái thảm trạng ấy không dám xem cho lâu!  Nhưng nàng nhờ có sức niệm Phật, nên tâm vẫn thanh tịnh, tự nhiên không có chút cho sự sợ hãi cả.  Xảy đâu có một Quỷ vương, tên là Vô Độc, thấy hình tướng nàng chẳng phải người phàm, oai nghi không giống kẻ tục, bèn đến trước mặt nàng cúi đầu nghinh tiếp mà bạch rằng:
“Dám hỏi Đức Bồ Tát vì duyên cớ chi mà đi tới đây?”
Nàng lại hỏi quỷ vương rằng: "Chỗ này kêu là xứ gì?"
Quỷ Vô Độc đáp rằng: “Đây là Biển Nghiệp Thứ Nhất, về phía Tây Núi Thiết Vi”.
Nàng nghe nói liền bảo rằng: “Ta nghe trong Núi Thiết Vi có Địa Ngục ở chính giữa, việc ấy quả như vậy hay không?”
Quỷ Vô Độc đáp rằng: “Thiệt có Địa Ngục, chớ không phải huyễn hoặc đâu!”
Nàng nghe rồi bèn khởi lòng kính nghi mà hỏi nữa rằng:
“Địa Ngục là nơi để giam nhốt những người có tội, còn Ta đây có lòng kính Ngôi Tam Bảo, mà duyên cớ gì cũng đi đến chỗ ấy như vậy?”
Quỷ Vô Độc đáp rằng:
“Phàm người đi đến đây có hai cách: một là có oai đức thần thông, đến cứu độ cho mấy người tội khổ, hay là đến chơi cho biết, hai là mấy người tội ác đã thành thục, phải đi tới đây mà chịu khổ.  Nếu trừ hai lẽ ấy ra, thì không thể đến đây được”. 
Nàng lại hỏi nữa rằng:
“Nước biển này duyên cớ sao mà lại sôi trào lên hoài, còn ở trong thì có nhiều tội nhân lặn lên hụp xuống, lại bị các loài thú dữ xâu xé ăn thịt như thế!”
Quỷ Vô Độc đáp rằng:
“Đây là chỗ nhốt những kẻ chúng sanh tạo ác ở cõi Diêm Phù Đề, nên khi chết rồi trãi qua 49 ngày, không ai kế tự, lo làm việc công đức đặng cứu vớt vong linh bị khốn nạn.  Còn những người đã chết đó, lúc sanh tiền lại không có chút mảy gì là điều Phước Thiện, vì vậy nên cứ theo Bổn Nghiệp của mình mà chiêu cảm lấy cái khổ báo ở nơi Địa Ngục tự nhiên trước hết phải đọa tới đây.  Ở bên phía Đông biển này, cách chừng mười vạn do tuần lại có một cái biển nữa, sự đày đọa của chúng sanh bị vào đó còn khổ hơn đây đến bội phần.  Còn bên mé Đông biển kia, lại có một cái biển khác, sự thảm trạng thống thiết không thể kể xiết!  Những hạng người thọ khổ là do bình nhựt ở thế gian tạo những Nghiệp Ác mà phải cảm lấy sự tội báo như vậy, nên ba cái biển đó đều gọi là Biển Nghiệp”.
Nàng lại hỏi quỷ Vô Độc rằng:
“Sao đây chỉ thấy có Biển Nghiệp mà thôi, còn Địa Ngục lại ở chỗ nào đâu?”
Quỷ Vô Độc đáp rằng:
“Ở giữa ba cái biển ấy là chỗ Địa Ngục.  Nếu kể số riêng ra thì nhiều đến trăm ngàn mà sự thọ khổ đều mỗi mỗi khác nhau, như nói về phần ngục lớn thì có 18 chỗ, còn nói về phần ngục trung thì có năm trăm chỗ và lại có ngàn trăm chỗ ngục nhỏ nữa.  Sự khổ độc trong mấy chỗ ngục đó không biết bao nhiêu mà kể cho xiết đặng!”
Nàng lại hỏi quỷ vương rằng:
“Mẹ ta khi chết đến nay tuy chưa bao lâu mà chẳng biết thần hồn đã đi đến chỗ nào?”
Quỷ Vương lại hỏi nàng rằng:
“Chẳng hay mẹ của Bồ Tát, lúc sanh tiền làm những nghiệp gì, xin tỏ cho tôi rõ”.
Nàng đáp rằng:
“Mẹ ta trước bị nhiễm theo tà kiến, chê bai Ngôi Tam Bảo, gửi lòng không thường, lập tánh không định, dẫu có nghe lời khuyên can mà tạm tín, rồi cũng trở lại hủy báng nữa.  Nay chết tuy chưa bao lâu, ắt có lẻ theo Ác Nghiệp ấy mà đọa vào khổ thú, nên ta muốn tìm cho biết chỗ sanh xứ của Mẹ ta, nhưng không hiểu ở nơi nào?”
Quỷ Vô Độc hỏi rằng: “Vậy chờ Mẹ của Bồ Tát tên họ là chi?”
Nàng đáp rằng: “Cha tên là Thi La Thiện Hiện còn Mẹ hiệu là Duyệt Đề Lợi, đều là dòng dõi Bà La Môn cả”.
Quỷ Vô Độc nghe rồi, lật đật chấp tay mà bạch với nàng rằng:
"Xin Thánh Giả trở về bổn xứ, chẳng nên thương nhớ lịnh Thân Mẫu mà buồn rầu làm cho hao mòn quý thể.  Số là Duyệt Đề Lợi đã khỏi sự khổ ở chốn Địa Ngục này mà sanh lên cõi Trời cách nay đã ba ngày rồi.  Nguyên Bà nhờ có người con hết lòng thảo thuận, lập đàn tràng tu phước và cúng dường nơi tháp tự của Đức GIÁC HOA TỰ TẠI VƯƠNG Như lai, nên mới cảm đến Phật Thánh mà được sanh về cõi Trời như vậy.  Chẳng những Thân Mẫu của Bồ Tát nhờ phước đó mà thoát khỏi chỗ Vô Gián Địa Ngục, đặng sanh lên cõi Trời mà thôi, cho đến những người đồng thọ tôi ở đó cũng nhờ duyên phước ấy mà đều đặng an vui và đồng sanh về cõi Thiên Đàng trong ngày đó nữa?"
Quỷ Vương nói rồi, liền chấp tay tỏ vẻ cung kính mà xin lui.  Còn nàng thì trong lúc ấy, dường như chiêm bao tỉnh giấc, mới rõ biết việc này là nhờ Phật Lực làm cho thân mình được đi tới chỗ thác sanh của Mẹ như vậy.  Nên nàng cảm ơn Phật, lập tức đến trước bổn tượng của Đức GIÁC HOA TỰ TẠI VƯƠNG Như Lai mà phát lời thệ nguyện lớn rằng:
“Nay tôi nguyện cho đến kiếp vị lai nếu có chúng sanh nào tạo tội mà chịu khổ ở nơi Địa Ngục, bất luận là kẻ thân thuộc hay người cừu oán, tôi lập ra nhiều pháp môn phương tiện mà cứu độ cho đều được phân giải thoát tất cả”.


THỜI PHẬT THANH TỊNH LIÊN HOA MỤC
Hồi đời quá khứ vô lượng A tăng kỳ kiếp, có Đức Phật THANH TỊNH LIÊN HOA MỤC ra đời.  Sau Phật nhập diệt rồi, đến thời kỳ Tượng Pháp, thì Ngài ĐỊA TẠNG chưa chứng vị Bồ Tát, sanh làm người con gái, tên là Quang Mục.
Khi Mẹ nàng từ trần, thì nàng ngày đêm lo sợ, không biết Mẹ có thoát khỏi tội khổ hay không.  Có một bửa kia, nàng gặp một Thầy Tỳ Khưu đương khất thực, mà Thầy ấy chính là một vị La Hán đi giáo hóa chúng sanh.  Nàng bèn sắm đủ các món đồ ăn ngon quý, rồi mời vị La Hán ấy vào nhà mà cúng dường.  Khi Ngài thọ thực rồi, bèn hỏi rằng:
“Ngươi muốn cầu nguyện việc chi hay không?”
Nàng thưa rằng:
“Bạch Ngài!  Bởi vì ngày Mẹ tôi mất đến nay, tôi buồn rầu thương nhớ bội phần, nghĩ đến ơn nhũ bộ, đức sanh thành, thì ngàn kiếp muôn đời tôi cũng không quên đặng, nên tôi nguyện làm việc tư phước này đặng cầu siêu vong linh cho Mẹ tôi nơi chín suối.  Nhưng bổn phận tôi là người phàm mắt thịt, không biết Mẹ tôi thác sanh về chỗ nào?  Vậy xin Ngài từ bi chỉ bảo cho tôi biết”.
Vị La Hán thấy nàng Quang Mục tuổi nhỏ mà có lòng hiếu đạo như vậy, bèn nhập Định thấy Mẹ nàng bị đọa vào chỗ ác thú mà chịu nhiều nổi thống khổ rất nặng nề.  Khi Ngài xuất Định rồi, liền hỏi nàng rằng:
“Vậy chớ lúc còn sanh tiền ở trên dương thế, Mẹ ngươi làm những việc chi, đến nổi nay lại bị hiện báo ngay ở chỗ ác thú mà chịu hình phạt lớn lao như thế ?”
Nàng nghe nói khôn xiết nổi buồn rầu, liền khóc òa một hồi rồi thưa rằng:
“Bạch Ngài!  Số là bình nhựt sở hảo của Mẹ tôi chỉ thích ăn loài Cá Trạch, mà lại còn ưa ăn những trứng của nó, hoặc chiên xào, hoặc nấu nướng, không biết ngàn vạn nào mà kể xiết. Thường cái Nghiệp Sát Sanh của Mẹ tôi đó cũng đã quá nặng, vậy xin Ngài đem lòng từ bi thương xót đến kẻ thơ ấu này làm thế nào cứu vớt Mẹ tôi đặng thoát khỏi nơi khổ thú, thì ơn đức ấy vô lượng vô biên”.
Vị La Hán thấy tấm lòng chơn thiệt của nàng yêu cầu khẩn thiết như vậy, liền dùng cơ phương tiện mà khuyên nhủ nàng rằng:
“Ngươi nên chí thành xưng niệm danh hiệu của Phật THANH TỊNH LIÊN HOA MỤC, và phát tâm đắp vẻ sơn thếp hình tượng của Phật mà thờ, thì ngày sau nhờ cái công đức đó mà kẻ còn sống đặng thêm sự lợi ích, và người mất rồi lại khỏi sự khốn nàn, hai đàng đều nhờ phần Phước Báu tất cả”.
Khi nàng Quang Mục nghe lời của vị La Hán nói trên, nàng dẫu bỏ thân mạng cũng không tiếc, huống chi là sự gì.  Nên nàng liền bán hết thảy những đồ nữ trang và có bao nhiêu tiền của cũng đem ra mướn thợ tạo tượng Phật THANH TỊNH LIÊN HOA MỤC và mua vàng sơn thếp mà cúng dường như tỏ dấu yêu cầu đến Phật, đặng nhờ ơn cứu độ cho từ thân.  Có một đêm kia, ước chừng lúc canh ba, nàng vừa mơ màng giấc điệp, bỗng thấy Thân Phật hiện ra sắc vàng rực rỡ, lại có hào quang sáng chói mà tỏ cho nàng biết rằng:
“Mẹ ngươi chẳng bao lâu rồi cũng thác sanh vào nhà ngươi, hể vừa biết sự đói lạnh thì nói liền, khi đó ngươi sẽ rõ”.
Nàng Quang Mục tỉnh giấc dậy, thì biết là điềm linh ứng của Phật mách bảo, nhưng chưa hiểu cách thác sanh làm sao, nên luống những ưu sầu mà trông đợi.  Cách ít lâu, người tớ gái của nàng sanh được một đứa con, chưa đầy ba ngày mà đã biết nói.  Có một bửa nọ, đứa nhỏ thấy nàng Quang Mục liền cúi đầu mà khóc lóc rất thảm thiết, rồi nói rằng:
“Đường sanh nẻo tử, mối Nghiệp dây Duyên, nếu đã tạo tội thì tất phải chịu lấy Quả Báo, chớ không thể tránh được.  Ta đây vốn thiệt là Mẹ ngươi khi trước.  Từ lúc vĩnh biệt đến nay, ta bị đọa vào Địa Ngục, chịu nổi đắng cay, may nhờ Phước Lực của ngươi, nên ta mới được đầu thai lên đây.  Nhưng vì tội báo còn nặng nên ta phải sanh làm thân hèn hạ như thế này.  Đã vậy mà lại không thọ, ta chỉ sống được mười ba tuổi mà thôi, rồi lại phải chết vì bị đọa vào Ác Đạo nữa.  Bây giờ ngươi nghĩ có cách gì làm cho ta ngày sau thoát khổ ấy đặng hay không?"
Nàng nghe nói đầu đuôi tự sự, hiệp với lời của Phật mách bảo trong điềm chiêm bao, thì biết là thiệt Mẹ của mình, nàng động mối thương tâm, tơ sầu vấn vít, giọt lệ chứa chan, mà thưa với đứa nhỏ ấy rằng:
“Nếu quả là Mẹ tôi, thì chắc biết đặng những sự tội lỗi trong lúc sanh tiền làm Hạnh Nghiệp gì mà phải đọa vào Ác Đạo như vậy?  Xin tỏ hết cho tôi làm tin”.
Đứa nhỏ bèn nói rằng:
“Bởi ta ngày trước phạm vào hai Nghiệp Tội: một là sát sanh và hai là hay mắng người, nên phải đọa vào Địa Ngục mà chịu nổi khổ báo như vậy.  Nếu không nhờ Phước Lực của người niệm Phật và đắp vẻ hình tượng của Ngài mà thờ, đặng cầu cứu vớt cho ta, thì tưởng không phương gì mà ta mong phần giải thoát cho đặng”.
Nàng lại hỏi nữa rằng: “Vậy chớ những sự tội báo ở nơi Địa Ngục ra thế nào?”
Đứa nhỏ nói rằng: “Ôi sự thống khổ ấy không nở nói ra , mà đã nói thì cũng không biết chừng nào cho hết chuyện”.
Nàng nghe mấy lời ấy liền khóc òa, rồi ngữa mặt lên hư không mà bạch rằng:
“Tôi nguyện với Chư Phật xin đem lòng đại bi mà cứu cho Mẹ tôi đời đời khỏi đọa vào Địa Ngục, và từ nay cho Mẹ tôi khỏi phạm tội nặng mà sa vào đường Ác Đạo khác nữa”.
Nàng bèn ra quỳ trước bàn thờ Đức THANH TỊNH LIÊN HOA MỤC mà nguyện rằng:
“Nay tôi vái cùng Mười Phương Chư Phật, xin từ bi thương xót mà chứng minh cho mấy lời thệ nguyện của tôi ở giữa này.  Nếu Mẹ tôi đời đời lìa khỏi Ba Đường Dữ cùng khỏi làm người hèn hạ, và đến kiếp nào kiếp nấy cũng khỏi đầu thai làm thân con gái nữa, thì từ đó tôi đối trước tượng Phật THANH TỊNH LIÊN HOA MỤC đây cho đến trăm ngàn muôn ức kiếp về sau, hễ thế giới nào có chúng sanh bị các tội khổ ở trong Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh, thì tôi thệ nguyện ra sức cứu vớt cả thảy khỏi sự thống khổ nơi Ba Đường ấy và chừng người nào người nấy đều đặng thành Phật tất cả, tôi mới chịu chứng bực Chánh Giác”.
Khi nàng phát thệ nguyện vừa rồi, bỗng nghe giữa hư không có tiếng nói rằng:
“Này Quang Mục!  Ngươi có lòng từ bi mẫn rất lớn, biết vì Mẹ mà phát lời Đại Nguyện như thế, nay Ta là THANH TỊNH LIÊN HOA MỤC cho Mẹ ngươi mãn đến khi 13 tuổi, được thác sanh làm người Phạm Chí, hưởng thọ đến trăm tuổi, rồi sau lại được sanh về cõi Vô Ưu, hết sự lo phiền, đủ điều khoái lạc, lại sống lâu đến đời đời kiếp kiếp, và sau được thành Phật quả mà cứu độ tất cả chúng sanh ở cõi Nhân Gian và Thiên Thượng, nhiều như số cát sông Hằng”.
Nàng nghe đủ mọi điều tiên chúc của Phật tỏ bày, thì lấy làm vui mừng khôn xiết, liền lễ lạy mà cảm ơn đức Ngài.  Từ đó về sau nàng nuôi dưỡng và săn sóc đứa con nít ấy kỹ càng và khi đến 13 tuổi nó chết, nàng thương xót và chôn cất một cách tử tế như Mẹ vậy.
Theo Buddhismtoday.com

Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

SỰ TÍCH ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa


SỰ TÍCH ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT
Đức ĐẠI THẾ CHÍ khi chưa xuất gia học đạo thì Ngài chính là con thứ hai của Vua VÔ TRÁNH NIỆM tên là NI MA Thái Tử.  Ngài vâng lời Phụ Vương khuyên bảo, phát tâm cúng dường Phật BẢO TẠNG và đại chúng trọn trong ba tháng.  Quan Đại thần là BẢO HẢI thấy vậy bèn khuyến thỉnh rằng:
“Thưa Điện Hạ!  Trong sự tu Phước có hai thứ: một là tu Phước Hữu Lậu, hai là tu Phước Vô Lậu.  Song Phước Hữu Lậu dầu có to tát thế nào thì chỗ cảm báo cũng chỉ ở trong cõi Nhơn Thiên hưởng phần khoái lạc mà thôi, chớ không thoát khỏi luân hồi sanh tử.  Còn như Phước Vô Lậu thì chỗ kết quả ở ngoài ba cõi bốn dòng, kiếp kiếp đời đời tiêu diêu tự tại.  Vậy xin Điện Hạ nên vì tất cả chúng sanh mà cầu đặng Nhứt Thiết Trí, đem công đức ấy hồi hướng về đạo Vô Thượng Bồ Đề, thì sự Phước Báu không khi nào cùng tận, mà lại đặng viên mãn cái tâm nguyện nữa”.
NI MA Thái Tử nghe quan Đại Thần khuyên nói rành rẽ như thế, liền chấp tay thưa với Phật BẢO TẠNG rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn!  Nay tôi xin đem công đức cúng dường Phật và chúng Tăng trong ba tháng và những hạnh tu tập của tôi đã từng làm, như là: Ba Nghiệp của thân: KHÔNG SÁT HẠI chúng sanh, KHÔNG TRỘM CẮP của người và KHÔNG TÀ DÂM;  Bốn nghiệp của miệng: KHÔNG NÓI LÁO XƯỢC, KHÔNG NÓI THÊU DỆT, KHÔNG NÓI THÔ TỤC;  Ba nghiệp của ý: KHÔNG THAM NHIỄM danh lợi và sắc dục, KHÔNG HỜN GIẬN oán cừu, KHÔNG SI MÊ ám muội, cùng các món hạnh tu thanh tịnh của tôi, mà hồi hướng về Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và cầu đặng một thế giới rất trang nghiêm đẹp đẽ, như cõi Phật BIẾN XUẤT NHẤT THIẾT CÔNG ĐỨC QUANG MINH SANG VƯƠNG Như Lai, mà Ngài đã thọ ký cho Huynh Trưởng tôi đó vậy
Khi Đức Phật ấy thành đạo, trước hết tôi ra khuyến thỉnh Ngài nói đủ Pháp Tam Thừa liễu nghĩa mà hóa độ chúng sanh.  Trong khi đó, tôi cũng còn tu Bồ Tát đạo, làm việc Phật sự, dạy dỗ mọi người và làm những sự lợi ích cho các loài hữu tình, mà cầu mau đặng hoàn mãn các món công hạnh đã thệ nguyện.  Đến chừng Phật BIẾN XUẤT NHẤT THIẾT CÔNG ĐỨC QUANG MINH SANG VƯƠNG Như Lai diệt độ rồi, thì tôi sẽ thành đạo, kế ngôi Phật truyền Chánh Pháp mà hóa độ chúng sanh.  Những sự trang nghiêm đẹp đẽ trong quốc độ tôi, cùng là thời kỳ diệt độ và kiếp sơ trụ thế của Chánh Pháp tôi, đều nguyện y như công cuộc ứng hóa của Đức Biến Xuất Nhứt Thiết Công Đức Quang Minh Sang Vương Như Lai vậy”.
Phật BẢO TẠNG nghe mấy lời của NI MA Thái Tử nguyện liền thọ ký rằng:
“Theo như lòng của ngươi muốn thành tựu một thế giới rộng lớn trang nghiêm, thì qua đời vị lai, trải hằng hà sa kiếp, người sẽ được hoàn mãn các sự cầu nguyện ấy.  Vì người có lòng mong cầu một thế giới rất đẹp rất lớn như thế, nên ta đặt hiệu cho ngươi là ĐẮC ĐẠI THẾ, tức là ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát.  Sau khi Phật BIẾN XUẤT NHẤT THIẾT CÔNG ĐỨC QUANG MINH SANG VƯƠNG Như Lai nhập Niết Bàn rồi, người bổ xứ làm Phật hiệu là: THIỆN TRỤ TRÂN BẢO Như Lai kế tiếp ra đời mà hóa độ mọi loài hàm thức”.
NI MA Thái Tử nghe Phật BẢO TẠNG thọ ký rồi liền thưa rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn!  Nếu sự nguyện cầu của tôi quả đặng như lời Ngài thọ ký đó, tôi xin kính lễ Ngài và nhờ Ngài làm sao cho các thế giới đều vang động và ở giữa hư không có rải xuống nhiều thứ hoa thơm đẹp, lại có các Đức Phật ở các thế giới mười phương cũng đều thọ ký cho tôi như vậy nữa”.
NI MA Thái Tử thưa rồi vừa cúi lạy Phật, tức thì các thế giới mười phương cả núi sông, cây cối, và những vật có hình chất, đều rung động ra thành tiếng vang rền khắp cả, còn giữa hư không lại có các thứ bông rất thơm tho và tốt đẹp rơi xuống như mưa.  Các Đức Phật ở mười phương đều đồng tình thọ ký rằng:
“Tại cõi Tán Đề Lam có người đệ tử của Phật BẢO TẠNG Như Lai tên là NI MA, con thứ hai của Vua VÔ TRÁNH NIỆM phát tâm cúng dường Phật và đại chúng trót ba tháng, đem công đức ấy mà hồi hướng về Đạo Vô Thượng Bồ Đề và nguyện đặng ở cõi thế giới trang nghiêm.  Vì vậy nên trải qua hằng sa kiếp, người ấy sẽ bổ xứ thành Phật, sau khi Đức BIẾN XUẤT NHẤT THIẾT CÔNG ĐỨC QUANG MINH SANG VƯƠNG Như Lai đã nhập Niết Bàn”.
NI MA Thái Tử nhờ Phật BẢO TẠNG và các Đức Phật mười phương thọ ký rồi, lòng rất vui mừng hằng chăm tu tập công hạnh vô lậu mà cầu cho mau thỏa mãn những điều tâm nguyện.  Từ đó về sau, NI MA Thái Tử mạng chung rồi đầu thai ra thân khác đời khác, kiếp nào cũng hằng giữ Bổn Nguyện, quyết chí tu hành học đạo Đại Thừa, làm hạnh Bồ Tát, mở mang trí huệ cho chúng sanh và làm những sự nhiễu ích, đặng dìu dắt các loài ra khỏi sông mê mà bước lên đường giác.  Hiện nay, Ngài ĐẠI THẾ CHÍ đương làm một vị Đẳng Giác Bồ Tát, hầu gần Đức Phật A MI ĐÀ ở cõi Cực Lạc, trợ đương Phật hóa, tiếp dẫn chúng sanh, chờ đến thời kỳ quả mãn công viên mới bổ xứ làm Phật.

Theo: http://www.buddhismtoday.com/viet/botat/sutich_PhatAdida_7viBotat.htm

Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa


KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH THỦ LĂNG NGHIÊM
CHƯƠNG ĐẠI THẾ CHÍ
NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG
Trích dẫn lược giải của H/T. Tuyên Hóa

ĐẠI PHẬT ĐẢNH THỦ LĂNG NGHIÊM Kinh, bảy chữ này là tựa đề của Kinh.  ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG Chương là tựa đề của một chương trong bộ Kinh ấy.  Hôm nay vì thời gian có hạn cho nên tôi không giải thích tựa KINH LĂNG NGHIÊM, chỉ đơn thuần giải thích tựa Kinh cũng đòi hỏi rất nhiều thời giờ, vì vậy tôi chỉ giảng sơ lược mà thôi.  Bộ KINH LĂNG NGHIÊM này gồm có Chú Lăng Nghiêm.  Hai chữ LĂNG NGHIÊM có nghĩa là Cứu Cánh Kiên Cố.  Tại Trung Quốc bộ Kinh này có tầm quan trọng đặc biệt, nên có câu: “Thành Phật có Pháp Hoa - Khai tuệ có Lăng Nghiêm”.  Tôi rất hoan hỷ giảng KINH LĂNG NGHIÊM và KINH PHÁP HOA, vì hai bộ Kinh này giúp khai mở trí tuệ và giúp thành Phật.  Chẳng những tôi hoan hỷ mà còn mong muốn mỗi Phật tử đều nghiên cứu để am tường đạo lý trong Kinh, đặc biệt là KINH LĂNG NGHIÊM.

Nói đến KINH LĂNG NGHIÊM, tôi nhớ tại Trung Qưốc có một vị TRÍ GIẢ Ðại Sư bình sanh chỉ nghe tên bộ Kinh này là liền ao ước được trì tụng.  Hằng ngày, Ngài hướng về Ấn Ðộ rập đầu lễ bái, hy vọng có thể thấy tận mắt bộ Kinh này.  Ngài lễ bái suốt mười tám năm mà vẫn chưa thấy được bộ Kinh.  Trí tuệ của TRÍ GIẢ Ðại Sư rất vượt bực và biện tài của Ngài rất là vô ngại, nhưng Ngài vẫn hết sức thành kính lễ bái bộ KINH LĂNG NGHIÊM.  Như vậy đủ chứng tỏ tầm quan trọng của bộ Kinh này.  Kinh Lăng Nghiêm còn lưu hành trên thế gian, thì thiên ma ngoại đạo đều không dám xuất hiện. Bất hạnh thay, vào thời Mạt Pháp KINH LĂNG NGHIÊM sẽ là bộ Kinh bị mất trước tiên.  Một khi bộ KINH LĂNG NGHIÊM này không còn trên thế gian nữa, thiên ma ngoại đạo sẽ mặc sức lộng hành.   Thậm chí hiện nay có một số người tự xưng là chuyên gia về Phật Học mạo nhận là học giả từng nghiên cứu Phật Pháp, hoặc là giáo sư Khoa Học Phật Học của một trường đại học nào đó, và công nhiên đề xướng rằng KINH LĂNG NGHIÊM là giả, do người Trung Quốc ngụy tạo.  Quý vị hãy nghĩ xem tuy rằng có rất nhiều Thánh Nhơn xuất hiện ở Trung Quốc nhưng tôi tin chắc rằng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được vị Thánh Nhân đã tạo ra KINH LĂNG NGHIÊM đó.  Cho nên tôi tuyệt đối tin rằng bộ KINH LĂNG NGHIÊM này là thật, là chính xác, và là một bộ Kinh khả dĩ hàng phục thiên ma, chế ngự ngoại đạo.  Vì trong CHÚ LĂNG NGHIÊM toàn là những câu Thần Chú dùng để hàng phục thiên ma, chế ngự ngoại đạo.  Từ câu chú đầu tiên đến câu chú cuối cùng, mỗi câu đều có một sự diệu dụng và uy lực bất khả tư nghì của nó.  Cho nên Phật vì CHÚ LĂNG NGHIÊM mà thuyết KINH LĂNG NGHIÊM.
Ðại là gì?  Ðại là trái với tiểu, nhưng ở đây đại mà vô ngoại, nghĩa là chẳng có gì lớn hơn nữa.  Ðại ở đây là thể của Pháp, đồng thời cũng là Phật Tánh của chúng sanh.  Ðó là "đại nhi vô ngoại," "tiểu nhi vô nội" bao trùm tận hư không gồm hết Pháp Giới.  Do đó nói rằng ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát làm một động tác như đưa tay lên hoặc bước tới một bước, thì Thập Phương Thế Giới đều rúng động.  Uy lực của Ngài vô cùng lớn lao, cho nên gọi là ĐẠI THẾ CHÍ.  Bởi vậy khi Ngài di động, cả Mười Phương Thế Giới đều rúng động.  Có người thắc mắc: Ngài thường đi đây đi đó hay không?  Quý Phật tử chớ nên bận tâm về việc này, vì một khi Ngài ĐẠI THẾ CHÍ di chuyển thì Thập Phương Thế Giới thường chấn động, do đó Ngài thường ở trong Đại Định.  Tuy nhiên, mặc dù Ngài nhập Định nhưng Ngài vẫn có mặt cùng khắp, hào quang của Ngài chiếu sáng cùng khắp, trí tuệ của Ngài cũng ở cùng khắp.  Quý Phật tử cũng chẳng nên nghĩ rằng: Oh!  Ngài Thập Phương Thế Giới Bồ Tát nhất định là một vị rất quê mùa, thô lổ.  Nếu không như thế thì bước chân của Ngài đâu có thể làm chấn động Thập Phương Thế Giới?  Nhất định bước chân của Ngài rất nặng nề.  Chẳng phải như thế đâu.  Không phải bước chân của Ngài nặng nề như quý vị suy đoán.  Quý vị không nên lấy cái tri kiến của phàm phu mà suy đoán Thánh Nhơn.  Chẳng qua là oai đức của Ngài làm chấn động Thập Phương Thế Giới.  Không những Ngài có oai đức to tát như vậy mà Ngài còn có thể dùng năng lực của mình để khiến cho Thập Phương Thế Giới được bình an vô sự, chẳng có mảy may chấn động.  Cho nên mặc dù Ngài có năng lực như vậy nhưng chưa hẳn Ngài mang quyền lực này ra sử dụng, đó là ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát.  Vừa qua tôi đã giảng nghĩa ba chữ ĐẠI THẾ CHÍ.  

Tôi xin quý vị hãy nhận thức rõ ràng hai chữ Niệm Phật trong chương ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG.  Ý nghĩa của Kinh Văn chẳng phải là Ngài ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát được thỉnh cầu niệm Phật, mà là ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát hiện thân thuyết Pháp, dạy chúng ta và hết thảy chúng sanh rằng:

"Tôi nhờ Pháp Môn Niệm Phật mà đắc Viên Thông.  Nếu người nào y theo phương pháp này tu hành thì khả dĩ cũng đắc Viên Thông."

Ngài đã đắc Viên Thông, Ngài muốn hết thảy chúng sanh đều đắc viên thông như Ngài.  Cho nên Niệm Phật ở đây chẳng phải chính Ngài ĐẠI THẾ CHÍ niệm Phật, vì Ngài đã Niệm vô sở niệm, Ồ chẳng niệm mà niệm, niệm mà không niệm.  Ngài đã đạt mức Viên Thông này và nhiều kinh nghiệm về Pháp Môn Niệm Phật.  Niệm Phật có bốn phương pháp: 1. TRÌ DANH niệm Phật., 2. QUÁN TƯỢNG niệm Phật., 3. QUÁN TƯỞNG niệm Phật., 4. THỰC TƯỚNG niệm Phật.

1. TRÌ DANH NIỆM PHẬT
Trì Danh niệm Phật là thường thường chuyên niệm sáu tiếng Nam Mô A Di Ðà Phật.  Lúc tôi ở tại Ðài Bắc tôi gặp một người rất bướng bỉnh.  Tôi bảo y niệm Phật, y trả lời: Niệm Phật nào có lợi ích gì? Thay vì niệm Phật thì để tôi niệm tôi hay hơn.  Tôi đáp: Cũng vậy thôi, nếu ông niệm ông, mà có thể thành Phật được thì cũng được thôi.  Chúng ta niệm Phật là vì Đức Phật A DI ĐÀ lúc còn ở nhân địa đã phát Bốn Mươi Tám Đại Nguyện.  Một trong Bốn Mươi Tám Đại Nguyện ấy là:

"Tất cả chúng sanh trong Thập Phương Thế Giới, nếu có người nào xưng danh hiệu tôi thì người đó nhất định thành Phật; nếu người đó không thành Phật thì tôi thề không thành Chánh Giác, tôi cũng chẳng thành Phật."

Căn cứ vào lời Đại Nguyện này, chúng ta chẳng khác gì được đi trên một chiếc thuyền để đến bờ bên kia.  Nguyện Lực của Phật A DI ĐÀ chính là bản hợp đồng mà trong quá khứ Ngài đã cùng chúng ta và chúng sanh trong thập phương ký kết với nhau.  Cho nên, nếu chúng ta niệm Phật mà chẳng được sanh về Thế Giới Cực Lạc thì Đức Phật A DI ĐÀ cũng thiếu tư cách để thành Phật.  Vì mối quan hệ này cho nên mỗi chúng ta nên thành tâm thực hành Pháp Môn Niệm Phật.  Pháp Môn Niệm Phật là một pháp môn đơn giản nhất, viên dung nhất, một pháp môn đi tắt chóng thành Phật nhất.  Pháp môn này cũng chẳng đòi hỏi nhiều thời gian, chẳng phải hao tốn tiền bạc.  Người già cả cũng có thể niệm Phật, người trẻ tuổi cũng có thể niệm Phật, kẻ tráng niên cũng có thể niệm Phật, người bịnh cũng như người khỏe mạnh đều có thể niệm Phật.  Theo pháp môn Niệm Phật này thì: Tam căn phổ bị - Lợi độn kiêm thu.  Tam Căn Phổ Bị Ba Căn Thượng, Trung, Hạ tức là kẻ có trí tuệ, người bình thường, kẻ ngu đần.  Cả ba hạng người này đều có thể niệm Phật để được sanh về Thế Giới Cực Lạc.  Lợi Độn Kiêm Thu là bao gồm cả hạng người thông minh nhất như PHỔ HIỀN Bồ Tát, VĂN THÙ SƯ LỢI Bồ Tát, hai Ngài đều phát nguyện vãng sanh Tịnh Ðộ lẫn hạng người ngu đần nhất.  Ngay cả loài súc sanh như chim Anh Võ, chim Bát Ca chúng đều niệm Phật và cũng được vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc, hà huống là "vạn vật chi linh, như loài người chúng ta" mỗi người niệm Phật đều có hy vọng vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Vì Ðức Phật A DI ĐÀ và chúng ta có ký kết hợp đồng, không lý Ngài đã ký kết rồi bỏ qua hay sao?  Cho nên chúng ta dựa vào hiệu lực của hợp đồng này nhất quyết có thể vãng sanh về Thế Giới Tây Phương Cực Lạc vậy.

2. QUÁN TƯỢNG NIỆM PHẬT
Quán Tượng tức là thỉnh một bức tượng Phật A DI ĐÀ rồi vừa niệm Phật vừa quán tưởng Tướng Hảo Trang Nghiêm của Phật A DI ĐÀ, nhất là ánh hào quang Tướng Bạch Hào giữa hai mắt.  Thường thường quán tượng để niệm Phật rất dễ đắc Niệm Phật Tam Muội, đạt tới Nhất Tâm Bất Loạn.  Chủ yếu trong việc niệm Phật là đạt tới V, đắc Niệm Phật Tam Muội.  Nếu quý vị đắc Niệm Phật Tam Muội thì dù có mưa to gió lớn cũng không lay chuyển.  Bất luận quý vị đi, đứng, ngồi, hay nằm, nhứt nhứt đều ở trong Tam Muội, đi cũng DI ĐÀ, ngồi cũng DI ĐÀ; đi cũng Phật, ngồi cũng Phật.  Quý vị ở trong Tam Muội thì sẽ được thấm nhuần nước trí tuệ.  Ðạt tới Niệm Phật Tam Muội, Nhất Tâm Bất Loạn thì nhất định sẽ được vãng sanh.

3. QUÁN TƯỞNG NIỆM PHẬT
Quán Tưởng tức chỉ đơn thuần quán tưởng, không cần phải có tượng Phật trước mặt.  Quán tưởng:
A DI ĐÀ Phật thân kim sắc
Tướng Hảo quang minh vô đẳng luân
Bạch Hào uyển chuyển ngũ Tu Di
Cám mục trừng thanh tứ đại hải
Quang trung hóa Phật vô số ức
Hóa Bồ Tát chúng diệc vô biên
Tứ thập bát nguyện độ chúng sanh
Cửu Phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn

Quán tưởng bài kệ tán Phật này cũng có thể đắc Niệm Phật Tam Muội.

4. THỰC TƯỚNG NIỆM PHẬT
Thực Tướng Niệm Phật tức niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, lúc đó hành giả đi vào Tham Thiền.  Cho nên người hiểu rõ niệm Phật chân chính không phản đối Tham Thiền; người hiểu rõ Tham Thiền chân chính cũng chẳng phản đối Niệm Phật.  Chẳng những không phản đối Niệm Phật mà cũng chẳng phản đối Giáo Tông, Mật Tông, Luật, Mật, Tịnh nhưng hợp lại thì "nhất tông bất lập" một tông cũng chẳng có, tất cả đều hổ trợ lẫn nhau, tông này cùng tông nọ đều có mối tương quan với nhau.  Chúng ta là chúng sanh chẳng nên tự sanh tâm phân biệt, chẳng nên "đầu thượng an đầu" trên đầu còn đặt thêm đầu nữa, nói rằng: "Thiền tông là Thiền tông, Mật tông là Mật tông, chẳng có tương quan gì cả"  không phải như vậy!  Tất cả các tông vốn là một, vốn chẳng có phân biệt quá nhiều như vậy, chỉ vì chúng sanh không có việc chi làm, muốn tìm cái gì để làm, cho nên phân ra đây một tông, đó một tông; nam một tông; bắc một tông; đông một tông; tây một tông, trên một tông, dưới một tông, rốt cuộc chẳng biết tôi thuộc tông nào, ông thuộc tông nào.  Tại Mỹ thường có người hỏi tôi: Chẳng hay thầy thuộc tông nào?  Tôi đáp: Chẳng tông nào cả.  Nếu tôi thuộc một tông thì tôi đang ở trong một phạm vi hạn hẹp; tôi chẳng thuộc tông nào thì tận hư không, cùng khắp Pháp Giới đều là của tôi, bao trùm tất cả.  Tại sao tôi lại tự vẽ cho mình một phạm vi nhỏ bé, tạo ra một giới hạn chật hẹp, nói rằng mình thuộc một tông nào đó?  Tôi thuộc Phật giáo, không có tông mà cũng chẳng có phái lại cũng chẳng có môn mà cũng không có hộ.  Tôi với tông nào cũng là một.  Tôi thường nói thế này:

Chân nhận tự kỷ thác,
Mạc luận tha nhân phi,
Tha phi tức ngã phi,
Ðồng thể danh Ðại Bi

Thành thật nhận lỗi mình
Chớ bàn luận lỗi người
Lỗi người tức lỗi mình
Ðồng thể tức Ðại Bi

Hãy nhìn nhận một cách thành thật lỗi lầm của mình, không nên bàn luận lỗi lầm của người khác, kẻ khác có lỗi lầm tức mình có lỗi lầm, lỗi lầm của họ cũng là lỗi lầm của mình, phải tìm cách tự sửa sai mới đúng.  Chớ nên bất cứ lúc nào miệng cũng luôn nói: Không đúng, không đúng, không đúng!  Thử hỏi như vậy có ích lợi chi?  Cho nên có câu: "Ðồng thể danh đại bi" vì tất cả đều là một thể, đó là đại bi tâm.  Quý vị đi đâu để tìm đại bi tâm?  Quý vị tìm nó từ bản thân của quý vị, chẳng cần đi tìm cầu bên ngoài.  Như vậy Thực Tướng Niệm Phật tức là Tham Thiền.  Do đó quý vị Thiện Tri Thức chớ nên làm một đệ tử bất hiếu của Phật THÍCH CA MÂU NI, chớ nên luôn quấy nhiễu, chớ nên gây tổn thương tình ruột thịt, chớ nên tự tạo rắc rối cho mình.  Ðó là kỳ vọng của tôi đối với Phật giáo hiện đại. 

Kinh ĐẠI BẢO TÍCH nói:

"Vào thời Mạt Pháp, một ức người tu hành chỉ một người đắc đạo cũng rất là hiếm, duy có nương vào Niệm Phật mà đắc độ"

Tu hành vào thời Mạt Pháp không dễ gì đắc đạo, duy có nương vào Pháp Môn Niệm Phật mới dễ thành tựu đạo nghiệp.  ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát là một trong Tam Thánh ở cõi Tây Phương mà Đức Giáo Chủ là Phật A DI ĐÀ.  Ðức QUÁN THẾ ÂM và Ðức ĐẠI THẾ CHÍ cùng đến giúp Ngài tiếp dẫn chúng sanh về cõi Cực Lạc.  Cho nên Pháp Môn Niệm Phật rất được các Ngài đề cao.  Chúng ta niệm Phật cần niệm đến mức Nhất Tâm Bất Loạn, đạt tới Niệm Phật Tam Muội.  Muốn đạt tới trình độ này thì phải làm thế nào?  Trước tiên phải Chuyên Nhất, luôn giữ Chánh Niệm mà Trì Danh Niệm Phật.  Cách đây hơn hai mươi năm tôi có viết một bài Kệ về niệm Phật, nay xin đọc lại cho quý vị nghe.  Kệ rằng:

Niệm Phật năng niệm vô gián đoạn
Khẩu niệm DI ĐÀ đả thành phiến
Tạp niệm bất sanh đắc Tam Muội
Vãng sanh Tịnh Ðộ định hữu phần
Chung nhật yếm phiền Ta Bà khổ
Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn
Cầu sanh Cực Lạc ý niệm trọng
Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm

Niệm Phật niệm hoài không gián đoạn
Hồng danh đồng khởi tại tâm can
Tạp niệm không sanh Tam Muội được
Vãng sanh Tịnh Độ có phần sang
Trọn ngày chán nản Ta Bà khổ
Tâm niệm hồng trần dứt sạch quang
Cầu sanh Cực Lạc luôn trong ý
Nhiễm niệm dứt trừ, tịnh niệm toàn

"Niệm Phật năng niệm vô gián đoạn"  tức là quý Phật tử có thể niệm Phật đến độ không gián đoạn.  "Khẩu niệm Di Ðà đả thành phiến" tức quý vị luôn niệm Sáu Tiếng Hồng Danh “Nam Mô A DI ĐÀ Phật" niệm cho đến gió thổi chẳng lọt, mưa tuôn không thấm.  Lúc đó mới thực sự đạt tới cảnh giới Niệm Phật Tam Muội, cho nên mới nói rằng miệng niệm DI ĐÀ khư khư chẳng rời.  "Tạp niệm bất sanh đắc Tam Muội" tức là hết thảy tạp niệm đều không nảy sanh, cho nên nói rằng: Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện; Lục căn thoáng động bị mây che.  Quý vị có thể niệm cho đến một niệm cũng chẳng sanh, thì tạp niệm gì cũng chẳng còn, như vậy ắt đắc niệm Phật Tam Muội.  "Vãng sanh Tịnh Ðộ định hữu phần" một khi đạt tới Niệm Phật Tam Muội rồi thì nhất định được sanh về cõi Tịnh Ðộ.  Quý vị nhất định có hy vọng sanh về Thế Giới Tây Phương Cực Lạc bốn câu trước đã giải thích qua, sau đây là bốn câu còn lại: "Chung nhật yếm phiền Ta Bà khổ" tức là ngày ngày đều cảm thấy cõi Ta Bà đầy khổ não, Thế Giới Cực Lạc rất an vui, cho nên mình hãy luôn nhàm chán cõi khổ Ta Bà.  "Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn" tức tâm niệm hồng trần mới diệt được.  Vì mình chán ghét cái khổ nên muốn được an lạc, hễ muốn có an lạc thì hãy từ bỏ những thú vui vật chất tạm bợ trên thế gian.  "Cầu sanh Cực Lạc ý niệm trọng" điều rất quan trọng là có tâm mong cầu vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc.  "Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm" nghĩa là mình có thể rời bỏ ý niệm nhiễm ô thì là lúc Tịnh Ðộ đã chín muồi.  Trái lại, nếu vẫn còn níu kéo cái ý niệm ô nhiễm kia thì nhứt quyết chẳng thể nào vui hưởng sự an lạc thanh tịnh của Thế Giới Cực Lạc được.  Bài Kệ tám câu này tuy rất ngắn gọn nhưng nếu ta suy ngẫm kỹ thì rất lợi lạc cho ai tu Pháp Môn Tịnh Ðộ.

ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát đắc Niệm Phật Viên Thông.  Viên là viên dung vô ngại; thông là thông đạt.  Niệm Phật tới mức vừa viên dung lại vừa thông đạt, tức là niệm Phật đến viên mãn, niệm đến thành tựu, đồng thời cũng chứng đắc sự và lý đều viên dung vô ngại.  Ðạt được cảnh giới này thì gọi là Viên Thông.  Chương tức là chương của Hai Mươi Lăm Viên Thông trong KINH LĂNG NGHIÊM.  Nếu quý vị muốn hiểu đầy đủ Hai Mươi Lăm Viên Thông xin nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm.

TRÍ GIẢ Ðại Sư lúc chưa thấy bộ KINH LĂNG NGHIÊM đã từng hướng về nước Ấn Ðộ ở Phương Tây rập đầu lạy tên bộ Kinh này.  Ngài lạy như vậy trong mười tám năm, nhưng rất tiếc Ngài vẫn chưa được trông thấy tận mặt bộ Kinh.  Như vậy chúng ta may mắn có thiện duyên hơn TRÍ GIẢ Ðại Sư, chẳng cần lễ bái nhiều năm mà đã gặp được KINH LĂNG NGHIÊM.  Quý vị nghĩ xem, có phải nhân duyên của chúng ta hơn TRÍ GIẢ Ðại Sư chăng?

Chánh Văn:

ĐẠI THẾ CHÍ Pháp Vương Tử, dữ kỳ đồng luân, ngũ thập nhị Bồ Tát, tức tùng tọa khởi, đảnh lễ Phật túc, nhi bạch Phật ngôn:

“Ngã ức vãng tích, hằng hà sa kiếp, hữu Phật xuất thế, danh VÔ LƯỢNG QUANG, thập nhị Như Lai, tương kế nhất kiếp.  Kỳ tối hậu Phật, danh SIÊU NHẬT NGUYỆT QUANG.  Bỉ Phật giáo ngã Niệm Phật Tam Muội.  Tỷ như hữu nhân, nhất chuyên vi ức, nhất nhơn chuyên vọng.  Như thị nhị nhơn, nhược phùng bất phùng, hoặc kiến phi kiến.  Nhị nhơn tương ức, nhị ức niệm thâm.  Như thị nãi chí, tùng sanh chí sanh, đồng ư hình ảnh, bất tương thừa di.  Thập phương Như Lai, lân niệm chúng sanh, như Mẫu ức tử, nhược tử đào thệ, tuy ức hà vi?  Tử nhược ức Mẫu, như Mẫu ức thời, Mẫu tử lịch sanh, bất tương vi viễn. Nhược chúng sanh tâm, ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai tất định kiến Phật.  Khứ Phật bất viễn, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai.  Như nhiễm hương nhơn, thân hữu hương khí, thử tắc danh viết, hương quang trang nghiêm.  Ngã bản nhân địa, dĩ niệm Phật tâm, nhập Vô Sanh Nhẫn, kim ư thủ giới, nhiếp niệm Phật nhơn, quy ư Tịnh Ðộ.  Phật vấn Viên Thông, ngã vô tuyển trạch, đô nhiếp Lục Căn, tịnh niệm tương kế, đắc Tam Ma Ðịa, tư vi đệ nhất”.

Ngài ĐẠI THẾ CHÍ Pháp Vương Tử cùng với năm mươi hai vị Bồ Tát đồng tu một pháp môn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật mà bạch Phật rằng:

"Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có Đức Phật ra đời, tên là VÔ LƯỢNG QUANG; lúc ấy mười hai Đức Như Lai kế nhau thành trong một kiếp, Đức Phật sau hết, hiệu là SIÊU NHẬT NGUYỆT QUANG, dạy con pháp Niệm Phật Tam Muội.  Ví như có người, một đằng chuyên nhớ, một đằng chuyên quên, thì hai người ấy, dầu gặp cũng không là gặp, dầu thấy cũng là không thấy; nếu cả hai đều nhớ nhau, hai bên nhớ mãi, khắc sâu vào tâm niệm, thì đồng như hình với bóng, cho đến từ đời này sang đời khác, không bao giờ cách xa nhau.  Thập phương Như Lai thương tưởng chúng sinh như Mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh, thì tuy nhớ, nào có ích gì; nếu con nhớ Mẹ như Mẹ nhớ con, thì đời đời Mẹ con không cách xa nhau.  Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, tưởng Phật, thì hiện nay hay về sau, nhất định thấy Phật; cách Phật không xa thì không cần phương tiện, tâm tự khai ngộ như người ướp hương thì thân thể có mùi thơm, ấy gọi là hương quang trang nghiêm.  Bản nhân của con là dùng tâm niệm Phật mà vào Vô Sinh Nhẫn, nay ở cõi này tiếp dẫn những người niệm Phật về cõi Tịnh Độ.  Phật hỏi về Viên Thông, con thu nhiếp tất cả Sáu Căn, không có lựa chọn, tịnh niệm kế tiếp, được vào Tam Ma Đề, đó là thứ nhất".

Lược giải:


ĐẠI THẾ CHÍ Pháp Vương Tử, dữ kỳ đồng luân, ngũ thập nhị Bồ Tát, tức tùng tọa khởi, đảnh lễ Phật túc, nhi bạch Phật ngôn:

ĐẠI THẾ CHÍ tức là vị Đại Bồ Tát có uy lực lớn.  Ngài còn có tên là VÔ BIÊN QUANG XÍ THÂN Bồ Tát vì hào quang của Ngài tỏa khắp Mười Phương Quốc Độ.  Pháp Vương Tử: Phật là Pháp Vương, là Vua Các Pháp.  Quốc gia thì có Quốc Vương, trên trời thì có Ngọc Hoàng, tức là Thiên Vương.  Phật là Pháp Vương, còn Bồ Tát thì sao?  Bồ Tát là đệ tử của Pháp Vương, cho nên Pháp Vương Tử có nghĩa là đệ tử của Pháp Vương.  Do đó có câu rằng: "Phật là Pháp Vương, tự tại nơi pháp.  Bồ Tát là người học Phật Pháp cho nên là đệ tử của Pháp Vương.  Vị ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát này là đệ tử của Pháp Vương.  Chẳng những chỉ có Ngài mà còn có "dữ kỳ đồng luân, ngũ thập nhị Bồ Tát."  Dữ kỳ đồng luân tức cũng là Bồ Tát như Ngài.  Luân có nghĩa là loại, nghĩa là cũng y như Ngài.  Tuy nói là Bồ Tát như Ngài nhưng ít nhiều cũng có điểm khác nhau, vì có Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Ðiạ, tất cả là năm mươi vị.  Lại có thêm Ðẳng Giác và Diệu Giác Bồ Tát, cộng tất cả là năm mươi hai vị.  Năm mươi hai vị Bồ Tát tức là Năm Mươi Hai Quả Vị, và số Bồ Tát trong Năm Mươi Hai Quả Vị thì vô lượng vô biên.  Cho nên Ngài ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát cùng với năm mươi hai vị Bồ Tát "tức tùng tòa khởi."  Lúc nói Viên Thông thứ hai mươi ba xong thì những vị Bồ Tát bèn từ chỗ ngồi của mình đứng dậy.  Mỗi vị Bồ Tát đều có chỗ ngồi riêng của mình.  BồTát có ý kiến cần phát huy, muốn trình bày cái Viên Thông sở đắc của mình nên mới từ chỗ ngồi đứng dậy.  Ðó cũng biểu thị:
Pháp chẳng tự khởi
Theo cảnh mà sanh
Ðạo chẳng hư dối
Gặp duyên tất ứng

"Tức tùng tòa khởi" cũng ám chỉ rằng Phật sắp nói Pháp, và đồng thời cũng ám chỉ Bồ Tát cũng sẽ nói về đạo lý Viên Thông mà Ngài chứng đắc.  "Ðảnh lễ Phật túc" đây muốn nói đảnh lễ bằng cách gieo năm vóc chạm mặt đất, biểu lộ hết lòng cung kính.  Lúc đảnh lễ Phật nên có một sự quán tưởng.  Quán tưởng gì?  Hãy quán tưởng rằng: "Năng lễ sở tánh không tịch" tức người lạy và người được lạy tự tánh cả hai đều rỗng lặng.  "Cảm ứng đạo giao nan tư nghì" tức là tuy rằng rỗng lặng nhưng lại có một thứ cảm ứng đạo giao, một thứ cảnh giới khó thể nghĩ bàn hiện ra.  Quý vị lễ bái một vị Bồ Tát, hoặc một vị Tôn Phật đều phải quán tưởng vị Phật hoặc vị Bồ Tát đó.  Như vậy Ngài ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát và các vị Bồ Tát theo Ngài đều đảnh lễ Phật THÍCH CA MÂU NI, gieo năm vóc thân thể xuống đất, cúi đầu sát đất, hai tay chạm chân Phật để biểu lộ sự tôn kính tột độ.  "Nhi bạch Phật ngôn" rồi mới thưa với Phật.  Những câu Kinh Văn nói trên là những lời lẽ được thêm vào lúc kết tập Kinh Tạng.  Ngã ức vãng tích, hằng hà sa kiếp, hữu Phật xuất thế, danh vô Lượng Quang, Thập nhị Như Lai, tương kế nhất kiếp.  ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát thưa rằng: “Ngã ức vãng tích” tức là Ngài nhớ lại vào thời kỳ xa xưa trước kia, lúc Ngài mới bắt đầu phát tâm.  Bồ Tát sơ phát tâm không nhất định thành công.  Quan trọng nhất là sau khi sơ phát tâm phải "niệm luôn không thối chuyển" thì mới có thể thành tựu Phật quả.  Nếu mình phát Bồ Đề tâm rồi sau đó lại thối chuyển thì chẳng thể nào chứng được Phật quả.  Mình vẫn có thể chứng được Phật quả nếu trong tương lai mình phát Bồ Đề tâm trở lại.  Cho nên có bài Kệ như sau:
Ngư tử Am Ma La
Bồ Tát sơ phát tâm
Tam sự nhân trung đa
Cập kỳ kết quả thiểu

“Ngư tử” tức là trứng của con cá.  Cá đẻ rất nhiều trứng, nhưng không nhất định mỗi cái trứng đều trở thành cá.  Cây Am Ma La cũng vậy, trổ bông thì sum sê mà đậu quả thì chẳng bao nhiêu.  Sơ phát tâm Bồ Tát thì cũng y như vậy; số người sơ phát Bồ Tát tâm rất nhiều, nhưng thực sự chứng đắc quả vị Bồ Tát thì rất ít.  Sau đây là ý nghĩa của bốn câu trên: Trứng cá chẳng khác gì hoa Am Ma La và kẻ sơ phát tâm Bồ Tát: nhiều không thể kể xiết nhưng kết quả lại chẳng có là bao.  Vị ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát này chẳng hề thối thất Bồ Đề tâm, cho nên Ngài nhớ được quá khứ, những việc từ xa xưa.  "Hằng hà sa kiếp" Hằng hà tức Sông Hằng ở Ấn Ðộ, chảy qua nước Xá Vệ, nơi Phật thuyết Pháp.  Ai ai cũng biết đến con sông này, vì vậy khi nói đến một con số to tát, Phật thường đề cập tới số cát Sông Hằng.  Ngài ĐẠI THẾ CHÍ cũng dùng danh từ này để diễn tả thời gian lâu dài.  "Kiếp" Phạn Ngữ gọi là "Kiếp ba" (kalpa), còn gọi là "trường thời phân" tức là một thời gian lâu dài.  "Hữu Phật xuất thế" thời đó có một vị Phật xuất thế.  "Danh VÔ LƯỢNG QUANG" Đức Phật xuất thế này danh hiệu là VÔ LƯỢNG QUANG.  Lại còn có các Đức Phật VÔ BIÊN QUANG, VÔ NGẠI QUANG, VÔ XƯNG QUANG v.v...tổng cộng Mười Hai Vị Như Lai, cho nên gọi là "Thập Nhị Như Lai".  "Tương Kế Nhứt Kiếp" trong đại kiếp ấy, liên tục trong một thời gian cực kỳ lâu dài như vậy, có 12 Đức Như Lai kế tiếp nhau xuất thế. 

“Kỳ tối hậu Phật, danh Siêu Nhật Nguyệt Quang.  Bỉ Phật giáo ngã Niệm Phật Tam Muội.  Tỷ như hữu nhân, nhất chuyên vi ức, nhất nhơn chuyên vọng.  Như thị nhị nhơn, nhược phùng bất phùng, hoặc kiến phi kiến.  Nhị nhơn tương ức, nhị ức niệm thâm.  Như thị nãi chí, tùng sanh chí sanh, đồng ư hình ảnh, bất tương thừa di”.

"Kỳ tối hậu Phật, danh Siêu Nhật Nguyệt Quang" ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát gặp Mười Hai Vị Như Lai, đó là VÔ LƯỢNG QUANG, VÔ BIÊN QUANG, VÔ NGẠI QUANG, VÔ ĐỐI QUANG, DIỆM VƯƠNG QUANG, THANH TỊNH QUANG, HOAN HỶ QUANG, TRÍ HUỆ QUANG, NAN TƯ QUANG, BẤT ĐOẠN QUANG, VÔ XƯNG QUANG, và SIÊU NHỰT NGUYỆT QUANG.  Ðức Phật ban sơ có danh hiệu là VÔ LƯỢNG QUANG.  Phật A DI ĐÀ cũng có danh hiệu là VÔ LƯỢNG QUANG; nhưng 12 Đức Như Lai này là kế tiếp nhau xuất thế trong một kiếp, cho nên tôi tin rằng đó là một vị cổ DI ĐÀ.  THÍCH CA MÂU NI Phật có cổ THÍCH CA, kim THÍCH CA.  Ðức Phật VÔ LƯỢNG QUANG này có thể là cổ DI ĐÀ.  Như vậy Đức Phật sau cùng hiệu là SIÊU NHỰT NGUYỆT QUANG, hào quang của Ngài sáng hơn ánh sáng của mặt trời và mặt trăng cả trăm ngàn lần.  "Bỉ Phật giáo ngã niệm Phật Tam muội" khởi đầu từ thời Ðức Phật VÔ LƯỢNG QUANG, và cho đến Ðức Phật sau cùng là SIÊU NHỰT NGUYỆT QUANG Như Lai, tôi đều ở chốn nhân địa tu tập Pháp Môn Niệm Phật.  Tôi đã từng theo học Pháp Môn Niệm Phật với Mười Hai Đức Phật này, cho nên tôi nói rằng những Đức Phật đó đã dạy tôi Niệm Phật Tam Muội.  "Bỉ Phật" tức là chỉ Mười Hai Đức Phật kể trên.  ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát tu Pháp Môn Niệm Phật đã phải trải qua một thời gian lâu dài đến một kiếp để học tập Pháp Môn Niệm Phật Tam Muội.  Tam Muội là Phạn Ngữ, phiên dịch ra Hán Văn là "Chánh Định" và "Chánh Thọ".

Pháp Môn Niệm Phật tu tập như thế nào?  Trước tiên đơn cử một thí dụ.  "Tỷ như hữu nhơn, nhất chuyên vi ức, nhất nhân chuyên vong".  Thí dụ có hai người, một người luôn luôn nhớ còn người kia thì chuyên quên.  Hai người này hoặc là bè bạn, hoặc là cha con, hoặc là có quan hệ thân thuộc với nhau.  Nhưng hai người này thì một người luôn nhớ người nọ, thí dụ ta nói ông A luôn nhớ ông B.  Còn ông B thì sao?  Ông B thì chuyên quên, chẳng nhớ gì đến ông A gắn bó với mình, ngay cả quên hẳn ông A là ai.  "Như thị nhị nhơn" như hai kẻ này, ông A luôn nhớ, ông B lại chẳng hề nhớ chi cả, "nhược phùng bất phùng," tức là nếu có gặp nhau thì y như chẳng gặp, vì ông A thì nhớ, ông B thì quên mất.  Trong trường hợp ông A gặp ông B thì ông vẫn nhớ rõ ông B.  Rất tiếc ông A chẳng gặp ông B.  Nếu ông B thấy ông A thì y như chẳng thấy vì ông chẳng nhớ chi cả, không biết đó là Cha, bạn bè hay thân quyến của mình.  Vì không còn nhớ nên nói có gặp như chẳng gặp.  "Hoặc kiến phi kiến" hoặc thấy, thì cũng như chẳng thấy.  Vì chỉ có một người nhớ còn kẻ kia lại chẳng nhớ, chẳng khác gì xòe một bàn tay vỗ trên hư không thì không phát ra tiếng, phải cần đủ hai món nhân duyên phối hợp mới thành tựu được.  Cho nên, hai người này dù có thấy nhau cũng như chẳng thấy.  "Nhị nhơn tương ức, nhị ức niệm thâm" thí dụ hai người đều nhớ nhau, chẳng quên nhau - Ông A nhớ ông B và ngược lại, người này gắn bó với người kia, thì là hai mối nhớ nhung thâm sâu, ghi đậm vào tâm trí.  "Như thị nãi chí, tùng sanh chí sanh" như vậy, từ đời này sang đời khác hai kẻ này vẫn nhớ nhau sau, ghi đậm vào tâm trí mãi mãi.  Cũng như Phật nghĩ đến chúng sanh và ngược lại.  Trong thí dụ trên, Phật hằng nhớ đến chúng sanh, còn kẻ chuyên quên kia tức là những chúng sanh chẳng hề nhớ đến Phật.  Tuy Phật hằng nghĩ đến chúng sanh, chúng sanh trái lại không nghĩ đến Phật, cho nên hào quang không hòa hợp được.  Hào quang không hòa hợp, dĩ nhiên chẳng thể có sự cảm ứng.  Như vậy nếu hai người đều nhớ đến nhau, như Phật hằng nhớ đến chúng sanh và ngược lại, tâm niệm sâu đậm và thành khẩn, thì trọn kiếp này hoặc từ kiếp này đến kiếp sau, hoặc trong rất nhiều kiếp, hoặc trong nhiều đại kiếp, họ vẫn không xa rời.  "Ðồng ư hình ảnh, bất tương thừa dị" vì nỗi nhớ nhung sâu đậm giữa hai nguời cho nên họ y như hình với bóng.  Thân chẳng rời bóng, bóng chẳng xa thân, như vậy cả hai chẳng thể nào không thấy nhau.

“Thập phương Như Lai, lân niệm chúng sanh, như mẫu ức tử. Nhược tử đào thệ, tuy ức hà vi?”

"Thập phương Như Lai" chắc quý Phật tử đều biết rõ "thập phương" tức là Đông, Tây, Nam, Bắc thêm vào đó là Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc đó là Tám Phương thêm Thượng Phương, Hạ Phương, tổng cộng là Mười Phương.  Thập Phương Thế Giới đều có Như Lai, đều có Phật.  "Lân niệm chúng sanh, như mẫu ức tử" tức là chẳng khác gì tình cảnh mẹ nhớ con.  "Nhược tử đào thệ" nhưng nếu con lại chẳng nhớ Mẹ, bỏ Mẹ mà chạy chơi nô đùa, thì "Tuy ức hà vi" tuy nhớ nhưng làm gì được?  Lúc đứa con chạy ra bên ngoài, Mẹ có nhớ con cách mấy chăng nữa, đứa con cũng không trở về với Mẹ.

“Tử nhược ức mẫu, như mẫu ức thời.  Mẫu tử lịch sanh, bất tương vi viễn”

"Tử nhược ức mẫu, như mẫu ức thời" nếu con mà cũng nhớ Mẹ một cách chí tình giống như Mẹ nhớ con vậy, thì "Mẫu tử lịch sanh, bất tương vi viễn" tức là đời này qua đời khác Mẹ và con chẳng xa lìa nhau.  Ðoạn Kinh Văn này ngụ ý nếu chúng sanh chúng ta nhớ nghĩ đến Phật cũng chân thành như Phật tưởng nhớ chúng sanh, thì nhứt định Phật sẽ tiếp dẫn chúng sanh chúng ta.  Tiếc thay, Phật nhớ chúng sanh nhưng chúng sanh lại chẳng nhớ Phật, quên niệm Phật, quên nghĩ tới Phật, cũng chẳng khác gì mẹ nhớ con, song chỉ có mẹ nhớ con chứ con lại không tưởng nhớ mẹ, cho nên Mẹ và con khó gặp nhau được.  Nếu con cũng nhớ đến Mẹ thì luôn luôn Mẹ và con đều chẳng xa lìa, con không trốn mẹ chạy đi chơi.  Vậy, nên chúng sanh chúng ta hằng niệm Phật thì sẽ chóng về được cõi Thường Tịnh Ðộ, tức là về cõi Phật.

“Nhược chúng sanh tâm, ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai tất định kiến Phật. Khứ Phật bất viễn, bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai”.

"Nhược chúng sanh tâm" nhược nghĩa là giả sử.  Giả sử tâm chúng sanh; chúng sanh đây bao gồm quý vị, tôi, người khác, chúng sanh trong quá khứ, chúng sanh trong hiện tại, chúng sanh trong vị lai, tất cả đều ở trong hai chữ chúng sanh.  Cho nên với câu Kinh này mình chớ nên nghĩ rằng đó là nói về một chúng sanh nào khác, mà phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng sanh đó chính là mình chớ không ai khác, một chúng sanh yếu hèn, một chúng sanh chẳng làm nên trò trống gì, một chúng sanh chẳng biết báo ơn Phật, một chúng sanh quên Phật.  Nếu mình cứ hằng nghĩ như vậy tất phải sanh tâm hổ thẹn.  Phật đầy lòng từ bi thiết tha đến giáo hóa mình mà mình bỏ ngoài tai, chẳng ưng nghe lời dạy của Phật, như vậy tức là trong tâm ta chẳng có Phật, ngay cả một chữ Phật cũng chẳng có.  Quý Phật tử nghĩ xem tại Ðài Loan nơi Phật Giáo đang thịnh hành, có thể mọi người đều biết Phật, biết lễ Phật, nhưng trên thế giới số nguời biết Phật, lễ Phật được bao nhiêu?  Hãy cho rằng số người biết Phật rất nhiều và biết lễ bái cũng không ít, tuy nhiên lại phân ra nào lễ bái theo Phật giáo, nào là lễ bái của ngoại đạo, nào là lễ bái của bàng môn tả đạo.  Cho nên hiện nay chúng ta chẳng hiểu Pháp Môn Niệm Phật, có khi chúng ta còn bảo người khác đừng niệm Phật, đừng tin Phật, như thế có phải là điên đảo hay không?  Niệm Phật một câu, tuy đơn giản như vậy nhưng không phải dễ dàng, chớ tưởng rằng bất cứ ai cũng có thể niệm Phật được.  Nếu Nghiệp Chướng nặng nề thì muốn niệm Phật niệm cũng chẳng ra. 

Quý Phật tử từng xem hát, có lẽ cũng biết về một tấn tuồng tên Phong Ma Tảo Tần.  Nội dung vở tuồng nói về ĐỊA TẠNG VƯƠNG Bồ Tát muốn giáo hóa Thừa Tướng TẦN CỐI ở nước Nam Tống.  Thuở xua TẦN CỐI rất hiếu thảo với Cha Mẹ.  Vì hiếu thảo với Cha Mẹ nên ông tạo được một ít công đức.  Do đó đời này ông được giàu sang.  Nhưng được giàu sang rồi ông không biết tiếp tục tạo căn lành như trước để vun bồi quả tốt cho tương lai và, ông ta đã tạo rất nhiều tội lỗi.  Có lẽ vào một đời nào đó trong quá khứ, ĐỊA TẠNG VƯƠNG Bồ Tát có quan hệ bạn bè với TẦN CỐI, cho nên Ngài nghĩ rằng người này nên được cứu độ.  Nguyện lực của ĐỊA TẠNG VƯƠNG Bồ Tát rất lớn.  Ngài bèn phát tâm độ ông TẦN CỐI này.  Ngài độ ông TẦN CỐI bằng cách nào?  Ngài hóa thân làm một vị Tỳ Khưu, viết chữ Phật trong lòng bàn tay rồi đến đưa cho TẦN CỐI xem.  Chỉ cần TẦN CỐI nhận ra chữ này và nói đó là chữ Phật, thì tất cả tội lỗi mà TẦN CỐI đã tạo từ trước Ngài sẽ giúp được xá miễn.  ĐỊA TẠNG VƯƠNG Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo này để độ TẦN CỐI.  Nhưng khi TẦN CỐI gặp ĐỊA TẠNG VƯƠNG Bồ Tát, ông chẳng sanh tâm cung kính.  Vì ông không sanh tâm cung kính nên ĐỊA TẠNG VƯƠNG Bồ Tát dùng đại oai thần lực, lấy phất trần phủi một cái khiến ông tự động quỳ xuống, muốn đứng dậy cũng chẳng được ĐỊA TẠNG VƯƠNG Bồ Tát chìa tay ra và hỏi ông rằng: "Ông hãy xem chữ gì trong lòng bàn tay tôi".  TẦN CỐI liếc qua rồi nói: "Tôi đậu Trạng Nguyên, nay làm Tể Tướng, văn tự các nước tôi đều thông, văn tự các nước mang đến xứ này đều qua tay tôi duyệt, hà huống chỉ có một chữ trong lòng bàn tay Ngài?  Ngài cho rằng tôi không biết chữ đó hay sao?  Biết thì tôi biết đấy, nhưng tôi không muốn đọc cho Ngài nghe!".  


Quý Phật tử nghĩ xem!   ĐỊA TẠNG VƯƠNG Bồ Tát đầy lòng từ bi, muốn ông TẦN CỐI chỉ đọc một chữ Phật mà thôi.  Ông ta biết chữ Phật đó nhưng chẳng thốt ra tiếng được, lại còn nói: "Tôi biết nhưng tôi không đọc cho Ngài nghe".  Kết quả Nghiệp Chướng của y chẳng được tiêu trừ mà lại còn bị đọa địa ngục.  Câu chuyện này đủ chứng minh niệm Phật chẳng phải là việc dễ dàng.  Nói về cái tâm chúng sanh, mình bảo họ nhớ Phật niệm Phật cũng chẳng phải là việc dễ dàng.  Cho nên mới nói là "Nhược" tức là giả sử.  Ðoạn Kinh Văn này chỉ là giả thuyết từ.  Giả sử cái tâm chúng sanh của mình "ức Phật niệm Phật" nhớ Phật niệm Phật.  Tâm luôn tưởng nhớ Phật, miệng luôn niệm Phật, thì hiện tiền và trong tương lai nhất định sẽ được thấy Phật.  Mình nhớ Phật, niệm Phật, hễ chuyên nhất tất sẽ có linh ứng, tâm phân tán thời linh ứng khó hiển hiện.  Tâm niệm được chuyên nhất, niệm Phật một cách khẩn thiết, chí thành, đến nỗi nước chảy cũng là niệm Phật, gió thổi cũng là niệm Phật, niệm cho đến độ mọi âm thanh chung quanh đều là "A DI ĐÀ Phật," như vậy mới gọi là "nhớ Phật niệm Phật."

"Hiện tiền đương lai" hiện tiền là ngay trong đời này; đương lai tức tương lai hoặc là đời sau của chúng ta.  "Tất định kiến Phật" mình nhất định có thể thấy được Phật, vì thệ nguyện lực của Phật là chỉ cần mình niệm Phật thì Phật nhất định nhiếp thọ mình.  Cho nên "Khứ Phật bất viễn" tức là không còn xa Phật.  "Bất giả phương tiện" mình chẳng cần tìm những pháp môn phương tiện đâu đâu xa xôi để tu trì Pháp Môn Niệm Phật này.  Niệm Phật là con đường tắt trong những con đường tắt, phương tiện trong những phương tiện, một pháp môn viên đốn nhứt, đơn giản nhứt, dễ dàng nhứt.  Cho nên không cần tìm kiếm một pháp môn hay phương tiện nào khác.  Pháp Môn Niệm Phật là phương pháp hay nhứt.  "Tự đắc tâm khai" tâm khai tức đã giác ngộ, đã thấu hiểu thì khoát nhiên tâm liền khai ngộ, khoát nhiên thông suốt, khoát nhiên đắc Niệm Phật Tam Muội, do đó tự đắc tâm khai. 

“Như nhiễm hương nhơn, thân hữu hương khí, thử tắc danh viết hương quang trang nghiêm.  Ngã bản nhân địa, dĩ niệm Phật tâm, nhập vô sanh nhẫn, kim ư thủ giới, nhiếp niệm Phật nhơn, quy ư Tịnh Ðộ”.

"Như nhiễm hương nhơn" cũng như người nào có thấm nhiễm hương thì "thân hữu hương khí" tức thân kẻ này toát ra mùi thơm như hương.  Vì có mùi thơm nên: "Thử tắc danh viết hương quang trang nghiêm" cảnh giới này gọi là "hương quang trang nghiêm."  "Ngã bản nhân địa" ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát tự xưng là "vô ngã chi ngã" cái tôi vô ngã.  Bồ Tát vốn vô ngã, nhưng Ngài đối với chúng sanh thuyết pháp nên nói có ngã.  Ngã bản nhân địa nghĩa là lúc tôi còn ở tại nhân địa.  "Dĩ niệm Phật tâm" tức dùng cái tâm nguyện niệm Phật để "Nhập vô sanh nhẫn" tức chứng đắc vô sanh pháp nhẫn.  "Kim ư thử giới, nhiếp niệm Phật nhơn" tôi hiện ở tại thế gian này, tức là thế giới Ta Bà của chúng ta, để nhiếp thọ, tất cả những người niệm Phật.  Kẻ nào niệm Phật thì tôi giúp đỡ người đó, kẻ nào niệm Phật thì tôi tiếp dẫn người đó.  Chỉ cần kẻ đó niệm Phật, tôi liền tiếp dẫn kẻ đó vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc.  Người niệm Phật chẳng khác gì miếng sắt, tôi y như cục nam châm để hút sắt. Chỉ cần chịu niệm Phật thì tôi hút về thế giới Tây Phương Cực Lạc.  "Nhiếp niệm Phật nhơn, quy ư Tịnh Ðộ" tôi nhiếp thọ những kẻ niệm Phật đều được sanh về Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, về cõi Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ của Đức Phật A DI ĐÀ.

“Phật vấn Viên Thông, ngã vô tuyển trạch, đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, đắc Tam Ma Ðịa, tư vi đệ nhất”.

"Phật vấn Viên Thông" trong KINH LĂNG NGHIÊM, Phật hỏi tất cả đệ tử rằng sau khi nghe qua thập bát giới, theo sự nhận thức của họ thì pháp môn nào viên dung vô ngại nhứt, viên mãn nhứt, hợp căn cơ của họ nhứt?  Do đó ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát mới nói "Phật Vấn Viên Thông".  Phần trước của Kinh, Phật có hỏi các vị đệ tử của Ngài về pháp môn mà họ đã chứng đắc để thành tựu đạo quả viên thông, cho nên Ðại Thế Chí Bồ Tát mới nói: "Ngã vô tuyển trạch, đô nhiếp Lục Căn" tức tôi không có tuyển chọn như thế, rằng xem pháp môn nào là đệ nhứt?  Là Viên Thông?  Nhưng tự mình cảm thấy Pháp Môn Niệm Phật đều thâu nhiếp Lục Căn, vì rằng:


Nhứt niệm DI ĐÀ nhứt niệm Phật
Niệm niệm DI ĐÀ niệm niệm Phật

Mình lấy cái tâm niệm Phật để cầu sanh Tịnh Ðộ, và chận đứng mọi vọng tưởng tạp niệm, không để chúng dấy khởi.  Nếu có thể dùng một niệm của cái tâm niệm Phật để "đô nhiếp Lục Căn" thì cả Sáu Căn đều nghe theo lời mình, không làm nghịch ý mình, tức là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý không bị cảnh giới của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, làm dao động.  Cho nên nói rằng: "Lấy niệm phật để chuyển hóa hết thảy các cảnh" lấy niệm Phật để không bị hết thảy các cảnh chuyển hóa mình.  Mình chỉ cần niệm sáu chữ "Nam Mô A Di Ðà Phật" thì sẽ thâu nhiếp Sáu Căn dễ dàng, rồi Sáu Căn này sẽ chịu nghe theo và phục tùng mệnh lệnh, không dẫn dắt mình đến pháp nhiễm ô.  Cho nên, "Đô nhiếp lục căn" tức là một Pháp Môn Tổng Trì (Dharani - Ðà la ni) cũng là Tổng Nhất Thiết Pháp, trì vô lượng nghĩa vậy!  "Tịnh niệm tương kế" Tịnh là gì?  Không còn tạp niệm, không còn vọng tưởng, gọi là tịnh.  Niệm là gì?  Nhứt niệm Phật tức là niệm niệm Phật, niệm niệm Phật tức là nhứt niệm Phật, một niệm cũng không gián đoạn thì ngay trong một niệm này, nhứt định được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.  Cho nên nói rằng tịnh niệm tương kế.  Hai chữ "tương kế" này rất hệ trọng, chẳng phải niệm niệm là không niệm.  Mình phải:
Niệm mà không niệm
Không niệm mà niệm

Hãy niệm một cách tự nhiên, dù cho mình không muốn niệm Phật cũng không được, tâm mình vẫn tự niệm.  Cho nên nói rằng muốn dứt cũng không dứt được, muốn tiếng niệm Phật ngưng hẳn cũng không thể nào làm cho nó ngưng được.  Chẳng khác gì uống rượu say, niệm Phật đến say, muốn không niệm cũng không được, chỉ còn lại một cái tâm niệm Phật.  Bởi vậy mới nói là "tịnh niệm tương kế".  Tương kế là kế tục, không gián đoạn.  Niệm Phật phải liên tục, không gián đoạn, ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm nọ, đời đời kiếp kiếp không lúc nào ngưng nghỉ.  Nếu mình phát tâm được như vậy thì đó gọi là tịnh niệm tương kế.  "Ðắc Tam Ma Ðịa" Tam Ma Địa là "đẳng trì" có người dịch là "đẳng trị".  Có người cho rằng Tam Ma Địa là Tam Muội, thực ra Tam Ma Địa là Định Huệ viên dung, Định Huệ không hai.  Ðược như vậy gọi là đắc Tam Ma Địa.  "Tư vi đệ nhứt" ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát nói: "Nếu đứng trên cương vị của tôi, với kinh nghiệm tu hành và sở đắc của bản thân tôi từ vô lượng kiếp cho đến nay và nếu ai hỏi tôi pháp môn nào là hạng nhất thì tôi xin thưa rằng tôi không chú ý đến các pháp môn khác, chỉ pháp môn thâu nhiếp Lục Căn, tịnh niệm tương kế, đắc Tam Ma Địa, là đệ nhất."

Nguyện đem công đức này Trang nghiêm cõi Phật Tịnh
Trên báo bốn trọng ân, dưới cứu ba đường khổ
Nếu có ai nghe thấy tất phát bồ-đề tâm
Ðến khi mạng này hết đồng sanh Cực Lạc Quốc.

Nam Mô Hộ Pháp Vi Ðà Tôn Thiên Bồ Tát


Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật