Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

SƯ ÔNG VẠN ĐỨC KHAI THỊ

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa

Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ
CỦA TỤNG KINH
Đại Lão H/T. Thích Trí Tịnh - Viện Chủ Chùa Vạn Đức

Ngoài việc trở thành một dịch giả vĩ đại của Kinh Điển Đại Thừa, Đại Lão H/T. Thích Trí Tịnh đến nay đã có trên 70 năm tụng Kinh.  Lời khai thị của Hòa Thượng dưới đây có ý nghĩa rất lớn cho người đọc tụng và thọ trì Kinh để mở mang tâm trí và thâm nhập Kinh Tạng.

Bạch Sư Ông, tại Việt Nam, có người dùng từ đọc Kinh, có người dùng từ tụng Kinh. Ý nghĩa của hai thuật ngữ này thế nào?
Các huynh đệ nên hiểu “tụng” là học thuộc lòng, những khi lên Chánh Điện mặc áo tràng đắp y, thắp nhang lễ Phật, có chuông có mõ, mở Kinh ra rồi cho đó là tụng.  Kỳ thật đó không phải là tụng Kinh mà chỉ là đọc Kinh.  Tụng Kinh là phải đọc thuộc lòng Kinh.  Nên nhớ kỹ điều đó!  Khi đã thuộc lòng rồi, mình tụng mới có lợi ích lớn.  Không những lúc mặc áo tràng đắp y lên điện Phật, mà trong những khi đi đứng nằm ngồi, thỉnh thoảng những lời Kinh do mình thuộc nó sẽ khởi lên trong tâm.  Như người đời thuộc những bài ca mà họ ưa thích, thì những khi đi đứng nằm ngồi họ thường khe khẽ cất lên vài câu, hay trong tâm cũng thường nghĩ nhớ đến những bài ca bài hát đó.  Cũng vậy, nếu mình thường niệm Phật thì nó khởi lên câu niệm Phật.  Còn nếu mình thuộc lòng Kinh thì những lời Kinh thường hay khởi lên thì ngay lúc đó là mình đã tụng Kinh rồi.
Ông thường dạy rằng lời Phật thật quý báu.  Vậy, người tụng Kinh do tôn kính lời Phật sẽ đạt được lợi ích gì?
Mỗi khi tụng Kinh, mình nhớ lại những lời dạy của Phật thì đó là mình niệm Pháp.  Khoảng thời gian mình tụng Kinh thì những niệm phiền não, những niệm xấu, niệm ác bị đè phục nên không khởi lên; do bị đè phục nên nó yếu đi, nó đã yếu thì lúc có khởi lên cũng khởi yếu.  Đây là nói phục, còn đoạn là khác nữa.  Nhưng nhờ cái phục nên nó yếu.  Vì yếu nên Tội Chướng, Nghiệp chướng cũng yếu dần.  Khi bên Tội Chướng, Nghiệp Chướng yếu thì Thiện Căn, Công Đức sẽ khởi dậy.  Hai cái đó như hai cái giá cân.  Nếu bên này nặng thì bên kia bị nhẹ.  Nếu bên này nhẹ thì bên kia nặng, lẽ đương nhiên là như vậy.  Nói cách khác, ngoài phước báu do tôn kính Phật Pháp, người tụng Kinh có thể làm tiêu trừ Nghiệp Chướng. 
Trong đời tu của Sư Ông, hẳn nhờ tụng Kinh Sư Ông ngộ ra nhiều điều.  Xin Sư Ông đơn cử một ví dụ về cái ngộ nhờ tụng Kinh?
Nay tôi sẽ nói rõ điều này cho các huynh đệ nghe, vì thông thường ít ai nghĩ đến.  Nhân khi tụng Kinh Kim Cang tôi đã khám phá ra một điều mà từ lâu suy nghĩ không biết vì sao trong Kinh nói một vị Tu Đà Hoàn dứt trừ được kiến phiền não, còn tư phiền não thì chậm nhất là trong bảy đời dứt hết thành A La Hán.  Vị Tu Đà Hoàn không có đời thứ tám, chỉ đến đời thứ bảy là cuối cùng.  Trong Kinh nói rõ ràng, chứ không nói việc tu hành gì cả.

Tôi thường suy nghĩ việc đó hoài, nghiệm mãi không ra.  Cho đến khi tụng Kinh Kim Cang đến đoạn Phật hỏi Ngài Tu Bồ Đề - Vị Tu Đà Hoàn có tự nói mình là Tu Đà Hoàn không? Ngài Tu Bồ Đề đáp là không.  Bởi vì Tu đà hoàn gọi là Nhập Lưu.  Nói nhập mà không chỗ nhập.  Không nhập vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, do đó gọi là Tu Đà Hoàn.  Ngay đó tôi hoát nhiên phá giải được cái điều mà tốn không biết bao nhiêu thời gian suy nghĩ về lý do tại sao mà vị Tu Đà Hoàn không có đời thứ tám, chỉ nội trong bảy đời dứt tư hoặc chứng A La Hán.  Nghĩa là vị Tu Đà Hoàn sau khi kiến hoặc đã dứt rồi thì tâm của vị ấy không còn bị chi phối bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.  Do không bị chi phối nên tư hoặc không có dịp phát khởi.  Vì không phát khởi nên lần lần nó mòn yếu đi.  Do mòn yếu nên nó dứt lần lần.  Dứt một phần thì thành Tư Đà Hàm.  Dứt thêm phần nữa thì thành A Na Hàm.  Dứt thêm nữa cho đến dứt sạch hết thì thành A La Hán.  Nó dứt từng phần, dứt lần lần.

Cũng thế, hằng ngày mình có niệm Phật tụng Kinh, thì lúc đó Phiền Não, Nghiệp Chướng nó không khởi.  Nó không khởi trong khoảng thời gian mình có niệm Phật, tụng Kinh, chứ không phải nó luôn luôn không khởi.  Nhưng có như vậy thì nó yếu lần đi.  Nó yếu lần đi thì cái lành cái tốt phát triển lên thì gọi là mình có tu.  Phiền Não, Nghiệp Chướng bị dằn bị phục thì Thiện Căn Công Đức phát sanh, cho đến lúc nào đó sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không còn chi phối nội tâm mình là thành công.  Mà cũng không biết đến lúc nào, bởi vì chủng tử phàm phu trong vòng Sanh Tử Luân Hồi của mình nó nặng nề lắm, phiền não nghiệp chướng nặng nề lắm.  Nhưng nếu hằng ngày mình có phương pháp để dằn để phục, thì nó sẽ yếu lần lần.  Bằng không nếu bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chi phối thì mỗi ngày chẳng những nó không yếu mà lại mạnh thêm, thì mình càng chui đầu sâu vào vòng Sanh Tử Luân Hồi.  Lẽ tất nhiên hai ngả rõ ràng như vậy.  Trên đây chỉ là một ví dụ. Nếu các huynh đệ mỗi ngày đều tụng Kinh thì sẽ tỏ rõ nhiều điều bổ ích.  Do đó, tôi khuyên các huynh đệ siêng năng tụng Kinh để thâm nhập trí Phật. 

Tại Việt Nam, khi tụng Kinh, các chùa còn niệm Phật.  Xin Sư Ông khai thị về phương pháp niệm Phật trong tụng Kinh?
Tôi nói rõ để huynh đệ biết rằng tụng Kinh và niệm Phật đúng cách là thật tu.  Khi niệm Phật thì không duyên việc khác.  Không duyên theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.  Chỉ duyên nơi âm thanh câu niệm Phật.  Huân tập mỗi ngày một mạnh lên nơi hạnh niệm Phật thì những niệm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp khác, mỗi ngày một bớt đi, vì trong khoảng thời gian đó nó không khởi được thì nó phải giảm bớt.  Mà nếu thời gian niệm Phật càng ngày càng nhiều thì tất nhiên mỗi ngày mình lần lần tiến lên.  Cũng như người tu Thiền giữ tâm đừng cho khởi vọng, tất nhiên là làm sao cho nội tâm đừng bị chi phối bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.  Nó không chi phối thì Phiền Não, Nghiệp Chướng không do đâu mà sanh khởi.  Phiền Não Nghiệp Chướng không khởi được thì lần lần nhẹ đi, cho đến lúc nào đó cũng như cái màn che bị rách, bị tan thì ánh sáng từ trong nội tâm phát ra, gọi là tỏ ngộ. Hai đường tu dù Thiền dù Tịnh giống nhau, chứ không chi khác.

Vậy, theo Sư Ông tu thật chất là không để tâm dính vào sáu trần cảnh?
Đúng vậy!  Hằng ngày mình bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chi phối là không có tu.  Lúc nào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nó không chi phối nội tâm của mình được, thì chính lúc đó là lúc mình tu.  Nên nhớ kỹ như vậy!  Chứ không phải đợi đến lúc mặc áo, đắp y lên Chánh Điện.  Mặc áo đắp y lên Chánh Điện lễ Phật mà bị cảnh ngoài sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nó chi phối thì chưa phải là có tu.  Pháp của Phật dạy nói cho rõ là tu tâm.  Còn nơi thân và khẩu chỉ trợ giúp cho nội tâm mà thôi.  Nói vậy không phải phế bỏ những thời khóa tu tập, ban đầu sức tu còn yếu thì phải nương vào thời khóa, quan trọng ở chỗ là ngoài thời khóa cũng phải tu.  Do đó niệm Phật không luận là lúc đi, đứng, nằm, ngồi gì, nếu có niệm luôn thì có tu, mà bị gián đoạn là không có tu.  Đó là điểm chánh yếu.  Tất cả các Pháp Môn khác cũng đều như vậy. 

Bạch Sư Ông, để thâm nhập Kinh tạng khi tụng Kinh, người tụng phải làm gì để đạt được?
Để được như thế, khi tụng Kinh phải thuộc lòng Kinh.  Chẳng những các thời khóa trong chùa phải thuộc mà các Kinh mình thích cũng phải thuộc.  Như tôi cũng vậy, thích Phổ Môn phải thuộc Phổ Môn, thích Kim Cang phải thuộc Kim Cang, thích phẩm Phổ Hiền phải thuộc phẩm Phổ Hiền, cho đến thích Pháp Hoa phải thuộc Pháp Hoa.  Lúc trước mỗi ngày giữ đều đặn như vậy, riêng Kinh Pháp Hoa thì mỗi ngày tụng một biến hoặc hai ngày một biến. Ai làm được như thế thì thâm nhập Kinh tạng không khó. 

Bạch Sư ông, người bận rộn với nhiều công việc không có thời gian để tụng nhiều thì làm thế nào có thể hiểu kinh được?
Người bận rộn có thể chọn các phần Kinh quan trọng để tụng.  Tôi đơn cử cách sắp thời gian của tôi trong quá khứ.  Năm 1963 khởi lên việc tranh đấu với ông Diệm và năm 1964 thành lập GHPGVN Thống Nhất, tôi phải bận nhiều công việc nên mỗi ngày không có thời gian tụng Kinh Pháp Hoa.  Ai cũng biết tụng Kinh phải tụng luôn nếu không lại quên nên không thể tiếp tục việc tụng Kinh Pháp Hoa, mà chỉ giữ lại bài kệ Phẩm Phương Tiện làm thời khóa cho đến bây giờ.  Bài kệ Phẩm Phương Tiện cũng nhiều lắm, gần 500 câu chứ đâu phải ít.  Khi có thể thu xếp thời gian thì ta tụng cố định và đều đặn hơn thì mới hiểu Kinh thấu đáo được.

Hiện nay, thời khóa mỗi ngày của tôi nhất định phải có là: sáng sớm thức dậy tụng Phẩm Phổ Hiền trong Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Kim Cang, bài kệ Phẩm Phương Tiện của Kinh Pháp Hoa, Kinh Phổ Môn, Kinh A Di Đà rồi hoàn Kinh, niệm Phật.  Nếu tụng ra tiếng thì hơn hai tiếng đồng hồ, nếu tụng thầm thì trên dưới một tiếng rưỡi.  Năm nay tôi đã 94 tuổi nên chỉ thực hiện thời khóa bằng cách tụng thầm mà thôi, chứ tụng ra tiếng thì không nỗi nữa rồi.  Sở dĩ tôi nói kỹ như vậy để chúng ta biết rõ cách tu tập của mình là phải có sự liên tục hằng ngày.  Không nên lúc có, lúc không.  Tụng Kinh niệm Phật ngoài mục đích chính yếu là vãng sanh Cực Lạc ra, còn có tác dụng hàng phục những Phiền Não Nghiệp Chướng, khiến cho những Thiện Căn Công Đức được tăng trưởng.  Nếu mỗi ngày tu hành đều đặn như vậy, tất nhiên lần lần bớt đi phần phàm phu sanh tử mà tiến lần trên con đường Hiền Thánh giải thoát. 

Bạch Sư Ông, khi hiểu Kinh rồi thì lộ trình tu bao lâu mới đạt kết quả?
Ngay Đức Phật cũng phải trải qua vi trần số kiếp tu tập chứ không phải con số ức muôn mà mình thường tính toán.  Phải lấy số vi trần để tính số kiếp tu hành.  Rõ ràng như vậy, chính Đức Phật nói chứ không ai khác.  Như Phẩm Đề Bà Đạt Đa trong Kinh Pháp Hoa, Ngài Trí Tích Bồ tát nói - Tôi xem trong cõi Tam Thiên Đại Thiên nhẫn đến không có chỗ nhỏ bằng hột cải mà không phải là chỗ của Bồ Tát (chỉ cho Phật Thích Ca) bỏ thân mạng để vì lợi ích chúng sanh, vậy sau mới thành đạo Bồ đề.  Chứ không phải thường thường như chúng ta, làm được chút ít công đức gì đó mà đòi thành Ông Hiền, Ông Thánh liền đâu.  Trong Kinh dạy rất đầy đủ, nhất là Kinh Đại Bửu Tích nói về công hạnh của các vị Bồ Tát rõ ràng lắm. Mọi người nên cố gắng tìm đọc.  Tôi bây giờ phải nhờ người khác đọc để biết được công hạnh của các Ngài quá khứ tu thế nào, hiện tại thành tựu thế nào.

Nói chung, việc dứt trừ Nghiệp Chướng, Phiền Não để ra khỏi Sanh Tử Luân Hồi không phải là chuyện dễ.  Nhưng mình có tu tập đều đặn là mình có bước đi.  Mà đã có bước đi là có lúc đến.  Có bước một bước là có giải thoát một bước, chứ không phải đợi đến đích rồi mới giải thoát.  Thường nghĩ như vậy lại thấy vui.  Bởi vì biết mình mỗi ngày có bước là mỗi ngày gần thêm bờ giải thoát.  Nên nhớ kỹ là vi trần số kiếp chứ không phải ít đâu.  Không phải nghe nói - Tức tâm tức Phật rồi cho rằng thấy tâm là thành Phật.  Vì nếu như vậy là mình hơn Phật Thích Ca xa lắm rồi.

Tỳ Kheo Thích Hoằng Tri kính ghi

Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

MẤY ĐIỆU SEN THANH, Q.1

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa


BỒ TÁT VĂN THÙ
KHUYÊN TU NIỆM PHẬT
MẤY ĐIỆU SEN THANH, Q.1 - CỐ H/T. THÍCH THIỀN TÂM
 
Một buổi sáng, vào lúc thanh trai, Pháp Chiếu Đại Sư thấy trong bát cháo ở Tăng Đường, hiện rõ bóng mây Ngũ Sắc.  Trong mây hiện ra cảnh sơn tự, phía Ðông Bắc chùa có dãy núi, chân núi có khe nước.  Phía Bắc khe nước có cửa ngõ bằng đá.  Trong ngõ đá lại có một ngôi chùa to, biển đề “Ðại Thánh Trúc Lâm Tự”.  Mấy hôm sau, Ngài lại thấy nơi bát cháo hiện rõ cảnh chùa lớn ấy, gồm vườn ao, lâu đài tráng lệ nguy nga, và một vạn vị Bồ Tát ở trong đó.  Ngài đem cảnh tượng ấy hỏi các bậc tri thức.  Một vị cao Tăng bảo - Sự biến hiện của Chư Thánh khó nghĩ bàn được.  Nhưng nếu luận về địa thế non sông, thì đó là cảnh Ngũ Ðài Sơn.  Nghe lời ấy Ngài có ý muốn đến viếng Ngũ Ðài thử xem sự thật ra thế nào?

Năm Ðại Lịch thứ tư, Ðại Sư mở đạo tràng niệm Phật tại chùa Hồ Ðông.  Ngày khai hội cảm mây lành giăng che chốn đạo tràng.  Trong mây hiện ra cung điện lầu các.  Phật A DI ĐÀ cùng hai vị Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí hiện thân vàng sáng chói cả hư không.  Khắp thành Hoành Châu, bá tánh trông thấy đều đặt bàn đốt hương đảnh lễ.  Cảnh tượng ấy hiện ra giây lâu mới ẩn mất.  Do điềm lành này, rất nhiều người phát tâm tinh tấn niệm Phật.  Ðạo tràng khai liên tiếp được năm hội.  Một hôm, Ðại Sư gặp cụ già bảo:
"Ông từng có ý niệm muốn đến Kim Sắc thế giới tại Ngũ Ðài Sơn để đảnh lễ đức Ðại Thánh Văn Thù sao đến nay vẫn chưa thật hành ý nguyện?" 

Nói xong liền ẩn mất. Ðược sự nhắc nhở, Ngài sửa soạn hành trang, cùng với mấy Pháp hữu, đồng đến viếng Ngũ Ðài.  Năm Ðại Lịch thứ năm, vào mùng sáu tháng tư, Ðại Sư cùng đồng bạn mới đến Chùa Phật Quang ở huyện Ngũ Ðài.  Ðêm ấy, vào khoảng canh tư, Ngài thấy ánh sáng lạ từ xa chiếu đến thân mình, liền nhắm phỏng chừng tia sáng mà theo dõi.  Ði được năm mươi dặm thì đến một dãy núi, dưới chân núi có khe nước, phía Bắc khe có cửa cổng bằng đá.  Nơi cửa có hai vị Đồng Tử đứng đón chờ, tự xưng là Thiện Tài và Nan Ðà.  Theo chân hai ĐồngTử dẫn đường, Ngài đến một ngôi chùa nguy nga, biển đề: Ðại Thánh Trúc Lâm Tự.  Nơi đây đất vàng, cây báu, ao sen, lầu các rất kỳ diễn, trang nghiêm.  Cảnh giới quả đúng như ảnh tượng đã thấy nơi bát cháo khi trước.  Ngài vào chùa, lên giảng đường, thấy Đức VĂN THÙ bên Tây, Đức PHỔ HIỀN bên Ðông.  Hai vị đều ngồi tòa sư tử báu cao đẹp, đang thuyết pháp cho một muôn vị Bồ Tát ngồi phía dưới lặng lẽ lắng nghe.  Pháp Chiếu bước đến chí thành đảnh lễ, rồi quì xuống thưa rằng - Kính bạch Ðại Thánh! Hàng phàm phu đời Mạt Pháp, cách Phật đã xa, Chướng nặng Nghiệp sâu, tri thức kém hẹp, tuy có Phật Tánh mà không biết làm sao hiển lộ.  Giáo Pháp của Phật lại quá rộng rãi mênh mông, chưa rõ Pháp Môn nào thiết yếu dễ tu hành cho mau được giải thoát?   Ðức Văn Thù bảo:
 
"Thời kỳ này chính là đúng lúc các ngươi nên niệm Phật.  Trong các hành môn không chi hơn niệm Phật và gồm tu Phước Huệ.  Thuở đời quá khứ, ta nhờ quán Phật, niệm Phật, cúng dường Tam Bảo mà được Nhất Thiết Chủng Trí.  Tất cả các pháp như: Bát Nhã Ba La Mật, những môn Thiền Định rộng sâu, cho đến Chư Phật cũng từ niệm Phật mà sanh.  Vì thế nên biết, Niệm Phật là vua trong các Pháp Môn".

Ngài Pháp Chiếu lại hỏi - Bạch Ðại Thánh!  Nên niệm như thế nào?  Ðức Văn Thù dạy:
"Về Phương Tây của thế giới này, có Phật A DI ĐÀ Giáo Chủ cõi Cực Lạc.  Ðức Thế Tôn đó nguyện lực không thể nghĩ bàn!  Ngươi nên chuyên niệm danh hiệu của Ngài nối tiếp không gián đoạn thì khi mạng chung, quyết được vãng sanh, chẳng còn bị thối chuyển".

Nói xong, hai vị Ðại Thánh đồng đưa tay vàng xoa đầu Ngài Pháp Chiếu và bảo rằng:
"Do ngươi niệm Phật, nên không lâu sẽ chứng được quả Vô Thượng Bồ Ðề.  Nếu thiện nam tín nữ nào muốn mau thành Phật thì không chi hơn niệm Phật.  Kẻ ấy nhất định sẽ mau lên ngôi Chánh Ðẳng Chánh Giác".

Ðược hai vị Ðại Thánh thọ ký xong Ngài Pháp Chiếu vui mừng đảnh lễ rồi từ tạ lui ra.  Hai Đồng Tử khi nãy theo sau tiễn đưa.  Vừa ra khỏi cổng, Ngài quay lại thì người và cảnh đều biến mất.  Ngài liền dựng đá đánh dấu chỗ ấy, rồi trở về Chùa Phật Quang.  Ðến ngày 13 tháng 4, Pháp Chiếu Đại Sư cùng hơn năm mươi vị Tăng Đồng đến hang Kim Cang, thành tâm Đảnh Lễ Hồng Danh ba mươi lăm Đức Phật.  Vừa lạy được mười lượt, Ngài bỗng thấy hang Kim Cang rộng lớn thanh tịnh trang nghiêm có cung điện bằng lưu ly, Đức VĂN THÙ, PHỔ HIỀN đồng ngự trong ấy.  Hôm khác, Ngài lại đi riêng đến hang Kim Cang, gieo mình đảnh lễ, nguyện thấy Ðại Thánh.  Ðang khi lạy xuống vừa ngước lên, Ðại Sư bỗng thấy một Phạm Tăng tự xưng là Phật ĐÀ BA LY.  Vị này đưa Ngài vào một đại điện trang nghiêm, biển đề là Kim Cang Bát Nhã Tự.  Toàn điện nhiều thứ báu lạ đẹp mầu, ánh sánh lấp lánh. Dù đã nhiều lần thấy sự linh dị, nhưng Ngài vẫn chưa thuật lại với ai cả.  Tháng Chạp năm ấy, Ngài nhập đạo tràng niệm Phật nơi Chùa Hoa Nghiêm định kỳ tuyệt thực tu hành, nguyện vãng sanh về Tịnh Ðộ.  Ðêm đầu hôm, ngày thứ bảy, đang lúc niệm Phật, Ðại Sư bỗng thấy một vị Phạm Tăng bước vào bảo:
"Ông đã thấy cảnh giới ở Ngũ Ðài Sơn, sao không truyền thuật cho người đời cùng được biết?" 

Nói xong, liền ẩn mất.  Hôm sau, trong lúc niệm Phật, vị Phạm Tăng hiện ra, bảo y như trước.  Ngài đáp - Không phải tôi dám giấu kín thánh tích, nhưng chỉ sợ nói ra người đời không tin sanh sự chê bai mà thôi.  Phạm Tăng bảo:
"Chính Đức Ðại Thánh VĂN THÙ hiện tại ở núi này, mà còn bị người đời hủy báng thì ông còn lo ngại làm chi?  Hãy đem những cảnh giới mà ông được thấy truyền thuật với chúng sanh, làm duyên cho kẻ được nghe biết, phát khởi tâm Bồ Ðề".   

Ngài tuân lời, nhớ kỹ lại những sự việc đã thấy, rồi ghi chép ra truyền lại cho mọi người.  Năm sau, sư Thích Huệ Tùy ở Giang Ðông cùng với Chư Tăng Chùa Hoa Nghiêm theo Pháp Chiếu Đại Sư đến hang Kim Cang lễ Phật.  Kế đó, lại đến chỗ dựng đá lúc trước để chiêm ngưỡng dấu cũ.  Ðại chúng còn đang ngậm ngùi ngưỡng vọng, bỗng đồng nghe tiếng hồng chung từ vách đá vang ra.  Giọng chuông thanh thoát, ngân nga, nhặt khoan rành rẽ.  Ai nấy đều kinh lạ, đồng công nhận những lời thuật của Ngài Pháp Chiếu là đúng sự thật.  Vì muốn cho người viếng cảnh đều phát đạo tâm, Tăng chúng nhân cơ duyên ấy khắc những sự việc của Ngài nghe thấy vào vách đá.  Về sau ngay nơi đó, một cảnh chùa trang nghiêm được dựng lên, vẫn lấy hiệu là Trúc Lâm Tự để lưu niệm.  

Triều Vua Ðức Tông, Pháp Chiếu Đại Sư mở đạo tràng niệm Phật tại Tinh Châu, cũng liên tiếp được năm hội.  Mỗi đêm Vua và người trong cung nghe tiếng niệm Phật rất thanh thoát từ xa đưa vẳng lại.  Sau khi cho người dò tìm, được biết đó là tiếng niệm Phật ở đạo tràng tại Tinh Châu, nhà Vua phái sứ giả mang lễ đến thỉnh Ngài vào triều.  Ngài mở đạo tràng niệm Phật tại hoàng cung, cũng gồm năm hội.  Vì thế, người đường thời gọi Ngài là Ngũ Hội Pháp Sư.

Từ đó Ðại Sư tinh tấn tu hành, ngày đêm không trễ.  Một đêm nọ Ngài thấy vị đến bảo:
"Hoa Sen công đức của ông nơi Ao Thất Bảo ở cõi Cực Lạc đã thành tựu.  Ba năm sau là đúng thời kỳ hoa nở, ông nên chuẩn bị"

Ðến kỳ hạn, Ðại Sư gọi Tăng chúng lại căn dặn rằng - Ta về Cực Lạc, mọi người phải gắng tinh tu!  Nói xong, Ngài ngồi ngay yên lặng mà tịch.

Trích MẤY ĐIỆU SEN THANH, Quyển 1
Cố H/T. Thích Thiền Tâm



Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

HỌP MẶT ĐẦU XUÂN

 Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa


NIỆM PHẬT CUỐI TUẦN
MỒNG 8 TẾT QUÝ T

Vài hình ảnh trong buổi họp mặt niệm Phật - chúc Tết đầu năm của tập thể Liên hữu SHHV sáng Mồng 8 Tết trong niềm Pháp hỷ tràn đầy.  Một lần nữa xin thành kính tuỳ hỷ công đức của quý thân quyến hai gia đình P/T. Tịnh Nguyên - Liên Duyên, cùng quý huynh đệ đồng tu đã hoan hỷ trợ duyên cho thời niệm Phật và họp mặt đầu Xuân được viên mãn như nguyện.

Kính chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.

Xuân VÔ LƯỢNG THỌ,
Hoằng Trạng

Click xem video clip: "RƯỚC XUÂN VỀ NHÀ" trực tuyến trên YouTube HD ngay bên dưới:
http://www.youtube.com/watch?v=_yWUyLRDE3Y 










 
Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật 

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

DU XUÂN QUÝ TỴ

 Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa


CUNG CHÚC TÂN XUÂN 

Vài hình ảnh đón Năm Mới và Du Xuân Quý Tỵ 2013 cùng gia đình tại Vietnam gửi mọi người cùng xem.  Kính chúc một Năm Mới an lạc, kiết tường.

Xuân VÔ LƯỢNG THỌ,
Hoằng Trạng

Click xem các video clips đầu năm trực tuyến trên YouTube HD qua những ca khúc Xuân chọn lọc:



































 
Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật