Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa
TRÍCH: NIỆM PHẬT THẬP YẾU - CỐ H/T. THÍCH THIỀN TÂM
Khi mới vào chùa, bút giả nghe được một truyền thuyết bao hàm ẩn ý,
mà không biết có đúng với nguyên ngữ chăng, và phát xuất từ đâu? Câu ấy
là:
"Phật cao nhứt xích, ma cao nhứt trượng, Phật cao nhứt trượng, ma
cao quá trượng đầu, Phật cao siêu quá trượng đầu, ma quy hàng Phật"
Ý
nghĩa câu này là - Phật cao một thước, ma cao một trượng. Phật cao một
trượng, ma cao khỏi đầu trượng; nếu Phật cao vượt khỏi đầu trượng nữa,
ma sẽ quy hàng Phật. Suy gẫm theo câu trên, người tu phải làm sao cho
ông Phật của mình cao hơn con ma, nếu chẳng thế tất bị ma chướng đánh
đổ. Cho nên trong làng tu, những kẻ bị thối bại không nên đổ cho hoàn
cảnh, hoặc phiền trách ai, chỉ trách tại ông Phật của mình thua con ma
mà thôi. Nếu cố gắng giữ vững chí nguyện, ma chướng sẽ tiêu trừ. Vì biết
trên đường tu có nhiều chướng ngại, khi xưa Đức Đạt Ma Tổ Sư đã nói Bốn Hạnh để làm phương châm tiến đạo cho hàng đệ tử. Bốn hạnh ấy là:
1. BÁO OAN HẠNH
Chúng ta từ trước đến
nay luân hồi trong Sáu Nẻo, mỗi đời đều gây nghiệp trái hoặc ân hoặc
oán, từ việc nhỏ đến việc lớn, có thể nói là vô lượng vô biên. Cho nên
khi ta hành đạo, tuy nhờ công đức tu tập tiêu trừ một phần nào, nhưng
các nghiệp chưa tan, tất phải lần lượt đền trả. Như người thường đau yếu
hoặc tàn tật, do kiếp trước đã tạo nghiệp sát sanh. Người bị nhiều
tiếng thị phi khen chê, do kiếp trước ỷ thông minh quyền thế xem rẻ
người, hoặc đã tạo nghiệp hủy báng. Người bị nghèo khổ thiếu hụt, do
kiếp trước không có lòng xót thương tu hạnh bố thí. Người bị gông cùm
tra khảo tù đày, do kiếp trước hay trói buộc, đánh đập, giam nhốt chúng
sanh. Kẻ bị cô độc lẻ loi thiếu người phụ trợ, do kiếp trước không hoan
hỷ kết duyên với mọi người. Những nghiệp như thế vô lượng vô biên, ngày
nay tu hành khi bị oan trái đến, phải an lòng nhẫn nại chịu đền trả,
không nên oán trách buồn phiền. Nơi kiếp luân hồi, chúng sanh đều có ăn
uống cùng gia đình đôi bạn, nên trong các nghiệp duy có nghiệp sát và
nghiệp ái là nặng nhứt. Cổ đức đã than:
"Bể nghiệp mênh mang, khó đoạn
không chi hơn ái dục. Cõi trần man mác, dễ phạm duy chỉ có sát sanh"
Bút giả từng nghe một Phật tử Bắc Việt thuật lại câu chuyện, vì lâu
quá chỉ nhớ phần đại khái, quên mất tên họ địa chỉ của người trong
cuộc. Phật tử ấy nói - Có một vị sư nguyên là thầy giáo, vì tỉnh ngộ
cảnh thế phù du, nên lên tịnh tu trên núi. Trải một thời gian, vị sư
được chư thần mách bảo rằng - Ông có duyên nợ mười chín năm với một cô
tên họ là thế, nay tuy đã tu hành không nên kết duyên chồng vợ, nhưng
phải xuống núi dạy dỗ giác ngộ cô kia, trả xong mối nợ tiền khiên đúng
như thời hạn ấy, rồi trở lên núi tu hành mới có thể thành công. Vị sư y
lời xuống núi, quả nhiên gặp một cô tên họ đúng như chư thần đã bảo, cảm
mến đeo đuổi. Sư khuyên nhủ dạy đạo cho cô, trả xong y theo thời hạn
rồi lên núi. Lúc lâm biệt cô ấy vẫn còn quyến luyến khóc lóc. Đây là sự
trả nợ nần về nghiệp ái. Nơi truyện Quần Tiên, nhân tiết trung thu chàng văn sĩ Vân Tiêu lên
núi chơi. Trong đêm rằm, chàng mục kích chư tiên nương mây cởi hạt giáng
xuống một tòa thạch bàn, bày tiệc trái ngon rượu quí, vừa đàn ngâm hát
rằng:
Đêm thu một khắc một chầy
Vầng trăng khéo rọi cảnh này sơn âm!
Nghiêng bầu hỏi bạn đồng tâm
Hằng Nga khuất bóng biết tìm nơi đâu?
Bên tiên nữ có một nàng tên là Thái Loan, sắc đẹp dịu dàng, ca ngâm
hay nhất, làm cho Vân Tiêu tuy ẩn bóng rình nghe, cũng bàng hoàng xúc
động. Giây lát sau, một vị lão tiên uống rượu xong, ca rằng:
Hữu duyên tương hội tại tiên đàn
Ưng đắc Vân Tiêu giá Thái Loan!
Nghe hai câu ấy, Vân Tiêu phải chường mặt ra dự vào đàn tiên. Chư
tiên bảo Thái Loan tiên nữ còn trần duyên với Vân Tiêu mười ba năm,
truyền đồng tử đem sổ ra xóa bỏ tiên tịch. Và sau mười ba năm sống với
Vân Tiêu, trần duyên đã mãn, Thái Loan dùng phép ẩn thân bay về non tu
lại. Cho nên chư tiên vẫn còn ở trong vòng nhân duyên kiếp quả.
Về nghiệp sát, như Sư Tử Tôn Giả bên Ấn Độ và Thần Quang Nhị Tổ ở
Trung Hoa tuy đều đắc đạo, nhưng ngày kết liểu vẫn phải an nhiên chịu
chém để đền nợ mạng. Lại như Ngài Mục Kiền Liên tuy đắc quả A La Hán,
thần thông bậc nhất trong hàng Thanh Văn, nhưng vì muốn trả túc nghiệp,
nên để bọn hung đồ dùng đá gậy liệng đánh cho đến chết, thi hài lại bị
vùi trong hầm phẩn. Đức Phật thấy thế thương xót, sai đệ tử đem thây
Ngài lên tắm rửa sạch sẽ, xoa ướp dầu thơm, rồi đem đi trà tỳ thâu lấy Xá Lợi. Và như Thái Tử nước An Tức xuất gia tu hành đắc đạo, dùng Túc
Mạng Trí thấy mình còn nghiệp trái sát sanh, nên ba phen chuyển kiếp đến
xứ Lạc Dương ở Trung Hoa trả nợ mạng ba lần. Kiếp sau rốt, Ngài là Sa Môn An Thế Cao. Cho nên trên đường tu đâu biết ai là toàn vẹn, ta không nên tự mãn mà
khinh thường người. Bởi nghiệp trái của chúng sanh rất nhiều, có khi
đền trả hết lớp này lại đến lớp khác. Nhiều vị xem dường rảnh rang không
oan trái, nhưng chưa hẳn là không có, chỉ vì chưa đến thời tiết nhân
duyên đền trả đó thôi. Muốn dứt oan khiên ta phải an nhẫn sám hối và cố
gắng tu hành để diệt trừ. Thi sĩ Nguyễn Du có lẽ đã tin sâu về thuyết
nghiệp báo và sự cải tạo nhân quả của nhà Phật, nên mới có câu:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa...
Lời này đã được nhiều bậc thức giả công nhận.
2. TUỲ DUYÊN HẠNH
Đây là nói sự an
phận tùy duyên của người tu cảnh nào sống theo cảnh ấy. Như cảnh giàu
sang tùy theo giàu sang, cảnh nghèo hèn tùy theo nghèo hèn, cảnh man rợ
tùy theo man rợ, cảnh hoạn nạn tùy theo hoạn nạn, cho đến cảnh thạnh
suy, họa phước, đắc thất, thị phi… cũng đều như thế. An phận tùy duyên
đây, là giàu sang mà không tự đắc kiêu căn, nghèo hèn hoạn nạn mà không
buồn rầu đổi chí. Tại sao thế? Vì tất cả cảnh thạnh suy họa phước đều
như huyễn, chỉ tùy nghiệp hiện lên một thời gian rồi diệt, có chi đáng
tham luyến nản buồn? Khi xưa, đức Khổng Tử và đồ đệ bị giặc vây giữa nước Trần nước Thái,
thầy trò tuyệt lương đã bảy ngày, song Ngài vẫn khảy đàn tươi cười. Tử
Cống hỏi - Tại sao gặp hoàn cảnh sống chết không định ngày, mà Phu tử
hãy còn vui cười được? Ngài đáp - Việc gì ta đã cố gắng làm hết sức ta
mà xảy ra như vậy, là mạng trời, buồn rầu thương khóc nào có ích chi?
Như đức Khổng Tử có thể gọi là bậc thánh tri mạng, luôn luôn bình tĩnh
sáng suốt, không bị bối rối đổi thay trước mọi hoàn cảnh. Người tu nên
như thế, phải xem ruộng vườn, nhà cửa, quyến thuộc, tài sản đều là duyên
giả tạm, không vì nó mà quyến luyến bận tâm, mới có thể tiến lên đường
giải thoát.
3. XỨNG PHÁP HẠNH
Pháp đây là Chân
Như pháp, đối với người tu Tịnh Độ là Niệm Phật Tam Muội. Người tu Thiền
khi đi đứng nằm ngồi, tâm phải xứng hợp với Pháp Chân Như, như nước hòa
nước, tợ hư không hợp với hư không. Hành giả tu Tịnh Độ cũng thế, tâm
lúc nào cũng trụ nơi câu niệm Phật. Cổ đức bảo:
"Nếu tạm thời không trụ
nơi chánh định, tức đồng như người đã chết"
Bởi không trụ được nơi
chánh định, tức là bị trần cảnh đoạt. Bị trần cảnh cướp đoạt lôi cuốn,
thì pháp thân huệ mạng không còn. Cho nên người tu Tịnh Độ nếu thường
trụ nơi câu niệm Phật, thì tâm địa lần lần lặng yên sáng suốt, cảm thông
với Phật, chắc chắn sẽ được vãng sanh.
4. VÔ SỞ CẦU HẠNH
Đạo là chỉ cho tâm
hạnh trong sạch không mong cầu điều chi. Bởi tất cả pháp đều như huyễn,
sanh rồi diệt, diệt lại sanh, có chi chân thật để mong cầu? Vả lại pháp
thế gian đều tương đối, trong họa có phước, trong phước có họa, nên
người trí vẫn bình thản, ở cảnh thạnh suy họa phước đều không động tâm.
Thí dụ - Một tăng sĩ khi ẩn tu nơi am tranh vắng vẻ, sự sống hẩm hiu, ít
người thăm viếng, duyên đời tuy suy nhưng đạo lại thạnh. Ít lâu sau, nếu
có người đạo tâm hay biết tới cúng dường, lần lần lập nên chùa lớn,
tăng chúng tập trung về đông đảo, chừng ấy phước duyên tuy thạnh nhưng
phần giải thoát lại suy, bởi vị ấy mắc bận tâm lo ứng phó công việc bên
ngoài. Lẽ họa phước ẩn nương nhau cũng như thế. Cho nên tâm hạnh của
người tu là không cầu việc ác, hay cầu làm chúng sanh, cũng không cầu
điều thiện, hoặc cầu thành Phật. Có người hỏi - Nếu niệm Phật không cầu
vãng sanh, không cầu phước huệ viên mãn để thành Phật, thì làm sao tu
tiến? Đáp - Bởi Phật là chơn không, càng cầu lại càng xa càng mất. Vì
thế Kinh Pháp Hoa nói:
"Giả sử có vô số bậc Thanh Văn, Duyên Giác cho
đến hàng Bất Thối Bồ Tát, trong vô lượng kiếp suy nghĩ tìm cầu, cũng
không thấy hiểu được thật trí của Phật"
Về sự vãng sanh, thì lối cầu
của người tu là cầu mà không cầu, không cầu mà cầu. Sự ứng dụng ấy như
mặt gương sáng trong, khi hình đến thì chiếu soi, hình đi, lại lặng yên
rỗng suốt. Giữ sự thấy biết tìm cầu thì lạc vào vọng tưởng, không thấy
biết tìm cầu nào khác gì gỗ đá vô tri! Nói rộng ra, hạnh Vô Sở Cầu đây
gồm cả Ba Môn - Không, Vô Tướng, Vô Nguyện vậy. Nếu người tu giữ theo bốn hạnh của Đức Đạt Ma Tổ Sư đã dạy, thì có thể bình thản trước mọi chướng duyên.
Trích Niệm Phật Thập Yếu của H/T. Thích Thiền Tâm
Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật