Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa
CHƯƠNG III
TRI KIẾN PHẢI CÓ KHI TU TẬP PHÁP MÔN
II. MỘT CHÚT THANH MINH VÀ MỘT VÀI KHÍCH LỆ
Để
tu tập thành công pháp môn này, hành giả phải cần thời gian dài hay
ngắn? Muốn biết chắc điều đó, hãy nên xét kĩ xem, đối với nội dung sách
này, hành giả hiểu được sâu hay cạn, và có y như cách thức mà tu tập hay
không. Nếu hiểu rõ hoàn toàn những lời nói trong sách này, và y theo đó
mà tu tập, đối với người bình thường mà nói, ước chừng từ hai đến sáu
tháng thì có thể lãnh hội được pháp môn Niệm Phật Vô Tướng; nếu là hạng người lợi căn, hoặc đã có sẵn công phu trong động, thì một khi nghe qua liền lãnh hội.
Theo
kinh nghiệm của kẻ hậu học này, bắt đầu từ ngày 3.9.1991, tại hai đạo
tràng khác nhau; một là đạo tràng tu thiền nọ của Kim Dung Cơ Cấu Phật
Học Xã tại Đài-bắc; một là thiền đường do ông bà Trần cư sĩ xây dựng ở
Thạch-bài, tôi đã giảng thuật cho 30 đạo hữu cùng tu, kết quả, trong
vòng 6 tuần lễ, có 2 vị tu tập thành công. Sau đó cũng lần lượt có vị tu
tập thành công. So ra thì các đạo hữu ở Thạch-bài thành công nhiều hơn,
nguyên do là vì quí vị ở đó tu hành như thật. Quí vị ấy tuy học Phật
muộn màng, thể hội chậm chạp, nhưng lòng tin tràn đầy, tu trì với tâm
trong trắng, và sau 3 tháng thì tu tập thành công. Về sau lại có một vài
đạo hữu, nhân nghe băng ghi âm giảng giải về pháp môn Niệm Phật Viên
Thông, đồng thời đọc bài văn “Đàm Vô Tướng Bái Phật dữ Vô Tướng Niệm Phật”
(Bàn về pháp môn lạy Phật vô tướng và niệm Phật vô tướng), rồi siêng
năng hành trì, và cũng trong 3 tháng thì tu tập thành công. Trong vòng 4
tháng cuối năm (1991), có cả thảy 9 vị tu tập thành công. Hỏi những vị
từng đến nghe giảng pháp môn này nhưng chưa tu tập thuần thục, thì biết
rằng, nhân vì phần đông quí vị này vốn không thích pháp môn phương tiện
của buổi ban đầu là lạy Phật và trì danh niệm Phật, mà bây giờ thì cũng chưa tu tập một cách đúng mức, cho nên chưa có thể thành thục.
Mùa hè năm 1989 tại một tự viện nọ, kẻ hậu học này từng tặng cho một số vị cư sĩ tu thiền bài đoản văn “Đàm Vô Tướng Bái Phật dữ Vô Tướng Niệm Phật”.
Một trong các vị đó, vì không thích lạy Phật, đã đem bỏ bài đoản văn ấy
nơi một góc nào đó trong chùa. Có một người thiện căn sâu dầy, khi nhận
tờ nguyệt san do chùa đó phát hành, thấy trong tờ nguyệt san ấy có cặp
theo bài đoản văn kia, bèn đọc. Đọc xong thì vô cùng vui mừng, liền y
theo bài văn mà tu trì, chẳng bao lâu đã thành thục; tự mình có khả năng
tham thoại đầu, thường trú trong câu nghi vấn thiền. Đó là người đầu
tiên chỉ y cứ vào một bài đoản văn mà tu tập thành công pháp môn Niệm
Phật Vô Tướng.
Đến như người bình thường niệm Phật,
chỉ xin cần hết sức kiên nhẫn, đọc quyển sách này thật kĩ càng. Chớ nên
vì cái cảnh giới niệm Phật vô tướng vừa thuật ở trước khó tưởng tượng,
mà cho rằng rất khó tu trì, rồi sinh nản lòng. Nên biết rằng, những
người tu tập thành công pháp môn Niệm Phật Vô Tướng đã được nói tới ở
trước, đa số là những người niệm Phật. Do đó có thể thấy, người niệm
Phật có nhân duyên rất sâu với pháp môn Niệm Phật Viên Thông của đức
Bồ-tát Đại Thế Chí. Nếu hành giả đã có công phu trì danh niệm Phật, lại
gặp đúng lúc được tu pháp môn này, càng dễ thành tựu hơn so với những
người chưa từng niệm Phật. Một lúc nào đó tu tập thành công, lại tiếp
tục duy trì hộ niệm, thì đến giờ phút lâm chung, muốn sinh về thế giới
Cực-lạc, đó là điều cầm chắc trong tay.
Viết đến
đây, gặp ngày 5.2.1992 (tức ngày Mồng 2 tháng Giêng âm lịch), trong số
30 đạo hữu cùng tu, đã có 12 vị thành tựu công phu niệm Phật vô tướng; 6
vị trong số đó đã tiến vào giai đoạn “tham thoại đầu” (có 4 vị
thường khởi nghi tình[45]). Trong 6 vị tham thiền này thì chỉ có một vị
nguyên gốc học thiền, còn 5 vị kia đều là người trì danh niệm Phật. Có
6 vị khác chưa đến giai đoạn tham thiền, vẫn còn tiếp tục tu niệm Phật
vô tướng, mà nguyên gốc đều là những người trì danh niệm Phật. Có vị
muốn trọn đời tu niệm Phật vô tướng; sau khi thâm nhập pháp môn Niệm
Phật Viên Thông của Bồ-tát Đại Thế Chí, lúc xả bỏ báo thân sẽ cầu sinh
về tịnh độ Cực-lạc. Có vị muốn tiếp tục dùng phương pháp lạy Phật và
niệm Phật vô tướng để tăng cường cho công phu trong động, rồi sau đó mới
tham thiền. Có vị lại chọn phương pháp tham cứu niệm Phật. Hầu hết 6 vị
ấy sẽ có lúc phát khởi nghi tình, trở thành tham cứu niệm Phật, rồi
nhân đó mà có lúc sẽ tiến đến giai đoạn thiền quán. Do đó có thể thấy,
pháp môn niệm Phật vô tướng là loại công phu trong động mà người
tham thiền và người niệm Phật đều cực lực thọ dụng; chư vị hành giả nên
có cái nhìn chính đáng đối với nó. Còn các vị khác tu tập chưa thành
công, về sau cũng nhân xây dựng được lòng tin mà bắt đầu luyện tập,
trước mắt lần lượt đã thấy có tiến bộ.
Bởi vậy cho
nên bất luận là người tu thiền hay tu tịnh độ niệm Phật, nếu chịu khó
đọc kĩ quyển sách này, thể hội tri kiến và phương pháp tu trì, tinh tấn
và bền chí luyện tập mỗi ngày, thì có thể trong vòng từ 2 đến 6 tháng là
đạt được kết quả. Nếu như một ngày đánh cá, ba ngày phơi lưới, thì có
muốn thu hoạch cũng không có gì để thu hoạch.
(Còn tiếp)
Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật