Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

TRÍ TỊNH TOÀN TẬP 2012

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa


LỄ RA MẮT TRÍ TỊNH TOÀN TẬP
(P/1 -  ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM KINH - T/1, 2555)

Vài hình ảnh của Chư Tôn Đức Tăng, Ni và Phật tử tại Chùa Vạn Đức trong lễ ra mắt TRÍ TỊNH TOÀN TẬP phần 1 KINH HOA NGHIÊM chiều chủ nhật 28/1 dưới sự chứng minh của Chư Tôn Giáo Phẩm GHPG Việt Nam.  Sau một năm kết tập các bản dịch Đại Tạng Kinh của Đại Lão H/T. Thích Trí Tịnh và cuộc đời hoằng pháp của Ngài hơn nữa thế kỷ qua trên tinh thần báo ơn và đền ơn;  Pháp Bảo trân quý này được Chư Tôn Đức Tăng các đạo tràng Vạn Đức, Hoằng Pháp và Huệ Viễn cùng phối hợp biên soạn, NXB Tôn Giáo phát hành và công ty Fahasa phụ trách in ấn.

Nguyện đem công đức này hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh đều trọn thành Phật đạo

A MI ĐÀ Phật,
Hoằng Trạng








Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

LUẬN B/V TAM MUỘI

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa

\
MƯỜI PHÁP BA LA MẬT 
  1. Tôi nguyện BỐ THÍ tất cả những gì mà tôi có, từ vật chất cho đến tinh thần để ban vui, cứu khổ cho chúng sanh, để mong diệt trừ phiền não, tham còn ngủ ngầm trong Tâm.
  2. Tôi nguyện TRÌ GIỚI thanh tịnh như băng sương, trang nghiêm Pháp Thân thơm đẹp như Hoa Sen tinh khiết, để làm gương mẫu cho chúng sanh.
  3. Tôi nguyện XUẤT GIA đúng ý nghĩa: (1) Xuất Thế Tục Gia., (2) Xuất Phiền Não Gia., (3) Xuất Tam Giới Gia - Dục giới để không còn bị trói buộc, an vui tự tại vĩnh viễn.
  4. Tôi nguyện được TRÍ TUỆ cao thượng, thấu rõ chân tướng của vạn pháp, rồi đem trí tuệ đó giác ngộ cho chúng sanh tận kiếp vị lai cho đến ngày thành Phật.
  5. Tôi nguyện TINH TẤN chuyên cần, không sợ sệt lùi bước mà can đảm vượt qua mọi chướng ngại, cho đến khi đạt được trí tuệ giác ngộ viên mãn, độ sanh viên mãn.
  6. Tôi nguyện NHẪN NHỤC, tự nghiêm khắc mình, luôn tha thứ khoan dung những lỗi lầm của người, để lúc nào cũng được trông thấy mọi sự vật tốt đẹp xinh tươi khắp nơi khắp chốn.
  7. Tôi nguyện CHÂN THẬT từ lời nói việc làm, ý nghĩa đều không hề sai lạc chân lý, để dẫn dắt chúng sanh đến bờ giải thoát.
  8. Tôi nguyện CƯƠNG QUYẾT, ý chí sắt đá, đại hùng, đại lực, đại bi để tùy duyên cứu độ chúng sanh không mệt mỏi.
  9. Tôi nguyện được TÂM TỪ đối với tất cả chúng sanh đều coi như cha mẹ, quyến thuộc, anh em, bình đẳng không phân biệt oán thân, yêu ghét.
  10. Tôi nguyện được TÂM XẢ viên mãn, luôn luôn trầm lặng và an lạc, Hành Bồ Tát nguyện nơi nào xong rồi bước đi không vướng mắc.
                Nguyện cho tôi phụng sự chúng sanh được hoàn toàn
                Nguyện cho tôi được hoàn toàn để phụng sự chúng sanh.

MUỜI ĐIỀU TÂM NIỆM
  1. Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không BỆNH KHỔ, vì không bịnh khổ thì DỤC VỌNG dễ sanh.
  2. Ở đời đừng cầu không HOẠN NẠN, vì không hoạn nạn thì KIÊU SA nổi dậy.
  3. Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không KHÚC MẮC, vì không khúc mắc thì SỞ HỌC không thấu đáo.
  4. Xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị MA CHƯỚNG, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không KIÊN CƯỜNG.
  5. Việc làm đừng mong DỄ THÀNH, vì việc dễ thành thì lòng KHINH THƯỜNG.
  6. Giao tiếp đừng CẦU LỢI mình, vì lợi mình thì mất ĐẠO NGHĨA.
  7. Với người thì đừng mong tất cả đều THUẬN Ý mình, vì được thuận theo ý mình thì lòng tất KIÊU CĂNG.
  8. Thi ân đừng cầu ĐỀN ĐÁP, vì cầu đền đáp là thi ân có ý MƯU ĐỒ.
  9. Thấy lợi đừng NHÚNG VÀO, vì nhúng vào thì SI MÊ phải động.
  10. Oan ức không cần BIỆN BẠCH, vì biện bạch là NHÂN QUẢ chưa xả.
Bởi vậy Đức Phật đã dạy:
  1. Lấy BỆNH KHỔ làm THUỐC THẦN
  2. Lấy HOẠN NẠN làm GIẢI THOÁT
  3. Lấy KHÚC MẮC làm THÚ VỊ
  4. Lấy MA QUÂN làm BẠN ĐẠO
  5. Lấy KHÓ KHĂN làm THÍCHTHÚ
  6. Lấy KẺ TỆ BẠC làm NGƯỜI GIÚP ĐỠ
  7. Lấy NGƯỜI CHỐNG ĐỐI làm NƠI GIAO DU
  8. Coi THI ÂN như ĐÔI DÉP BỎ
  9. Lấy SỰ XẢ LỢI làm VINH HOA
  10. Lấy OAN ỨC làm CỬA NGÕ ĐẠO HẠNH.
Nên chấp thuận trở lại thì lại thông suốt, mà mong cầu thông suốt thì sẽ bị trở ngại.  Đức Thế Tôn thực hiện huệ giác Bồ Đề ngay trong sự trở ngại, như Ương Quật hành hung, Đề Bà quấy phá mà Ngài giáo hóa cho thành đạo cả.  Như vậy há không phải chính sự chống đối lại làm   sự thuận lợi và sự phá hoại lại làm sự tác thành cho ta?  Ngày nay những người học đạo, trước hết không dấn mình vào trong mọi sự trở ngại, nên khi trở ngại át đến thì không thể ứng phó.  Chánh Pháp chí thượng vì vậy mất hết, đáng tiếc, đáng hận biết ngần nào!

Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

CUỘC ĐỜI T/G LA HẦU LA

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa


ĐỨC PHẬT DẠY CON NHƯ THẾ NÀO?
The Buddha as Parent by Gil Fransdal 2008

LTS: Tiến sĩ Gil Fronsdal hiện đang giảng dạy Thiền tại Insight Meditation Center ở Redwood City, California, Hoa Kỳ.  Ông có vợ và hai con.  Với ông, Đức Phật là một bậc Thầy, một con người Giác Ngộ.  Sự kiện Đức Phật giáo dưỡng Ngài LA HẦU LA trở nên giác ngộ được ghi chép trong Kinh tạng Pàli, theo Gil Fronsdal gần gũi và thân mật như Cha dạy con, Thầy dạy trò đã khơi nguồn cảm hứng cho ông hướng dẫn tu tập thiền định cho con cái và thanh thiếu niên.  Xin giới thiệu bài viết Đức Phật dạy con như thế nào, nguyên tác The Buddha as a Parents, Tạp chí Inquiring Mind xuất bản, Hoài Hương chuyển dịch sang tiếng Việt đến với bạn đọc.


Ngày nay hầu như  người Phật tử nào  cũng biết rằng Thái Tử Tất Đạt Đa, sau này là Đức Phật đã lìa bỏ tổ ấm của mình để đi tìm con đường giải thoát không lâu sau cái ngày  LA HẦU LA, đứa con trai duy nhất của Ngài chào đời.  Nhiều người cảm thấy khó hiểu, thậm chí phẫn nộ trước một hành động có vẻ thiếu trách nhiệm như thế.  Song ít ai biết rằng sau khi đạt Chánh Đẳng Chánh Giác, Đức Phật đã trở thành Thầy dạy dỗ chính cho con trai của mình trong hầu hết quãng đời niên thiếu, kể từ khi  LA HẦU LA lên 7 tuổi và Ngài đã là một người Cha rất mực mô phạm: La Hầu La đã đạt được Giác Ngộ Viên Mãn khi mới tròn 20 tuổi.  Vậy ta hãy tự hỏi, Đức Phật là một người Cha như thế nào?  Phương pháp dạy con của Ngài ra sao?  Làm thế nào một bậc Giác Ngộ trao truyền những giá trị tâm linh của mình cho con cái?
Kinh điển không đề cập nhiều đến mối quan hệ Cha con giữa Đức Phật và  LA HẦU LA, nhưng rải rác vẫn có để lại những dấu hiệu thú vị đáng lưu ý về việc Đức Phật đã dẫn dắt  LA HẦU LA như thế nào trên con đường trưởng thành.  Mặc dầu trước các Kinh điển này đã có những mẩu chuyện nói về việc  LA HẦU LA đã trở thành đồ đệ của Đức Phật như thế nào, nhưng phần lớn những chi tiết này nằm trong Ba Bài Pháp mà nếu ta gom cả lại với nhau thì đó chính là một tiến trình liên tục của con đường dẫn tới giác ngộ.  Lúc  LA HẦU LA 7 tuổi, Đức Phật dạy cho con về ĐẠO ĐỨC; Lúc  LA HẦU LA 10 tuổi, Đức Phật dạy cho con THIỀN ĐỊNH; Và lúc 20 tuổi, Ngài dạy về TUỆ GIÁC giải thoát.  Quá trình trưởng thành của  LA HẦU LA vì vậy đi liền với Tiến Trình Giác Ngộ.


Khi con trai của tôi tròn 7 tuổi, tôi bắt đầu suy tư về việc làm thế nào để dẫn dắt nó và em trai của nó trên con đường tâm linh.  Ít nhất, tôi muốn các con tôi học và thực hành Phật Pháp đủ để sau này lớn lên chúng có thể trở về với những tiềm năng đó nếu chúng thích hay cần đến. Tôi cũng nghĩ rằng nếu các con tôi có thể nương tựa nơi Phật Pháp thì sau này dù đang ở bất cứ nơi đâu, chúng cũng có thể quay về với cái mái ấm đó.  Nhất là vì đối với tôi, gia tài lớn nhất mà tôi có được qua sự thực tập Phật Pháp là sự an lạc, thảnh thơi và lòng từ bi; Tôi tự hỏi làm cách nào tôi có thể trao truyền cái gia tài tâm linh đó lại cho thế hệ sau.  Được biết  LA HẦU LA bắt đầu được Đức Phật dạy dỗ từ năm 7 tuổi, tôi lục tìm trong những bản Kinh tiếng Pàli để học lấy những phương pháp mà Đức Phật đã sử dụng để dạy dỗ con của Ngài.  Tôi tìm thấy cách làm thế nào để lại một gia tài tâm linh qua những mẩu chuyện thật hay trong Kinh điển về việc  LA HẦU LA đã theo học với Cha như thế nào.  


Sáu năm sau khi Đức Phật rời bỏ gia đình và một năm sau khi đạt được Giác Ngộ, Ngài trở về kinh thành.   LA HẦU LA lúc ấy 7 tuổi theo lời Mẹ dạy đã chạy đến bên Cha để xin thừa hưởng gia tài.  Nếu như ngày xưa Thái Tử Tất Đạt Đa không bỏ kinh thành ra đi, thì bây giờ  LA HẦU LA đã được truyền ngôi.  Nhưng là một người đã buông bỏ hết tất cả, sống đời khổ hạnh, Đức Phật có thể trao lại cho con mình cái gì?  Đáp lời con, Đức Phật quay sang nói với Tôn giả XÁ LỢI PHẤT - Hãy thâu nhận nó - Như vậy thay vì được ngôi vua, LA HẦU LA đã được thừa hưởng con đường đi của cha mình, con đường dẫn đến giải thoát.
Có lẽ còn lâu lắm con trai tôi mới cạo trọc đầu và khoác lên mình chiếc áo Cà Sa, nhưng tôi vẫn muốn cho con tôi tiếp xúc với những điều căn bản của Phật Pháp, những điều đã chuyển hóa sâu sắc cuộc đời tôi.  Khi tôi đọc những đoạn Kinh về cách Đức Phật dạy  LA HẦU LA, tôi ngạc nhiên nhận ra rằng những điều này không những vẫn còn mới mẻ mà còn rất thích hợp với việc dạy con ở nước Mỹ này, trong thời hiện đại này.  Thật vậy, những bài Pháp này đã trở thành kim chỉ nam cho tôi trong việc dạy con.


ĐẠO ĐỨC


Câu chuyện đầu tiên kể về La Hầu La được Đức Phật dạy về Lòng Chính Trực.  Lúc lên 8 tuổi, La Hầu La đã có lần nói dối.  Kinh Giáo Giới  LA HẦU LA (Trung Bộ Kinh 61) kể rằng sau khi tọa Thiền xong, Đức Phật đến tìm con.  La Hầu La lấy ghế mời Thế Tôn ngồi rồi mang đến một thau nước cho Ngài rửa chân, theo phong tục thời ấy.  Sau khi rửa chân xong, Đức Phật hỏi:
Này, LA HẦU LA con có thấy chút nước còn lại trong cái thau này không?
- Dạ, con có thấy.  LA HẦU LA thưa.
Đời của một người tu cũng chỉ đáng bằng một chút nước này thôi, nếu như người đó cố tình nói dối.
Tôi tưởng tượng  LA HẦU LA đỏ mặt lên.  Sau đó Đức Phật đổ hết nước trong thau ra và nói:
Đời của một người tu cũng đáng vất bỏ đi như vầy nếu như người đó cố tình nói dối.
Xong, Đức Phật lật cái thau úp xuống và nói:
Đời của một người tu sẽ trở nên đảo lộn như vầy nếu như người đó cố tình nói dối.
Và để nhấn mạnh thêm nữa, Đức Phật lật ngửa cái thau trở lại và nói:
Đời của một người tu cũng trở nên trống rỗng như cái thau này nếu như người đó cố tình nói dối.
Sau đó Ngài dạy  LA HẦU LA:
Đối với một người cố tình nói dối, không có một tội lỗi xấu xa nào mà người đó không thể làm.  Vì vậy,  LA HẦU LA con hãy tập đừng bao giờ nói dối, cho dù đó là một lời nói đùa.


Câu chuyện trên đây nhắc nhở tôi rằng những lời la mắng giận dữ với con cái thực ra chỉ có sức mạnh mà không có nội lực.  Đức Phật đã rất bình tĩnh, chọn thời điểm đúng lúc để dạy dỗ mà không trừng phạt hay nổi giận với  LA HẦU LA.  Sau bài thuyết giảng ngắn mà nghiêm khắc, rõ ràng về việc nói dối đó, tôi tưởng tượng  LA HẦU LA đã lắng nghe hơn.  Sau đó Đức Phật chỉ dẫn  LA HẦU LA làm sao để suy xét mọi hành động của mình.
Cái gương dùng để làm gì?  Ngài hỏi.
- Bạch Đức Thế Tôn, gương dùng để soi.  LA HẦU LA đáp.
Đức Phật lại dạy:
Trong khi chuẩn bị làm điều gì bằng Thân, Khẩu, Ý con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không.  Nếu sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con hãy đừng làm.  Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác, thì con hãy làm.


Tôi chợt nhận ra rằng thay vì dạy cho con mình nhận biết sự khác biệt tuyệt đối giữa đúng và sai, Đức Phật đã dạy cho con suy gẫm về lợi ích và có hại.  Điều này đòi hỏi cả sự tự tri lẫn lòng bi mẫn.  Đặt nền tảng của đạo đức dựa trên có lợi hay có hại giúp giải thoát đời sống đạo đức của ta khỏi những khái niệm trừu tượng và những ý niệm chẳng ăn nhập gì tới hậu quả của việc ta làm.  Có lợi và có hại cũng giúp cho con người nhận biết mục tiêu của mình.  Những điều ta làm sẽ trở thành hoặc là nghịch duyên, hoặc là thuận duyên trên con đường ta đi.  Phương pháp giáo hóa của Đức Phật khiến cho tôi càng tin tưởng thêm rằng chúng ta cần gieo xuống nơi tâm hồn con trẻ những hạt giống của lòng bi mẫn, những hạt giống của ý thức về việc mỗi hành động của nó sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào.  Sức mạnh của sự quán chiếu và lòng từ bi sẽ không có được nếu đứa trẻ chỉ biết vâng theo lời của người lớn - Con hãy biết quán chiếu và hãy có lòng từ bi!.  Những giá trị này chỉ có thể có được qua gương của người khác, nhất là của Cha Mẹ đứa trẻ.  Đức Phật cũng dạy La Hầu La hãy xem xét sau khi làm một việc gì đó có gây tổn hại gì không? Nếu có thì phải đến gặp một người có tuệ giác và sám hối để tránh lặp lại lỗi lầm trong tương lai.  Tôi đã học được cách hướng dẫn con trẻ phát triển lòng chính trực bằng cách nhận ra lỗi lầm của mình.  Và lòng chính trực đó tùy thuộc rất nhiều vào cách Cha Mẹ soi xét lỗi lầm của con mình ra sao.  Cách hành xử của Cha Mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển đạo đức của con trẻ;  Nếu Cha Mẹ cho con trẻ thấy được là nó có thể tin tưởng mình được, là mình chỉ muốn giúp cho con mình trưởng thành hơn là muốn trừng phạt con, thì con trẻ sẽ trở nên thành thật với Cha Mẹ của chúng hơn.

THIỀN ĐỊNH


Câu chuyện thứ hai nói về việc Đức Phật đã dạy Thiền cho  LA HẦU LA ra sao, nhằm phát triển nền tảng của nội tâm (Trung Bộ Kinh 62).  Lúc đó  LA HẦU LA được 10 tuổi.  Câu chuyện bắt đầu trong lúc Đức Phật và  LA HẦU LA đi Thiền hành.  Trong lúc đi,  LA HẦU LA chợt thấy hãnh diện về vẻ đẹp của mình và Đức Phật đã đọc được tư tưởng đó.  Ngài nói với  LA HẦU LA:
Nhìn bằng con mắt của tuệ giác, cái thân này không phải là tôi, không phải của tôi, không phải là tự ngã của tôi.  
Rồi Đức Phật giảng tiếp:
Ta phải loại bỏ hết tất cả Tưởng, Hành, Thức cũng như bất cứ ý niệm nào về tôi, của tôi, và tự ngã của tôi.



Nghe những lời dạy này xong,  LA HẦU LA cảm thấy hổ thẹn, lui về tinh xá và không thiết gì đến việc ăn uống suốt ngày hôm đó.


Tôi cho rằng đây là sự dạy dỗ căn bản cho con trẻ.  Tôi không thể tưởng tượng được bản thân tôi lúc 10 tuổi có thể hiểu được những lời Phật dạy như thế.  Tôi nhớ lại rất rõ ràng, rằng ở vào tuổi đó, đầu óc tôi chỉ toàn lo nghĩ đến diện mạo của tôi ra sao.  Tôi thường nghe nói rằng điều này rất là quan trọng cho tiến trình phát triển của các em về cái tôi và quá trình đi tìm kiếm bản thân mình.  Có nên trách một em trai 14 tuổi về những ý tưởng phù du như vậy hay không?  Có phải Đức Phật đã xen vào tiến trình phát triển bình thường của con trẻ, thay vì để chúng tự khám phá?  Nếu không có hiểu biết về cái tôi, làm sao một thiếu niên có thể phát triển thành một người lớn với một tâm lý thăng bằng?  Câu trả lời nằm ở những gì Đức Phật dạy  LA HẦU LA ở đoạn sau đây:
Tối hôm đó, sau khi bị Đức Phật quở trách,  LA HẦU LA đến xin Ngài dạy cho mình phương pháp Thiền Quán Hơi Thở.  Trước hết, Đức Phật dùng thí dụ để minh họa làm sao để buông xả trong lúc Thiền Định.  Ngài dạy:

Phải Thiền làm sao giống như đất vậy: đất không cảm thấy phiền vì bất cứ một thứ gì đổ lên đó.  Vì vậy, nếu tập Thiền giống như đất, con sẽ không có cảm giác vui thích hay không vui thích về bất cứ một điều gì.  Hãy tập Thiền như nước, như lửa, như gió, và như không gian: tất cả đều không cảm thấy phiền bởi những cảm giác vui thích hay không vui thích.  Thực tập được như nước, như lửa, như gió, như không gian, tâm của con sẽ không còn vướng bận gì cả.



Rồi, trước khi dạy cho  LA HẦU LA phép Quán Niệm Hơi Thở, Đức Phật dạy về Quán Tâm Từ như là một phương thuốc giải độc trừ khử ác tâm, về tâm bi để vượt thắng sự tàn ác, về tâm hỷ để thuần phục những sự bất toại nguyện, và về tâm xả để ngăn chặn những bất an, thương ghét.  Sau đó Ngài mới bắt đầu dạy cho  LA HẦU LA phép Quán Niệm Hơi Thở qua 16 giai đoạn.  Những giai đoạn này chia làm ba phần: 1. TỊNH TÂM và THÂN; 2. ĐỊNH TÂM để nhận biết thân tâm và phát triển tuệ giác; và 3. BUÔNG XẢ.  Cuối cùng, Đức Phật lưu lại một dấu ấn đậm nét về giáo lý của Ngài với  LA HẦU LA bằng cách nhấn mạnh rằng qua sự thực tập ý thức từng hơi thở của mình, ta sẽ có khả năng nhận biết hơi thở cuối cùng của mình vào giây phút cận tử một cách hoàn toàn bình thản.


Khi đọc về cách thức Đức Phật dạy  LA HẦU LA phép thở để nhận biết thân tâm của mình, tôi nhận thấy đó cũng là một phương pháp để xây dựng một khái niệm vững chắc về cái tôi.  Tôi tự nghĩ, phải chăng các em thiếu niên ở thời đại ngày nay hay chấp vào cái tôi của mình và có nhiều ý niệm phân biệt mình với kẻ khác, là vì các em không cảm thấy thoải mái với chính bản thân mình và với người khác?  Và tôi tin rằng, cái chấp và sự phân biệt ấy sẽ không còn nữa nếu các em cảm thấy an vui được với chính mình cũng như thoải mái với người chung quanh.  Đức Phật đã kết thúc bài giảng của mình bằng cách chỉ cho  LA HẦU LA thấy giá trị của việc tập Quán Niệm Hơi Thở như thế nào đối với giây phút cuối cùng của cuộc đời mình.


TUỆ GIÁC


Trong bài Pháp thứ ba và cuối cùng, Đức Phật đã hướng dẫn  LA HẦU LA trả lời một loạt những câu hỏi về tuệ giác giải thoát (Trung Bộ Kinh 147).   LA HẦU LA đã dâng trọn thời niên thiếu của mình cho con đường đạt đến giác ngộ; Trong một đoạn Kinh, Tôn Giả được xem là một nhà tu gương mẫu và tinh chuyên.  Khi  LA HẦU LA tròn 20 tuổi, Đức Phật biết rằng  LA HẦU LA đã gần đến bờ giải thoát.  Ngài đã làm một việc hết sức cảm động: Ngài đi bộ cùng với LA HẦU LA vào sâu trong rừng.  Ngồi dưới gốc một cây đại thụ già cỗi, Ngài đã hướng dẫn LA HẦU LA một cuộc Pháp Đàm rất kỹ về thuyết Vô Ngã.  Đối với một người đã đạt đến trình độ tu tập cao như  LA HẦU LA thì những tư tưởng nằm sâu trong tiềm thức về cái ngã là chướng ngại cuối cùng của sự giải thoát.  Ngồi nghe Đức Phật giảng,  LA HẦU LA đã chứng đắc được tự tính Vô Ngã của vạn pháp và đó chính là nấc thang cuối cùng giúp  LA HẦU LA đạt đến sự giải thoát trọn vẹn.


Thuyết Vô Ngã của Đức Phật có thể khó hiểu.  Người ta rất dễ ngộ nhận nó là một triết thuyết trừu tượng mà không thấy được thực ra đó chính là những lời dạy rất thực tế về việc làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc bằng cách buông bỏ hết tất cả.  Đối với tôi, việc Đức Phật dạy  LA HẦU LA về thuyết Vô Ngã trong rừng sâu rất cần thiết.  Tôi thấy mình có cái nhìn khác khi ở giữa quang cảnh thiên nhiên so với khi ở giữa phố thị.  Tôi nhận thấy cảm giác an lạc và thảnh thơi mà thiên nhiên mang lại giúp mình dễ thoát ra được ý niệm về ngã hơn.  Quán chiếu về sự buông xả trong khi đọc một cuốn sách về Phật Pháp khi ngồi ở trong nhà rất là khác với khi mình ngồi dưới một gốc cây.  Trong khi đọc bài Pháp thứ ba này, tôi chiêm nghiệm được sự quan trọng của việc biết mình (tự tri) giữa khung cảnh thiên nhiên.  Ngày xưa, lúc La Hầu La 7 tuổi, đến xin với Cha được thừa hưởng gia tài, Tôn giả đã không hề tưởng tượng được là 13 năm sau đó đã được thừa hưởng một gia tài quý báu nhất mà một người làm Cha Mẹ có thể để lại cho con cái của mình.  Trong Phật Giáo, Giác Ngộ là hạnh phúc lớn lao nhất.  Tôi ước mong con cái của tôi sẽ tìm thấy sự an lạc, thảnh thơi và an lành trên con đường đi tới giải thoát.  Và có lẽ trên con đường trở thành người lớn, chúng cũng sẽ được dạy về ĐẠO ĐỨC, THIỀN ĐỊNH và TUỆ GIÁC như La Hầu La vậy.


Tác giả: Gil Fronsdal - Hoài Hương dịch

Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

CUỘC ĐỜI T/G XÁ LỢI PHẤT


Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa


HẠNH TRI ÂN
Minh Đức Triều Tâm Ảnh 1996

Lệ thường vào mỗi buổi sáng trước khi đi khất thực, Ngài XÁ LỢI PHẤT đều rảo quanh một vòng khắp Trúc Lâm Tịnh Xá.  Nơi nào mà chỗ ở, chỗ nghỉ, chỗ ăn, nhà vệ sinh, nhà tắm v.v... chưa được sạch sẽ, chưa được cất đặt gọn gàng;  Ngài bỏ công ra để dọn dẹp quét tước.  Ngài còn để ý những rác rưởi chỗ này chỗ kia, để ý những y áo phơi phóng chưa được ngay ngắn, để ý cả những dấu tích nấu nướng bừa bãi trên những đám cỏ xanh.  Xong công việc bao giờ cũng đã khá trưa, Ngài mới ôm bát rời tịnh xá.  Ðôi khi với mồ hôi còn nhễ nhại, Ngài vẫn chậm rãi, tự tại từng bước.  Tuy thế Ngài thường đi bát không lâu, chỉ đứng năm, bảy nhà là đã đầy vật thực. Chỉ mấy hôm mà cả kinh thành Vương Xá, không ai là không biết đến Ngài.  Họ kỉnh mộ và tôn sùng vị Ðại Ðệ Tử ấy.

Theo thông lệ sau khi nhận vật thực, bao giờ Ngài cũng đọc một bài Kinh phúc chúc ngắn gọn, nói vài ý Pháp gieo duyên rồi bước chân sang nhà khác.  Ngài để tâm bình đẳng, không kể người giàu kẻ nghèo, sang hay hèn, nam hay nữ.  Ai cúng dường vật thực đến, Ngài cũng cảm thấy tâm mình hoan hỷ, vui tươi trọn ngày.  Ngài XÁ LỢI PHẤT đi bát sau mà thường về sớm.  Bổn phận đầu tiên của Ngài là tìm dâng một ít vật thực lên Ðức Thế Tôn, Ðại Ðức Assaji, tức là vị thầy dẫn dắt Ngài vào Ðạo Bất Tử, sau đó Ngài mới tìm đến một cội cây để dùng ngọ, rồi đi kinh hành.

Sau buổi trưa, Ðức Phật thường có một thời Pháp ngắn gọn.  Ðôi khi Ðức Phật truyền Tam Quy Ngũ Giới cho người mới nhập đạo.  Thỉnh thoảng Ngài cũng ban lễ xuất gia nếu được thỉnh nguyện.  Riêng Chư Tăng thì dịp này có vị đến xin Ðức Thế Tôn đề mục phù hợp tâm tánh mình. Có vị Ðức Phật lại nói thêm Pháp khi thấy tinh thần họ đạt đến trình độ có thể bước lên thành quả cao hơn v.v... Những lúc như vậy, bao giờ Ngài XÁ LỢI PHẤT cũng im lặng hầu sau lưng Ðức Phật, Ngài không bỏ qua bất cứ một chi tiết nào về tất cả cách thức giáo giới, về trường hợp của tất cả Tỳ khưu.  Buổi chiều, nếu Ðức Phật thuyết Pháp đến cho hàng Cư sĩ tại gia thì Ngài XÁ LỢI PHẤT cũng phải có phận sự lắng nghe tất cả, ghi nhận tất cả.  Một là để học hỏi phương pháp giáo huấn của Ðức Phật, hai là nắm bắt những chi tiết cao và thấp, rộng và sâu của Giáo Pháp. Ðôi khi Ðức Phật bảo Ngài thuyết lại cho hội chúng đông đúc Cư sĩ tại gia nghe, và lần nào Ngài cũng trọn hảo chức năng của mình.  Hôm kia, thì giờ rảnh rỗi, Ngài liền tìm cội cây khuất vắng, tự nghĩ:

"Ta và hiền đệ MỤC KIỀN LIÊN xuất gia chưa được bao lâu mà đã được Ðức Tôn Sư tấn phong Ðại Ðệ Tử.  Ðiều ấy dẫu là đặt đúng ngôi vị với lời đại nguyện xưa, mọi người đa phần hoan hỷ nhưng làm sao tránh khỏi những dị nghị này kia trong tâm những kẻ phàm phu?  Nếu họ ganh ghét, đố kỵ thì ta không thể cảm hóa họ được.  Vậy việc trước nhất phải làm, ngoài việc xuất nhập dễ dàng chín bậc Thiền, ta phải còn làm cho sung mãn Tứ Vô Lượng Tâm, phát triển toàn hảo ba mươi Ba La Mật.  Mong nhờ uy lực Ba La Mật, bóng mát Tứ Vô Lượng Tâm mà tất cả các vị Tỳ khưu còn phàm phu sẽ được an lành, dễ nghe lời dạy bảo".

Nghĩ thế xong là Ngài XÁ LỢI PHẤT nhập Thiền.  Sau khi xuất nhập thuần thục chín bậc Thiền Ngài nhập Ðại Bi Ðịnh, làm cho vững chắc Ðại Bi Ðịnh, làm cho Tâm Ðại Bi tẩm mát no đầy cả châu thân cho đến tận lỗ chân lông - rồi Ðại Bi Tâm tràn đầy mát mẻ cả không gian xung quanh... Ðến đây Ngài XÁ LỢI PHẤT chợt hiểu tại làm sao mà Ðức Thế Tôn cảm hóa được Dìghanakha nơi động Heo ngày nọ.  Quả thật, Ðại Bi Tâm nếu được an trú sung mãn thì nó dễ dàng chuyển dịch Từ, Hỷ và Xả.  Tướng của nó là bốn mà tánh chỉ một.  Tánh là trú tâm mà tướng là hướng đến đại dụng.  Pháp nào cũng từ nguyên tắc này mà ra cả!  Ngài XÁ LỢI PHẤT không chỉ tu tập từng ấy.  Thỉnh thoảng Ngài trú không định, càng ngày càng kiên cố; và đây thường là chỗ cư ngụ, chỗ nghỉ ngơi, an dưỡng của Ngài.  Trong sinh hoạt thường nhật, Ngài dùng Tuệ quán từng giây khắc một, cho nên những Thọ, Tưởng, Ý, Thức, Trí dầu có nhỏ nhiệm, vi tế cách mấy cũng hiển hiện trước Ngài một cách rõ ràng và trong sáng.  Như một tấm gương trong suốt, không một mảy bụi; những ảo giác, ảo cảnh, ảo tưởng vừa chỉ mới lóe hiện đã được nhìn thấu suốt, toàn vẹn; không gì đánh lừa được Ngài...

Buổi tối vào canh một, Ðức Phật thường để dành thì giờ cho vị Tỳ khưu nào tự do thỉnh cầu rọi sáng những mối nghi hoặc của mình, những điểm khó hiểu, phức tạp trong Giáo Pháp.  Ðôi khi Ðức Thế Tôn thuyết Pháp những đề tài do Ngài tự chọn.  Nếu sau đó có những nhóm Tỳ khưu từ phương xa đến thì Ðức Phật bảo Ngài XÁ LỢI PHẤT thuyết lại.  Và lúc nào Ngài cũng được Ðức Phật và đại chúng tán thán ca ngợi.  Khoảng giữa canh hai, khi Ðức Thế Tôn giáo giới cho Chư Thiên và Phạm Thiên, cũng là lúc Ngài XÁ LỢI PHẤT tìm chỗ vắng lặng của mình để Thiền tọa hoặc đi kinh hành.  Trước lúc đi nghỉ - nghiêng lưng một lát thôi - Ngài XÁ LỢI PHẤT luôn luôn nhớ đến chỗ của Ðại Ðức Assaji trong tịnh xá hay ở phương nào để quay đầu về hướng đó.  Cho chí sau này trên đường hoằng pháp, theo chân Ðức Bổn Sư; đêm nghỉ tại thị trấn, làng mạc, rừng sâu, nghĩa địa..., chỗ có mái che hay không có mái che, Ngài XÁ LỢI PHẤT vẫn giữ thông lệ như vậy, quay đầu về phương hướng mà vị Thầy đầu tiên của mình đang cư ngụ.  Có một số Tỳ khưu còn phàm phu, xấu bụng xấu miệng biết chuyện ấy, họ dè bỉu bàn tán như sau:
- Cái Ông XÁ LỢI PHẤTđã là Ðại Ðệ Tử của Ðức Phật, là Bậc Tướng Quân Chánh Pháp, là Bậc Thượng Thủ của Giáo Hội... mà đêm đêm vẫn lễ bái các phương trời!  Thế ra đã là một bậc A La Hán rồi mà vẫn chưa bỏ được những tà kiến ăn sâu, mọc rễ về tập quán tôn sùng những vị Phạm Thiên của ngoại đạo ư?

Ðức Phật biết rõ trí tuệ và đức hạnh của đệ tử mình, nên vào dịp thuận tiện nhất, Ngài tuyên bố minh bạch trước Tăng chúng rằng:
- XÁ LỢI PHẤT, Trưởng tử của Như Lai không bao giờ lễ bái các phương!  Này các Thầy Tỳ khưu! Hãy tôn kính và đừng mạo phạm đến việc làm của những bậc vô nhiễm, không còn bụi cát.  XÁ LỢI PHẤT, đệ tử của Như Lai chỉ lễ bái đến ai mà nhờ đó, ông ta tìm thấy Pháp Bảo Bất Tử. Người mà ông ta đảnh lễ chính là Ðại Ðức Assaji trong nhóm năm ông KIỀU TRẦN NHƯ.  XÁ LỢI PHẤT rất biết ơn Thầy, rất biết ơn người dẫn đạo đầu tiên cho mình.  Này các Thầy Tỳ khưu!  Hạnh tri ân là một phẩm chất tốt đẹp cao quí, các Thầy nên lấy XÁ LỢI PHẤT mà soi gương!

Thường những lúc như vậy là cơ hội tốt để Ðức Phật dạy dỗ Chư Tăng, giáo giới Chư Tăng.  Ðức Phật thuyết một số câu chuyện của đời Ngài trong nhiều kiếp quá khứ liên hệ với chủ đề. Ðức Phật kể về một kiếp nọ, chính Ngài mang ân một người, chỉ vì người đó cho Ngài một cắc bạc thôi, mà Ngài đã làm nên sự nghiệp.  Một kiếp khác, chỉ vì muốn nghe một câu kệ chỉ đường về Thiên giới mà Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống mình.  Rồi Ðức Phật tóm tắt như sau:
- Này các Thầy Tỳ khưu!  Chỉ một cắc bạc mà Như Lai đã nhớ ơn trọn đời!  Chỉ nghe một câu kệ mà Như Lai đã đem đổi mạng sống.  Vậy thì sao chúng ta không biết ơn, không lễ bái ông thầy, vì nhờ ông ấy, ta có được cơ hội đi vào căn nhà Pháp Bảo?  Ân đức của người cho ta Pháp mầu giải thoát tối thượng hơn tất cả mọi loại ân đức trên đời này.


Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật