Pháp Thân
của các Ngài là Pháp Thân Thường Trú, tuy ở cõi tịnh mà không lìa cõi uế,
và dù ở cõi uế độ nhưng cũng vẫn không rời khỏi tịnh độ. Còn
việc Bồ Tát niệm Phật để cầu tiếp dẫn, thì ví như một người học giả đến viếng bậc
Thầy của mình, tuy có thể tự tại đi vào nhà, nhưng theo lẽ phải xin phép.
Còn vị Thầy thì đúng theo tâm niệm dìu dắt hàng hậu lai của mình, cũng vui vẻ
đón tiếp. Việc
như Bồ Tát muốn về Cực Lạc, niệm Hồng Danh của Phật để cần cầu, và Đức Phật tùy
bản nguyện đến tiếp dẫn cũng lại như thế. Sự tiếp dẫn
của Phật tùy niệm ứng hiện, trong một sát na có thể đồng thời đến vô biên
thế giới ở mười phương, tiếp dẫn số chúng sanh nhiều như vi trần - Việc nầy
cũng tựa như gương trăng sáng hiện bóng khắp các ao, biển, sông, hồ, v.v... đâu có tướng đến, đi và đâu có chi nhọc mệt mà phòng ngại.
NIỆM PHẬT GIẢI THOÁT
NGAY TRONG HIỆN KIẾP
Với
các pháp môn tu khác, hành giả phải dứt trừ hết các hoặc nghiệp mới vượt qua khỏi
được sự sống chết, luân hồi. Riêng
pháp môn Tịnh Độ thì dù cho hoặc chướng hãy còn cũng có thể hiện đời nương nơi nguyện lực
của PHẬT, đới nghiệp vãng sanh, tiến thẳng lên bờ giải thoát. Về điểm
nầy, trong bức thư phúc đáp cho TỊNH TU Pháp Sư, Ngài ẤN QUANG đã nói như sau:
"Có hai đường tiến đến chổ giải thoát là THÁNH ÐẠO và VÃNG SANH"
Về
THÁNH ÐẠO đây, tức là con đường tu để chứng lên quả THÁNH thì không chi bằng
tắt và mau lẹ hơn môn "Trực Chỉ Thiền". Nhưng tu Thiền giữa
thời buổi Mạt Pháp nầy, trong hiện đời chưa dễ gì ngộ đạo, huống chi là chứng đạo
ư? Nếu
như không chứng quả, thì trong mười người tu đã lạc lối hết tám, chín. Bởi
vì khi luân hồi sẽ bị nhiều chướng duyên làm cho thối chuyển, dễ mê muội
túc căn. Tu Thiền, nếu chứng được sơ quả Tu Đà Hoàn, tuy còn 7 lần
sanh lên cõi Trời, 7 phen trở lại nhơn gian, nhưng sẽ không lo sợ thối chuyển.
Khi chứng đến quả A La Hán, mới dứt hẳn được nẻo luân hồi. Ngoài
ra thì không nhứt định được.
Có kẻ
đời hiện tại tu hành rất tốt, kiếp sau được hưởng phước, lại say đắm theo dục lạc,
tạo nghiệp ác rồi bị đọa vào địa ngục. Dù cho năm, ba đời có giữ được thiện căn,
không tạo nghiệp ác đi nữa, song ai có thể bảo đảm ở nơi những kiếp về sau lại
chẳng gây tạo nghiệp rồi bị đọa Tam Đồ ư? Chẳng
nói đâu xa, ngay trong đời hiện tại, có rất nhiều hành giả trước tu hành
siêng năng, sau sanh biếng trễ, đạo tâm dần dà thối chuyển, đến nỗi có kẻ phải
hoàn tục. Những
đời về sau, theo đà Mạt kiếp, Phật pháp lần lần suy kém, bậc thiện tri thức lại
rất khó tìm, sự giải thoát sẽ còn xa hơn nữa! Riêng
có đường lối vãng sanh, tức là niệm Phật cầu sanh về Tịnh Độ, thì dù cho hoặc chướng
hãy còn, vẫn có thể nương theo nguyện lực tiếp dẫn của Đức A DI ÐÀ, vượt ngang
qua ba cõi, đới nghiệp thẳng sang Cực Lạc.
Thật
ra, cũng như bên Thiền, giữa thời Mạt pháp nầy, người tu Tịnh Độ đến cảnh giới
"Sự nhứt tâm bất loạn" rất là ít có, huống chi là cảnh "Lý nhứt
tâm" và đi sâu vào "Niệm Phật Tam Muội" được! Nhưng
nếu thuở bình nhựt, chuyên cần trì niệm thì khi lâm chung, chủng tử câu Hồng Danh
đã huân tập từ lâu sẽ phát hiện, liền khiến cho tạm thời được nhứt tâm. Lúc ấy,
chỉ cần gia thêm vào ý niệm tha thiết, rủ sạch trần duyên, tâm hướng về Liên Quốc,
ắt quyết định sẽ được cảm thông tiếp dẫn. Khi
đã về đến cõi ấy rồi, trên thì có Phật, Bồ Tát, dưới đến là các hàng Thượng Thiện Nhơn... nước chảy, chim kêu... nói ra Pháp Diệu, không còn bị các duyên ăn, mặc, ở
và sanh kế làm vướng bận, sống lâu
vô lượng kiếp, lo chi đạo quả không thành. Pháp Sư đã hỏi, tôi chỉ y theo chỗ thấy, hiểu của cổ đức và căn cứ nơi Phật lý mà
giải đáp. "XIN SUY GẨM KỸ RỒI TÙY TÂM LỰA CHỌN"
Lời
giải đáp trên đây của Ðại Sư đã vạch rõ chỗ ổn đáng cùng khó giải thoát của thời
nay, giữa TỊNH và THIỀN vậy.
NIỆM PHẬT HỢP THỜI TIẾT, CƠ DUYÊN
Trong
thời Chánh Pháp và Tượng Pháp, con người phần nhiều nghiệp nhẹ, tâm thuần,
hoàn cảnh sinh hoạt giữa xã hội lại đơn giản nên có thể tu theo các pháp môn về
Thánh đạo. Thời ấy,
Thiền Tông đặc biệt hưng thạnh, hành giả căn cơ sáng lẹ... thấy hoa nở, ngắm non
xanh, nghe gió thổi, suối reo... đều có thể ngộ đạo. Nhưng từ thời Mạt Pháp trở đi, nhơn tâm khác xưa, sự sinh hoạt, tổ chức giữa xã hội lần lần trở nên phức tạp,
căn cơ người tu đa phần là bậc Trung, Hạ. Cho nên muốn được bảo đảm sự giải thoát,
thì điều cần nhất là phải hướng về pháp hợp với thời tiết, cơ duyên, đó là môn niệm Phật! Về điều nầy xin dẫn ra những chứng liệu như sau. Nơi Kinh ÐẠI TẬP NGUYỆT TẠNG, Đức Thích Tôn đã có lời huyền ký rằng:
"Thời Mạt Pháp ức ức kẻ tu hàng, song ít có người đắc đạo. Chỉ nương theo Pháp Môn Niệm Phật mà thoát khỏi luân hồi"
Mạt Pháp, ức ức nhơn tu hành, hẳn nhứt
đắc đạo. Duy y niệm Phật, đắc độ sanh tử.
Nơi Kinh VỘ LƯỢNG THỌ, Phật
cũng bảo:
"Trong đời tương lai khi Kinh đạo diệt hết, ta dùng sức từ bi, thương xót, riêng lưu trụ Kinh này một trăm. Chúng sanh nào gặp Kinh này tùy theo sở nguyện có thể đắc độ"
Ðương lai chi thế, Kinh đạo diệt tận, ngã
dĩ từ bi, ai mẫn đặc lưu thử Kinh, chỉ trụ bá tuế. Kỳ hữu chúng sanh,
tri tư Kinh giã, tùy ý sở nguyện, giai khả đắc độ
Ðức Như Lai là bậc trí huệ rộng sâu, vì sao chẳng lưu lại các pháp môn kia, mà
chỉ lưu lại riêng pháp môn Tịnh Độ? Ðó là thâm ý của Phật đã chỉ rõ rằng:
"Thời Mạt Pháp về sau đường tu hợp với cơ duyên chúng sanh chỉ là môn Tịnh Độ".
Nơi đoạn minh giáo của An Lạc Tập, ĐẠO XƯỚC Thiền Sư có lời bình luận rằng:
"Nếu giáo pháp hợp với thời cơ thì dễ tu dễ ngộ, như giáo pháp trái với thời cơ thì khó tu khó nhập"
Kinh CHÁNH PHÁP NIỆM nói:
"Hành giả khi nhất tâm cầu đạo phải quan sát về phương tiện, thời cơ. Nếu trái với phương tiện đó, tất bị thất lợi"
Tại sao thế? Như cọ gỗ ướt để tìm lửa thì không thể được vì trái thời, và như bẻ cây khô để
tìm nước, cũng chẳng có thể có, vì không trí huệ. Ðức Như Lai đã phân định Năm Thời Kiên Cố sau khi Ngài nhập diệt, mỗi thời
là năm trăm năm. Trong các thời Chánh Pháp và Thiền Định Kiên Cố thì
hành giã nên chọn môn tu Thánh đạo, tu Ðịnh Huệ làm phần chánh, cầu Tịnh Độ làm
phụ. Từ cuối thời Ða Văn Kiên Cố bước sang thời Tháp Tự và Ðấu Tranh Kiên Cố về sau
nên lấy Tịnh Độ làm phần chánh, tu Thánh đạo làm phụ.
Ngoài những chứng liệu kể trên, còn có thêm lời huyền ký của bậc chơn tu đắc
đạo là THIÊN NHƯ Thiền Sư cùng với những điểm nhận định và biện chứng của các bậc
danh đức xưa nay, mà trong phạm vi khái ước nầy không thể nào nêu ra hết được. Bên Trung Hoa từ cuối đời nhà Tống về sau, các bậc Tôn đức quan sát rõ thời cơ
nên đều chuyển lần từ Thiền Tông trở sang xiển dương Tịnh Độ. Tuy nhiên
lưu hành hưng thịnh từ lâu, đã thành ra phong thái, nên thường hay xảy ra những
sự tranh đua cao thấp giữa TỊNH và THIỀN. Song lẽ đó chỉ là kiến chấp nông nỗi của một số người chưa quán triệt được Phật lý
cùng thời cơ mà thôi, còn các bậc cao tăng đã liễu đạt thì chỉ tùy duyên mà
hộ trì Chánh Pháp, tuyệt không có tâm niệm phân biệt đây kia.
Cứ trung thật mà luận, thì chúng hữu tình có nhiều tâm bệnh cùng sở nguyện, cho
nên riêng một môn Tịnh Độ vẫn không thể nào phổ cập và thích ứng để hoằng dương
Chánh Pháp, lợi ích quần sanh hết được, vì vậy mà rất cần sự có mặt của các
pháp môn khác. Theo thiển ý thì trong thời Mạt pháp, hành giã trong các tông khác, tuy là
hoằng truyền bản môn, nhưng cũng nên nghiên cứu qua Tịnh Độ Tông và quy hướng về
lối vãng sanh để bảo đảm cho sự giải thoát như Chư Tôn đức bên Tông Tào Động,
bên ngoài hoằng hóa Thiền Tông, bên trong mật tu Tịnh Độ khi xưa vậy. Còn người tu Tịnh Độ cũng phải cần học hỏi thêm nơi các tông khác để thêm
tiến ích cho đường hành đạo của mình, bởi vì mỗi tông như những đóa hoa khác
nhau, đều sáng tươi riêng phần đặc sắc. Các lời dẫn luận trên đây, bút giã chỉ y theo quan điểm từ mẫn lợi sanh của Phật và chư Cổ đức, nêu ra một đường lối tu tập thích ứng, hợp với thời tiết và cơ
duyên mà thôi.
Ngài ẤN QUANG Đại Sư đã đem sự vãng sanh lúc lâm chung của Ngài để chứng minh
cho lời nói và các hành động trong buổi bình thời của mình, thì không cần chi
phải bình luận thêm nữa. HƯ VÂN Thượng Nhơn tuy thị hiện ngộ đạo, làm mô phạm hướng dẫn hành giã tu Thiền, song khi gặp hoàn cảnh, cơ duyên cũng vẫn khuyên người
niệm Phật. Như vậy có phải chăng các bậc danh đức trên đây, tuy mỗi người làm một Phật sự, song đã
dùng hoặc bản thân, hoặc lời nói mà ngầm khuyên các hành giã nên chú trọng về sự
giải thoát, vãng sanh ư?
Phương Liên Tịnh Xứ
Liên Du - Vô Nhất Tăng
Thích Thiền Tâm cẩn chí.