Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

LÁ CỜ PHẬT GIÁO

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa


NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA
LÁ CỜ PHẬT GIÁO

Phật Giáo là một tôn giáo khiêm tốn, chú trọng vào tâm linh và trí tuệ, nhắm vào mục đích giải thoát con người khỏi thế giới biến động và khổ đau.  Phật giáo không chủ trương tranh giành uy quyền, củng cố thế lực hay bành trướng ảnh hưởng trong thế giới vô thường này.  Phật Giáo cũng không xem nặng hình thức màu mè và biểu tượng, như vậy thì lá cờ Phật Giáo đã giữ vai trò gì và vị trí của nó như thế nào trong bối cảnh của Đạo Phật ngày nay.  Suốt hơn hai ngàn năm trăm năm lịch sử Đạo Pháp, lá cờ  Phật Giáo đã xuất hiện từ lúc nào và ở đâu, ý nghĩa của nó là gì?

Lá cờ  Phật Giáo ta thấy ngày nay ra đời vào năm 1880 ở Tích Lan.  Người có ý kiến mang đến cho  Phật Giáo một lá cờ là một cựu Đại Tá quân đội Mỹ - Ông Henry Steel Olcoott.  Ông Olcoott đặt chân đến Tích Lan lần đầu tiên vào năm 1879, và ngay sau đó ông trở nên hết sức say mê  Phật Giáo.  Năm 1880 ông trở lại Tích Lan và trình lên Ủy Ban  Phật Giáo Colombo đề nghị tạo cho  Phật Giáo một lá cờ.  Hình thức và màu sắc của lá cờ xuất phát từ trí sáng tạo của ông Olcoot, dựa vào sáu vòng hào quang của Đức Phật và các màu sắc của cầu vồng.  Lá cờ cũng tượng trưng cho Lục Đạo tức sáu đường tái sinh hay sáu thể dạng của tất cả chúng sinh trong cõi luân hồi.  Lá cờ được chính thức chấp nhận trên đất Tích Lan vào dịp Phật Đản ngày 28 tháng 4 năm 1885.  Tuy nhiên mãi đến ngày 25 tháng 5 năm 1950 trong lần hội nghị  Phật Giáo Quốc Tế ở thủ đô Colombo với 26 quốc gia tham dự, lá cờ Ngũ Sắc mới được chính thức và nhất trí chấp nhận, nói lên sự thống nhất của  Phật Giáo thế giới.

Ngày nay một lá cờ chung cho toàn thể Phật giáo - Biểu tượng của Hòa Bình, Từ bi và Trí tuệ, không phân biệt màu da và chủng tộc, không phân biệt giữa con người và tất cả những sự sống khác, đã phất phới trên lãnh thổ của hơn 50 quốc gia trên thế giới.  Ngày 24 tháng 2 năm 1951, Tỳ Kheo TÔ LIÊN đại diện Ủy ban Phật giáo thế giới tại Việt Nam đi dự hội nghị Colombo đã đích thân đem lá cờ quý báu này về cho quê hương chúng ta.  Lá cờ hình chữ nhật, chia đều thành sáu phần theo chiều dọc.  Màu sắc gồm các màu của cầu vồng, nhưng chỉ có năm màu được chọn: xanh dương, vàng nhạt, đỏ, trắng, màu cam (hay vàng nghệ), sọc thứ sáu của lá cờ tượng trưng cho sự tổng hợp của các màu vừa kể.  Vì thế sọc thứ sáu lập lại tất cả năm màu, nhưng xếp theo chiều ngang.  Tài liệu liên quan đến lời đề nghị nguyên thủy của ông Olcoott giải thích về lá cờ do ông đề nghị quả thật là khó tìm.  Có thể các tài liệu này vẫn còn được lưu giữ trong văn khố của Tích lan.  Bài viết này dựa vào một số tư liệu gần đây của Tây phương.  Trong các tài liệu ấy, cách giải thích về màu sắc có vẻ kém mạch lạc hoặc dùng những từ không phù hợp với Đạo Pháp cho lắm.  Sau đây là tóm lược ý nghĩa tượng trưng của các màu sắc:
  1. Màu Xanh Dương - Tượng trưng cho Thiền Định
  2. Màu Vàng Nhạt - Tượng trưng cho Chính Tư Duy
  3. Màu Đỏ - Tượng trưng cho Sinh Lực Tâm Linh
  4. Màu Trắng - Tượng trưng cho Đức Tin
  5. Màu Cam - Tượng trưng cho Trí Tuệ
  6. Màu Thứ Sáu - Tổng hợp của các màu trên - Tượng trưng cho Hành Vi Không Kỳ Thị.

Henry Steel Olcoott, ông là ai?  Ít nhất Olcoott cũng không phải là một người hoàn toàn vô danh.  Ông sinh ngày 2 tháng 8 năm 1832 tại New Jersey (Hoa Kỳ) trong môt gia đình Tin Lành rất kỷ cương và ngoan đạo.  Ngay từ ngày còn nhỏ Cha Mẹ ông đã khuyến khích ông quan tâm đến những vấn đề tâm linh.  Cha ông là một thương gia, nhưng vào năm 1951 thì gia đình bị phá sản, và ông phải rời bỏ đại học.  Sau một thời gian gián đoạn học hành và sống nhờ họ hàng ở tiểu bang Ohio, ông trở lại đại học và trở thành một chuyên gia canh nông.  Ông viết báo và khảo cứu khoa học.  Lấy vợ năm 1860 sinh được bốn con, nhưng sau đó hai vợ chồng lại ly dị vào năm 1874.  Khi nội chiến ở Mỹ xảy ra, ông gia nhập quân đội liên bang, giữ những chức vụ hành chính khá quan trọng.  Đến năm 1865 ông xin xuất ngũ và quay ra học luật rồi trở thành luật sư. Ông lại tiếp tục viết báo.  Năm 1874 đánh dấu một khúc quanh lớn trong cuộc đời của ông.  Năm đó đã 42 tuổi ông gặp một người phụ nữ rất lạ lùng và đặc biệt và hai người kết bạn với nhau.  Đó là bà Helene Petrovna Blavatsky một phụ nữ gốc người Nga, thuộc một gia đình thật quý phái, có lẽ còn quý phái hơn cả gia đình của Nga hoàng lúc bấy giờ. Bà rất quan tâm đến những vấn đề thần bí, đã từng chu du nhiều nơi trên thế giới, kể cả Ấn Độ và Tây Tạng và viết khá nhiều sách.  Bà Blavatsky và ông Olcoott cùng với một người bạn nữa là William Quan Judge đứng ra thành lập hội Thông Thiên Học, một truyền thống bao gồm tất cả các tôn giáo.  Ông Olcoott được bầu làm chủ tịch của hội này.

Năm 1878, trụ sở chính của hội Thông thiên học được chuyển từ Mỹ về Adyar, một vùng ngoại ô của tỉnh Madras ở Ấn Độ.  Trụ sở này vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.  Nhưng điều đáng nêu lên hơn hết là ông Olcoott và bà Blavatsky đến Tích Lan ngày 16 tháng 5 năm 1880, và được dân chúng thủ đô Colombo tiếp đón rất trọng thể vì họ đã được biết đến ông hoặc đã nghe danh ông từ trước.  Ngày 25 tháng 5 ông Olcoott và bà Blavatsky đã đến quỳ gối trước một tượng Phật khổng lồ tại Đền Wijananda và xướng lên bằng tiếng Pa-li những câu thệ nguyện về Tam Quy và Ngũ Giới để xin được quy y.  Dư luận thời bấy giờ thường gán cho ông cái biệt danh là "Người Phật Giáo da trắng".  Thật vậy ông là một trong những người Mỹ đầu tiên đã quy y. 


Sau đó mặc dù ông đến Tích Lan nhiều lần, và mỗi lần chỉ lưu lại trong một thời gian ngắn, ông đã thành lập được nhiều đại học  Phật Giáo, chẳng hạn như các Đại Học Ananda và Nalanda, các trường Cao Đẳng Phật Học Dharmaraja và Visakha Vidyalaya… tổng cộng gần 400 trường Phật học.  Ông giúp người Tích Lan phục hồi truyền thống  Phật Giáo, chống lại ảnh hưởng ngoại lai do thực dân Anh du nhập vào Tích Lan.  Ngoài ra ông còn cổ động cả phong trào chống lại thực dân Anh trên phần đất này. Tháng 7 năm ấy tức năm 1880, ông rời Colombo như một vị anh hùng của dân tộc Tích Lan.  Sau đó ông quay trở lại vào những năm 1881, 1882 và 1884.  Năm 1884 khi rời Tích Lan ông đến thẳng Luân Đôn và đòi chính quyền Anh phải thực thi sáu điều khoản ông đưa ra trong mục đích bênh vực người Phật Giáo Tích Lan bị ức hiếp và bị hạn chế sinh hoạt Phật sự ngay trên quê hương của họ.  Chính quyền Anh quốc chỉ chấp nhận hai điều khoản mà thôi.  Việc kể lại những tình tiết trên đây chỉ có mục đích duy nhất trình bày nhiệt tâm của ông Olcoott đối với Đạo Phật nói chung và đối với người Phật giáo Tích Lan nói riêng mà thôi.  Chẳng những ông có công bênh vực và giúp hồi phục nền  Phật Giáo Tích Lan mà còn mở đường cho  Phật Giáo trên đất Mỹ nữa.

Ông mất ngày 17 tháng 2 năm 1907 tại Adyar.  Người ta đã đắp lên người ông một lá cờ Mỹ và một lá cờ Phật giáo rồi mang đi hỏa táng.  Từ đó đến nay, 17 tháng 2 đã trở thành một ngày lễ của Tích Lan.  Học sinh, sinh viên cùng với các nhà sư, cầm cờ  Phật Giáo đi diễu hành, đặt vòng hoa và lễ vật dưới chân đài tưởng niệm ghi nhớ công đức của ông.  Ngày nay một đường phố lớn ở Colombo mang tên ông.  Cách giải thích các màu sắc của lá cờ như đã trình bày trong phần trên đây dựa vào một vài tài liệu bằng Pháp ngữ.  Trong một số tài liệu bằng Anh ngữ thì cách giải thích có khác hơn đôi chút, tuy vẫn thiếu mạch lạc và không thống nhất. Sau đây là cách giải thích thường thấy:
  1. Màu Xanh Dương - Tượng trưng cho Từ Bi
  2. Màu Vàng - Tượng trưng cho Trung Đạo
  3. Màu Đỏ - Tượng trưng cho Đạo Đức
  4. Màu Trắng - Tượng trưng cho Đạo Pháp
  5. Màu Cam - Tượng trưng cho Trí Tuệ
  6. Màu Tổng Hợp - Tượng trưng cho Sự Thật tuyệt đối.
Vì lý do có nhiều khác biệt trong ý nghĩa tượng trưng của màu sắc như đã trình bày, do đó chúng ta cũng không nên quá chú trọng và câu nệ vào cách giải thích từng màu.  Ta hãy xem lá cờ Phật Giáo tượng trưng cho ánh hào quang của Phật là đủ.  Kinh sách kể rằng khi Đức Phật đạt được Giác Ngộ dưới gốc cây Bồ Đề thì thân của Ngài trở nên sáng ngời, tia sáng toả rộng trên đầu của Đức Phật tạo thành một hào quang Sáu Màu rạng rỡ.  Lá cờ được chia thành sáu phần hay sáu sọc theo chiều dọc tượng trưng cho sáu thể dạng của chúng sinh, tức Lục Đạo. Sọc thứ sáu tổng hợp của năm màu, tượng trưng cho sự hòa đồng, không phân biệt giữa tất cả chúng sinh.  Chẳng những lá cờ Phật Giáo không mang tính cách kỳ thị về quốc tịch, màu da và chủng tộc giữa con người, mà còn chủ trương tôn trọng và hòa đồng tất cả mọi hình thức và dạng thể của sự sống.

Ta cũng có thể xem lá cờ Phật Giáo là ánh sáng của cầu vồng.  Đối với Phật Giáo Tây Tạng, cầu vồng tượng trưng cho Báo Thân - Sambhogakaya tức hiện thân của Phật, hình tướng của Phật.  Sau hết, tất cả mọi người đều tìm thấy một chút màu cờ của quốc gia mình trên lá cờ Ngũ Sắc của Phật Giáo.  Lá cờ Phật Giáo không kéo lên để phân định hay đánh dấu một lãnh thổ nào cả, nó chỉ có thể kéo lên ở một nơi thật rộng lớn, một giang sơn không biên giới, vượt khỏi mọi sự tranh giành.  Giang sơn đó là giang sơn của Từ Bi và Rộng Lượng, của yêu thương và hy vọng.  Giang sơn đó rộng lớn và mênh mông như không gian.  Lá cờ Phật Giáo cũng không tượng trưng cho một chủ thuyết hay một niềm kiêu hãnh nào cả.  Lá cờ Phật Giáo là biểu hiệu của Hoà Bình, không hề nhuốm một giọt máu nào, dù là giọt máu của một sinh vật nhỏ nhoi và tầm thường nhất.  Lá cờ Phật Giáo được kéo lên để nhắc nhở chúng ta hãy hy sinh tất cả cho sự an vui và hạnh phúc của nhân loại và tất cả chúng sinh.  Lá cờ ấy cũng không kêu gọi và không khích động ta phải xông lên để đương đầu với một kẻ thù nào cả.  Đối với người Phật tử thì kẻ thù nguy hiểm và khó chế ngự nhất là kẻ thù đang ngự trị trong tâm thức ta, đang ẩn nấp trong thân xác ta.  Kẻ thù trong tâm thức là vô minh, hận thù, tham lam và bám níu; kẻ thù ẩn nấp trong thân xác là những bản năng thú tính của ta.

Một lá cờ nói chung, chỉ là một biểu tượng và ta có thể gán cho nó bất cứ một ý nghĩa nào ta muốn.  Đối với lá cờ Phật Giáo rất có thể ta cũng nhìn thấy nó mang nhiều màu sắc vui mắt mà xem như một vật trang trí ở cổng chùa, trước cửa nhà hay trên bàn thờ Phật.  Tuy nhiên biết đâu rằng đến một lúc nào đó khi ta nhìn lá cờ Phật Giáo, tâm thức ta bỗng nhiên sẽ bừng lên ánh hào quang của Phật rạng rỡ và muôn màu.  Khi nhìn thấy lá cờ, đột nhiên ta sẽ quán nhận được tất cả sáu thể dạng của chúng sinh: từ Ngạ Quỷ đến Súc Sinh, từ con người đến Thánh Nhân và Thiên Nhân; Không phân biệt, không ghét bỏ, không hận thù hay ganh tỵ.  Tất cả đều cùng ta đang quờ quạng trong bóng đêm, như đang bước đi trong một giấc mộng du.  Thế rồi tâm thức ta bị khích động mãnh liệt bởi lòng Từ Bi vô biên và ta ước mong gieo rắc tình thương của ta trên khắp Sáu Nẻo của luân hồi.  Hoặc cũng có thể khi nhìn lá cờ Phật Giáo, tâm thức ta bỗng thấy cả một cầu vồng chan hòa ánh sáng, nối liền tâm thức ta và tâm thức của Phật.  Chỉ khi nào thực hiện được như thế, thì có lẽ lúc ấy ta mới mong có đủ sức mạnh để hiểu được hết ý nghĩa thật sự của lá cờ Phật Giáo là gì.

Bures Sur Yvette (Pháp quốc) 20.05.07
Nguồn: Thư viện Hoa Sen

Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

Không có nhận xét nào: