CHƯƠNG HAI - THIỀN TỊNH DUNG THÔNG
THIỀN TỊNH SONG TU
THIỀN TỊNH DUNG THÔNG
Ở
thời kì mạt Pháp, thường có nhiều đệ tử Phật, nhân vì tu tập các Pháp
môn khác nhau mà sinh ra phê bình cao thấp, tranh luận lẫn nhau; điển
hình rõ nhất là các hành giả tu Tịnh Độ và tu Thiền. Một
số người tu thiền cho rằng, đại đa số những người niệm Phật là tâm cầu
hướng ngoại, như cầu Phật, cầu Bồ Tát, chỉ biết niệm Phật mà không biết
nhiếp phục ở trong tự thân, không biết khai mở Phật tánh vốn có đầy đủ
của mình. Một số người niệm Phật thì cho rằng, người tu thiền là tự cao,
cuồng vọng, không biết Pháp môn niệm Phật có thể trùm khắp ba căn [25],
thu gồm cả lợi căn và độn căn. Những người có thành kiến như vậy là bởi
vì họ chưa từng vào sâu trong hai Pháp môn Thiền và Tịnh Độ, cho nên mới
có sự hiểu lầm; từ đó mà đưa đến nội bộ gây chiến lẫn nhau, hoặc phê
bình lời qua tiếng lại, hoặc viết sách báo bút chiến, vừa để cho người
ngoài đàm tiếu, vừa khiến cho những người mới học Phật sinh thối tâm,
quay sang đạo khác. Đó là làm đứt mất huệ mạng của người, tội rất lớn
vậy. Đại sư Hoằng Nhất [26] nói rất đúng:“Không thua người xưa, gọi là người có chí; không nhường người nay, gọi là người không có độ lượng.”
Kẻ hậu học này quan niệm rằng, khi chưa hiểu rõ Pháp môn tu tập của người khác thì không nên theo ý chủ quan của mình mà phê bình người ta. Chúng ta phải hiểu rõ, hiểu sâu, và thực tế tu trì trong một thời gian, chứng nhập chút ít vào cảnh giới rồi, mới có thể với thành tâm thiện ý đem trình bày kiến giải của mình cho người nghe. Trong thời cận đại có nhiều bậc Cao tăng Đại đức từng cổ vũ cho thuyết Thiền Tịnh song tu, nói rằng, Thiền và Tịnh Độ có thể dung thông nhau. Rồi có một số người vừa nghe thế liền sinh tâm nghi hoặc, bảo rằng, niệm Phật phải chấp trì Thánh hiệu, miệng đọc tâm niệm; người tu Quán thì có hình tượng của Phật. Nhưng thiền môn thì lấy cái không cửa làm cửa, tẩy trừ tất cả hình tướng, chủ trương dứt tuyệt ngôn ngữ, diệt hết tâm hành. Như thế thì làm sao mà dung thông nhau? Làm sao có thể song tu?
Thật ra, mối nghi hoặc trên chỉ có trong tâm những người sơ cơ mới bước vào cửa Phật. Nếu hành giả đã có năng lực thâm nhập một môn, thì sẽ phát giác ra rằng, tất cả môn đều thông nhau, rốt cuộc thì tất cả đều không sai khác. Chúng ta có thể nói như thế này:
“Tất cả các pháp môn tu hành đều chảy về thiền định; tất cả kết quả tu hành đều chảy về Tịnh Độ”.
Phật pháp tuy có đến tám vạn bốn ngàn Pháp môn, nhưng mỗi một Pháp môn nào, đến chỗ tối hậu cũng qui về định; nhân nơi định mà y vào Bốn Thánh Đế, Tám Chánh Đạo, Mười Hai Nhân Duyên, Đệ Nhất Nghĩa đế v.v... để phát huy, tự thấy Phật tánh, đoạn trừ phiền não. Người niệm Phật ở thế giới này, tu Pháp môn niệm Phật mà ngộ nhập Phật tánh là như thế; đới nghiệp vãng sinh [27] về thế giới Cực Lạc, sau khi hoa Sen nở được thấy Phật nghe Pháp mà chứng nhập Vô Sinh Nhẫn [28] (xin xem chú thích số 2 của tác giả ở cuối sách), cũng lại như thế. Cho nên tất cả Pháp môn tu hành đều phải qui về thiền định. Do đó, nói theo nghĩa rộng, tám vạn bốn ngàn Pháp môn, bao hàm cả các loại Pháp môn Tịnh Độ, đều thuộc trong phạm vi thiền định, mà việc tu trì tám vạn bốn ngàn Pháp môn, chỉ cần có tu có chứng, thì ít nhiều cũng chứng được Duy Tâm Tịnh Độ. Nếu đạt đến địa vị Vô Học thì an trú Niết Bàn, là Tịnh Độ chân thật. Đến địa vị đó rồi thì tùy ý được sinh về Ba Loại Tịnh Độ của Chư Phật là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, Phương Tiện Hữu Dư Độ, và Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Nếu chứng nhập quả vị Phật thì tự an trú nơi Thường Tịch Quang Độ, là Duy Tâm Tịnh Độ, là loại Tịnh Độ chân chính, cứu cánh, không giống như Ba Loại Tịnh Độ trước, là những Tịnh Độ do chư Phật hóa hiện để hóa độ. Cho nên, Thiền Định là phương pháp, mà Tịnh Độ là kết quả. Đã hiểu rõ như thế rồi thì chẳng cần phải tranh chấp lẫn nhau giữa Thiền và Tịnh Độ.
Đệ tử Phật tu học Thiền Định ở thế giới này đó là con đường khó đi, mà cũng là con đường chóng thành. Vãng sinh thế giới Cực Lạc là con đường dễ đi, nếu người có đầy đủ công phu Niệm Phật Vô Tướng này, muốn vãng sinh về Tịnh Độ Cực Lạc, chỉ trong một đời này có thể toại nguyện; nếu đứng trên phương diện chứng đắc cảnh giới giải thoát rốt ráo mà nói, người vãng sinh Tịnh Độ Cực Lạc phải cần thời gian trội hơn mười, trăm, ngàn, vạn lần đối với người tu hành ở thế giới này. Nhưng vấn đề đó không thuộc phạm vi của cuốn sách này, nên không đề cập tới.
NHỮNG VÍ DỤ ĐIỂN HÌNH VỀ THIỀN TỊNH SONG TU
Thiền
của Đại Thừa đạt được cảnh giới giải thoát rốt ráo là do khởi tâm ở chỗ
vô trụ. Vì khởi tâm ở chỗ vô trụ cho nên Sáu Niệm đều đầy đủ. Sáu
niệm là: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thí, niệm Giới, niệm Thiên [29]. Trong sáu niệm này thì Niệm Phật là đứng đầu; và niệm Phật
thì thông với Tịnh Độ, mà năm niệm kia cũng thông với Tịnh Độ. Thiền của Đại Thừa đạt được cảnh giới giải thoát rốt ráo, tức là thấy rõ Phật
tánh một cách trọn vẹn, mới chứng nhập được Tri Kiến Phật; nhân đó mà
chứng được cảnh giới Duy Tâm Tịnh Độ. Vì vậy cho nên Thiền và Tịnh Độ
có thể thông nhau.Trong lịch sử Phật giáo có rất nhiều vị Thiền sư từng cổ xúy Pháp môn niệm Phật. Thực sự ra, người tham thiền cũng nên lạy Phật và niệm Phật, lấy đó làm phương tiện nhập môn; và cũng không thiếu gì các tự viện của tông Tịnh Độ từng đề xướng sinh hoạt tham cứu niệm Phật. Như Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ [30] đề xướng tông chỉ Tông - Giáo - Thiền - Tịnh. Lại như Ngài Trường Lô Tông Trách [31] đã do Thiền mà ngộ nhập, liền chủ trương Thiền Tịnh song tu, được người đời xưng là Từ Giác Đại Sư. Về Thiền tông, Ngài trước tác bộ Thiền Uyển Thanh Qui gồm 10 quyển; về Tịnh Độ tông Ngài cũng có nhiều tác phẩm, như Tịnh Độ Giản Yếu Lục trong đó ngài chủ trương
"Niệm Phật tham thiền, mỗi Pháp đều cầu tông chỉ. Khe, núi tuy khác; mây, trăng là đồng. Có thể nói, cây xanh khắp nơi đều có thể buộc ngựa, mọi người khắp chốn đều có thể thấy rõ thành Trường An"
Nổi tiếng hơn hết là Thiền sư Vân Thê Châu Hoằng [32] ở cuối đời Minh, từng được những người tu niệm Phật tôn xưng là Liên Trì Đại Sư. Trong bài “Minh” [33] ở tháp của Đại sư Liên Trì có ghi:
"Một bầu nước, một cây gậy, ngài vân du các nơi, tham học chư vị tri thức. Lên núi Ngũ Đài ở phía Bắc, được Đức Văn Thù cảm ứng phóng hào quang. Đến núi Phục Ngưu theo chúng trị ma. Vào kinh sư yết kiến Thiền sư Tiếu Lãnh Đức Bảo" [34]. Thiền sư Tiếu Lãnh nói - Quái! Ngươi từ ngoài ba ngàn dặm đến cầu ta khai thị. Ta có gì khai thị? Ngài bèn từ tạ và đi về hướng Đông, giữa đường nghe tiếng trống phát ra từ một căn nhà sàn của người tiều phu, hốt nhiên đại ngộ! Ngài liền nói bài tụng rằng:
Hai mươi năm trước việc còn nghi
Ngàn dặm gặp nhau thật lạ kì
Ném kích đốt hương[35] toàn giấc mộng
Phật ma không luận thị cùng phi
Từ những ghi chép trên, có thể thấy Đại Sư Liên Trì, từ lúc ban đầu do tham cứu niệm Phật mà có được năng lực, rồi lại do tham thiền mà chứng nhập lí tánh; nhân đó mà đề xướng chủ trương Thiền Tịnh song tu, soạn sách Di Đà Sớ Sao gồm mười vạn lời, làm cho các hành giả Tịnh Độ chan chứa niềm vui đạo vị; một tác phẩm trọng yếu khác của Ngài là Thiền Quan Sách Tấn, thì Trong đời sống, đi thì mang đãy, ở thì đặt án, một lần xem thì tâm chí được khích lệ, thần thái tươi tỉnh, ở cái thế bắt buộc phải tiến tới trước. Suốt một đời, Ngài y theo sách Thiền Quan Sách Tấn ấy để tự thúc đẩy mình tiến tới cảnh giới giải thoát rốt ráo. Tác phẩm trứ danh ấy cũng còn được chư vị Thiền giả đời sau rất mực tôn sùng. Ngài Vân Thê Châu Hoằng đã đem kiến giải của một vị Thiền sư mà đề xướng Pháp môn Thiền Tịnh song tu, không những cổ xúy phương pháp Trì danh niệm Phật gọi là sự trì, mà cũng còn đề xướng phương pháp tham cứu niệm Phật gọi là lý trì; như dạy người tham cứu câu Niệm Phật là ai? đó tức là Thiền Tịnh song tu. Những vị được hành giả tu Tịnh Độ tôn làm tổ sư trọng yếu của tông Tịnh Độ, như Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ thuở trước, cũng như vậy, tức là do kinh nghiệm tu chứng của một Thiền sư mà thấy biết sâu xa cái đạo lí - Tất cả các Pháp môn tu hành đều chảy về Thiền Định, tất cả các kết quả của công phu tu hành đều chảy về Tịnh Độ; cho nên biết rằng, Thiền Tịnh có thể thông nhau.
SƠ LƯỢC VỀ THIỀN TỊNH SONG TU
Nói
chung người niệm Phật, phần đông những người chấp trì danh hiệu Phật
đều là niệm Phật trong tán loạn. Tuy gọi là niệm Phật, nhưng có lẽ cái
thời gian nổi vọng tưởng chiếm phần nhiều. Người có chút ít tinh tấn,
khi phát giác thấy có vọng tưởng, liền vội vàng trở về với danh hiệu
Phật. Người thật sự có tinh tấn, khi niệm Phật, không những trong tâm
mặc niệm danh hiệu Phật, mà đồng thời cũng nghĩ nhớ tới Phật. Cuối cùng
là khi niệm Phật, danh hiệu Phật không còn khởi hiện mà trong tâm vẫn
niệm Phật, đó là lúc tiến vào cảnh giới “vô tướng”; đó cũng là điều mà
người ta thường nói là - Niệm Phật, niệm cho đến khi không còn Phật có thể niệm. Đi đứng ngồi nằm, luôn luôn ở trong cảnh giới vô tướng niệm Phật; đó là
bước đầu nhập môn vào Pháp môn niệm Phật viên thông của Bồ Tát Đại Thế
Chí. Lúc bấy giờ tâm chuyên nhất không tán loạn, tịnh niệm nối tiếp
nhau, không có hình tướng Phật, không có danh hiệu Phật. Vẫn niệm Phật
không bỏ, hưởng được niềm vui Đạo pháp, cùng cực khinh an. Người niệm
Phật đạt đến trình độ này là đã cùng thông với Pháp môn Thiền định, thì
tự nhiên có thể khán thoại đầu, tham công án; đó chẳng phải là Thiền
Tịnh dung thông ư?Nếu người niệm Phật, từ chỗ lạy Phật và xưng niệm danh hiệu Phật mà tiến vào cảnh giới vô tướng niệm Phật, muốn tu Lăng Nghiêm Đại Địn h[39], cần phải có sẵn những kiến thức về tu định, đồng thời phải đọc kĩ Kinh Lăng Nghiêm; trong mọi hoạt động của đời sống hằng ngày đều Niệm Phật Vô Tướng và mỗi ngày cũng nên chọn một thời giờ cố định để tĩnh tọa Niệm Phật Vô Tướng. Đợi đến khi hai chướng sự và lí [40] đều tiêu trừ thì tự nhiên dần dần vào sâu Lăng Nghiêm Đại Định, chứng đắc các loại Niệm Phật Tam Muội.
(xin xem chú thích số 4 của tác giả ở cuối sách).
Có những người niệm Phật hoặc trì chú khác, trong mọi sinh hoạt hằng ngày, trong tâm chấp trì danh hiệu Phật hoặc một Thần Chú cố định, niệm niệm không quên lãng, đồng thời cũng chọn một thời gian cố định trong ngày để tĩnh tọa, từ một đến hai giờ đồng hồ, trong lúc ngồi thì chắp tay hoặc bắt ấn, chuyên tụng danh hiệu Phật hoặc câu Chú; lúc đầu thì miệng tụng tai nghe, tâm ý theo sát danh hiệu Phật hoặc câu chú, không gấp gáp, không chậm rãi, chuyên chú xưng niệm; tâm tán loạn dần dần tập trung, an định, thư thái, tự tại, không bị cái gì níu kéo, cũng không vướng mắc vào cái gì. Người có trí tuệ, lúc bấy giờ trong miệng vẫn an tường tụng niệm không ngừng, mà trong tâm thì không còn nhớ tới tiếng niệm Phật hay tụng Chú, dần dần tiến vào trong Định (lúc vào không biết vào, đến lúc ra mới biết là mình vừa vào định), mất hẳn cái ý niệm về thời gian và không gian. Lúc bấy giờ tuy trong miệng vẫn niệm Phật tụng Chú, mà sự thật thì tâm đã vào Định. Cũng có người niệm Phật trì danh, vào lúc chỉ tịnh [41], tâm niệm và tâm nghe tập trung làm một, danh hiệu Phật không khởi, an trụ nơi một niệm tương tục là nhớ Phật, cuối cùng thì mất hết dấu vết mà vào Định. Cảnh giới này cũng là định lực đầy đủ, mà chỉ có những người đã chuẩn bị đầy đủ tri kiến về tu Định mới có thể thực tập được. Đạt đến trình độ này thì Tịnh Độ đã thông với Thiền Định.
Những điều vừa trình bày trên, vẫn chỉ là "Sự nhất tâm" và thứ lớp của Định; "Lý nhất tâm" thì tương ưng với chân lí, cũng tức là chính mình thấy rõ Phật tánh (tự tánh) mình vốn có đầy đủ. Điều mà người ta gọi là - Di Đà tức là tự tánh, Tây phương không rời gang tấc, cái cảnh giới "Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ" tự nhiên hiện bày trước mắt; đó chính là cái cảnh giới chứng ngộ của Thiền. Nếu không thực tập Pháp môn Thiền Tịnh song tu thì không thể nào đạt đến được. Hành giả, bất luận là tham thoại đầu, công án, hay cơ phong [42], hoặc do ở sự tham cứu niệm Phật mà chứng nhập chân lí, thì bản chất của tất cả các loại công phu ấy vẫn là thiền. Tuy cách thức phát khởi thiền của các loại công phu ấy không giống nhau, nhưng cái cảnh giới chứng nhập sau khi đã lên địa vị Kiến đạo, hoàn toàn không khác; mà cái quá trình tham cứu để chứng nhập chân lí cũng không sai khác. Bởi vậy mà chủ trương Thiền và Tịnh Độ bổ sung cho nhau, trợ giúp cho nhau, không cần phải phân biệt cái kia với cái này. Sau đây xin chép lại một đoạn nguyên văn trong quyển 3 của bộ Di Đà Sớ Sao của Thiền sư Vân Thê Châu Hoằng (tức Liên Trì Đại Sư), hành giả có thể do đây mà có một cái nhìn toàn diện:
“Thể cứu nghĩa là nghe danh hiệu Phật, không những chỉ có nhớ nghĩ, mà còn phải quán sát ngược lại chính mình, xem xét kĩ càng, thấy rõ nguồn cội. Xem xét đến chỗ cùng cực thì tự nhiên khế hợp với bản tâm mình. Nếu bảo danh hiệu Phật là có, thì cái tâm ‘năng niệm’, bản thể vốn không, cho nên Phật mà mình niệm, hoàn toàn không thể nắm bắt được. Nếu bảo là không, thì cái tâm ‘năng niệm” sáng suốt, không mơ hồ, cho nên Phật mà mình niệm, hiển lộ rõ ràng. Nếu bảo là cũng có cũng không, thì cả có niệm và không niệm đều chấm dứt. Nếu bảo là chẳng phải có chẳng phải không, thì cả có niệm và không niệm đều tồn tại. Chẳng phải có thì thường vắng lặng; chẳng phải không thì thường chiếu soi; không phải cũng có cũng không, không phải chẳng phải có chẳng phải không, thì không vắng lặng không chiếu soi, mà vừa chiếu soi vừa vắng lặng. Dứt đường ngôn thuyết, tuyệt đường tư duy; không làm sao khởi được tên, hiện được tướng, cho nên chỉ có ‘nhất tâm’. Do thấy được chân lí mà gọi là ‘lí nhất tâm’ vậy. Tuệ có năng lực soi vọng; kèm thêm định thì soi vọng vốn không, vọng tự điều phục. Lại nữa, chiếu soi có thể phá trừ vọng, không phải chỉ điều phục mà thôi.”
Lại một đoạn khác:
“Hai chữ tham và nghi, không cần phải phân giải. ‘Nghi’ là tên khác của tham, đều là cái ý xem xét kĩ càng. Nhưng, khán câu ‘Niệm Phật là ai?’, thì lấy sự chứng ngộ làm chuẩn tắc mới thôi. Lại nữa, cổ nhân nói rằng - Khán thoại đầu, không nên đoán mò, bóp méo, cũng không được ném vào trong cái vỏ vô sự [43]. Chỉ ‘nhìn như vậy’. Đó là lời nói cốt yếu vậy”
Những
lời dạy của Đại Sư Liên Trì về tham cứu niệm Phật và thể cứu niệm Phật
vừa được ghi lại ở trên, từ lúc khởi đầu tham cứu câu Niệm Phật là ai?,
cho đến khi cảnh giới giác ngộ hiện ra trước mắt, thì ở cái khoảng giữa
Thiền và Tịnh Độ hiển bày, là vô cùng mật thiết. Bất luận là từ niệm
Phật mà ngộ nhập, hoặc do tham thiền mà ngộ nhập, bản chất của chúng đều
là Thiền. Bất luận là ở nơi thế giới này niệm Phật mà ngộ nhập, hoặc
sau khi vãng sinh về thế giới Cực Lạc được nghe Phật và Bồ Tát thuyết Pháp mà ngộ nhập, thì bản chất của chúng vẫn không gì khác hơn là Thiền.
Và cái cảnh giới giác ngộ của hai con đường đó cũng chỉ là một, không
hai, không khác.
(Còn tiếp)
(Còn tiếp)
Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét