Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

XUÂN MIÊN VIỄN


Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa


XUÂN MIÊN VIỄN
H/T. THÍCH THANH TỪ - T/V. THƯỜNG CHIẾU

Theo thời tiết thì một năm có bốn mùa là Xuân, Hạ, Thu, Ðông.  Xuân miên viễn thì không có Xuân Hạ Thu Ðông mà chỉ là Xuân thôi.  Vậy Xuân miên viễn từ đâu có?  Chúng ta phải chuẩn bị những gì để hưởng được Xuân miên viễn?  Thế gian nói đến Xuân là nói đến ba tháng đầu trong năm, gọi là mùa Xuân.  Nhà Thiền nói đến Xuân là nói đến đạo.  Một thiền khách đến hỏi Thiền sư Chân Không - Khi sắc thân bại hoại thì thế nào?  Ngài đáp - Xuân đến, Xuân đi ngỡ xuân hết., Hoa nở, hoa tàn chỉ là Xuân.  Chữ Xuân, Ngài nói đây là Xuân gì?  Xuân đến Xuân đi là Xuân của thời gian.  Mỗi khi Xuân đến thì mừng Xuân, khi Xuân đi thì tiễn Xuân.  Xuân đến thì hoa nở Xuân đi thì hoa tàn, nhưng dù hoa nở hay hoa tàn cũng chỉ trong mùa Xuân ba tháng thôi.  Hoa nở hoa tàn dụ cho sắc thân này được sanh ra rồi chết đi.  Thiền khách thắc mắc thân này bại hoại thì thế nào?  Ngài đáp - Dù sắc thân sanh hay tử cũng chỉ là Xuân.  Ý Ngài nói dù thân chúng ta sanh hay tử và sanh tử liên miên vẫn không ngoài cái thể bất sanh bất tử nơi mình.  Giống như biển cả dù sóng có dấy động hay lặng yên trăm ngàn lần, cũng không ở ngoài biển cả.  Ngài thấy đến chỗ rốt ráo viên mãn chớ không nhìn theo thời gian sanh diệt của thân Năm Uẩn.  Tôi chúc quí vị hưởng mùa Xuân miên viễn, quí vị đã biết là Xuân nào rồi chứ gì?  Sau đây tôi dẫn một bài thơ của một thiền sư Ni ở Trung Hoa đời Tống: 
"Tận nhật tầm Xuân bất kiến Xuân
Mang hài đạp phá đỉnh đầu vân
Qui lai khước quá mai hoa hạ 
Xuân tại nhi đầu dĩ thập phân"
Ni sư nói trọn ngày đi tìm kiếm Xuân, tìm mãi mà không thấy Xuân ở đâu.  Vượt đèo trèo núi rách cả giày để tìm mà vẫn không thấy.  Khi trở về thì thấy Xuân hiện khắp trên đầu những cành Mai trong vườn nhà mình.  Sao lạ vậy?  Tìm Xuân trên núi, nơi này chốn kia mà không thấy, tại sao Xuân lại ở trên đầu cành Mai tại vườn nhà mình?  Ni sư muốn nói gì với chúng ta?  Xuân, Ni sư nói đây là Ðạo mà chúng ta thường nói "Tầm Ðạo".  Ðạo không ở non cao hay rừng thẳm mà ở tại "nhà mình".  Ni sư nhắc cho chúng ta biết Ðạo là Pháp thân chân thật có sẵn nơi mỗi người, chớ nhọc công hướng ra ngoài tìm kiếm, hãy xoay lại mình là nhận ra ngay.  Quí vị tu từ lâu nay, đi tìm đạo rách hết bao nhiêu đôi giày rồi?  Tốn hết bao nhiêu mồ hôi công sức?  Và đã thấy đạo chưa?  Với Ni sư thì Ðạo có sẵn trên cành Mai ở tại nhà mình.  Với những thiền sư khác thì Ðạo ở ngay gót chân mình.  Với chúng ta thì đạo ở ngay trước mắt. Quí vị có thấy Ðạo ở ngay trước mắt không? Người nào thấy Ðạo ở trước mắt thì vấp phải cái lỗi rất lớn là thấy con đường ở ngoài mình, chớ không thấy đạo Phật.  Ðạo thật thì không bị thấy, mà hay thấy muôn vật như thấy hoa nở, thấy hoa tàn... Ðạo chân thật chúng ta không cần tìm kiếm ở đâu xa, chỉ xoay lại mình là nhận ra ngay.  Sở dĩ chúng ta không nhận ra là vì quên, hướng ra ngoài tìm kiếm.  Chỗ này trong Kinh Phật chỉ rất rõ:
"Cảnh vật là tướng bị thấy là cái sanh diệt, cái hay thấy thì không sanh không diệt. Âm thanh ở ngoài là tướng sanh diệt, cái hay nghe thì không sanh không diệt.  Ngay nơi mình lúc nào cũng có cái hay thấy hay nghe.  Hàng ngày chúng ta nhận cái hay thấy hay nghe là mình, hướng ra ngoài thấy cảnh nghe tiếng rồi phân biệt cho là mình thấy nghe?  Nếu thấy nghe như thế là chạy theo cảnh và tiếng, mà quên cái hay thấy hay nghe đang hiện hữu nơi mình".

Cái hay thấy hay nghe là cái thật của mình, mà mình không nhớ cứ hướng ra ngoài tìm kiếm nên quên mất mình.  Thấy nghe như thế là mê.  Bây giờ muốn hết mê thì khi thấy khi nghe phải nhớ mình có cái đang thấy đang nghe, đó là thấy Ðạo, là giác.  Người xưa cứ nhắc chúng ta tu phải trở lại mình là gốc, thế mà chúng ta có chịu trở lại đâu!  Ở đây ai suốt ngày xoay lại sống với mình?  Ai suốt ngày chạy theo ngoại cảnh?  Xoay lại là được ngay, dễ lắm.  Vì dễ nên anh hàng thịt buông dao sát hại liền làm bài kệ ngộ đạo: 
"Tạc nhật dạ xoa tâm 
Kim triêu Bồ tát diện 
Dạ xoa dữ Bồ tát 
Bất cách nhứt điều tuyến"
Hôm qua hướng ra ngoài sát hại là dạ xoa, ngày nay xoay lại dừng tâm sát hại là Bồ tát.  Dạ xoa và Bồ tát không cách một đường tơ, chỉ cần xoay lại là giác ngộ.  Chúng ta tu mấy chục năm có xoay lại mình không?  Không xoay lại là tại sao?  Tại vì quên.  Quên là mê nên không nhớ tâm chân thật của mình, cứ nhớ cảnh vật bên ngoài.  Chỉ  cần hết quên thì mình là người đầy đủ tâm hạnh Bồ tát.  Tu thì nói công phu dày dặn nhiều tháng nhiều năm, kỳ thật chỉ nhớ "tâm mình" là đủ, không tốn chút công nào cả.  Quên thì phóng tâm chạy ra ngoài, nhớ thì dừng tâm rong ruổi, tâm chân thật hiện tiền.  Và, phải hằng nhớ, nhớ suốt ngày mới là giác, còn nhớ một lần thì chỉ một phen tỉnh thôi.  Người xưa dạy cốt chỉ cho chúng ta nhận ra tâm chân thật có sẵn nơi mình, mà chúng ta không nhận, cứ phóng tâm đuổi theo cái sanh diệt tạm bợ để rồi khổ đau than thở.  Tu là phải tỉnh, nhớ mình, không chạy theo cảnh là giác, ngược lại thì đi mãi trong đường mê.
Sau đây Thiền sư Mãn Giác, khi tịch làm kệ dạy chúng: 
"Xuân khứ bách hoa lạc 
Xuân đáo bách hoa khai 
Sự trục nhãn tiền quá 
Lão Tùng đầu thượng lai 
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận 
Ðình tiền tạc dạ nhứt chi Mai" 
Xuân khứ bách hoa lạc - Nghĩa là Xuân đi trăm hoa rụng.  Xuân đáo bách hoa khai - Là Xuân đến trăm hoa nở.  Sự trục nhãn tiền quá - Là sự việc cứ trôi qua trước mắt.  Lão Tùng đầu thượng lai - Là cái già đã đến trên mái đầu rồi.  Ngài diễn tả mùa Xuân theo thời gian, Xuân đi rồi lại Xuân đến, cứ tuần hoàn qua lại như thế.  Sự vật cũng theo thời gian sanh diệt đổi thay.  Mỗi khi Xuân đến thì thấy hoa nở, Xuân đi thì thấy hoa rụng.  Hoa rụng hoa nở theo thời gian thì sanh diệt, diệt sanh liên tục không ngừng.  Vạn vật bị thời gian cuốn trôi đi.  Nhìn lại con người, chúng ta cũng cùng chung số phận đó, vì tóc đã bạc trắng cả mái đầu rồi.  Như vậy, thời gian chi phối cả vạn vật lẫn con người, không có cái gì tồn tại mãi với thời gian.  Tất cả chúng ta rồi đây cũng sẽ tuần tự ra đi, kẻ đi trước người đi sau, không ai là không chết.  Ngài chỉ rõ cuộc đời vô thường biến chuyển theo thời gian, cả vật lẫn người không thoát khỏi cái sanh diệt của vô thường.  Nghe qua thấy như Ngài bi quan, nhưng hai câu sau Ngài kết thúc thật tuyệt vời - Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận., Ðình tiền tạc dạ nhứt chi Mai.  Ngài nói chớ bảo mùa Xuân qua là hoa rụng hết, vì đêm qua trước sân vẫn còn cành Mai nở.  Lệ thường, thời gian cuốn trôi con người lẫn vạn vật, khiến cho tất cả tàn phai hoại diệt.  Nhưng trong cái hoại diệt đó có một cái bất diệt, thời gian không hủy hoại được.  Ý Ngài nói trong cõi đời này, ngay thân Năm Uẩn sanh diệt vô thường của chúng ta có cái thường hằng bất diệt.  Ngài biểu trưng bằng một cành Mai nở không rụng khi Xuân đã qua.  Con người ai cũng có thân Năm Uẩn sanh diệt.  Vậy khi từ giã cõi đời này còn hay hết quí vị có biết không?  Nếu nói còn thì còn cái gì?  Còn luân hồi trong lục đạo theo nghiệp thọ quả báo thì quí vị nói được.  Còn cái không bị biến chuyển thì nó ở đâu, ra sao, không ai trả lời được.  Chỉ biết nói còn, mà không biết còn như thế nào.  Chuyện này không có gì khó, chỉ chịu lắng tâm thì sẽ biết.  Khi dấy niệm nghĩ suy chúng ta nói là tâm mình, vì chấp tâm là cái nghĩ suy.  Nhưng khi không khởi niệm nghĩ suy mắt vẫn thấy tai vẫn nghe, mọi việc xảy ra đều biết, lúc đó có tâm không? - Tâm đang hiện hữu vì biết là tâm.  Cái tâm suy nghĩ phân biệt là tâm duyên theo bóng dáng của ngoại trần, nó sanh diệt tùy duyên tùy cảnh mà có, không thật.  Còn tâm hằng tri hằng giác không đợi nghĩ suy mới có là tâm chân thật không sanh không diệt.   Lúc nào nó cũng hiện hữu nơi mình, cảnh đến cũng biết, cảnh đi cũng biết, không có niệm dấy động phân biệt.  Tâm này không hình tướng, thênh thang trùm khắp.  Chúng ta có cái tâm này mà không nhớ, chỉ nhớ cái tâm phân biệt tốt xấu hơn thua nên mê hoài.  Nếu nhớ tâm không sanh diệt trùm khắp thì giác.  Cái tâm chân thật không phân biệt chỉ là BIẾT thôi, nó không biến hoại mà thường hằng.  Còn cái tâm phân biệt thì tùy duyên, duyên tốt nó hành xử tốt, duyên xấu nó hành xử xấu, nên có đủ tướng trạng thay đổi luôn luôn.  Thiền sư Mãn Giác nhắc cho đồ đệ cũng như chúng ta biết thân này có sanh ắt phải tử, nhưng trong cái thân sanh tử đó có tâm chân thật bất diệt.  Người xưa tu nhận ra tâm chân thật bất diệt, thấy thân năm uẩn này sống chết là trò chơi, nên ra đi một cách an nhiên tự tại.  Ngày nay chúng ta gần ra đi lo buồn hốt hoảng vì chỉ biết có cái thân sanh diệt này, khi mất thấy đau khổ.  Ðó là một thiền sư đời Lý nói về Xuân.  Sau đây là thiền sư đời Trần, Ngài Huyền Quang có làm bài kệ: 
"Xuân nhựt tức sự 
Nhị bát giai nhân thích tú trì 
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly 
Khả liên vô hạn thương xuân ý 
Tận tại đình châm bất ngữ thì" 
Bài thơ này hiểu theo thường tình của con người đời thì, hai câu đầu diễn tả cảnh người con gái đẹp mười sáu tuổi, đang ngồi thêu gấm bên cạnh khóm hoa tử kinh nở, trên cành có chim hoàng oanh hót, thật là tình tứ thơ mộng.  Nhưng hai câu sau lại khác, ý thơ rất siêu thoát.  Ngài nói ngài thương mà thương vô hạn cái ý Xuân là lúc "dừng kim chẳng mở lời".  Theo ý này thì ngài thương cô gái hay thương cái gì? - Thương lúc "dừng kim không thêu, làm thinh không nói".  Ngài thật là tài, qua lời thơ thấy như trần tục, nhưng ý thơ thì đạo lý sâu thẳm.  Trong Kinh Giải nghĩa, Niết bàn là dừng tạo nghiệp; nghĩa của tạo nghiệp là đan dệt, dừng tạo nghiệp là dừng đan dệt, dừng đan dệt là Niết bàn.  Mà Niết bàn thì vô ngôn, không thể dùng lời để nói năng diễn tả.  Hình ảnh cô gái không mở lời chỉ cho ý này.
Mùa Xuân có người đẹp có cảnh đẹp, có hoàng oanh hót, ngài không thích cảnh đẹp người đẹp mà thích nhất lúc "dừng kim không thêu, im lặng không nói".  Người "dừng kim không thêu, im lặng không nói" biểu trưng cho trạng thái bất động thanh tịnh của Niết bàn.  Lời thơ mang ý nghĩa này thì thiền sư đâu có tình cảm lai láng.  Người đời vì không thấy được lý đạo trong thơ nên trách Thiền  sư đang bị tình cảm trói buộc, mở lời là tình cảm tràn trề!  Các thiền sư Trung Hoa cũng như Việt Nam khi Xuân đến các ngài cảm hứng làm thơ diễn tả mùa Xuân, trong đó không bài nào không chỉ cho chúng ta cái Xuân miên viễn chân thật có sẵn nơi mình.  Các ngài không ca ngợi Xuân để chúng ta mừng Xuân vui Xuân trong ba tháng tạm bợ mà dạy chúng ta phải xoay lại để sống với mùa Xuân miên viễn chân thật ở nơi mình.  Vậy quí vị chịu sống với mùa Xuân miên viễn nơi mình, hay thích sống với mùa Xuân ba tháng ngắn ngủi tạm bợ?  Thích mùa Xuân ba tháng thì hãy tự hỏi tại sao mùa Xuân tạm bợ lại thích, còn mùa Xuân miên viễn thì không biết đến?  Là người tu, chúng ta phải biết cái tạm bợ vô thường là cái nhân luân hồi sanh tử khổ đau để xa lìa, hằng sống với cái chân thật bất tử.  Ðây là điều phải nhớ để thực hiện, chớ nói khó, không làm được. Nhân ngày Tết Nguyên đán, tôi chúc tất cả Tăng Ni, Phật tử hưởng một mùa Xuân miên viễn.  Cuối lời, tôi chúc cho Tăng Ni và Phật tử năm nay và những năm về sau ai cũng được hưởng một mùa Xuân miên viễn như các thiền sư.

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

TRAILER - "VỀ PHÍA MẶT TRỜI" 2014

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa


CUỘC ĐỜI VÀ ĐẠO NGHIỆP CỦA
ĐẠI LÃO H/T. THÍCH TRÍ TỊNH 
Nhà sản xuất: HÃNG FILM SEN VIỆT MEDIA 
Cố vấn sản xuất: CHÙA VẠN ĐỨC
Chính thức ra mắt 2014 - Năm Đại Lễ Vesak 2558 
Click xem Trailer trực tuyến và comment tại:

Đã xuất bản vào 21-01-2014 
Nằm trong dự án "Sen vàng ngát hương" của hãng phim Phật Giáo Sen Việt.  "Về phía Mặt trời" là bộ phim điện ảnh dựa trên những câu chuyện có thật về cuộc đời của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh - Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam.  Là bậc Tùng lâm thạch trụ và một trong những đại dịch giả Hán tạng của Phật giáo nước nhà.


Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU - T/CHẠP

 Niệm Phật một câu Phước sanh vô lượng - Lễ Phật một lễ tội diệt hà sa


HƯƠNG LINH CỐ P/T. CHÁNH QUẢNG
LÂM THIỆN TRUNG (1949 - 2014) SAN JOSE, CA. USA

Namo Bổn Sư THÍCH CA MÂU NI Phật,

Kính bạch Thầy Hằng Sơn - THPG Vạn Phật Thánh Thành, CA Hoa Kỳ
Kính thưa Chị Chrissie Tran cùng tang gia hiếu quyến tại San Jose, CA
Kính thưa Chư huynh đệ Pháp hữu trong và ngoài nước.

Hoằng Trạng vô cùng thương tiếc được tin Chú Trung Lam vừa xả Báo thân ra đi tại thành phố San Jose, CA Hoa Kỳ sau thời gian lâm bệnh.  Tuy chưa một lần được gặp mặt Chú ở hiện tiền, mà chỉ quen biết qua email như một Thiện tri thức từ xa của con suốt mấy năm nay; Nhưng Hoằng Trạng cũng đủ duyên được nói chuyện với Chú qua phone hai lần tại Vietnam và Hoa Kỳ... Có thể nói, Chú Trung Lam thật giản dị mà sâu sắc, hóm hỉnh mà ân cần!  Tất cả những chia sẻ trên trang blog khiêm tốn này suốt 3 năm nay, đều là những tham cứu Phật học quý báu từ Chú, như một BTV thầm lặng của SHHV.  Sự chân thành cầu học Đạo Giác Ngộ và tha thiết hộ trì Chánh Pháp của Chú luôn là tấm gương Y - Chánh Báo trang nghiêm cho chúng con tiếp tục học hỏi... 

Nay cùng với niệm lực của quý Thầy, Cô và huynh đệ đồng tu gần xa, Hoằng Trạng thành kính ngưỡng nguyện Chư hương linh của Chú luôn tỉnh sáng, sớm trở về với Pháp thân thường trụ bằng tự lực niệm Phật vãng sanh và tha lực tiếp dẫn của Đức Từ Phụ, sống An lạc miên viễn trong bổn tánh Vô Lượng Quang - Thọ. 

Namo Tây Phương Cực Lạc thế giới
Đại Từ Bi Phụ A MI ĐÀ Phật

Thành kính phân ưu,
Hoằng Trạng

 Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

NIỆM PHẬT VÔ TƯỚNG - CHƯƠNG III (P/1)

 
Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa
  

CHƯƠNG III
 TRI KIẾN PHẢI CÓ KHI TU TẬP PHÁP MÔN

I. PHÁP MÔN NÀY LÀ PHÁP MÔN TU ĐỊNH, KHÔNG PHẢI LÀ PHÁP MÔN TRÌ DANH
Pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ là một loại Pháp môn tu Định. Mượn phương Pháp tu Định để tu Tịnh Độ, làm cho Pháp môn Tịnh Độ đã trực tiếp lại hữu hiệu. (Xin xem chú thích số 5 của tác giả ở cuối sách.)

Thông thường những người tu Pháp môn Tịnh Độ, đa phần là tu Trì danh niệm Phật, tức là phương pháp niệm danh hiệu Phật ra tiếng hay mặc niệm.  Xướng niệm không ngừng, cho đến khi đạt tới chỗ không còn vọng niệm, vọng tưởng, mà chỉ còn có danh hiệu Phật, nhất tâm nhớ tới danh hiệu Phật, gọi là sự nhất tâm.  Phần đông những người trì chú cũng vậy.  Vậy mà, 25 vị Bồ Tát trong Kinh Lăng Nghiêm, khi nói về Pháp môn tu hành viên thông của chính mình, không có Pháp môn nào mà không phải là Pháp môn tu Định.  Mỗi một Pháp môn của các Ngài đều có thể giúp cho hành giả tự mình thấy được Phật tánh, chứng được lí nhất tâm, nhập được cảnh giới giải thoát rốt ráo Năm Uẩn đều không; cho nên gọi là Pháp môn viên thông.  Trong 25 Pháp môn của 25 vị Bồ Tát trên, thì Pháp môn thứ 24, cũng tức là ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương, trong đó Đức Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ trình bày về Pháp môn Niệm Phật Viên Thông, mà toàn văn của chương này, không có chỗ nào nói đến việc trì danh niệm Phật.  Từ đầu đến cuối đều nói đến “nhớ”, nói đến “niệm”, mà không nói đến Trì danh hiệu Phật, hay Đọc danh hiệu Phật.  Ngay cả ở cuối chương cũng chỉ nói đến cái cảnh giới Thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối để Nhập Tam Ma Địa mà thôi.

Vì sao vậy?  Nhớ là không tên tuổi, không hình tướng.  Niệm là không danh hiệu, không âm thanh.  Nếu có danh hiệu và âm thanh thì trở thành đọc Phật hiệu, hay xướng Phật hiệu. Bởi vậy mà toàn văn của chương Niệm Phật Viên Thông đã không nói đến Trì danh niệm Phật, mà chỉ nói Nhớ Phật, niệm Phật.  Ví dụ như khi niệm Phật, miệng xướng tụng Phật hiệu thì thiệt căn (lưỡi) phải chuyển động.  Lại nhân xướng tụng Phật hiệu mà ngực và bụng phải điều khiển hơi thở ra vào, đó là thân căn chuyển động; và tị căn (mũi) cũng chịu tác động dây chuyền.  Lại nữa, miệng tụng đọc thì tâm ngưng đọng để lắng nghe, và như thế tức là nhĩ căn (tai) chuyển động.  Các căn đã động thì ý căn không thể không động. Như thế thì không thể bảo là Thu nhiếp sáu căn, lại cũng không thể nói được là Tịnh niệm tiếp nối.  Nếu mặc niệm Phật hiệu ở trong tâm, đồng thời nhớ nghĩ đến Phật, thì năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi và thân tuy không động, nhưng ý căn thì còn động.  Ngay trong khi Phật hiệu ở trong tâm được xướng niệm liên tục, thì sự thật, đó là lúc cái vọng niệm đơn giản được lặp đi lặp lại ở trong tâm.  Nếu đọc A Di Đà Phật, thì một câu Phật hiệu ấy có bốn niệm, bốn âm thanh.  Đã có bốn niệm và bốn âm thanh được lặp đi lặp lại không ngừng ở trong tâm, thì biết rằng, ý căn vẫn chưa được thu nhiếp vào chỗ bất động.  Ý căn đã chưa được thu nhiếp vào một niệm mà bảo trì không dứt, thì không thể bảo là Thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối.

Điều được gọi là Tịnh niệm tiếp nối là chỉ cho mỗi niệm ở trong tâm đều là niệm thanh tịnh; nếu suy nghĩ về chuyện thế tục thì không phải là tịnh niệm.  Dù cho suy nghĩ đến việc thiện, pháp thiện, thậm chí  suy nghĩ về Phật pháp, đều không thể gọi là tịnh niệm.  Từ những tri kiến của tu định mà nói, phàm tất cả ngôn ngữ, văn tự, hình tướng, đều là vọng niệm, không gọi là tịnh niệm.  Phải xa lìa tất cả ngôn ngữ, văn tự, hình tướng để nhớ Phật, niệm Phật, thì cái niệm đó mới gọi được là tịnh niệm.  Cái tịnh niệm nhớ Phật niệm Phật như thế đó, cứ được nối tiếp không gián đoạn, gọi là Tịnh niệm tiếp nối.  Nếu cái tịnh niệm ấy có lúc bị gián đoạn, rồi lại được tiếp tục, cũng không thể gọi là Tịnh niệm tiếp nối, mà chỉ được gọi là Tịnh niệm đứt nối.  Cho dù chỉ bị gián đoạn trong một giây, hoặc nửa giây, cũng chỉ có thể gọi là Tịnh niệm đứt nối mà thôi.  Muốn được nhập vào tam ma địa (Định), không những cần phải thu nhiếp Sáu Căn, mà còn phải có được tịnh niệm tiếp nối, mới thành công.  Cho nên, thu nhiếp Sáu Căn, Tịnh niệm tiếp nối, chính thực là lìa tướng, là vô tướng vậy.  Ở đây lại xin dẫn một câu khác ở trong Kinh Đại Bảo Tích để được sáng tỏ thêm:
“Vô tướng nghĩa là không có thân và hành động của thân, không có tên gọi, không có câu nói, cũng không hiện bày.” 

Phàm tu tập Pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ, xin hãy đem cái tri kiến này mà thâm nhập, lãnh hội toàn diện Pháp môn.  Cứ y nơi mặt chữ mà giải thích, vô tướng nghĩa là không có sắc thân, lại không có nhân nơi sắc thân mà có tất cả những bày hiện của tư duy, phép tắc, không có ngôn ngữ, văn tự, danh cú, không có các biểu thị của ý tứ để cho người ta có thể thấy biết.  Nói rõ hơn, chúng ta đang ở trong thế gian vật chất này, có nhiều loài khác nhau, như người, các loài bàng sinh, tất cả sinh mạng vô tình và sinh mạng ở giữa hai loại chúng sinh hữu tình và chúng sinh vô tình (tạm thời không bàn tới bốn loài Trời,  A tu la, Địa ngục, Ngạ quỉ); rồi giữa loài người với nhau thì tướng mạo bề ngoài mỗi mỗi đều khác nhau; rồi các loài chúng sinh hữu tình cùng chúng sinh vô tình, giữa các đồng loại của chúng, tướng mạo hình thù đều khác nhau; tất cả đều do nguyên nhân là có sắc thân vậy.  Nếu không có sắc thân thì không có hình tướng biểu hiện; đã không có hình tướng biểu hiện thì tức là vô tướng.

Ở trong thế gian vật chất này, tất cả những bày hiện của biểu tướng, hành vi, phù hiệu, tư duy, phép tắc, đều do nơi sắc thân mà có.  Nếu không có sắc thân tồn tại trong thế gian vật chất này, thì tất cả mọi biểu tướng đều không tồn tại; đã không có sắc thân cùng biểu tướng, thì mọi hành vi, phù hiệu, ngôn ngữ, tư duy, phép tắc, đều không tồn tại ở thế gian. Các cõi Trời Dục Giới (xin xem chú thích số 6 của tác giả ở cuối sách) – tức phần nhiều ngoại giáo gọi là Thiên đường, Thiên quốc v.v..., cũng vậy.   Trong thế gian vật chất này, tất cả ngôn ngữ, bao quát cả các thứ âm thanh, tín hiệu của các loài bàng sinh, đều nhân có sắc thân tồn tại mà hiện bày, để tiện cho đồng loại hoặc các loài khác biểu thị ý tứ và thông hiểu nhau.  Nhân có văn cú mà liền có tư duy; nhân có tư duy mà có phép tắc; phát triển mãi cho đến về sau bèn có văn học, thần học, khoa học, nghệ thuật, hình nhi thượng học [44], v.v... tất cả các ngành học vấn ở thế gian hiện bày.  Nhân vì có sắc thân mà có luyến ái, có tranh chấp; từ đó, ở thế gian, vì phải giải quyết những tranh chấp do tham ái phát sinh, mà chế định các phép tắc; những phép tắc này cứ diễn tiến mãi, dần dần trở thành pháp luật.

Bởi vậy, tất cả các pháp tướng ở thế gian như ngôn ngữ, văn cú, danh tướng, tư duy, phép tắc v.v..., sở dĩ được sinh thành, tồn tại, biến hóa, đều do cái nhân trồng nơi sắc thân mà hiện bày ra.  Tất cả những ngôn ngữ, văn cú, danh tướng, tư duy, phép tắc ấy sở dĩ tồn tại là vì một mục đích: biểu thị ý tứ.   Mà sự biểu thị của ý tứ được tồn tại là nhân vì có sắc thân vậy.  Thế gian vật chất là như thế, sáu cõi Trời Dục Giới cũng là như thế.  Chư Phật phần nhiều ở tại nhân gian mà thành Phật, lí do là như vậy. Nếu không thành Phật ở tại nhân gian, mà thành Phật ở các cõi Trời Dục Giới, thì chỉ có thể hóa độ cho chúng sinh ở các cõi Trời Dục Giới (gồm chư vị Thiên Chúa, Thiên thần và Thiên chúng) mà thôi.  Không hiển thị ở nhân gian thì rất khó hóa độ cho chúng sinh ở nhân gian.  Hơn nữa, chúng sinh ở các cõi Trời Dục Giới tham đắm nặng nề thú vui ngũ dục, hóa độ rất khó; nếu thành Phật ở nhân gian thì hóa độ cho chúng sinh ở nhân gian dễ dàng hơn, vì chúng sinh ở đây được trực tiếp thấy nghe cung kính, mà chư thiên ở các cõi Trời Dục Giới và Sắc Giới, nếu có duyên lành, cũng được hóa độ ngay tại nhân gian.  Bởi vậy, Chư Phật đều thành Phật ngay tại nhân gian, vì nhân gian có sắc thân và các biểu hiện của sắc thân như ngôn ngữ, văn cú, danh tướng, tư duy, phép tắc.

Do sự giải thích sơ lược đoạn Kinh văn ở trên mà biết được rằng: Nếu xa lìa sắc thân cùng những hiện bày của sắc thân, ngôn ngữ, văn cú, và những biểu thị của ý tứ, thì tức là vô tướng.  Mà Pháp môn Niệm Phật Viên Thông này, cái cảnh giới được gọi là Nhớ Phật niệm Phật, thu nhiếp Sáu Căn, Tịnh niệm tiếp nối, không có sắc thân, ngôn ngữ, văn cú, phù hiệu, cùng những biểu hiện của sắc thân v.v..., cũng không có pháp gì thị hiện để cho người khác thấy biết.  Trừ phi người niệm Phật vô tướng ấy mượn sắc thân và ngôn ngữ, văn cú, cùng những biểu hiện của sắc thân như tư duy và phép tắc, để chỉ bày cho người khác cái cảnh giới cùng phương pháp của cách niệm Phật này, nếu không thì người khác không biết nhờ đâu mà được hiểu biết.  Mà cảnh giới của loại niệm Phật vô tướng ấy mới chính là cảnh giới chân thực của Pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Đức Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ.

II. MỘT CHÚT THANH MINH - MỘT VÀI KHÍCH LỆ
Để tu tập thành công pháp môn này, hành giả phải cần thời gian dài hay ngắn?  Muốn biết chắc điều đó, hãy nên xét kĩ xem, đối với nội dung sách này, hành giả hiểu được sâu hay cạn, và có y như cách thức mà tu tập hay không.  Nếu hiểu rõ hoàn toàn những lời nói trong sách này và y theo đó mà tu tập, đối với người bình thường mà nói, ước chừng từ hai đến sáu tháng thì có thể lãnh hội được Pháp môn Niệm Phật Vô Tướng; nếu là hạng người lợi căn, hoặc đã có sẵn công phu trong động, thì một khi nghe qua liền lãnh hội.

Theo kinh nghiệm của kẻ hậu học này, bắt đầu từ ngày 3.9.1991 tại hai đạo tràng khác nhau - Một là đạo tràng tu Thiền nọ của Kim Dung Cơ Cấu Phật Học Xã tại Đài Bắc; một là thiền đường do ông bà Trần Cư Sĩ xây dựng ở Thạch Bài - Tôi đã giảng thuật cho 30 Đạo hữu cùng tu, kết quả, trong vòng 6 tuần lễ, có 2 vị tu tập thành công.  Sau đó cũng lần lượt có vị tu tập thành công.  So ra thì các Đạo hữu ở Thạch Bài thành công nhiều hơn, nguyên do là vì quí vị ở đó tu hành như thật.  Quí vị ấy tuy học Phật muộn màng, thể hội chậm chạp, nhưng lòng tin tràn đầy, tu trì với tâm trong trắng, và sau 3 tháng thì tu tập thành công.  Về sau lại có một vài Đạo hữu, nhân nghe băng ghi âm giảng giải về Pháp môn Niệm Phật Viên Thông, đồng thời đọc bài văn Đàm Vô Tướng Bái Phật dữ Vô Tướng Niệm Phật (Bàn về Pháp môn lạy Phật vô tướng và niệm Phật vô tướng), rồi siêng năng hành trì, và cũng trong 3 tháng thì tu tập thành công.  Trong vòng 4 tháng cuối năm (1991), có cả thảy 9 vị tu tập thành công.  Hỏi những vị từng đến nghe giảng Pháp môn này nhưng chưa tu tập thuần thục, thì biết rằng, nhân vì phần đông quí vị này vốn không thích Pháp môn phương tiện của buổi ban đầu là lạy Phật và trì danh niệm Phật, mà bây giờ thì cũng chưa tu tập một cách đúng mức, cho nên chưa có thể thành thục.

Mùa hè năm 1989, tại một tự viện nọ, kẻ hậu học này từng tặng cho một số vị Cư sĩ tu Thiền bài đoản văn Đàm Vô Tướng Bái Phật dữ Vô Tướng Niệm Phật.  Một trong các vị đó, vì không thích lạy Phật, đã đem bỏ bài đoản văn ấy nơi một góc nào đó trong chùa.  Có một người thiện căn sâu dầy, khi nhận tờ nguyệt san do chùa đó phát hành, thấy trong tờ nguyệt san ấy có cặp theo bài đoản văn kia, bèn đọc.  Đọc xong thì vô cùng vui mừng, liền y theo bài văn mà tu trì, chẳng bao lâu đã thành thục; tự mình có khả năng tham thoại đầu, thường trú trong câu nghi vấn Thiền.  Đó là người đầu tiên chỉ y cứ vào một bài đoản văn mà tu tập thành công pháp môn Niệm Phật Vô Tướng.  Đến như người bình thường niệm Phật, chỉ xin cần hết sức kiên nhẫn, đọc quyển sách này thật kĩ càng.  Chớ nên vì cái cảnh giới niệm Phật vô tướng vừa thuật ở trước khó tưởng tượng, mà cho rằng rất khó tu trì, rồi sinh nản lòng.  Nên biết rằng, những người tu tập thành công Pháp môn Niệm Phật Vô Tướng đã được nói tới ở trước, đa số là những người niệm Phật.  Do đó có thể thấy, người niệm Phật có nhân duyên rất sâu với Pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Đức Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ.  Nếu hành giả đã có công phu trì danh niệm Phật, lại gặp đúng lúc được tu Pháp môn này, càng dễ thành tựu hơn so với những người chưa từng niệm Phật.  Một lúc nào đó tu tập thành công, lại tiếp tục duy trì hộ niệm, thì đến giờ phút lâm chung, muốn sinh về thế giới Cực Lạc, đó là điều cầm chắc trong tay.

Viết đến đây, gặp ngày 5.2.1992 (tức ngày Mồng 2 tháng Giêng âm lịch), trong số 30 Đạo hữu cùng tu, đã có 12 vị thành tựu công phu niệm Phật vô tướng; 6 vị trong số đó đã tiến vào giai đoạn Tham thoại đầu (có 4 vị thường khởi nghi tình [45]).  Trong 6 vị tham Thiền này thì chỉ có một vị nguyên gốc học Thiền, còn 5 vị kia đều là người trì danh niệm Phật.  Có 6 vị khác chưa đến giai đoạn tham Thiền, vẫn còn tiếp tục tu niệm Phật vô tướng, mà nguyên gốc đều là những người trì danh niệm Phật.  Có vị muốn trọn đời tu niệm Phật vô tướng; sau khi thâm nhập Pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ, lúc xả bỏ báo thân sẽ cầu sinh về Tịnh Độ Cực Lạc.  Có vị muốn tiếp tục dùng phương pháp lạy Phật và niệm Phật vô tướng để tăng cường cho công phu trong động, rồi sau đó mới tham Thiền.  Có vị lại chọn phương pháp tham cứu niệm Phật.  Hầu hết 6 vị ấy sẽ có lúc phát khởi nghi tình, trở thành tham cứu niệm Phật, rồi nhân đó mà có lúc sẽ tiến đến giai đoạn Thiền quán.  Do đó có thể thấy, Pháp môn niệm Phật vô tướng là loại công phu trong động mà người tham Thiền và người niệm Phật đều cực lực thọ dụng; chư vị hành giả nên có cái nhìn chính đáng đối với nó.  Còn các vị khác tu tập chưa thành công, về sau cũng nhân xây dựng được lòng tin mà bắt đầu luyện tập, trước mắt lần lượt đã thấy có tiến bộ.  Bởi vậy cho nên, bất luận là người tu Thiền, hay tu Tịnh Độ niệm Phật, nếu chịu khó đọc kĩ quyển sách này, thể hội tri kiến và phương pháp tu trì, tinh tấn và bền chí luyện tập mỗi ngày, thì có thể trong vòng từ 2 đến 6 tháng là đạt được kết quả.  Nếu như một ngày đánh cá, ba ngày phơi lưới, thì có muốn thu hoạch cũng không có gì để thu hoạch.
(Còn tiếp)

 Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật