CHƯƠNG III
TRI KIẾN PHẢI CÓ KHI TU TẬP PHÁP MÔN
I. PHÁP MÔN NÀY LÀ PHÁP MÔN TU ĐỊNH, KHÔNG PHẢI LÀ PHÁP MÔN TRÌ DANH
Pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ là một loại Pháp môn tu Định. Mượn phương Pháp tu Định để tu Tịnh Độ, làm cho Pháp môn Tịnh Độ đã trực tiếp lại hữu hiệu. (Xin xem chú thích số 5 của tác giả ở cuối sách.)Thông thường những người tu Pháp môn Tịnh Độ, đa phần là tu Trì danh niệm Phật, tức là phương pháp niệm danh hiệu Phật ra tiếng hay mặc niệm. Xướng niệm không ngừng, cho đến khi đạt tới chỗ không còn vọng niệm, vọng tưởng, mà chỉ còn có danh hiệu Phật, nhất tâm nhớ tới danh hiệu Phật, gọi là sự nhất tâm. Phần đông những người trì chú cũng vậy. Vậy mà, 25 vị Bồ Tát trong Kinh Lăng Nghiêm, khi nói về Pháp môn tu hành viên thông của chính mình, không có Pháp môn nào mà không phải là Pháp môn tu Định. Mỗi một Pháp môn của các Ngài đều có thể giúp cho hành giả tự mình thấy được Phật tánh, chứng được lí nhất tâm, nhập được cảnh giới giải thoát rốt ráo Năm Uẩn đều không; cho nên gọi là Pháp môn viên thông. Trong 25 Pháp môn của 25 vị Bồ Tát trên, thì Pháp môn thứ 24, cũng tức là ĐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương, trong đó Đức Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ trình bày về Pháp môn Niệm Phật Viên Thông, mà toàn văn của chương này, không có chỗ nào nói đến việc trì danh niệm Phật. Từ đầu đến cuối đều nói đến “nhớ”, nói đến “niệm”, mà không nói đến Trì danh hiệu Phật, hay Đọc danh hiệu Phật. Ngay cả ở cuối chương cũng chỉ nói đến cái cảnh giới Thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối để Nhập Tam Ma Địa mà thôi.
Vì sao vậy? Nhớ là không tên tuổi, không hình tướng. Niệm là không danh hiệu, không âm thanh. Nếu có danh hiệu và âm thanh thì trở thành đọc Phật hiệu, hay xướng Phật hiệu. Bởi vậy mà toàn văn của chương Niệm Phật Viên Thông đã không nói đến Trì danh niệm Phật, mà chỉ nói Nhớ Phật, niệm Phật. Ví dụ như khi niệm Phật, miệng xướng tụng Phật hiệu thì thiệt căn (lưỡi) phải chuyển động. Lại nhân xướng tụng Phật hiệu mà ngực và bụng phải điều khiển hơi thở ra vào, đó là thân căn chuyển động; và tị căn (mũi) cũng chịu tác động dây chuyền. Lại nữa, miệng tụng đọc thì tâm ngưng đọng để lắng nghe, và như thế tức là nhĩ căn (tai) chuyển động. Các căn đã động thì ý căn không thể không động. Như thế thì không thể bảo là Thu nhiếp sáu căn, lại cũng không thể nói được là Tịnh niệm tiếp nối. Nếu mặc niệm Phật hiệu ở trong tâm, đồng thời nhớ nghĩ đến Phật, thì năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi và thân tuy không động, nhưng ý căn thì còn động. Ngay trong khi Phật hiệu ở trong tâm được xướng niệm liên tục, thì sự thật, đó là lúc cái vọng niệm đơn giản được lặp đi lặp lại ở trong tâm. Nếu đọc A Di Đà Phật, thì một câu Phật hiệu ấy có bốn niệm, bốn âm thanh. Đã có bốn niệm và bốn âm thanh được lặp đi lặp lại không ngừng ở trong tâm, thì biết rằng, ý căn vẫn chưa được thu nhiếp vào chỗ bất động. Ý căn đã chưa được thu nhiếp vào một niệm mà bảo trì không dứt, thì không thể bảo là Thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối.
Điều được gọi là Tịnh niệm tiếp nối là chỉ cho mỗi niệm ở trong tâm đều là niệm thanh tịnh; nếu suy nghĩ về chuyện thế tục thì không phải là tịnh niệm. Dù cho suy nghĩ đến việc thiện, pháp thiện, thậm chí suy nghĩ về Phật pháp, đều không thể gọi là tịnh niệm. Từ những tri kiến của tu định mà nói, phàm tất cả ngôn ngữ, văn tự, hình tướng, đều là vọng niệm, không gọi là tịnh niệm. Phải xa lìa tất cả ngôn ngữ, văn tự, hình tướng để nhớ Phật, niệm Phật, thì cái niệm đó mới gọi được là tịnh niệm. Cái tịnh niệm nhớ Phật niệm Phật như thế đó, cứ được nối tiếp không gián đoạn, gọi là Tịnh niệm tiếp nối. Nếu cái tịnh niệm ấy có lúc bị gián đoạn, rồi lại được tiếp tục, cũng không thể gọi là Tịnh niệm tiếp nối, mà chỉ được gọi là Tịnh niệm đứt nối. Cho dù chỉ bị gián đoạn trong một giây, hoặc nửa giây, cũng chỉ có thể gọi là Tịnh niệm đứt nối mà thôi. Muốn được nhập vào tam ma địa (Định), không những cần phải thu nhiếp Sáu Căn, mà còn phải có được tịnh niệm tiếp nối, mới thành công. Cho nên, thu nhiếp Sáu Căn, Tịnh niệm tiếp nối, chính thực là lìa tướng, là vô tướng vậy. Ở đây lại xin dẫn một câu khác ở trong Kinh Đại Bảo Tích để được sáng tỏ thêm:
“Vô tướng nghĩa là không có thân và hành động của thân, không có tên gọi, không có câu nói, cũng không hiện bày.”
Phàm tu tập Pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ, xin hãy đem cái tri kiến này mà thâm nhập, lãnh hội toàn diện Pháp môn. Cứ y nơi mặt chữ mà giải thích, vô tướng nghĩa là không có sắc thân, lại không có nhân nơi sắc thân mà có tất cả những bày hiện của tư duy, phép tắc, không có ngôn ngữ, văn tự, danh cú, không có các biểu thị của ý tứ để cho người ta có thể thấy biết. Nói rõ hơn, chúng ta đang ở trong thế gian vật chất này, có nhiều loài khác nhau, như người, các loài bàng sinh, tất cả sinh mạng vô tình và sinh mạng ở giữa hai loại chúng sinh hữu tình và chúng sinh vô tình (tạm thời không bàn tới bốn loài Trời, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỉ); rồi giữa loài người với nhau thì tướng mạo bề ngoài mỗi mỗi đều khác nhau; rồi các loài chúng sinh hữu tình cùng chúng sinh vô tình, giữa các đồng loại của chúng, tướng mạo hình thù đều khác nhau; tất cả đều do nguyên nhân là có sắc thân vậy. Nếu không có sắc thân thì không có hình tướng biểu hiện; đã không có hình tướng biểu hiện thì tức là vô tướng.
Ở trong thế gian vật chất này, tất cả những bày hiện của biểu tướng, hành vi, phù hiệu, tư duy, phép tắc, đều do nơi sắc thân mà có. Nếu không có sắc thân tồn tại trong thế gian vật chất này, thì tất cả mọi biểu tướng đều không tồn tại; đã không có sắc thân cùng biểu tướng, thì mọi hành vi, phù hiệu, ngôn ngữ, tư duy, phép tắc, đều không tồn tại ở thế gian. Các cõi Trời Dục Giới (xin xem chú thích số 6 của tác giả ở cuối sách) – tức phần nhiều ngoại giáo gọi là Thiên đường, Thiên quốc v.v..., cũng vậy. Trong thế gian vật chất này, tất cả ngôn ngữ, bao quát cả các thứ âm thanh, tín hiệu của các loài bàng sinh, đều nhân có sắc thân tồn tại mà hiện bày, để tiện cho đồng loại hoặc các loài khác biểu thị ý tứ và thông hiểu nhau. Nhân có văn cú mà liền có tư duy; nhân có tư duy mà có phép tắc; phát triển mãi cho đến về sau bèn có văn học, thần học, khoa học, nghệ thuật, hình nhi thượng học [44], v.v... tất cả các ngành học vấn ở thế gian hiện bày. Nhân vì có sắc thân mà có luyến ái, có tranh chấp; từ đó, ở thế gian, vì phải giải quyết những tranh chấp do tham ái phát sinh, mà chế định các phép tắc; những phép tắc này cứ diễn tiến mãi, dần dần trở thành pháp luật.
Bởi vậy, tất cả các pháp tướng ở thế gian như ngôn ngữ, văn cú, danh tướng, tư duy, phép tắc v.v..., sở dĩ được sinh thành, tồn tại, biến hóa, đều do cái nhân trồng nơi sắc thân mà hiện bày ra. Tất cả những ngôn ngữ, văn cú, danh tướng, tư duy, phép tắc ấy sở dĩ tồn tại là vì một mục đích: biểu thị ý tứ. Mà sự biểu thị của ý tứ được tồn tại là nhân vì có sắc thân vậy. Thế gian vật chất là như thế, sáu cõi Trời Dục Giới cũng là như thế. Chư Phật phần nhiều ở tại nhân gian mà thành Phật, lí do là như vậy. Nếu không thành Phật ở tại nhân gian, mà thành Phật ở các cõi Trời Dục Giới, thì chỉ có thể hóa độ cho chúng sinh ở các cõi Trời Dục Giới (gồm chư vị Thiên Chúa, Thiên thần và Thiên chúng) mà thôi. Không hiển thị ở nhân gian thì rất khó hóa độ cho chúng sinh ở nhân gian. Hơn nữa, chúng sinh ở các cõi Trời Dục Giới tham đắm nặng nề thú vui ngũ dục, hóa độ rất khó; nếu thành Phật ở nhân gian thì hóa độ cho chúng sinh ở nhân gian dễ dàng hơn, vì chúng sinh ở đây được trực tiếp thấy nghe cung kính, mà chư thiên ở các cõi Trời Dục Giới và Sắc Giới, nếu có duyên lành, cũng được hóa độ ngay tại nhân gian. Bởi vậy, Chư Phật đều thành Phật ngay tại nhân gian, vì nhân gian có sắc thân và các biểu hiện của sắc thân như ngôn ngữ, văn cú, danh tướng, tư duy, phép tắc.
Do sự giải thích sơ lược đoạn Kinh văn ở trên mà biết được rằng: Nếu xa lìa sắc thân cùng những hiện bày của sắc thân, ngôn ngữ, văn cú, và những biểu thị của ý tứ, thì tức là vô tướng. Mà Pháp môn Niệm Phật Viên Thông này, cái cảnh giới được gọi là Nhớ Phật niệm Phật, thu nhiếp Sáu Căn, Tịnh niệm tiếp nối, không có sắc thân, ngôn ngữ, văn cú, phù hiệu, cùng những biểu hiện của sắc thân v.v..., cũng không có pháp gì thị hiện để cho người khác thấy biết. Trừ phi người niệm Phật vô tướng ấy mượn sắc thân và ngôn ngữ, văn cú, cùng những biểu hiện của sắc thân như tư duy và phép tắc, để chỉ bày cho người khác cái cảnh giới cùng phương pháp của cách niệm Phật này, nếu không thì người khác không biết nhờ đâu mà được hiểu biết. Mà cảnh giới của loại niệm Phật vô tướng ấy mới chính là cảnh giới chân thực của Pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Đức Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ.
II. MỘT CHÚT THANH MINH - MỘT VÀI KHÍCH LỆ
Để
tu tập thành công pháp môn này, hành giả phải cần thời gian dài hay
ngắn? Muốn biết chắc điều đó, hãy nên xét kĩ xem, đối với nội dung sách
này, hành giả hiểu được sâu hay cạn, và có y như cách thức mà tu tập hay
không. Nếu hiểu rõ hoàn toàn những lời nói trong sách này và y theo đó
mà tu tập, đối với người bình thường mà nói, ước chừng từ hai đến sáu
tháng thì có thể lãnh hội được Pháp môn Niệm Phật Vô Tướng; nếu là hạng người lợi căn, hoặc đã có sẵn công phu trong động, thì một khi nghe qua liền lãnh hội.Theo kinh nghiệm của kẻ hậu học này, bắt đầu từ ngày 3.9.1991 tại hai đạo tràng khác nhau - Một là đạo tràng tu Thiền nọ của Kim Dung Cơ Cấu Phật Học Xã tại Đài Bắc; một là thiền đường do ông bà Trần Cư Sĩ xây dựng ở Thạch Bài - Tôi đã giảng thuật cho 30 Đạo hữu cùng tu, kết quả, trong vòng 6 tuần lễ, có 2 vị tu tập thành công. Sau đó cũng lần lượt có vị tu tập thành công. So ra thì các Đạo hữu ở Thạch Bài thành công nhiều hơn, nguyên do là vì quí vị ở đó tu hành như thật. Quí vị ấy tuy học Phật muộn màng, thể hội chậm chạp, nhưng lòng tin tràn đầy, tu trì với tâm trong trắng, và sau 3 tháng thì tu tập thành công. Về sau lại có một vài Đạo hữu, nhân nghe băng ghi âm giảng giải về Pháp môn Niệm Phật Viên Thông, đồng thời đọc bài văn Đàm Vô Tướng Bái Phật dữ Vô Tướng Niệm Phật (Bàn về Pháp môn lạy Phật vô tướng và niệm Phật vô tướng), rồi siêng năng hành trì, và cũng trong 3 tháng thì tu tập thành công. Trong vòng 4 tháng cuối năm (1991), có cả thảy 9 vị tu tập thành công. Hỏi những vị từng đến nghe giảng Pháp môn này nhưng chưa tu tập thuần thục, thì biết rằng, nhân vì phần đông quí vị này vốn không thích Pháp môn phương tiện của buổi ban đầu là lạy Phật và trì danh niệm Phật, mà bây giờ thì cũng chưa tu tập một cách đúng mức, cho nên chưa có thể thành thục.
Mùa hè năm 1989, tại một tự viện nọ, kẻ hậu học này từng tặng cho một số vị Cư sĩ tu Thiền bài đoản văn Đàm Vô Tướng Bái Phật dữ Vô Tướng Niệm Phật. Một trong các vị đó, vì không thích lạy Phật, đã đem bỏ bài đoản văn ấy nơi một góc nào đó trong chùa. Có một người thiện căn sâu dầy, khi nhận tờ nguyệt san do chùa đó phát hành, thấy trong tờ nguyệt san ấy có cặp theo bài đoản văn kia, bèn đọc. Đọc xong thì vô cùng vui mừng, liền y theo bài văn mà tu trì, chẳng bao lâu đã thành thục; tự mình có khả năng tham thoại đầu, thường trú trong câu nghi vấn Thiền. Đó là người đầu tiên chỉ y cứ vào một bài đoản văn mà tu tập thành công pháp môn Niệm Phật Vô Tướng. Đến như người bình thường niệm Phật, chỉ xin cần hết sức kiên nhẫn, đọc quyển sách này thật kĩ càng. Chớ nên vì cái cảnh giới niệm Phật vô tướng vừa thuật ở trước khó tưởng tượng, mà cho rằng rất khó tu trì, rồi sinh nản lòng. Nên biết rằng, những người tu tập thành công Pháp môn Niệm Phật Vô Tướng đã được nói tới ở trước, đa số là những người niệm Phật. Do đó có thể thấy, người niệm Phật có nhân duyên rất sâu với Pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Đức Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ. Nếu hành giả đã có công phu trì danh niệm Phật, lại gặp đúng lúc được tu Pháp môn này, càng dễ thành tựu hơn so với những người chưa từng niệm Phật. Một lúc nào đó tu tập thành công, lại tiếp tục duy trì hộ niệm, thì đến giờ phút lâm chung, muốn sinh về thế giới Cực Lạc, đó là điều cầm chắc trong tay.
Viết đến đây, gặp ngày 5.2.1992 (tức ngày Mồng 2 tháng Giêng âm lịch), trong số 30 Đạo hữu cùng tu, đã có 12 vị thành tựu công phu niệm Phật vô tướng; 6 vị trong số đó đã tiến vào giai đoạn Tham thoại đầu (có 4 vị thường khởi nghi tình [45]). Trong 6 vị tham Thiền này thì chỉ có một vị nguyên gốc học Thiền, còn 5 vị kia đều là người trì danh niệm Phật. Có 6 vị khác chưa đến giai đoạn tham Thiền, vẫn còn tiếp tục tu niệm Phật vô tướng, mà nguyên gốc đều là những người trì danh niệm Phật. Có vị muốn trọn đời tu niệm Phật vô tướng; sau khi thâm nhập Pháp môn Niệm Phật Viên Thông của Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ, lúc xả bỏ báo thân sẽ cầu sinh về Tịnh Độ Cực Lạc. Có vị muốn tiếp tục dùng phương pháp lạy Phật và niệm Phật vô tướng để tăng cường cho công phu trong động, rồi sau đó mới tham Thiền. Có vị lại chọn phương pháp tham cứu niệm Phật. Hầu hết 6 vị ấy sẽ có lúc phát khởi nghi tình, trở thành tham cứu niệm Phật, rồi nhân đó mà có lúc sẽ tiến đến giai đoạn Thiền quán. Do đó có thể thấy, Pháp môn niệm Phật vô tướng là loại công phu trong động mà người tham Thiền và người niệm Phật đều cực lực thọ dụng; chư vị hành giả nên có cái nhìn chính đáng đối với nó. Còn các vị khác tu tập chưa thành công, về sau cũng nhân xây dựng được lòng tin mà bắt đầu luyện tập, trước mắt lần lượt đã thấy có tiến bộ. Bởi vậy cho nên, bất luận là người tu Thiền, hay tu Tịnh Độ niệm Phật, nếu chịu khó đọc kĩ quyển sách này, thể hội tri kiến và phương pháp tu trì, tinh tấn và bền chí luyện tập mỗi ngày, thì có thể trong vòng từ 2 đến 6 tháng là đạt được kết quả. Nếu như một ngày đánh cá, ba ngày phơi lưới, thì có muốn thu hoạch cũng không có gì để thu hoạch.
(Còn tiếp)
Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét