niệm phật một câu, phúc sanh vô lượng - lễ phật một lạy tội diệt hà sa
YẾU NGHĨA CỦA NHÂN QUẢ
Trích dẫn PHẬT HỌC TINH YẾU - Thiên thứ 3, tiết 3
Cố H/T. Thích Thiền Tâm
Nhân Quả là gì? Nhân là nguyên nhân, Quả là kết quả, nguyên nhân gây thế nào, kết quả ra thế ấy. Người xưa đã bảo:
“Muốn làm việc gì, trước phải bình tĩnh nghĩ đến kết quả về sau của nó”.
Nếu mỗi Phật tử biết lấy câu nầy làm điều tâm niệm, tất sẽ tránh được nhiều lỗi lầm thất bại trên đường đạo cũng như đường đời. Nói theo lối khác, Nhân là hạt giống, Quả luận với tánh cách rộng hơn, là hoa trái. Gieo trồng hạt giống thuộc hoa trái nào, tất sẽ được hoa trái ấy. Một vị Thiền Sư cũng khuyên dạy:
“Xem hết Kinh Di Ðà. Tụng xong Chú Ðại Bi. Trồng dưa thì được dưa. Trồng đậu lại được đậu. Kinh Chú vẫn quý lành. Kết oán làm sao cứu? Soi lại lòng bản lai. Người tạo người phải chịu. Mình làm mình thọ quả”.
Mấy lời trên đây không phải phủ nhận oai lực của Kinh Chú. Nhưng chủ ý của Thiền Sư là để nhắc nhở cho những người một phương diện thì ăn chay tụng Kinh trì Chú, phương diện khác lại sát sanh gian xảo lường gạt; hay chỉ biết làm lành, cúng dường, bố thí bên ngoài, nhưng không biết dứt trừ tâm niệm tham lam, ích kỷ, tật đố, si mê, độc ác bên trong. Một đàng tu thiện, một đàng tạo ác như thế, Nghiệp thì dễ tạo, Phước lại khó tu, lấy công trừ tội sợ e không rồi, làm sao tiêu giải oan kết cho được? Những kẻ gây hạnh nghiệp như thế, rồi trở lại trách Phật, Bồ Tát sao không cứu, trách Kinh Chú sao không linh nghiệm, chẳng hóa ra là sai lầm lắm ư?
Nhân tiện lại xin bàn thêm một việc, trong giới Phật tử có hai hạng người: Một hạng thuần tín ngưỡng, chỉ cực đoan nương tựa nơi tha lực, tức là cầu sự giúp đỡ của Chư Phật, Bồ Tát, không kiểm điểm sửa đổi tâm hạnh của mình. Một hạng duy y cứ nơi tự lực, cho rằng mình làm lành sẽ được kết quả lành, không cần sức giúp đỡ của Chư Phật, Bồ Tát, nghĩa là không ỷ lại nơi tha lực. Cả hai quan niệm đó đều sai lầm. Về hạng trước, tuy Chư Phật, Bồ Tát có bi tâm, bản nguyện cứu độ chúng sanh; nhưng ít nữa hành giả phải tự lực cố gắng một phần nào, sự giúp đỡ ấy mới có công hiệu, nếu chẳng thế thì các Hiền Thánh cũng đành không phương cứu trợ. Ví như một sinh viên thường siêng năng cố gắng chăm học, thầy bạn mới có thể chỉ bảo giúp đỡ thêm được; nếu mãi biếng nhác lêu lõng, thì Cha Mẹ sư hữu cũng vô kế khả thi. Cho nên Tịnh Độ tông và Mật Tông tuy thuộc về tha lực pháp môn, nhưng muốn đạt được kết quả, hành giả cần phải cố gắng nhiều trên phương diện tự lực. Về hạng sau, tuy tự lực của mình là cần thiết, nhưng cũng cần có tha lực hộ trì mới mau đạt được kết quả. Ví như một học sinh tuy siêng năng chăm chỉ, nhưng nếu được Thầy hay bạn tốt thường giúp đỡ, thì sự học sẽ tăng tiến biết bao nhiêu!
Vì thế, nên Thiền tông tuy chú trọng về tự lực, nhưng vì sợ hành giả khó giữ tâm trước cảnh Ngũ Ấm Ma, cho đến bậc phá trừ Tưởng Ấm chứng quả A Na Hàm, trong một giây phút sơ hở còn có thể bị Thiên Ma làm cho sa đọa, nên Đức Phật ân cần khuyên phải trì Chú Lăng Nghiêm để nhờ sự hộ trì của tha lực. Lại vì e bậc A La Hán ở yên nơi cảnh hóa thành mà quên đến miền bảo sở, chỉ lo tự độ mà chán việc lợi tha, Ðức Thế Tôn mới khuyến tấn, quở là Giống khô mọng héo. Cho đến bậc Bồ Tát khi chứng lên ngôi Bất Động Địa, thấy Thế Giới Mười hương như huyễn, lặng lẽ tợ không hoa, thường sanh quan niệm an trụ nơi tịch tĩnh. Ðức Như Lai e hành giả Đại Thừa say chìm trong cảnh đó, nên hiện thân khuyến tấn nhắc cho nhớ lại bản nguyện độ sanh, để đương nhơn tiến lên cực quả. Vậy Thiền tông đâu phải không cần đến tha lực? Cho nên gọi Đạo Phật là tôn giáo hay phi tôn giáo, thần quyền hay phi thần quyền đều không đúng. Phật Giáo là Phật Giáo, là toàn thể Pháp Giới, gồm đủ mọi mặt. Quảng Nghiêm Đại Sư, một vị thiền đức Việt Nam khi thị tịch có câu:
“Nam nhi tự hữu xung thiên chí. Hưu hướng Như Lai hành xứ hành”. (Tung trời là chí tài trai đó. Hà tất theo đuôi Phật mới lành!)
Hai câu nầy chẳng qua là để nung thêm ý chí tự cường của người tu mà thôi. Hành giả đừng nên hiểu lầm, vội bác sự hướng dẫn của chư Phật, Tổ, rồi sanh tâm tự cao mà đắc tội, nhất là đối với bậc trung, hạ căn. Sở dĩ có đoạn trên đây, là bút giả muốn khuyên nhắc sự sai lầm của những hành nhơn duy biết ỷ lại vào tha lực mà quên việc Nhân Quả tiến tu của mình. Và một hạng người cầu cao, chỉ y cứ nơi Nhân Quả của tự lực mà khinh thường sự kiện hữu ích rất cần thiết của tha lực.
Trở lại phần chính của bài nầy, về phương diện Nghiệp Nhân, trong kiếp sống loài hữu tình khi gây nhân có ba điều khái yếu: Phước Nghiệp, Phi Phước Nghiệp và Bất Động Nghiệp. Phước Nghiệp là những nhân lành như kính thờ Tam Bảo, bố thí, phóng sanh... Phi Phước Nghiệp là những nhân ác, như khinh báng Tam Bảo, bất hiếu với song thân, cùng những điều giết, trộm, dâm, vọng... Bất Động Nghiệp là những nhân thiền định, như thế gian thiền, ngoại đạo thiền, xuất thế gian thiền...
Ba Nghiệp Nhân trên phát sanh từ thân, ngữ, ý. Nhân lành của thân là giữ những giới không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, đoan chính trong các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, mắt không đắm sắc, tai không nhiễm thanh... Nhân lành của ngữ là không nói dối, không nói thêu dệt, không nói đôi chiều, không nói thô ác, không nói vô ích, không nói lời hí hước, không khen mình chê người, thường dẫn chuyện Nhân Quả với tánh cách nêu gương để khuyên nhắc kẻ khác. Nhân lành của ý là không tham lam bỏn sẻn tật đố, không giận dữ hờn oán sâu độc, không si mê tà kiến. Nếu thân, ngữ, ý không làm những việc như trên, lại tạo thêm các điều thiện, gọi là Ba Nghiệp Lành. Trái lại, là Ba Nghiệp Ác. Tóm tắt, về phần Nhân, nơi phát sanh không ngoài thân, ngữ, ý, và chỗ tạo tác không ngoài Phước, Phi Phước cùng Bất Động Nghiệp. Theo lời Phật dạy, trong Ba Nghiệp, Khẩu Nghiệp dễ tạo hơn cả. Người xưa đã bảo “Ða ngôn đa quá” nghĩa là “nhiều lời tất nhiều lỗi”. Vì thế người tu nên ít nói, và khi thốt ra lời gì phải dè dặt suy nghĩ kỹ. Bởi khi nói nhiều, ta không thể kiểm soát hết lời nói của mình, như thế làm sao cho khỏi điều lầm lỗi; đôi khi gây sự phiền muộn cho kẻ khác mà ta không hay.
Thuở xưa, Ngài MỤC KIỀN LIÊN ngồi thiền định trong rừng, thấy một vị thần thân thể đoan nghiêm phát ánh quang minh, nhưng nơi miệng lại tuôn ra máu mủ vòi lửa, bay mùi hôi khó chịu. Sáng ra, Ngài đem việc ấy bạch Phật. Ðức Thế Tôn bảo:
“Vị thần đó, tiền thân là một Tỷ Khưu, bởi giữ Thân Nghiệp thanh tịnh, nên Sắc Tướng đoan nghiêm có ánh quang minh; nhưng vì không khéo gìn Khẩu Nghiệp, thường buông lời thô lỗ, khen mình chê mắng người, nên nơi miệng mới có những Ác Tướng như thế”.
Nếu trong Ba Nghiệp, Khẩu Nghiệp đã dễ tạo, thì Ý Nghiệp lại có năng dụng mạnh hơn cả. Phàm phu chỉ có thể kiểm soát tâm niệm thô của mình, song không thể kiểm soát tâm niệm tế. Ngài DI LẶC Bồ Tát khi nhập định, dùng trí huệ cực thanh tịnh sáng suốt, thấy mỗi chúng sanh trong một sát na có đến ba mươi sáu muôn ức niệm vi tế, mỗi niệm biến mỗi hình, niệm lành biến tướng lành, niệm dữ biến tướng dữ. Ðiều nầy nhắc cho ta nhớ, người tu không những giữ gìn Nhân Quả nơi Thân, Khẩu, mà còn phải dè dặt Nhân Quả trong mỗi Tâm Niệm. Nếu thờ ơ để cho tâm xấu thường nổi lên, khi dồn chứa lâu ngày, nó có đủ năng lực sai sử ta làm việc quấy, và chịu thân ác thú trong tương lai.
Một Phật tử Trung Hoa, ông Trần Hải Lượng có người bạn tên Hoàng Ðồng Sanh. Ðôi mắt Cư Sĩ họ Hoàng rất lạ, có thể thấy được Ma Quỷ và điện quang của mỗi người. Theo lời ông, những vị tu hành chân chánh, tâm trong sạch thì xung quanh mình có vòng ánh sáng Sắc Trắng mát mẻ dịu dàng. Người giàu có ánh sáng Sắc Đỏ. Bậc sang quý có ánh sáng Màu Tím. Kẻ buồn rầu thất chí, hoặc đau yếu có ánh sáng Màu Xám như khói. Hạng người tầm thường, phần nhiều có ánh sáng Màu Lục. Ai có điện quang Màu Đen thì một là người sắp chết, hai đó là kẻ rất độc ác. Và tùy theo Tâm Niệm tốt xấu, điện quang của mỗi người thay đổi không lường. Ðại khái, người tâm lành ít thì vòng ánh sáng lành nhỏ hẹp; bậc tâm lành hay thanh tịnh nhiều, thì vòng ánh sáng lành rộng lớn. Quang lượng rộng hẹp của kẻ ác cũng như thế. Cho nên khi ta khởi một niệm ác, tuy người ngoài không biết, song mình biết, Quỷ Thần biết; còn những bậc Thánh đắc đạo thì thấy rõ ràng như nhìn các làn chỉ trong bàn tay, hay nhìn bóng hiện trong gương sáng. Mình biết, thì lương tri tự khiển trách làm cho hổ thẹn hối hận không yên. Quỷ Thần biết, thì phẩn nộ quở phạt. Chư Phật, Bồ Tát khi biết dù xót thương không làm tổn hại, song kẻ gây Nhân tất phải chịu Quả, chẳng thế nào tránh khỏi. Từ hành vi đến tâm niệm của ta, sự phản ứng của luật Nhân Quả mỗi mỗi đều rất công minh. Cho nên tiên hiền đã bảo:
“Quả báo của việc lành dữ như bóng theo hình. Khi khởi một niệm lành, tuy phước chưa đến mà thiện thần đã đến. Lúc sanh một niệm dữ, tuy họa chưa tới mà ác quỷ đã theo”.
Mấy lời nầy rất phù hợp với lý Nhân Quả của Đạo Phật. Như trên đã nói khái quát về phần Nhân, kế lại xin bàn tổng quát về phần Quả. Quả báo tuy nhiều, song có thể tóm tắt trong Mười Hai Điểm:
1. HIỆN BÁO: Ðây là Quả Báo trong kiếp hiện tại; có nghĩa hiện thế gây Nhân thì hiện đời chịu Quả. Quả Báo nầy có tánh cách mau, ví như trồng loại cà, ớt hay gieo giống lúa, chỉ trong vòng một mùa, một năm đã thu được kết quả. Hiện Báo còn gọi là Hoa Báo, danh từ nầy hàm ý nghĩa mau lẹ, ảnh hưởng không đợi đến thời kỳ sanh trái, mà đã phát lộ trong thời kết bông. Tục ngữ có câu:
“Ðời xưa trả Báo thì chầy. Ðời nay trả Báo một giây nhãn tiền”.
Hai câu nầy chỉ cho tánh cách của Hiện-báo hay Hoa Báo.
2. SANH BÁO: Sanh Báo là gây Nhân kiếp nầy, đời kế sau mới chịu Quả Báo. Quả Báo nầy có tánh cách hơi lâu, ví như trồng mụn chuối con, hạ thổ năm nay, sang năm mới có trái. Trong Kinh có câu:
“Muốn biết Nhân kiếp trước, hãy xem sự thọ hưởng đời nay. Muốn rõ Quả kiếp sau, nên xét sự tạo tác trong hiện tại”.
Hai câu nầy có thể chỉ cho ảnh hưởng của Sanh Báo.
3. HẬU BÁO: Ðây là nói sự gây Nhân trong đời nầy, đến ba, bốn, trăm, ngàn hay vô lượng kiếp sau mới thọ Quả Báo. Hậu Báo có tánh cách lâu hơn, ví như trồng những loại cây trong năm nay, đến năm, mười hay đôi ba mươi năm sau mới kết quả. Thuở xưa, khi Phật còn ở đời có ông THI LỢI BẬT ĐỀ đến một trăm tuổi mới cầu xin xuất gia. Các vị Trưởng Lão như CA DIẾP, XÁ LỢI PHẤT nhập định quán sát trong vòng 84,000 kiếp về trước thấy ông thiếu Căn Lành nên không cho. Ðến khi Như Lai đi khất thực trở về, thấy ông khóc lóc cầu xin, liền chấp thuận. Các vị Trưởng Lão hỏi duyên cớ. Ðức Thế Tôn đáp:
“THI LỢI BẬT ĐỀ trước 84000 kiếp tiền thân là lão tiều phu, bị cọp đuổi gấp leo lên cây niệm một câu “Mô Phật”. Do Thiện Căn ấy đến nay mới gặp ta, và sẽ được đắc độ. Vì Nhân Lành kiếp trước của người nầy quá lâu xa, nên sức đạo nhãn của các ông không thể thấy biết được”.
Trong Kinh có bài Kệ:
“Giả sử trăm ngàn kiếp. Nghiệp đã tạo không mất. Khi Nhân Duyên gặp nhau, lại tự chịu Quả Báo”.
Ðại ý bài Kệ nầy chỉ cho trường hợp Hậu Báo.
4. ĐỊNH BÁO: Ðịnh Báo là Quả Báo nhất định phải chịu, không thể chuyển biến được, bởi sức Nghiệp đã quá thuần thục, trong mười phần thành tựu cả mười. Ví như cái nhà hư hao chút ít hay nửa phần, còn có thể sửa chữa được; nếu kèo cột tường nóc đều hư mục, tất phải chờ cho nó hư hoại để làm ngôi khác. Và như bịnh ung thư trong thời kỳ nhẹ còn có thể chữa được, sang lúc quá nặng duy có phương chờ đến mãn phần. Cổ ngữ có câu:
“Dược y bất tử bịnh. Tửu bất giải chân sầu”.
(Thuốc chỉ trị những bịnh không chết. Rượu không thể giải mối buồn hiện thật). Mấy câu nầy có thể tượng trưng phần nào cho sự việc trên.
Thuở xưa Vua LƯU LY cử binh đến đánh dòng họ THÍCH, Ðức Thế Tôn can ngăn ba lần mà không được. Tôn Giả MỤC KIỀN LIÊN bạch hỏi sao Phật không cứu độ hàng tộc thuộc, thì Ngài bảo đó là Định Nghiệp. Tôn Giả không tin, dùng thần thông đem giấu năm trăm người họ THÍCH trên cung trời. Nhưng khi LƯU LY VƯƠNG dẹp xong hàng THÍCH CHỦNG thì năm trăm người ấy cũng đều thành huyết mà chết. Ðây là một sự kiện chứng minh sức Định Nghiệp có công năng tuyệt đối mạnh mẽ. Cho nên Chư Phật có ba việc làm được, ba việc làm không được, gọi là “Tam năng - Tam bất năng”. Các điều ấy là: Chư Phật có thể thông tất cả tướng, thông suốt tất cả pháp, nhưng không thể diệt được Định Nghiệp; có thể biết cùng tận Nghiệp Tánh của chúng-sanh, rõ thấu tất cả việc trong vô biên kiếp quá khứ và vị lai, song không thể độ những chúng sanh vô duyên; có thể độ vô lượng chúng sanh, song không thể độ hết chúng sanh giới. Bởi thế, sức người cố nhiên là hữu hạn, nhưng sức Phật vẫn chưa phải toàn năng. Nếu chúng sanh không tín hướng Ðức Như Lai, không thực hành đúng theo lời Ngài dạy, thì Chư Phật, Bồ Tát cũng không thể hóa độ được.
5. BẤT ĐỊNH BÁO: Ðây là Nghiệp Báo có thể chuyển biến sửa đổi được. Như có người trước đã tạo Nghiệp Lành, đáng lẽ phải hưởng phú quý trọn đời. Nhưng trong lúc làm quan, nếu kẻ ấy tham mê tài sắc, ăn của lót, cưỡng hiếp, hãm hại người, thì phước lộc lần lần tiêu giảm, có thể bị tù ngục, ô danh, hoặc chết bất đắc kỳ tử. Và như kẻ kiếp trước kém Nhân Lành, nên đời nầy thân phận nghèo khổ, hèn hạ. Song nếu người ấy biết xét lẽ Nhân Quả, Tội Phước gắng sửa đổi tâm tánh, hết sức làm việc Phước Thiện, thì Tội Chướng lần tiêu giảm, Phước Đức lần tăng thêm, có thể trong hiện tại chính mình hay con cháu sẽ tiến đến cảnh vinh quang. Ví như trong đời, người tước vị cao mà ỷ thế làm quấy, thì có thể bị cách chức; kẻ có tội nhưng gắng lập công, có thể đem công chuộc tội, và nếu lập công thêm mãi tất sẽ được tấn chức thăng quan.
Nghiệp Quả của chúng sanh phần nhiều đều có tánh cách bất định. Nếu chúng ta biết gắng sức dùng tâm lực để chuyển Nghiệp Lực, thì cảnh Thiên Cung, Phật Quốc nào phải không nẻo tiến lên.
“Bụi hồng có lối về hương quốc. Cửa tội không tâm mở dạ đài” chính là ý nầy vậy.
6. CỘNG BÁO: Cộng Báo là Quả Báo chung. Như thuở Ðức Thế Tôn còn ở đời, ba mươi hai người con của bà TỲ XÁ LY đều bị Vua BA TƯ NẶC nghi lầm mà giết. Xét theo hiện thời thì dường như đó là hàm oan. Song thật ra trong tiền kiếp Vua BA TƯ NẶC là con trâu, ba mươi hai người kia đều là kẻ trộm. Trong khi con trâu biết mình sắp bị giết, quỳ xuống rơi nước mắt tỏ ý van xin, nhưng ba mươi hai kẻ trộm quyết tâm sát hại để ăn thịt. Lúc ấy lại có một bà lão tán thành giúp cho phương tiện nấu nướng. Bà lão ấy chính là tiền thân của cận sự nữ TỲ XÁ LY. Bà TỲ XÁ LY và ba mươi hai người con vì đồng gây Cộng Nghiệp, nên ba mươi hai đứa con bị giết; còn bà mẹ bởi kiếp trước tùy hỷ việc ấy, nên hiện tại cũng vương nỗi buồn lây. Ðiều nầy do Đức Phật thuật lại tiền nhân, nên mối oan kết đôi bên mới được giải thích.
Lại nữa, trong thời kỳ chiến tranh nầy, có nhiều người tuy không ra trận tuyến, nhưng cũng bị bom đạn, sự kinh khủng, cảnh nghèo đói, hoặc nỗi buồn khổ về tử biệt sanh ly. Ðó đều là ảnh hưởng nặng nhẹ thuộc Cộng Báo, do việc tự mình giết, bảo người giết, hoặc tùy hỷ sự giết của Nghiệp Sát Sanh từ nhiều kiếp về trước.
7. BIỆT BÁO: Ðây cũng gọi Bất Cộng Báo, là Quả Báo riêng của mỗi cá loại trong loài người hay loài vật. Chẳng hạn như đồng là chim, nhưng có loại chim quý đẹp như Bạch Hạc, Anh Võ, Trỉ, Thanh Tước, Phượng Hoàng; có loại chim thường như: Quốc, Cò, Sẻ, Én; và loại xấu như Chim Heo, Chim Ụt. Lại cũng đồng là loài người, mà có kẻ xấu, người đẹp, kẻ giàu sang, người nghèo khổ, kẻ ngu tối, người thông minh. Hoặc như trong cảnh khói lửa tang tóc lan tràn, mà có người vẫn sống đoàn tụ an vui, hầu như không biết chiến tranh là gì cả. Ðó là những trường hợp thuộc về Biệt Báo.
8. CẬN TỬ BÁO: Cận Tử Báo là Quả Báo lúc sắp chết. Con người khi già yếu sắp chết, những Nghiệp thiện ác từ kiếp nầy hoặc kiếp trước dồn lại, ảnh hưởng mạnh mẽ hơn lúc bình thường. Nếu là Nghiệp Thiện thì khiến cho người ấy vui vẻ hòa nhã hiền lương, mắt tai không lờ lãng, khi lâm chung xả báo an lành. Như thuộc về Nghiệp Ác thì kẻ đó trở nên nóng nảy, ưa buồn giận khó khăn, tâm trí lờ lẫn, lúc sắp chết đau yếu mê man. Trong đời kẻ tu thiện thì ít, làm ác lại nhiều, nên đa số người đến lúc lớn tuổi thường đổi tánh; những vị không hiểu lý nầy cho là “già hay sanh tật”.
Thuở bút giả còn ở Chùa Linh Thứu, tại xã Thạnh Phú, tĩnh Ðịnh Tường có biết ông Hương Ấp Nghé. Ông nầy ưa ăn thịt chó, mỗi tháng trung bình độ sáu con, nên khi ông đi đâu thì chó sủa dồn đến đó, ai cũng đều biết. Khi ông đau sắp chết, thì tự chui xuống gầm giường nằm khoanh một góc, lâu lâu lại tru lên như chó. Lúc ấy có người đồng bạn là Chú Năm Thiện đến thăm, hỏi:
“Anh Hương Ấp làm chi lạ vậy? Thôi anh lên giường nằm, đừng để cho bà con chê cười!”
Nói chưa xong, thì ông thình lình nhảy ra táp chú, hình trạng như con chó giận dữ cắn người, may nhờ chú năm lẹ làng tránh khỏi. Ðây là một việc tượng trưng cho Cận Tử Báo thuộc về Nghiệp Ác.
9. THỤC VỊ THỤC BÁO: Ðiều nầy là trạng thái của Nghiệp Báo lúc chưa thuần thục và đã thuần thục. Tiên đức nói:
“Người mang Nghiệp ví như người mắc nợ, mối nào mạnh thì nó kéo lôi trước”.
“Có người trọn đời làm lành mà khi chết bị đọa vào Ác Đạo, bởi Nghiệp Lành đời nầy chưa chín muồi, song Nghiệp Dữ kiếp trước đã đến lúc thuần thục. Có kẻ trọn đời làm ác nhưng khi chết sanh lên Thiên Cung, bởi Nghiệp Ác đời nầy chưa thuần thục mà Nghiệp Lành kiếp trước đã đến thời kỳ chín muồi. Việc Nhân Quả rất phức tạp, tùy theo thế lực mạnh yếu mà đến trước hoặc sau. Cho nên các đệ tử của ta chớ nên thờ ơ, phải gắng chuyên tu cho đạo nghiệp được tinh thuần. Vì biết đâu, có kẻ tuy đời nay yên ổn hưởng lạc làm lành, nhưng Nghiệp Ác những kiếp về trước đã sắp đến thời kỳ thuần thục!”
Bởi chưa hiểu rõ lý trên, nhiều vị thấy người làm lành mà chết xấu, kẻ hung dữ lại chết tốt, vội phê bình cho rằng không có việc Nhân Quả, Tội Phước chẳng cũng là sai lầm lắm ư?
10. CHUYỂN BÁO: Chuyển Báo là những biến trạng khổ vui, do sức tu thiện hay làm ác của đương nhơn. Biến trạng nầy là sự dồn dập để chuyển đổi những Quả Báo sắp đến. Như có người làm đủ những điều ác, song đời sống hiện tại càng thêm an ổn vinh quang. Trong đây có hai nguyên nhân: Một là do túc phước của họ quá nhiều, tuy có phần tổn giảm bởi làm ác, nhưng dư phước hãy còn. Hai là do thế lực của Nghiệp Ác quá mạnh, khiến cho bao nhiêu phước đời nầy và đời trước đều phát hiện cho kẻ ấy hưởng, để rồi sẽ chịu Quả Báo ác đạo ở kiếp sau. Sự kiện Chuyển Báo nơi đây chính thuộc về trường hợp thứ hai nầy. Nói theo các cụ bình dân ta, đây gọi là trạng thái “dồn phước”. Lại có những vị chí tâm tu hành, nhưng lại thường gặp những việc thất bại, đau yếu, tai nạn, mang tiếng thị phi. Theo tiên đức, đó là do sức tu thiện, khiến cho chuyển Quả Báo nặng ác đạo ở đời sau, thành ra Quả Báo nhẹ trong hiện tại, để kẻ ấy khi mạng chung sẽ hưởng phước nhơn thiên, hay sanh về Phật Quốc. Và đây gọi là trạng thái Dồn Nghiệp.
Nhiều Phật tử không hiểu lẽ nầy, khi gắng tu mà gặp việc không may, vội sanh tâm sợ sự niệm Phật tụng Kinh, hoặc thối chí bảo: càng tu nhiều càng có lắm việc phiền phức, rồi lần lần đi đến sự giải đãi, xin đem một thí dụ để trần thích: như người có bịnh phong hay ban, uống thuốc vào chất độc bị giải tán, làm cho nước tiểu vàng hoặc cả mình nổi mận đỏ, đó là trạng thái bịnh sắp lành. Việc ấy nên đáng mừng hay là lo sợ? Kẻ tu hành cũng thế, do công đức tụng Kinh niệm Phật khiến cho Nghiệp Chướng phát hiện để tiêu trừ. Nếu có chút ảnh hưởng khổ báo, trong mười phần ta chỉ còn chịu đôi ba phần, cho nên hành giả đừng lấy việc đó làm nản chí. Và điều nầy, trong Kinh Kim Cang, Đức Phật cũng đã bảo:
“TU BỒ ĐỀ! Nếu Thiện nam tử, thiện nữ nhơn thọ trì đọc tụng Kinh nầy mà bị người khinh rẻ, nên biết kẻ ấy đời trước Tội Chướng rất nhiều, đáng lẽ phải đọa vào Ác Đạo. Do sức tụng Kinh, khiến đời nay bị người chê bai, nên Tội Chướng đời trước được tiêu diệt, kẻ đó sẽ đắc quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Ðề”.
Trong Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục có thuật chuyện ông Ngô Mao tu hành chân chánh, lúc sắp chết bị giặc đâm bảy thương. Khi người anh đến, ông bỗng tỉnh lại bảo:
“Ðời trước tôi tạo nhiều Nghiệp Ác, đáng lẽ phải còn đầu thai làm heo bảy kiếp nữa. Nhưng nhờ đời nầy tôi biết ăn chay niệm Phật, nên phải chịu bảy vết thương để trả bảy kiếp làm heo ấy. Hiện thời tôi sắp sanh về Tịnh Độ”.
Cứ theo việc ông Ngô Mao, kẻ không biết cho là tu hành mang họa. Nhưng chỉ chịu bảy vết thương trả xong bảy kiếp làm heo, để rồi được sanh về Cực Lạc; nếu so lại thì việc tu hành đâu phải luống uổng, và công đức niệm Phật chính thật không thể nghĩ bàn! Nhưng tu hành không phải mỗi người đều bị Chuyển Báo, nếu kẻ có Căn Lành từ kiếp trước thì càng tu càng được an vui. Hành giả đừng in trí theo một phương diện trên mà sanh lòng e ngại.
11. THẾ GIAN BÁO: Ðây là những Quả Báo khổ vui trong Ba Cõi: Dục, Sắc và Vô Sắc. Nguyên nhân chánh của sự lưu trệ trong Tam Giới, là vì khi gây nhân chúng sanh còn chấp ngã. Chẳng những thế gian và ngoại đạo mà các vị tu theo Chánh Giáo, nếu chưa dứt hết tâm chấp ngã, còn tham nhiễm lục trần, cũng vẫn còn ở trong vòng Luân Hồi Sáu Nẻo. Tuy nhiên, những sở hành theo Phật Pháp đều gây nhân duyên đắc độ về sau, nhưng kiếp tương lai trong khi tu, điểm chánh yếu của sự giải thoát vẫn là điều kiện dứt ngã chấp. Trong truyện ký nhà Phật có chép việc một Ni Sô tụng Kinh Pháp Hoa ba mươi năm nhưng tâm còn nhiễm thanh sắc, nên kiếp sau chuyển làm nàng kỷ nữ thanh sắc vẹn toàn; nơi miệng thường bay ra mùi thơm hoa sen. Tại Việt Nam, đời nhà Lê, một vị Sư tu Tịnh Độ ở Chùa Quang Minh, bởi tâm lợi danh chưa sạch nên kiếp sau chuyển sanh làm Vua KHANG HY bên Trung Hoa. Khi được biết tiền nhân, nhà vua viết mấy bài thi hoài cảm, trong ấy có hai câu:
“Ngã bản Tây Phương nhất Phật tử. Vân hà lạc tại Đế Vương gia?” (Ta vẫn là con của Phật A DI ĐÀ ở Tây Phương. Tại sao nay lại lạc vào giòng Vương Thất?)
Ðời Tống bên Trung Hoa, Giới Diễn và Quang Huệ Đại Sư đồng tu thiền, song Giới Diễn vì còn chút tâm niệm luyến sắc, nên kiếp sau đầu thai làm nhà văn hào lỗi lạc, đa tài mà cũng đa tình là Tô Ðông Pha. Sau khi được Ngài Quang Huệ chuyển kiếp làm Phật Ấn Thiền Sư để hóa độ Tô Ðông Pha trở lại đường tu. Có lẽ nhớ biết những kiếp về trước, nên lúc lớn tuổi, trong cuộc tái du thăm viếng Chùa Kim Sơn, ông đã viết mấy câu thi:
Kim Sơn chùa núi gần mây nước
Tóc bạc Ðông Pha lại đến đây.
Tiền kiếp Ðức Vân, nay chính tớ
Mơ màng còn nhớ Diệu Cao đài
12. XUẤT THẾ GIAN BÁO: Thế Gian Báo là Quả Báo thuộc Lục Phàm. Trái lại Xuất Thế Gian Báo là Quả Báo của Tứ Thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật. Quả Báo Tứ Thánh do bởi khi tu lìa ngã chấp mà được thành tựu. Trong hạnh vô ngã nầy, hàng Nhị Thừa hãy còn hẹp, song Bồ Tát thừa thì rất rộng rãi nhiệm mầu. Bồ Tát chẳng những tu Tam Vô Lậu Học của pháp xuất thế gian, mà còn làm tất cả việc từ thiện của thế gian. Tâm của Bồ Tát không thấy có sở đắc sở chứng; không có tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả; tuy độ vô lượng hữu tình nhưng không thấy mình là người hóa độ, chúng sanh là kẻ được độ; tuy quanh mình thị hiện vô biên quyến thuộc, nhưng lòng hằng vắng lặng không thấy có quyến thuộc; tuy tu vô lượng Phước Đức, nhưng không thấy mình có Phước Đức. Ðây là Hạnh Vô Tướng. Người biết thực hành Hạnh Vô Tướng dù là làm việc thiện thế gian, song đều thành kết quả giải thoát. Bằng trái lại, tuy tu Thánh Đạo cũng hóa ra Phước Báo thế gian. Về Hạnh Vô Tướng nầy trong Kinh Kim Cang có đoạn Đức Phật dạy:
“Nầy TU BỒ ĐỀ! Như có vị Bồ Tát dùng số lượng Thất Bảo đầy cả hằng hà sa thế giới để bố thí. Nếu lại có người biết tất cả pháp đều Vô Ngã, được thành Vô Sanh Nhẫn, thì công đức của vị Bồ Tát sau nầy hơn bậc Bồ Tát trước kia. Tại sao thế, TU BỒ ĐỀ? Bởi thật ra, Chư Bồ Tát đều không thọ Phước Đức”.
TU BỒ ĐỀ thưa:
“Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Bồ Tát không thọ Phước Đức?”
"Nầy TU BỒ ĐỀ! Vì Bồ Tát tuy làm những việc Phước Đức, song chẳng tham trước, nên ta nói không thọ Phước Đức!”
Thông thường hàng Phật tử tại gia khi mới Quy Y, duy thích cúng dường chùa mình, phụng sự Thầy của mình, hay chỉ làm những Phật sự mà họ cho là có công đức hơn việc thế gian. Nhưng nếu họ hiểu rộng hơn, vừa dùng tâm bình đẳng phụng sự Tam Bảo, vừa làm các việc từ thiện ở đời, như giúp đỡ kẻ nghèo khổ đau yếu, chu cấp cho hàng quả phụ cô nhi, rồi đem công đức ấy hồi hướng về Tịnh Độ cùng đạo Vô Thượng Bồ Đề thì tất cả việc làm lành đều đi đến kết quả giải thoát cả.
Tóm lại, sự lý Nhân Quả thật vô lượng, chuyển biến chập chồng, có thể gọi là khó bàn khó nghĩ. Nhưng về Nhân không ngoài sự hơn kém của Nghiệp Thân - Ngữ - Ý qua ba hạnh Phước, Phi Phước và Bất Động. Về Quả lại tổng quát trong Mười Hai Điều trên. Nếu nắm được mấy điểm chánh yếu như đã kể mà suy rộng ra, về vấn đề nầy, người học Phật có thể hiểu quán xuyến tất cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét