Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

NIỆM PHẬT - LỄ PHẬT

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa

          
10 CÔNG ĐỨC NIỆM PHẬT
  1. Thường được Chư Phật ngày đêm hộ niệm, Đức Phật A MI ĐÀ phóng quang nhiếp thọ.
  2. Thường được 25 vị Đại Bồ Tát như Đức QUÁN THẾ ÂM ủng hộ.
  3. Thường được Chư Thiên cùng các Đại Lực Thần Tướng ẩn mình ủng hộ.
  4. Tất cả quỷ Dạ Xoa, rắn độc, thuốc độc đều không thể làm hại.
  5. Không bị những tai nạn như: nước, lữa, đao, tên, gông xiềng, oan gia, các thứ chết dữ.
  6. Những tội đã làm thảy đều tiêu diệt, kẻ chết oan vì mình đều được giải thoát.
  7. Ban đêm nằm ngủ thường mơ thấy điềm lành và sắc thân thắng diệu của Phật A MI ĐÀ.
  8. Tâm thường vui vẻ, nhan sắc tươi sáng, khí lực đầy đủ, việc làm có kết quả tốt đẹp.
  9. Mọi người trông thấy đều vui mừng kính trọng, giúp đỡ, hoặc lễ bái cũng như Chư Phật.
  10. Khi mạng chung tâm không sợ hãi, Chánh Niệm hiện ra, được thấy Phật A MI ĐÀ tiếp dẫn về cõi Cực Lạc.
Kinh Đại Tập nói niệm Phật lớn tiếng có 10 Công Đức:
  1. Đánh tan hôn trầm, mê ngủ.
  2. Thiên Ma kinh sợ.
  3. Tiếng vang khắp Mười Phương.
  4. Ba Đường Ác được dứt khổ.
  5. Tiếng bên ngoài không xâm nhập.
  6. Niệm tâm không tán loạn.
  7. Mạnh mẽ, tinh tấn.
  8. Chư Phật vui mừng.
  9. Tam Muội hiện tiền.
  10. Vãng sanh về Tịnh Độ.
(Trích: HƯƠNG QUÊ CỰC LẠC của Cố H/T. Thích Thiền Tâm)


10 CÔNG ĐỨC LẠY PHẬT
1.            Được sắc thân tốt đẹp.
2.            Nói ra điều chi ai cũng tin dùng.
3.            Không sợ sệt giữa đông người.
4.            Được Chư Phật giúp đỡ.
5.            Đầy đủ oai nghi lớn lao.
6.            Mọi người đều nương theo mình.
7.            Chư Thiên cung kính.
8.            Đủ phước đức lớn.
9.            Lâm chung được vãng sanh.
10.         Mau chứng quả Niết Bàn.
Phương pháp Lạy Phật là kết tinh của những kinh nghiệm tu tập sâu sắc từ những truyền thống đạo học Ðông Phương.  Do đó những lợi ích mang lại từ sự hành trì Pháp Môn này vô cùng lớn lao.  Sự lợi ích đó đạt được cả trên hai phương diện thân xác cũng như tinh thần.
  1. Trước hết động tác lạy Phật là một phương pháp thể dục tốt.  Với những cử động nhẹ nhàng, nhưng tất cả các bắp thịt trên toàn thân đều được vận động tối đa.  Khác với lúc tập thể dục, vì thông thường khi thể dục chúng ta không vận động tất cả các bắp thịt đồng đều cùng một lúc.  Ví dụ: khi đi bộ chúng ta vận động nhiều bắp thịt ở chân.  Chỉ có bơi lội chúng ta mới cử động toàn thân.  Trong lúc lạy Phật tất cả các bắp thịt trên cơ thể đều hoạt động làm khí huyết toàn thân lưu chuyển giúp chúng ta chữa trị các chứng thấp khớp, cũng như phòng ngừa các chứng bệnh hiểm nghèo khác.
  2. Các huyệt đạo quan trọng trên cơ thể được tác động.  Từ huyệt Bách Hội trên đỉnh đầu xuống đến huyệt Đan Điền dọc theo xương sống và các huyệt ở tay chân.  Chúng ta cảm thấy có một luồng khí nóng chạy đều khắp cơ thể và mồ hôi theo các lỗ chân lông tuôn ra. Theo y học Ðông Phương, một khi các huyệt đạo trên cơ thể được tác động, khí huyết sẽ lưu chuyển và bệnh tật sẽ tiêu trừ.
  3. Sau khi lạy Phật xong hãy ngồi xuống chừng mười lăm phút, chúng ta sẽ có cảm giác an lạc thư thái ngay vì các huyệt đạo được tác động.  Sự an lạc này rất sâu sắc, một kinh nghiệm rất đặc biệt mà chúng ta chỉ đạt được trong lúc Thiền Định.  Sự an lạc này mang lại cho chúng ta niềm hoan lạc suốt ngày.  Từ đó những phiền não, ưu tư, đau buồn... cũng nhanh chóng tan biến.
  4. Các trọng huyệt này tương ứng với các Luân Xa trong truyền thống Yoga Ấn Ðộ.  Các Luân Xa này nằm dọc theo xương sống từ đỉnh đầu xuống đến bàn tọa gồm Bảy Luân Xa. Một khi được tác động, các luân xa này giúp chúng ta khai triển được những năng lực mầu nhiệm tiềm tàng trong mỗi người, tạo điều kiện thuận tiện cho việc phát triển tâm linh.
Phương pháp Lạy Phật là phương pháp điều tâm để thanh tịnh Ba Nghiệp: thân, khẩu và ý: 
  1. Tiêu trừ Nghiệp Chướng: trong sự sám hối, thành tâm đảnh lễ Mười Phương Chư Phật bằng cả thân tâm của mình.  Quán chiếu sâu xa nguồn gốc tội lỗi, cùng bản tánh của tội lỗi. Quán tưởng hào quang Chư Phật Mười Phương hiển hiện trước mắt, cũng như Phật Tánh trong tự tâm tỏa rạng.  Nhờ Phật Lực hộ trì cùng nỗ lực tự tâm để thanh tịnh Ba Nghiệp.  Với sự sám hối đó các Ác Nghiệp và Chướng Duyên đều được chuyển hóa.
  2. Thiện Căn tăng trưởng: trong khi lễ lạy, hồi hướng cho kẻ thân người thù đều được lợi lạc, đều được thành tựu sự nghiệp Giác Ngộ Giải Thoát.  Như thế Bồ Ðề Tâm (thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh) được nuôi dưỡng, lòng từ bi được phát triển.  Sự lễ bái hàng ngày đem lại cho chúng ta nguồn an lạc vô biên.  Sự an lạc này giúp cho phiền não tiêu tan, sự trầm tĩnh trở lại trong tâm hồn và lòng thương cũng phát sinh đối với người ghét.
  3. Ðức khiêm cung phát sinh: trong khi hạ mình xuống sát đất để lạy Phật, để thấy những thành đạt của mình chỉ là những giọt nước trong đại dương bao la.  Bác Hoài phát biểu trong buổi thảo luận Phật Pháp, để chuyển hóa tâm kiêu mạn của mình, mỗi ngày Bác lạy Phật để hồi hướng công đức về Thiên Địa, về Sư Trưởng, về Ông Bà, Cha Mẹ để cảm nhận trùng trùng ân nghĩa.  Ðể thấy sự thành tựu của mình hôm nay là công ơn tác thành của nhiều người, từ đó tâm khiêm nhường phát sinh.  Trong Kinh Ðức Phật thường dạy, tâm khiêm nhường là cửa ngõ của trí tuệ và là con đường đưa đến giải thoát.
Trong truyền thống Việt Nam, chúng ta có lạy Hồng Danh, Ngũ Bách Danh, Thiên Phật, Vạn Phật... tùy theo hoàn cảnh và khả năng để áp dụng cách lễ lạy cho thích hợp, điều quan trọng là sự hành trì đều đặn.  Chúng ta có thể lạy mỗi ngày một hay hai lần.  Cách đơn giản nhất chúng ta lạy theo hơi thở, cứ hít vào chúng ta đứng lên và thở ra chúng ta lạy xuống, cứ lạy chậm rãi.  Mỗi lạy chúng ta niệm một danh hiệu Phật và đếm một, cứ như thế cho đến đủ số.  Hoặc chúng ta có thể theo dõi đồng hồ và lạy đủ thời gian ấn định thì ngưng.  Hoặc mười lăm phút, hai mươi phút hay nửa giờ.  Ðó là những phương cách đề nghị để chúng ta tùy nghi thực hành.  Sự lễ lạy có thể thực hiện bất kỳ chỗ nào, miễn là chúng ta có được khoảng không gian bằng chừng chiếc chiếu là đủ để lạy rồi.  Tốt nhất là trước bàn Phật, nếu không thì ở chỗ nào cũng được, miễn tâm thành là được.  Ngay cả trong phòng ngủ, mỗi sáng lúc thức dậy hay mỗi tối khi đi ngủ chúng ta có thể thực tập.  Khi lạy hai tay chắp ngang trán, đưa xuống ngực rồi lạy xuống sát đất.  Ðiều này biểu tượng cho thân tâm cung kính.  Lúc lạy xuống hai tay, hai chân và trán phải chấm đất - Ngũ thể đầu địa.  Chúng ta nên đứng thẳng người rồi lạy xuống, sau đó đứng thẳng lên.  Như thế các bắp thịt khắp châu thân được vận động tốt hơn.  Trong khi lạy cố gắng kết hợp cả ba phương diện:
Thân đứng nghiêm chỉnh, cử động nhịp nhàng hoà hợp.
Hơi thở đều đặn, miệng niệm danh hiệu Phật hay Bồ Tát.
Tâm quán tưởng đến Phật, Bồ Tát hay cảnh giới Cực Lạc.  


Phương pháp lạy Phật là một phương pháp rất đơn giản, nhưng mang lại những lợi ích rất lớn.  Ai tập cũng được, bất kỳ nơi đâu và không cần phải sắm dụng cụ gì cả.  Ðây là kết tinh của những kinh nghiệm tu luyện quý báu của chư tổ, đã kết hợp các phương pháp tu tập của Thiền Gia và Vũ Thuật Gia để chế tác thành.  Sự thực hành Pháp Môn này mang lại lợi ích rõ rệt cho cả thân lẫn tâm.  Thân thể cường tráng chữa trị và phòng ngừa các chứng bệnh hiểm nghèo. Tinh thần an lạc thư thái, sống an vui hạnh phúc trong hiện tại, tạo điều kiện thuận tiện khai triển khả năng tâm linh vô biên để tiến tới giải thoát hoàn toàn.  Ðây là một Pháp Môn mầu nhiệm, những niềm hoan lạc sâu sắc chúng ta kinh nghiệm được trong lúc hành trì là những bước tiến vững chắc trên bước đường tu tập. Qua những thành tựu đó giúp chúng ta tăng trưởng tín tâm đối với những Pháp Môn Chư Tổ truyền lại.


Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

Không có nhận xét nào: