NIỆM LÀ GÌ?
Dịch giả: Tỳ Kheo Thích Nguyên Hùng
Trong Phật giáo, niệm là một
thuộc tính của tâm, gọi là tâm sở pháp; nó được xếp vào một trong năm loại tâm
sở biệt cảnh. Biệt cảnh có nghĩa là nó
chỉ xuất hiện trong những trường hợp và cảnh vực sai biệt, duyên vào từng đối
tượng cụ thể mà sanh khởi. Niệm, tiếng Phạn là Smṛti,
có nghĩa là nhớ. Theo Duy Thức Học,
niệm là tác dụng của tâm nhằm ghi nhớ rõ ràng, không để quên mất một đối tượng
nào đó. Thông thường, chúng ta hay nói là hoài niệm, tức là chỉ cho cái tâm nhớ
về cảnh giới quá khứ, nhớ những chuyện đã qua.
Phẩm Loại
Túc Luận nói
- Niệm là rõ tâm, nhớ tính. Câu Xá Luận
nói - Liệm là nhớ rõ đối tượng không quên. Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận ghi - Niệm là
gì? Tự tính của nó là nhớ rõ không quên
mất của tâm đối với việc đã từng quen thuộc. Việc đã từng quen thuộc nghĩa là những việc đã
từng được huân tập. Nghiệp dụng của nó
là làm sở y cho sự không tán loạn. Thành Duy Thức Luận cũng định nghĩa - Niệm là gì? Tự tính của nó là sự ghi nhớ rõ ràng không
quên mất của tâm đối với cảnh đã từng quen thuộc. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho định. Tức là thường xuyên ghi nhớ cảnh đã từng được
tiếp nhận không để cho quên mất thì có thể dẫn đến định. Đối với cảnh mà thể và loại của nó chưa hề
được tiếp nhận, niệm hoàn toàn không phát khởi. Giả sử đối tượng đã từng được tiếp nhận nhưng
không được ghi nhận rõ ràng, niệm cũng không phát sanh. Định nghĩa này cho chúng ta thấy rõ rằng,
muốn “niệm” phải có cảnh, và cảnh này phải là cảnh đã từng tiếp nhận, từng huân
tập, từng ghi nhớ dấu ấn trong tâm, tức là những cảnh đã được huân tập thành
chủng tử.
Như vậy, niệm là
nhớ những cảnh ở trong tâm, hay nói cách khác niệm là nhớ những hạt giống đã
gieo trồng trong tâm.
Cảnh có hai loại. Một
là thể cảnh, là đối tượng mà
mình có thể nhận thức trực tiếp, mắt thấy, tai nghe, gọi là thể cảnh. Hai là loại
cảnh, là đối tượng được nhận thức do loại suy, tức là dựa vào những hình
ảnh, những cảnh giới…được miêu tả trong Kinh sách mà tưởng tượng ra những hình
ảnh, những cảnh giới giống như đã miêu tả, gọi là loại cảnh. Đối với cả hai cảnh này, tâm phải từng tiếp
nhận, từng huân tập, từng huấn luyện sao cho đối tượng in dấu trong tâm thức rõ
ràng, trở thành chủng tử, thành hạt giống nằm ở trong tâm thức thì chúng ta mới
có thể “niệm” nó được. Bởi vì như luận
đã nói - Đối tượng đã từng được tiếp nhận nhưng không được ghi nhận rõ ràng,
niệm cũng không phát sanh, huống chi là đối tượng mà mình chưa từng tiếp nhận,
chưa từng huân tập làm sao “niệm” (nhớ) cho được?
Nhưng những điều mình nhớ đa phần là vọng tưởng. Bởi những nỗi nhớ đó làm cho mình đánh mất
hiện tại, nó kéo mình về quá khứ, để vui, để buồn với những chuyện đã qua…Mà
cuộc sống hiện thực là bây giờ và ở đây, ngay trong giờ phút hiện tại. Cho nên, nhớ về quá khứ hay mơ tưởng về tương
lai đều không giúp gì được cho mình hết. Nếu mình biết sống trong hiện tại cho thật
hạnh phúc, cho thật chánh niệm và tỉnh giác thì mình biết quá khứ hay tương lai
đều đang có mặt trong từng phút giây
hiện tại, mình không cần phải nhớ hay mơ ước gì hết.
Cho nên, niệm ở
trong đạo Phật là nhớ những gì đưa mình tới an lạc và giải thoát mà
thôi, còn những gì làm cho mình mệt, mình khổ, mình phiền não, thì mình không
cần phải nhớ.
Những cái mình nhớ mà đưa tới an lạc giải thoát, đưa tới ly dục, ly bất thiện pháp, thì Phật
chỉ cho mình niệm. Như Phật dạy mình nhớ
hơi thở. Thực tập theo dõi và đếm hơi
thở ra vào gọi là Quán Sổ Tức, hay còn gọi là An Ban Niệm; mình nhớ Phật, nhớ
Pháp, nhớ Tăng, nhớ Bố Thí, nhớ giữ Giới, nhớ cõi Thiên thì gọi là Lục Niệm…Còn
nhiều thứ Đức Phật chỉ dạy mình nhớ, để mình thoát khổ, như nhớ Tứ Niệm Xứ, nhớ
Tứ Vô Lượng Tâm…Khi mình nhớ những cái đó gọi là niệm.
Như vậy Niệm là một
pháp môn tu tập.
Muốn niệm được thành công thì mình phải có ước muốn, tức là
phải làm cho tâm sở dục phát sanh. Tâm
sở dục là gì? Câu-xá luận định nghĩa - Đặc
tính của nó là hy vọng ở nơi đối tượng đáng yêu thích. Đối tượng đáng được yêu thích là những gì muốn
thấy, muốn nghe… thì hy vọng, mong cầu. Nghiệp
dụng của nó là sở y cho tinh thần. Chẳng
hạn, mình muốn niệm Phật thành công thì mình phải có ước muốn, ưa thích Tịnh Độ,
điều mà trong Kinh Vô Lượng Thọ gọi là “tín nhạo”:
“Nhược hữu chúng sanh, dục sanh ngã quốc, chí tâm tín nhạo”
(Nếu có chúng sanh nào ưa muốn được vãng sanh về cõi nước
của Ta, thì hãy hết lòng tin tưởng và ưa thích). Hết lòng tin tưởng và ưa thích không phải là
điều kiện của Phật A DI ĐÀ đưa ra để ai tin tưởng và ưa thích Ngài thì Ngài
tiếp dẫn về thế giới Cực lạc; mà đó là điều kiện để mình có thể tu Pháp môn
Niệm Phật được. Tâm mình có tin tưởng,
ước muốn và ưa thích rồi thì nó mới có thể ghi dấu lên tâm thức, tức làm cho
đối tượng thành chủng tử, mà thuật ngữ gọi là thắng giải.
Khi mình “nhớ Phật” tức là “niệm Phật”
Là mình ghi dấu ấn Đức Phật cùng với
những phẩm tính vô cùng thù thắng, hy hữu của Ngài lên tâm thức của mình. Tâm thức một khi đã “xác định”, đã duy trì dấu
ấn Đức Phật, cũng như cảnh giới Tây Phương Cực Lạc rồi thì không có gì dẫn
chuyển tâm của mình đi về hướng khác được; nó nhất định đưa mình tới Niệm -
Định - Tuệ, và nhất định sẽ thành Phật. Như
vậy, tuần tự của quá trình tu tập Pháp môn Niệm Phật nói riêng, tu học theo
Phật pháp nói chung, để đạt được Định, từ Định mà có Tuệ thì lộ trình của
nó phải là:
Dục - Thắng giải -
Niệm - Định - Tuệ.
Lẽ hẳn nhiên là mình không thể “niệm”, tức là không thể nào
“nhớ” được cảnh giới mà mình chưa từng nhìn thấy, chưa từng tiếp nhận, chưa
từng được ghi dấu trong tâm thức. Đối
với những cảnh giới, những hình ảnh, những sự kiện mình mới nghe qua, thấy qua…
một đôi lần mà không ấn tượng gì thì mình cũng khó nhớ, hoặc nhớ một cách mơ
hồ, tức là tâm sở niệm không thể phát sanh. Tâm sở niệm không phát sanh thì không có Định;
nếu niệm mơ hồ thì cũng khó đắc Định. Đây
là lý do vì sao chúng ta phải học thuộc lòng Kinh A DI ĐÀ. Học thuộc lòng để cảnh giới Tây Phương Cực Lạc
được giới thiệu trong Kinh in sâu vào trong tâm, làm cơ sở cho tâm niệm loại
suy ra cảnh giới đó, để khi nghe đến tên Kinh, nghe đến thất trùng lan thuẫn,
thất trùng hàng thọ, thất trùng la võng, hoa sen lớn như bánh xe v.v… thì cảnh
giới Tây Phương Cực Lạc lập tức hiện tiền trước mắt liền. Danh hiệu của Phật A DI ĐÀ cũng vậy, chúng ta
phải huân tập, phải niệm làm sao mà khi tâm vừa khởi niệm hay nghe đến danh
hiệu Phật A DI ĐÀ thì lập tức hình ảnh của Phật A DI ĐÀ đầy đủ tướng hảo, công
đức thù thắng, bổn nguyện độ sanh… đều hiển hiện rõ ràng trong tâm, như thấy
trước mặt, thì như vậy là niệm Phật thành công.
Như vậy, với một người suốt đời không tin Tam Bảo, tạo Tội Ngũ
Nghịch, làm Mười Việc Ác… gây đủ mọi thứ tội lỗi thì hẳn là chưa từng huân tập
hình ảnh và công đức của Phật, tức là đối với cảnh mà thể và loại của nó chưa
hề được tiếp nhận, thì người ấy không thể niệm Phật được, vì tâm sở niệm hoàn
toàn không phát khởi. Nói một cách khác,
đối với một người chưa bao giờ biết đến chùa, chưa từng tụng Kinh, niệm Phật,
thì hẳn chưa từng biết đến thế giới của Chư Phật, chưa từng biết có cảnh Tây Phương,
cũng không hề biết có Phật A DI ĐÀ này không thể niệm Phật được. Giả sử có người đã từng đi chùa, cũng có đôi
ba lần tụng Kinh, niệm Phật, cũng từng nghe nói đến thế giới Tây Phương Cực Lạc,
nghe nói đến công đức của Phật A DI ĐÀ, tức là đã từng được tiếp nhận đối
tượng, nhưng những đối tượng đó không được ghi nhận rõ ràng, thì tâm sở niệm
cũng không phát sanh, người ấy cũng không thể niệm Phật được.
Để đạt được Định thì bắt buộc phải tu niệm, do niệm mà dần
đi vào Định.
Trong Kinh có nói, tâm của chúng ta phiền não tán loạn, khi
nghĩ cái này khi nghĩ cái kia, không một sát-na dừng nghỉ, cho nên cần phải cho
nó một đối tượng để cho nó duyên vào đó, để cột nó lại, khiến cho nó từ từ an
trụ. Cũng giống như con trâu cứ chạy
đông chạy tây, nếu mình lấy sợi dây xỏ mũi và cột nó lại dưới gốc cây, bấy giờ
nó có chạy cũng chỉ chạy lui chạy tới một chỗ dưới gốc cây thôi, chạy một hồi
nó sẽ mệt, nó sẽ dừng lại và sẽ nằm xuống. Cái tâm của mình cũng giống như vậy, nếu mình
buộc nó vào một chỗ thì từ từ nó sẽ đi vào Định. Không những mình tu Định cần phải có niệm, mà
ngay cả khi tu Quán, tu Huệ cũng cần phải có niệm.
Cho nên, ở trong Phật Pháp, niệm là một pháp vô cùng quan
trọng. Niệm có nhiều loại, tùy theo đối
tượng mình niệm mà có tên gọi khác nhau, như niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng,
niệm Tứ Đế…
Bây giờ mình nói Niệm
Phật, tức là lấy Đức Phật làm cảnh giới, làm đối tượng để mà niệm, mà
nhớ. Khi mình niệm Phật thì tâm của mình
chuyên chú vào danh hiệu Đức Phật hoặc cảnh giới của Phật, niệm cho đến khi đắc
Định thì gọi là niệm Phật Tam Muội. Nhưng
mà phải niệm cho thật chuyên chú, chứ nếu niệm không chuyên chú thì cái tâm sở
niệm không dễ gì hiện ra rõ ràng, Định không dễ gì thành tựu. Nếu có thể làm cho tâm hết tán loạn, tâm không
chạy theo những đối tượng khác, mà chuyên chú tập trung vào một cảnh thôi thì
tu niệm mới có khả năng thành công.
Tham, sân, si các thứ phiền não không khởi thì tâm sẽ gom
về một chỗ, sẽ an trú trong trạng thái yên lặng, trong suốt, tức là đắc Định. Có Định
thì sẽ phát Tuệ, từ đó vô lượng công đức đều được thành tựu.
Ngược lại, nếu không tu niệm, sẽ không được Định tâm. Mà tâm không có Định thì dù có đọc thiên kinh
vạn quyển, học Phật pháp, bố thí, cúng dường, trì giới… đều không thể đạt được
công đức thù thắng trong Phật pháp, chỉ có thể đạt được một chút tri thức, một
chút phước nghiệp, hưởng phước báo Trời người mà thôi. Xưa nay, người tu theo pháp môn niệm Phật,
đại đa số mọi người chỉ biết niệm bằng cái miệng, cũng giống như nhà thiền nói chuyện
thiền trên lưỡi, gọi là khẩu đầu thiền, có rất ít người biết được ý nghĩa thâm
sâu của Pháp môn niệm Phật. Nếu niệm
Phật mà chỉ niệm bằng cái miệng suông, trong tâm không có Phật, không tưởng nhớ
công đức của Phật, không quán tưởng về Phật và cảnh giới của Phật thì cũng như
máy niệm Phật thôi!
Cho nên, nếu chỉ niệm Phật bằng cái miệng suông, tâm không
nhớ Phật thì không thể gọi là niệm Phật được, mà chỉ có thể gọi là kêu tên của
Phật, phụ họa niệm Phật... Niệm Phật chân chính là phải tâm tâm buộc niệm vào
cảnh giới Phật, cột tâm vào danh hiệu Phật, ghi nhớ rõ ràng, không để xao lãng,
không để quên mất. Nói một cách đơn
giản:
Niệm Phật là phải nhớ Phật. Phật là người như thế nào, có
những công đức gì, tướng hảo trang nghiêm ra sao… mình phải ghi nhớ rõ ràng
trong tâm khi đọc đến, nghe đến, niệm đến danh hiệu của Ngài.
Về phương pháp niệm Phật thì chính Đức Bổn Sư THÍCH CA MÂU NI Phật đã hướng dẫn:
“Tỳ kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân,
cột niệm ở trước, chuyên tinh niệm Phật, không có niệm tưởng nào
khác. Quán hình của Như Lai, mắt không
hề rời. Trong khi mắt không rời, niệm
tưởng công đức Như Lai”.
Đoạn Kinh này chỉ dẫn ba cách niệm Phật:
1.
Chuyên tinh niệm Phật, không niệm tưởng khác
Là Trì danh niệm Phật hay Xưng danh niệm Phật. Hành giả buộc tâm vào câu Phật hiệu Nam mô A
DI ĐÀ Phật, niệm niệm liên tục, niệm trước tiếp nối niệm sau không dứt, không
để bất cứ một ý niệm nào khác xen tạp vào. Niệm như vậy trong vòng năm mười phút mà không
bị gián đoạn, không có vọng tưởng, thì đạt được Định, gọi là Niệm Phật Tam Muội.
Nếu niệm được từ một đến bảy ngày liên
tục không gián đoạn, không xen tạp, nhất tâm bất loạn thì ngay hiện tiền chứng
được bất thối chuyển, lúc lâm chung được Phật A DI ĐÀ và Chư Thánh chúng đến
đón về cõi Tịnh Độ.
2.
Quán hình của Như Lai, mắt không hề rời
Là Quán Tượng niệm Phật.
Hành giả thỉnh một tượng Phật, hoặc hình Phật, hoặc bức tranh Tây Phương
Cực Lạc…thiết trí nơi trang nghiêm. Mỗi
ngày để ra năm mười phút ngồi ngay thẳng trước tôn tượng, tập trung tâm ý, mắt
nhìn tượng Phật, nhìn thật chăm chú, ngắm nhìn từ nét mặt đến nếp y, hình dáng…
sao cho hình ảnh của Đức Phật A DI ĐÀ in đậm trong tâm thức đến nỗi khi rời
khỏi Phật điện, đi đến bất cứ đâu và ở bất cứ lúc nào, hễ khởi tâm nhớ Phật,
niệm Phật thì lập tức hình ảnh Đức Phật hiện ra rõ ràng trước mắt, lúc nào
trong tâm cũng thấy Phật. Trong tâm lúc
nào cũng thấy Phật thì bao nhiêu tội lỗi, nghiệp chướng đều tiêu trừ, bao nhiêu
công đức thù thắng đều thành tựu, ngay trong hiện đời cảm được pháp lạc vô dư.
3.
Niệm tưởng công đức của Như Lai
Là Quán Tưởng niệm Phật.
Hành giả nhớ nghĩ đến công đức của Phật A DI ĐÀ, Ngài có 48 Đại Nguyện
cứu độ chúng sanh, từ bi nguyện lực sâu rộng.
Dù trong đời này hay đời khác, hay trên Thiên Giới, không có tài bảo vi
diệu nào sánh với Đức Như Lai. Ở đây,
Phật là tài bảo tối thắng vi diệu. Bằng
sự thực này, ước nguyện tất cả đều được an lành, lâm chung đều được sanh về
cảnh giới của Phật A DI ĐÀ.
Trên đây là ba phương pháp niệm Phật căn bản, được Tăng Ni, Phật tử thực tập rất thịnh hành ngay thời Phật còn tại thế. Trong các phương pháp niệm Phật, thì phương pháp ‘Xưng danh niệm Phật’ là giản dị nhất. Nhưng ‘Xưng danh niệm Phật’ tuyệt đối không phải chỉ là xưng niệm trên miệng. Xưa nay chúng ta trì tụng Kinh A DI ĐÀ của Ngài Cưu Ma La Thập dịch, trong bản Kinh này nói ‘chấp trì danh hiệu’, tức niệm danh hiệu Phật liên tục, không gián đoạn; nhưng trong một bản dịch khác của Ngài Huyền Trang thì câu Kinh đó là Tư Duy Niệm Phật’, tức Thiền Quán về danh hiệu Phật. Từ đó chúng ta thấy rằng:
Xưng danh niệm Phật - Tuyệt đối không phải chỉ là niệm Phật
bằng cái miệng, mà phải niệm bằng cái
tâm, để danh hiệu Phật vào trong tâm, buộc niệm vào danh hiệu Phật rồi
tư duy Thiền Quán.
Nhờ xưng niệm danh hiệu Phật A DI ĐÀ, và nhờ danh hiệu mà
thể hội được công đức, thật tướng của Phật; buộc niệm tư duy về công đức và
thật tướng của Phật mới gọi là niệm Phật.
Cho nên, điều quan trọng nhất của hành giả Tịnh Độ là khi xưng niệm danh
hiệu Phật là đừng bao giờ dừng lại ở chỗ chỉ xướng tụng bằng cái miệng, niệm
Phật trên miệng mà trong tâm rỗng tuếch thì không khác gì máy niệm Phật! VĂN THÙ SƯ LỢI Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh dạy
rằng:
“Ai muốn nhập vào Tam Muội Nhất Hạnh, nên đến ở một chỗ
trống vắng, bỏ hết những loạn ý, không duyên vào tướng mạo, buộc tâm vào một Đức
Phật mà chuyên đọc danh tự của Đức Phật ấy; tùy theo phương hướng xứ sở của Đức
Phật ấy mà ngồi thẳng xoay mặt về phương hướng xứ sở đó”.
Đoạn Kinh trên cho thấy, nếu hành giả niệm Phật muốn đạt đến cảnh giới nhất tâm bất
loạn thì phải ‘đến ở một chỗ trống vắng, bỏ hết những loạn ý, không
duyên vào tướng mạo, cột tâm vào một Đức Phật, chuyên niệm danh hiệu Phật ấy. Nếu hành giả muốn vãng sanh Tịnh Độ của Phật A
DI ĐÀ thì phải ngồi ngay thẳng, xoay mặt về hướng Tây, chuyên niệm danh hiệu
‘Nam mô A DI ĐÀ Phật’.
Để niệm Phật dễ đắc Định, hành giả vừa niệm vừa nghe lại âm
thanh niệm Phật của mình. Phương pháp
này gọi là Phản Văn Niệm Phật,
cũng gọi là Kim Cang Trì.
Hành giả niệm thư thả, tiếng không lớn cũng không nhỏ quá,
vừa niệm vừa lắng tai nghe lại tiếng niệm của mình từng chữ một: Miệng niệm,
tai nghe, tâm tưởng, ba yếu tố này phải đồng thời tương ưng với nhau. Khi niệm Phật phải niệm cho rõ ràng, bình
tĩnh, không ồn ào, không hoảng hốt. Quan
trọng nhất là, khi niệm Phật không phải niệm bằng cái miệng, mà cần phải lắng
tai để nghe âm thanh niệm Phật của mình, nghe thấy rõ ràng, chú tâm mà nghe,
tức là trong tâm của mình cũng đồng thời vừa niệm vừa nghe danh hiệu Phật, mỗi
niệm mỗi niệm rõ ràng, trong sáng.
Mục đích của niệm Phật
là đạt đến cảnh giới nhất tâm bất loạn, mà muốn đạt đến cảnh giới đó cần phải
mặc niệm, tức là phải niệm thầm, niệm bằng ý thức, mà nói chính xác là niệm
bằng tâm sở tầm và tâm sở tứ, tức niệm bằng ngôn ngữ của ý.
Mặc niệm, hay niệm thầm, còn gọi là Kim Cang Trì, tức là
đem danh hiệu Phật đặt vào trong tâm, niệm bằng ngôn ngữ của tâm, miệng không
phát ra âm thanh. Tuy không niệm ra
tiếng nhưng tâm lại nghe được tiếng, đó là tiếng nói hay ngôn ngữ của tâm, gọi
là ý ngôn, mỗi chữ mỗi câu đều nghe được rất rõ ràng. Niệm Phật bằng cách này thì từ từ tâm sẽ hướng
về một cảnh, ngoại duyên từ từ bị cắt đứt, khi đó chúng ta mới đạt được định.
Hai yếu tố tâm sở tầm và tứ rất quan trọng trong quá trình
tu niệm. Tầm là nắm lấy danh hiệu Phật,
khởi niệm niệm Phật; Tứ là duy trì Chánh Niệm trong suốt quá trình niệm Phật,
tức là khi nào cũng ý thức, Chánh Niệm, Tỉnh Giác biết rõ mình đang niệm Phật,
chỉ có tâm với danh hiệu Phật, ngoài ra không có bất kỳ một ý niệm nào khác. Niệm Phật theo cách này thì chỉ cần năm mười
phút là mình có được hỷ lạc liền, như trong Kinh Phật nói:
“Một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ”.
Namo Sakya Muni Buddha
Tỳ Kheo Thích Nguyên Hùng biên dịch
TAT sưu tầm
TAT sưu tầm
Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét