Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

BỐN NIỆM XỨ GIẢNG GIẢI

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa


ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
HOA NGHIÊM KINH 
Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm Thứ Nhất - Cố H/T. Tuyên Hoá giảng giải
Hán dịch: Sa Môn Thật Xoa Nan Ðà
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Ðịnh



Bộ KINH HOA NGHIÊM nầy còn gọi là KINH PHÁP GIỚI, cũng gọi là KINH HƯ KHÔNG, tận hư không khắp pháp giới, chẳng có một nơi nào mà chẳng có  KINH HOA NGHIÊM ở đó. Chỗ ở của  KINH HOA NGHIÊM tức cũng là chỗ ở của Phật, cũng là chỗ ở của Pháp, cũng là chỗ ở của Hiền Thánh Tăng.  Cho nên khi Phật vừa mới thành Chánh Giác, thì nói bộ  KINH HOA NGHIÊM nầy, để giáo hoá tất cả Pháp Thân Ðại Sĩ.  Vì bộ Kinh nầy là Kinh vi diệu không thể nghĩ bàn, do đó bộ Kinh nầy được bảo tồn ở dưới Long Cung, do Long Vương bảo hộ giữ gìn.  Về sau do Ngài Bồ Tát Long Thọ, xuống dưới Long Cung đọc thuộc lòng và ghi nhớ bộ Kinh nầy, sau đó lưu truyền trên thế gian.

Bộ 
KINH HOA NGHIÊM nầy, cũng như vầng mây cát tường ở trong hư không, chiếu khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, như Mưa Pháp Cam Lồ, thấm nhuần hết thảy tất cả chúng sinh.  Bộ  KINH HOA NGHIÊM nầy, cũng như ánh sáng mặt trời, chiếu khắp Đại Thiên Thế Giới, khiến cho tất cả chúng sinh đều được ấm áp.  KINH HOA NGHIÊM nầy cũng như đại địa, làm sinh trưởng tất cả vạn vật.  Cho nên, có  KINH HOA NGHIÊM tồn tại, thì có thể nói là thời kỳ Chánh Pháp trụ lâu dài.  Mỗi ngày chúng ta giảng giải  KINH HOA NGHIÊM, nghiên cứu  KINH HOA NGHIÊM, quan trọng là phải y chiếu nghĩa lý Kinh điển mà tu hành, phải dùng Kinh để đối trị bệnh tật của thân tâm chúng ta.  Tự thân chúng ta có tâm tham, khi nghe được  KINH HOA NGHIÊM thì nên trừ khử tâm tham; có tâm sân, khi nghe được  KINH HOA NGHIÊM thì nên trừ khử tâm sân; có tâm ngu si, khi nghe được  KINH HOA NGHIÊM thì nên trừ khử tâm ngu si.

Ðạo lý của bộ Kinh nầy, là đối trị tập khí mao bệnh của chúng ta.  Ðừng cho rằng những gì nói trong Kinh, chỉ vì Bồ Tát mà nói, đối với chúng ta chẳng có quan hệ gì, hoặc là pháp nói cho các bậc A La Hán, đối với chúng ta chẳng có quan hệ gì, chúng ta phàm phu nghe bộ Kinh nầy chỉ là nghe thôi, tự biết làm không được cảnh giới của các bậc Thánh nhân. Nếu bạn nghĩ như thế thì, đó là tự hại mình, tự vứt đi, tự dứt tuyệt nơi Thánh nhân.

Mỗi câu Kinh Hoa Nghiêm đều là Pháp Bảo vô thượng, nếu chúng ta cung hành thực tiễn, y chiếu nghĩa lý Kinh văn tu hành, thì nhất định sẽ thành Phật.  Cho nên 
KINH HOA NGHIÊM cũng có thể nói là Mẹ của Chư Phật.   KINH HOA NGHIÊM là Pháp Thân của Chư Phật.  Ðức Phật tán thán KINH KIM CANG rằng - "Phàm là chỗ nào có Kinh điển thì chỗ đó có Phật".  Chỗ nào có bộ  KINH HOA NGHIÊM nầy thì có Phật tại chỗ đó, bất quá Nghiệp Chướng của bạn quá sâu nặng, đối diện mà cũng chẳng thấy Phật, do đó có câu - "Ðối diện bất thức Quán Thế Âm" - Ðối diện chẳng nhận ra Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM.  Các bạn thấy vị Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM nầy, ngàn tay ngàn mắt, luôn luôn phóng ra quang minh vô ngại, chiếu khắp tất cả chúng sinh có duyên trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới.  Thế mà chúng ta hằng ngày lễ Phật tại đây, niệm Phật, lạy Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM, niệm Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM cũng chẳng thấy Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM mà thành ra bắt chước, tức là họ lạy, ta cũng lạy theo, họ niệm ta cũng niệm theo, đó là cảnh giới chuyển theo người, mà chẳng chân chánh trở về trong thâm tâm của mình.

Hằng ngày ta lạy Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM, niệm Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM ta nên làm như thế nào? Phải chăng ta có nhiều sân hận?  Phải chăng chứng tật cũ ta không sửa đổi?  Như thế thì bạn lạy đến hết thuở vị lai, bạn cũng chẳng thấy được Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM.  Nếu bạn cải ác hướng thiện, chân chánh trừ khử tập khí mao bệnh, sửa lỗi làm con người mới, thì nhất định Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM sẽ gia bị cho bạn.  Cho nên có người tu rất nhiều năm, một chút trí huệ cũng không khai mở, có người tu hành chẳng bao lâu thì khai mở trí huệ, đắc được biện tài vô ngại.  Do đó, chúng ta là người xuất gia, phải siêng tu Giới Định Huệ, diệt trừ tham sân si, cử chi hành động đều phải hồi quang phản chiếu, tu hành như thế mới có tiến bộ.

Chúng ta giảng 
KINH HOA NGHIÊM, nghe  KINH HOA NGHIÊM, lạy  KINH HOA NGHIÊM, tụng  KINH HOA NGHIÊM, nhưng không y chiếu đạo lý  KINH HOA NGHIÊM mà thực hành thì Kinh là Kinh, bạn là bạn, ta là ta, chẳng có chút nào hợp mà làm một.  Chúng ta phải hợp với Kinh điển mà làm một, chiếu theo đạo lý trong Kinh điển mà thực hành, tức là hợp mà làm một; bạn không chiếu theo Kinh điển mà thực hành thì tâm từ bi cũng chẳng đủ, tâm hỷ xả cũng không nhiều, chỉ có vô minh phiền não theo mình, đó là chẳng hiểu được Kinh, cũng chẳng nghe được Kinh.  Nghe được Kinh câu nào thì nghĩ xem: ta làm thế nào để thực hành?  Phải chăng ta chạy theo thói hư tật xấu?  Hay là chiếu theo Kinh điển mà tu hành?  Thường thường tự hỏi mình thì chắc chắn sẽ đắc được lợi ích.  Tại sao chẳng đắc được lợi ích lớn?  Vì bạn xem Kinh là Kinh, đối với ta chẳng có quan hệ gì.  Thật ra, lúc ban đầu Đức Phật nói  KINH HOA NGHIÊM cũng vì bạn, tôi và tất cả chúng sinh mà nói, đó là Phật đối với chúng ta mà nói.  Chúng ta nghe Kinh văn nầy, cũng như chính tai chúng ta nghe Đức Phật nói đạo lý nầy, dạy chúng ta y chiếu theo pháp môn nầy mà tu hành.

Bất cứ pháp gì, cũng đều không ra khỏi tự tánh của mỗi chúng ta.  Tự tánh của chúng ta, cũng là tận hư không khắp pháp giới.  Cho nên, nếu bạn phóng tâm lượng rộng lớn, thì bạn sẽ hợp với  KINH HOA NGHIÊM mà làm một, song, hai mà chẳng phải hai.  Ai ai cũng đều y theo cảnh giới Hoa Nghiêm làm cảnh giới của mình, lấy đạo lý vô lượng vô biên, trí huệ vô lượng vô biên của  KINH HOA NGHIÊM, thu nhiếp làm trí huệ của mình.  Bạn xem!  Như vậy rộng lớn biết dường nào!


"Phẩm" - Tức là phẩm loại.  Phẩm nầy nói về chủ thế gian và chủ xuất thế gian, đủ loại cảnh giới trang nghiêm vi diệu, trang nghiêm cõi nước, trang nghiêm cõi Phật không thể nghĩ bàn.  "Thế" - Tức là thế giới.  "Chủ" - Tức là chủ nhân. Chủ nhân của thế giới là Ðức Phật.  Ngài không những là chủ thế gian, mà còn là chủ xuất thế gian. Chủ thế gian tức là tất cả Chuyển Luân Thánh Vương, tức cũng là : Kim Chuyển Luân Vương, Ngân Chuyển Luân Vương, Ðồng Chuyển Luân Vương, và Thiết Chuyển Luân Vương. Bốn vị Luân Vương nầy, chỉ làm được chủ thế gian mà không làm được chủ xuất thế gian.  "Diệu" - Thì không thể dùng tâm suy nghĩ, không thể dùng lời nói để bàn luận, nghĩa là nghĩ không đến, nói không ra.  "Nghiêm" - Tức là trang nghiêm. Sự trang nghiêm nầy chẳng phải một số người có thể biết được, thấy được.   "Thứ nhất" - Nghĩa là bắt đầu, phẩm nầy thuộc về phẩm thứ nhất, cho nên gọi là Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm Thứ Nhất.


"Tôi nghe như vầy" - Bốn chữ "Tôi Nghe Như Vầy" rất là quan trọng.  Phàm là bắt đầu Kinh của Ðức Phật nói, đều có bốn chữ nầy. Dùng bốn chữ "Tôi Nghe Như Vầy" để mở đầu Kinh.  Có sáu ý nghĩa: 

1. Khác với ngoại đạo: Tức là chẳng giống như ngoại đạo.  Vì Kinh của ngoại đạo mở đầu thì dùng hai chữ "A Ẩu". A là không, Ẩu là có.  Pháp nói ra chẳng phải có thì là không, cho nên dùng A Ẩu hai chữ để mở đầu Kinh.  Phật pháp thì chẳng phải như thế.  Phật pháp thì chẳng có chẳng không, chẳng không chẳng có, chẳng rơi vào có, chẳng rơi vào không.  Ngoại đạo cho rằng có tức là có, không có thì là không, đó là "hai bên".  Phật pháp thì không rơi về hai bên, cho nên dùng bốn chữ - "Tôi Nghe Như Vầy" để đại biểu mở đầu Kinh.  Hai chữ - "Như Vầy" là chỉ lời văn của Pháp.  "Tôi Nghe" - Nghĩa là lãnh nạp.  Thế nào là chỉ lời văn của pháp?  "Như Vầy" - Tức là pháp nầy, không "Như Vầy" thì chẳng phải pháp nầy.  Pháp nầy là pháp gì?  Tức là pháp trung đạo liễu nghĩa.  Thế nào gọi là lãnh nạp?  "Tôi Nghe" tức là Tôn Giả A Nan nghe pháp, nghe được pháp nầy, nghĩa là lãnh thọ tiếp nạp.
2. Dứt tranh luận: Tranh tức là tâm háo thắng, là trái với đạo, sinh ra bốn tướng: tướng ta, tướng người, tướng chúng sinh, và tướng thọ mạng, làm sao đắc được tam muội!  Tranh những gì?  Tranh đệ nhất, tức là bây giờ chúng sinh đều muốn tranh đệ nhất, cho nên có tranh luận.  Bốn chữ - "Tôi Nghe Như Vầy" là biểu thị bộ Kinh nầy chẳng phải Tôn Giả A Nan tự nói, mà là nghe được từ Ðức Phật.  Vì đây là Ðức Phật nói, cho nên đại chúng không có gì để nói, do đó mà chẳng còn tranh luận nữa.
3. Không tăng giảm: Từ "Tôi Nghe Như Vầy" về sau, nhất thời, Phật tại xứ nào? với đại chúng bao nhiêu? Nói Kinh gì?  Tất cả đệ tử không dám sửa đổi, không thể nhuận sắc, tức là Kinh văn không thể tăng một chữ, cũng không thể giảm một chữ.
4. Dứt sự nghi ngờ của đại chúng: Vì Tôn Giả A Nan ở trong đại chúng, Ngài là người trẻ tuổi nhất, đương nhiên đạo đức không đủ để cảm hoá người, nhưng Ðức Phật đem Tạng Pháp truyền trao cho Ngài, dạy Ngài kết tập Kinh điển.  Khi Tôn giả A Nan lên pháp toà, thì đại chúng sinh ra ba điều nghi hoặc. 
  • Nghi hoặc Ðức Phật Thích Ca không vào Niết Bàn?  Còn trở lại thuyết pháp cho chúng ta. Vì Ngài A Nan cũng có 32 tướng tốt trang nghiêm giống như Ðức Phật, chỉ thân thấp hơn thân của Phật một chút mà thôi. 
  • Nghi hoặc mười phương Chư Phật đến thuyết pháp? 
  • Nghi hoặc Tôn Giả A Nan đột nhiên chứng được quả vị Phật?  Vì tướng tốt của Tôn Giả rất trang nghiêm.  Khi Tôn Giả A Nan mở miệng nói - "Tôi Nghe Như Vầy" thì đầu não của các vị Đại A La Hán tỉnh lại, không mê hoặc nữa.

5. Sinh tín tâm: Khiến cho tất cả chúng sinh sinh tín tâm, vì pháp "Như vầy" là đáng tin, pháp "không như vầy" thì không đáng tin.  Cho nên nói "Như vầy" là chỉ lời văn của pháp.
6. Thuận đồng : Ðều thuận đồng với chư Phật ba đời, vì ba đời chư Phật mở đầu Kinh điển, đều nói bốn chữ "Tôi Nghe Như Vầy", cho nên Kinh của Phật câu thứ nhất mở đầu là: "Tôi Nghe Như Vầy".

Khi Ðức Phật sắp vào Niết Bàn thì Ngài A Nan chưa chứng quả A La Hán, cũng chưa đoạn dục khử ái, cho nên đau đớn khóc lóc rơi lệ bi ai đến cực điểm, chẳng còn nhớ đến việc gì.  Lúc đó, Tôn Giả A Nậu Lâu Ðà đến nói với Tôn Giả A Nan - "A Nan!  Ðừng quá bi ai, Phật đem tất cả Tạng Pháp truyền cho Ngài, Ngài là người tương lai kết tập Kinh điển, trách nhiệm trọng đại, bây giờ nên đi thưa hỏi Ðức Phật, việc tương lai phải làm như thế nào?".  Tôn Giả A Nan nói: "Phật vào Niết Bàn rồi, tương lai còn có việc gì nữa mà hỏi?  Chẳng còn việc gì nữa".  Tôn Giả A Nậu Lâu Ðà nói: "Phật vào Niết Bàn rồi, việc quan trọng trong tương lai là hoằng dương Phật pháp, phải mau đến hỏi Ðức Phật!".  Tôn Giả A Nan hỏi lại: "Vậy tôi phải hỏi Ðức Phật về vấn đề gì?".  Tôn Giả A Nậu Lâu Ðà nói: "Có bốn vấn đề vô cùng quan trọng, không hỏi không được".
1. Khi Ðức Phật còn ở đời thì chúng ta nương theo Phật, khi Phật vào Niết Bàn rồi thì chúng ta nương theo ai?  Tôn Giả A Nan cảm thấy vấn đề nầy rất có đạo lý, tương lai chúng ta đi ở đâu? điều nầy nên hỏi.2. Khi Ðức Phật còn ở đời thì chúng ta nương Phật làm thầy, khi Phật vào Niết Bàn rồi thì chúng ta nương theo ai làm thầy?  Tôn Giả A Nan nghĩ nếu không có Phật thì làm sao tu hành? Vấn đề nầy không hỏi không được.
3. Khi Ðức Phật còn ở đời thì những Tỳ Kheo ác tánh, Phật có thể hàng phục, khi Ðức Phật vào Niết Bàn rồi thì do ai điều phục?  Làm sao điều phục?  Tôn Giả A Nan cảm thấy vấn đề nầy cũng nghiêm trọng, càng nên hỏi.
4. Khi kết tập Kinh điển thì mở đầu Kinh văn phải dùng chữ gì?  Tôn Giả A Nan nghĩ vấn đề nầy càng nên hỏi Ðức Phật.

Do đó, Tôn Giả A Nan đến bên cạnh Ðức Phật, hỏi bốn vấn đề nầy.  Phật trả lời:
"Khi ta vào Niết Bàn rồi thì y theo Bốn Niệm Xứ mà trụ" - Đó là câu trả lời thứ nhất.  
"Khi ta vào Niết Bàn rồi thì phải lấy giới làm thầy" - Đó là câu trả lời thứ hai.
"Khi ta vào Niết Bàn rồi, nếu có Tỳ Kheo ác tính không giữ giới luật, thì đừng nói năng gì với họ" - Đó là câu trả lời thứ ba.
"Khi kết tập Kinh điển thì mở đầu Kinh dùng :"Tôi Nghe Như Vầy" - Đó là câu trả lời thứ tư.  Bốn Niệm Xứ là gì?  Tức là : 
  • Thân niệm xứ
  • Thọ niệm xứ
  • Tâm niệm xứ 
  • Pháp niệm xứ. 
Y chiếu theo Bốn Niệm Xứ nầy để tu hành, thì có thể chứng quả, có thể giải thoát.  Tại sao chúng ta chẳng chứng quả?  Tại sao không thể thoát khỏi luân hồi?  Vì không:
  • Quán thân bất tịnh
  • Quán thọ là khổ
  • Quán tâm vô thường
  • Quán pháp vô ngã.
Chấp trước cái ta, đây là của ta.  Nhà là của ta, đợi đến khi hơi thở không còn nữa, thì gì cũng chẳng phải của ta.  Cho nên có câu :
"Cá nhảy trong nước,
Người nào ở nhân gian,
Chẳng biết gieo phước lành,
Tâm cứ tạo tội nghiệp,
Vàng bạc chất thành núi,
Nhắm mắt bỏ lại hết,
Tay không chầu Diêm Vương
Hối hận quá muộn màng".


Bây giờ giải thích đại ý về Bốn Niệm Xứ :

QUÁN THÂN BẤT TỊNH
Thân thể của chúng ta vốn chẳng sạch sẽ, chín cái lỗ thường chảy ra những thứ bất tịnh dơ dáy, như mắt thì có ghèn, lỗ tai có cức váy, mũi thì có nước mũi, miệng thì có đàm, thêm vào đại và tiểu tiện.  Ðã biết thân thể bất tịnh, là túi da hôi thối thì không nên chấp trước nó.  Nếu không chấp trước thì sẽ đắc được giải thoát, không bị thân thể làm phiền luỵ. Lão Tử biết được ý nầy cho nên nói :
"Sở dĩ ta có đại hoạn vì ta có thân,
Nếu ta không có thân nầy thì sao có hoạn?"


Lão Tử hiểu được lý quán bất tịnh.

QUÁN THỌ THÌ KHỔ
Tất cả những gì tiếp thọ đều là khổ.  Khổ có ba thứ khổ, tám thứ khổ, vô lượng thứ khổ.  Ba thứ khổ là gì?  Tức là: Khổ khổ., Hoại khổ., Hành khổ.
1. Khổ khổ: Tức là khổ trong sự khổ, khổ lại thêm khổ.  Ví như có người vốn chẳng có nhà để ở, lại gặp ngày trời mưa.  Hoặc là không có quần áo mà gặp phải thời tiết lạnh.  Hoặc là vốn không có cơm ăn lại sinh bệnh.  Sinh bệnh không có tiền đi khám bác sĩ, không có tiền mua thuốc uống, đó là khổ trong sự khổ của kẻ nghèo.
2. Hoại khổ: Người nghèo thì có khổ khổ, còn người giàu thì có hoại khổ.  Hoại khổ là gì? Người giàu thì ở lầu cao cửa rộng, trang hoàng đẹp đẽ, chẳng may bị cháy nhà, thiêu trụi nhà cửa, hoặc là người có vàng bạc châu báu bị người trộm cắp, hoặc là bị tai nạn như chiến tranh, nạn gió, nạn nước, đó đều là hoại khổ.
3. Hành khổ: Tức là con người từ khi sinh ra, lớn lên trưởng thành, rồi già nua và chết đi, luôn luôn biến đổi không ngừng, đó là hành khổ. Trong cuộc đời tuy nhiên không có khổ khổ, không có hoại khổ, nhưng có hành khổ. Những thứ khổ nầy, bất cứ ai cũng đều phải chịu, không có ai tránh khỏi được. Ðức Phật lúc tám mươi tuổi còn phải thị hiện vào Niết Bàn.  

Tám sự khổ là gì?  Tức là: Sinh., Già., Bệnh., Chết., Thương yêu xa lìa., Ghét mà gặp nhau., Cầu mong không được., Năm Ấm Xí Thạnh.
  1. Sinh là khổ: Khi con người sinh ra thì giống như ở giữa hai hòn núi đè ép sinh ra, cho nên trẻ con mới sinh ra thì khóc lên, đó là biểu thị sự khổ, bắt đầu tiếp thọ sự khổ.
  2. Già là khổ: Con người đến tuổi già thì tứ chi không linh hoạt, cử động rất bất tiện, mắt loà, tai điết, tóc bạc, răng rụng, luôn luôn không được tự tại, do đó có câu - "Tâm có thừa mà sức chẳng đủ".
  3. Bệnh là khổ: Ðất nước gió lửa không đều hoà thì sinh bệnh, bệnh có đủ sự thống khổ khó mà tả được.
  4. Chết là khổ: Bệnh khổ qua rồi thì chết khổ lại đến.  Ðến lúc chết thì sự thống khổ giống như bò sống lột da, như rùa lột mai, thứ khổ nầy chẳng cách chi mà hình dung được.
  5. Khổ về thương yêu xa lìa: Sự khổ nhất của đời người là sinh ly tử biệt.  Vì có ái, ái là vực thẳm tạo nghiệp, nếu đoạn dục khử ái thì nghiệp chướng sẽ nhẹ bớt.  Nếu tình ái quá nặng thì nghiệp chướng sẽ nặng thêm.  Do đó có câu - "Nghiệp sạch tình không là Phật - Nghiệp nặng tình mê là phàm phu".  Phàm phu vì tình mà mê, nhìn không thấu được ái tình, buông chẳng đặng ái tình, cho nên mới có khổ.  Ái là một thứ chấp trước lớn nhất, thứ chấp trước nầy không dễ gì buông bỏ đặng. Khổ về thương yêu xa lìa, tức là vốn chẳng muốn từ bỏ, nhưng nhất định phải từ bỏ, là bị bắt buộc cưỡng bách mà từ bỏ, tình trạng nầy rất là thống khổ.  Như vợ chồng thì có khổ xa lìa của vợ chồng, con cái thì có khổ xa lìa của con cái, bạn bè thì có khổ xa lìa của bạn bè.  Tóm lại có ái thì khi xa lìa sẽ khổ.
  6. Khổ về ghét gặp nhau: Thương cũng có sự khổ, ghét cũng có sự khổ.  Người mà ta ghét không muốn gặp nhưng lại gặp, đó cũng là một thứ khổ.
  7. Khổ về cầu mong không được: Cầu danh không được danh, cầu lợi không được lợi, cầu con trai, con gái không được mãn nguyện, cầu giàu sang không được giàu sang. Tóm lại, những gì mong muốn mà không thành công cũng là một thứ khổ.
  8. Khổ về năm ấm xí thạnh: Năm ấm tức là : Sắc, thọ, tưởng, hành, thức năm ấm nầy chẳng không thì khổ, cũng giống như bị núi năm ấm đè, một chút tự do cũng không có, không có tự do tức là khổ. Thứ khổ nầy giống như lửa thiêu ở trong tâm.
Vô lượng khổ là gì?  Ở trên đã nói qua ba sự khổ và tám sự khổ, nếu phân tích tỉ mỉ thì trong mỗi thứ khổ lại có vô lượng khổ, trong vô lượng khổ lại có vô lượng khổ.  Khổ vô cùng vô tận, cho nên gọi là vô lượng khổ.

QUÁN TÂM VÔ THƯỜNG

Tức là tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm vị lai, ba tâm không thể bắt lấy là vô thường, cũng có thể nói - "Các pháp do nhân duyên sinh, các pháp do nhân duyên diệt";  Chẳng hằng thường bất biến, cho nên gọi là vô thường.  Quán sát tâm người là vô thường, chân tâm mới là thường.  Tại sao nói tâm người vô thường?  Vì tâm người khéo biến đổi, giống như sóng vậy, chẳng khi nào ngừng nghỉ.  Tâm niệm nầy sinh thì tâm niệm kia diệt, niệm niệm liên tục không ngừng.  Lại giống như hạt bụi trong hư không, hốt lên hốt xuống, hốt đông hốt tây, không có nhất định, đó là tâm vô thường.  Gì là thường?  Tức là thường trụ chân tâm, tính tịnh minh thể. Ðây là đạo lý quán tâm vô thường.

QUÁN PHÁP VÔ NGÃ
Tức là quán sát: sắc, thọ, tưởng, hành, thức - Năm Uẩn chẳng có "cái ta"(ngã).  Nếu như có "cái ta" thì có chấp "cái ta" (ngã chấp).  Nếu lại chấp trước nơi pháp thì có pháp chấp.  Như thế thì chẳng được tự tại, chẳng được giải thoát. Nếu quán pháp vô ngã, hai pháp đều không, người cũng chẳng có ngã, pháp cũng chẳng có ngã, thì phá được người và pháp hai chấp.  là đạo lý quán pháp vô ngã.
  • Sắc pháp:  Phàm là thấy được hình tướng, nói ra được danh từ thì tất cả hết thảy đều gọi là sắc pháp.  Thứ pháp nầy nhìn không thủng, buông chẳng đặng, thì chẳng đắc được tự tại.  Thứ sắc pháp nầy có nội sắc và ngoại sắc.  Ngoại sắc tức là có hình chất.  Tất nhiên sắc bên ngoài có hình chất, bên trong thì có bóng.  Nội sắc tức là bóng.  Có bóng thì có vọng tưởng về sắc, thì không thể vô ngã, bạn ái trước sắc nầy là vì có cái ta (ngã), bạn chấp trước sắc nầy cũng là vì bạn có cái ta (ngã).  Nếu chẳng có cái ta thì không có gì để chấp trước, thì chẳng có chướng ngại, đó là nhìn xuyên thủng.  Nhìn xuyên thủng được thì buông bỏ được.  Buông bỏ được thì sẽ đắc được tự tại.
  • Thọ pháp: Phàm là tiếp xúc cảnh giới bên ngoài ban đầu có sự lãnh thọ.  Nếu không có cái ta thì chẳng có xúc trần, không có xúc trần thì đắc được tự tại.  Ngược lại, nếu có cái ta tồn tại thì không được tự tại.
  • Tưởng pháp: Tức là vọng tưởng.  Tại sao bạn chẳng đối trị được vọng tưởng?  Tức là vì có cái ta.  Nếu không có cái ta, thì vọng tưởng gì cũng chẳng có, liền đắc được cảnh giới vô sở tưởng.
  • Hành pháp: Nghĩa là liên tục.  Niệm niệm biến đổi không ngừng.  Giống như nước chảy, đó là hành uẩn.  Muốn nhìn xuyên thủng hành uẩn thì phải đừng có cái ta.
  • Thức pháp: Tức là mắt, tai mũi, lưỡi, thân, ý, Mạt na, A lại da tám thức - Tám thức nầy cũng ở trong chân và vọng.  Chỉ một cái biến thì biến thành Ðại Viên Cảnh Trí.  Không biến thì là tám thức.  Chuyển tám thức thành bốn trí, thì chẳng còn cái ta (vô ngã).  Quán pháp năm uẩn vô ngã được, thì đó là quán pháp vô ngã.
Tại sao Đức Phật dạy đệ tử lấy giới làm thầy? Vì giới là sinh thiện diệt ác.  Nương giới làm thầy thì sẽ sinh ra các điều lành.  Nương giới làm thầy thì sẽ diệt trừ các điều ác.

Tôi nghe như vầy là gì?  Cái gì là tôi?  Phàm phu có sự chấp trước về cái tôi (ngã), chấp trước hết thảy đều là sở hữu của tôi.  Ngoại đạo có cái ngã.  Bậc A La Hán và Bồ Tát có cái giả ngã. Tôn Giả A Nan đã đắc được quả vị Thánh nhân, thì chẳng còn cái ta (ngã) nữa.  Chữ "tôi " nầy là giả danh làm "tôi", trên thực tế thì chẳng phải tôi.  Tại sao phải có "tôi" giả danh?  Vì nếu nói không có cái tôi, thì tất cả chúng sinh đều sinh tâm sợ sệt.  Họ nghĩ tức nhiên chẳng có cái tôi, thì hà tất phải tu đạo?  Tu hành cái gì?  Bèn sinh tâm sợ sệt.  Cho nên thuận theo thế tục nói giả danh là ngã, đó là cái tôi của Tôn Giả A Nan.  "Tôi Nghe" - Tôi làm sao nghe?  Nghe là lỗ tai nghe, thân thể con người mỗi bộ phận đều có tên của nó, đầu thì có tên đầu, tay thì có tên tay, chân thì có tên chân, mỗi bộ phận đều có tên của nó, nhưng tìm cái tôi không thể được.  Bây giờ tại sao lại nói có cái tôi?  Vì cái tôi nầy là tổng quát toàn thân, tên là tôi.  Vì tôi là tổng quát thân thể, cho nên tôi nghe.  "Như" - Là bất biến. "Vầy" - Là vô phi.  Dùng hằng thường bất biến làm "như", quyết định không có chẳng phải làm "vầy".  "Như" là chỉ lời văn của pháp, pháp như vầy tức là như vầy. Pháp không như vầy tức là không như vầy.  Ðịnh như vầy, huệ như vầy, tĩnh như vầy, động như vầy.  Tức là định huệ động tĩnh.  Pháp như vầy là tôi A Nan nghe từ Ðức Phật.


Hoà Thượng Tuyên Hoá giảng giải


Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

Không có nhận xét nào: