Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

LÃO C/S LÝ BỈNH NAM

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa

GƯƠNG VÃNG SANH
NHỮNG CHUYỆN NIỆM PHẬT THẤY PHẬT
Cư sĩ Lý Bỉnh Nam thời Dân Quốc, hiệu Tuyết Lư hay Tuyết Tăng, người thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông.  Tự bé ông đã đỉnh ngộ, hiếu học.  Ông chuyên học về pháp luật, chính trị và học cả Trung Y, nghiên cứu Phật học: Giáo, Thiền, Tịnh, Mật, ông đều thường tu trì.  Ông từng giữ chức giám ngục của huyện Lữ, nhưng nhân từ tột bực, chung thân ăn chay.  Ông quy y với vị Tổ XIII của Tịnh Tông là Ấn Quang Đại Sư, được ban hiệu là Đức Minh.  Ông gắng sức tự hành, dạy người chuyên tu Tịnh Nghiệp.  Sau ông đáp lời mời, làm bí thư cho vị chủ nhiệm quản trị nhà thờ phụng Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư (Khổng Tử). Ông theo chủ nhiệm Khổng Thượng Công (Khổng Đức Thành) thiên di theo chính phủ về Trùng Khánh, sống ở biệt thự Ỷ Lan thuộc núi Ca Nhạc.  Mỗi sáng sớm, ông lên Chùa Vân Đảnh để lễ tụng, niệm Phật.  Ít lâu sau, ông lãnh trách nhiệm giảng dạy cho Phật Học Giảng Diễn Hội của chùa mấy năm, người tin theo rất đông.  Năm Dân Quốc 45 (1946), theo Khổng Thượng Công trở về Nam Kinh, ông thường giảng Kinh tại Chùa Phổ Tế và Chánh Nhân Liên Xã.

Tháng Hai năm Dân Quốc 38 (1949), vào lúc sáu mươi tuổi, ông theo Khổng Thượng Công qua Đài Loan, ngụ tại Thành phố Đài Trung.  Vừa mới sắp xếp công vụ xong, ông đã tìm được Chùa Pháp Hoa để làm cơ sở hoằng pháp và lập phòng chẩn mạch Trung Y, lập Bồ Đề Y Viện và Thí Y Hội v.v… để chữa trị, hốt thuốc miễn phí.  Ông khởi xướng những sự nghiệp hoằng hóa, từ thiện để tiếp dẫn quần cơ đồng tu Tịnh NghiệpÔng thường nhóm chúng niệm Phật; cử phái viên hoằng pháp đến thăm các nhà giam và những gia đình liên hữu. Do đó, pháp duyên ngày càng rộng rãi; tòa giảng kinh của ông mở rộng đến các chùa Linh Sơn, Bảo Giác, Bảo Thiện v.v… Ông còn khuếch trương những cơ sở truyền giáo khắp cả Tam Đài (Đài Bắc, Đài Trung và Đài Nam), chuyên hoằng dương Tịnh Độ phổ độ chúng sanh.  Mỗi năm, cử hành Phật Thất nhiều lần; lần nào ông cũng đích thân chủ trì, ân cần, thiết tha huấn thị.  Ông thường soạn các tài liệu Phật học hàm thụ và vấn đáp, soạn các chương trình phát thanh miễn phí gởi tặng các đài phát thanh.

Về trước tác có: A Di Đà Kinh Trích Chú Tiếp Mông Kỵ Nghĩa Uẩn (lược chú Kinh Di Đà để những người kém hiểu biết lãnh hội được ý nghĩa sâu xa), Đại Chuyên Học Sinh Phật Học Giảng Tòa (tài liệu giảng dạy Phật học cho sinh viên chuyên ngành Phật học) gồm sáu quyển: Phật Học Vấn Đáp Loại Biên, Hoằng Hộ Tiểu Phẩm Vựng Tồn, v.v… hóa độ nhân gian.  Nhân đó, ở các nơi gần hay xa, mọi người đều được bình đẳng hưởng thụ pháp ích. Sau ông nghỉ việc để tăng thời gian hoằng pháp; luôn luôn khuyên người khác tin sâu nhân quả, già dặn, chắc thật niệm Phật.  Trong Pháp môn Niệm Phật có hai công phu để hành trì:
  • Tu Phật Thất, dành cho người căn cơ bình thường. 
  • Ban Châu Tam Muội, dành cho người siêu việt xuất chúng, có sức khỏe dẻo dai.

Hành giả thực hành Ban Châu Tam Muội phải đứng hay đi kinh hành trong thời gian 90 ngày không hề nằm, thường xuyên đắp y hoặc mặc áo tràng.  Theo lời kể lại, Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam đã hai lần đạt được Ban Châu Tam Muội. Ngài đã được định rất sâu.  Như vậy, có thể Ngài Lý Bỉnh Nam đã đạt được Lý Nhứt Tâm Bất Loạn hoặc Sự Nhất Tâm Bất Loạn.  Ngày mười hai tháng Tư năm Dân Quốc 75 (1986), ông bảo đệ tử hầu cận - Ta sắp đi đây!  Đến sáng hôm sau, ông niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, dặn dò đệ tử rồi nằm yên lành mà tịch.  Thọ chín mươi bảy tuổi.  Sau khi trà tỳ, thu được hơn cả ngàn viên xá lợi ngũ sắc. (theo Lý Công Tuyết Hư Lão Cư Sĩ Lược Sự).  H/T. Tịnh Không nói về Đại Cư sĩ Lý Bỉnh Nam:
"Như chư liên hữu thấy, sau khi vãng sanh, Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam lưu lại hơn cả ngàn viên Xá Lợi ngũ sắc.  Đó là kết quả của người thật sự có công phu tu tập trong nhiều năm niệm Phật".   

Rải rác trong các băng giảng, H/T. Tịnh Không thường nhắc đến vị Thầy vĩ đại của mình.  Chúng tôi chẳng nhớ trong băng giảng nào đã ghi ra tài liệu dưới đâyTheo H/T. Tịnh Không, tướng của Lý Bỉnh Nam không phải là người trường thọ.  Vì cái lỗ tai và cái càm ông ngắn không phải là người sống lâu.  Nhưng nhờ ông biết làm việc thiện, như chữa bệnh miễn phí cho mọi người, dạy Phật pháp cho mọi người.  Sự thu nhập tài chánh của ông rất dồi dào, nhưng ông đem bố thí cho thiên hạ.  Ông sống trong một căn nhà nhỏ, không cần người giúp việc hầu hạ.  Đến 90 tuổi, ông sống một mình với thân thể khỏe mạnh cường tráng.  Phước báu mà ông có chẳng phải là do đời trước mà có.  Sau khi học Phật ông mới tu.  Phước báu thọ mạng của ông là nhờ tu trong đời này.  Đây là điều mọi người chúng ta cần tìm hiểu học hỏi.  Nhiều vị chỉ biết khen người, mà không noi theo gương người để áp dụng cho mình, thì lời khen ấy trở thành rỗng không. 

Ngài Lý Bỉnh Nam vãng sanh vào lúc 97 tuổi.   Điều đáng lưu ý, tuy không ai kêu gọi, thiên hạ mến mộ công đức của Ngài, mỗi ngày có khoảng 600 người đến hộ niệm.  Tất cả đều tự động đến, không phải để chia buồn, nói những lời rỗng tuếch, mà đi xung quanh quan tài hộ niệm.  Tiếng niệm Phật không ngừng nghỉ trong suốt 49 ngày.  H/T. Tịnh Không nói:
"Kết quả mà Ngài Lý Bỉnh Nam đã tu trong đời này.  Thông minh trí tuệ do Ngài bố thí pháp. Khỏe mạnh trường thọ là bố thí vô úy.  Vô úy mà không não hại tất cả chúng sanh.  Tất cả chúng sanh gặp ta có cảm giác an toàn.  Đó là vô úy.  Ngài Lý Bỉnh Nam có trên 200 ngàn đệ tử. Thật là vĩ đại!"
 
Theo Những Chuyện Niệm Phật Thấy Phật Vãng Sanh
 
VÌ SAO PHẢI HỒI HƯỚNG?
Trích dẫn: TUYẾT HƯ LÃO NHÂN TỊNH ÐỘ TUYỂN TẬP
Người tu hành bất luận là niệm Phật hay niệm Kinh, niệm xong nhất định phải niệm Kệ Hồi Hướng một lượt. Hồi Hướng có nghĩa là gom về, tức là một phương pháp đem công đức niệm Phật, niệm Kinh gom về một nơi. Gom về nơi nào?  Gom về việc cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.

Chẳng riêng gì niệm Phật, niệm Kinh mới hồi hướng về Cực Lạc thế giới, mà bất luận làm việc lành nào cũng đều phải hồi hướng về Cực Lạc Thế Giới. Càng tích thêm được một phần công đức thì hy vọng được vãng sanh càng tăng thêm một phần.  Nếu làm công đức nhưng chẳng hồi hướng cầu sanh về Cực Lạc Thế Giới thì chỉ sợ đời sau chỉ được hưởng báo ứng trong cõi Trời, cõi người, vẫn cứ luân hồi trong Lục Đạo, chẳng được giải thoát. Phước Báo càng lớn, càng dễ tạo tội, nên kiếp kế tiếp đó càng đáng sợ hơn.  Vì thế, người học Phật phải nên đem hết thảy công đức hồi hướng vãng sanh Tây Phương thì lúc lâm chung mới có hy vọng được sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.  Nhưng niệm bài kệ Hồi Hướng cũng giống như niệm Phật, phải từng chữ, từng câu phát xuất từ nội tâm, chẳng thể niệm xuông nơi cửa miệng được.  Kệ Hồi Hướng:

Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm Phật Tịnh Ðộ
Trên đền Bốn Ân nặng
Dưới cứu khổ Tam Đồ
Nếu có ai thấy nghe
Ðều phát lòng Bồ Ðề
Hết một Báo Thân này
Cùng sanh cõi Cực Lạc.

Hỏi: Xin cụ giảng qua ý nghĩa từng câu trong bài Kệ Hồi Hướng.

Ðáp: Câu thứ nhất và câu thứ hai nghĩa là ta đem công đức niệm Phật hỗ trợ cõi Tịnh Ðộ của Ðức Phật A DI ĐÀ khiến cho nó càng thêm tốt đẹp phi thường.  Câu thứ ba nghĩa là lại đem công đức ấy trên là báo đáp Bốn Tầng Ân Đức: Cha, Mẹ, Sư Trưởng và Đức Phật.  Câu thứ bốn nghĩa là dưới thì dùng công đức cứu vớt những chúng sanh khổ não trong Ba Đường Ác: súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ.  Câu thứ năm và thứ sáu nghĩa là nếu có ai thấy, nghe người đang niệm Phật, niệm Kinh sẽ đều phát khởi tấm lòng trên cầu Phật Quả, dưới độ chúng sanh.  Câu thứ bảy và thứ tám nghĩa là sau khi cái thân báo ứng này đã hoàn toàn chấm dứt thì mọi người sẽ cùng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.  Giải thích theo từng câu văn thì ý nghĩa của bài Kệ Hồi Hướng là như vậy.  Nói chung, tám câu Kệ này lại có hai tầng ý nghĩa lớn. 
  • Tầng thứ nhất là: Chúng ta niệm Phật là để cầu sanh về Tây Phương, chứ chẳng phải vì cầu công danh, phú quý hay hết thảy những điều tốt đẹp của thế gian. 
  • Tầng thứ hai là: Chúng ta niệm Phật là để cứu độ hết thảy chúng sanh thoát ly khổ hải, chứ chẳng phải vì riêng bản thân mình. Ðã hiểu rõ tầng ý nghĩa thứ hai này rồi thì bất luận là niệm Phật, niệm kinh hay làm bất cứ điều lành gì đều luôn giữ tấm lòng như thế, hồi hướng như thế. Có như vậy mới là người học Phật phát Bồ Ðề tâm chân chánh.

SÁM HỐI HỒI HƯỚNG 
KHAI THỊ TẠI PHẬT THẤT CHÙA LINH SƠN
Phật pháp vô biên, đối với mỗi căn khí đều có phương tiện.  Tổ Sư Ngẫu Ích đã dạy cho kẻ ngu pháp “Sám hối hồi hướng”.  Với hết thảy những sự nơi thân, khẩu, ý, hễ lành thì hồi hướng Tây Phương, hễ ác thì sám hối ngay lập tức.  Ngay cả việc lành sám hối đó cũng đem hồi hướng Tây Phương.  Kẻ si chẳng thể phân biệt thiện ác thì cứ nhất loạt sám hối, nhất loạt hồi hướng.  Tâm quyết định như thế thì niệm niệm tại Tây Phương, lực dụng rất lớn.  Cách thực hiện như sau:
  • Sau hai khóa lễ sáng tối liền sám hối, hồi hướng. 
  • Thường ngày hễ gặp cảnh trái ngang, lăng nhục, khốn khổ liền lập tức sám hối, hồi hướng.  Bởi đấy là do Túc Nghiệp tạo thành như thế cho nên phải sám hối nghiệp nặng. 
  • Lúc tâm khởi ác niệm, phiền não bèn lập tức sám hối.  Do nghiệp lực nên phiền não thường khởi, đừng đổ lên người khác.  Nếu không, Hậu Báo vô cùng vậy.  Bởi lẽ, những chuyện ngang trái… là do nghiệp lực, chịu xong liền hết.  Nếu lại khởi phiền não gieo vạ cho người khác thì sẽ xoay vần báo trả nhau, chính là mình tự hại mình vậy.
Ba thứ sám hối hồi hướng như thế chính là pháp môn mất nhiều năm tôi mới cầu được, nay tặng cho quý vị.  Quý vị hãy thực hành, đừng khinh là tầm thường.  Tổ Ngẫu Ích bảo sám hối hồi hướng lại thêm niệm Phật thì không ai là chẳng thành cả!  Kinh dạy:
"Chí tâm niệm Phật một câu tiêu trừ được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”.

Trong hai mươi năm qua, quý vị không một ai niệm được như vậy.  Chí tâm là lúc niệm Phật trước hết phải dọn tâm cho thật sạch sẽ, rỗng rỗng rang rang thì ngay khi ấy, một câu Phật hiệu thông trên suốt dưới, không còn gì khác cả.  Niệm chí tâm như thế thì mới hòng đạt được "Nhất Tâm Bất Loạn".  Quý vị niệm Phật hãy nên theo nguyên tắc này, nhưng làm thế nào để chí tâm? - Xin đáp: "Tội từ tâm khởi dùng tâm sám".  Do còn tội nghiệp nên tâm khởi phiền não. Lúc tâm khởi phiền não thì sẽ tạo tội nghiệp.  Ngay lúc ấy phải sám hối cho nó tiêu mất. "Tâm đã diệt rồi tội cũng không".  Do còn tội nghiệp nên chẳng thể chí tâm.  Tội nghiệp đã diệt sẽ tự nhiên chí tâm.  Bởi thế bảo: "Tội diệt, tâm mất thảy đều không, thế mới gọi là chân sám hối".  Niệm Phật như thế thì đạt được chí tâm, diệt được trọng tội, dù bom nguyên tử có rơi xuống cũng chẳng ngại gì.  Kệ rằng:
Tâm nhất phân minh đoạn hoặc thì,
Vãng sanh chứng quả thượng hà nghi,
Tuy nhiên thường thuyết hoặc nan đoạn,
Sám hối huyền môn tích bất tri.
Tâm đã phân minh đoạn hoặc rồi,
Vãng sanh chứng quả há nào sai,
Tuy thường hay bảo Hoặc khó đoạn,
Sám hối huyền môn tiếc chẳng hay.

Nếu niệm đến "Nhất tâm bất loạn" thì chính là lúc đoạn Hoặc.  Như vậy ắt được vãng sanh, vãng sanh rồi ắt mau chứng Phật Quả.  Lý thật phân minh, còn nghi ngờ gì nữa?  Tuy nói là đoạn Hoặc rất khó, đoạn một phẩm Kiến Tư Hoặc như cắt đứt dòng sông chảy mạnh rộng đến bốn mươi dặm, nhưng vẫn có pháp môn mầu nhiệm chính là sám hối hồi hướng.  Ðấy chính là huyền môn.  Tiếc rằng người đời chẳng biết.  Niệm Phật mà biết phối hợp với pháp môn này thì sẽ thành tựu dễ dàng.

Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam
Đệ tử Như Hòa trích dịch 
Xem thêm tại: http://www.duongvecoitinh.com/ 


Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

Không có nhận xét nào: