Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

THÂN TRUNG HỮU

Niệm Phật một câu, phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy, tội diệt hà sa


THÂN TRUNG HỮU - TRUNG ẤM THÂN
Trích dẫn PHẬT HỌC TINH YẾU - Thiên Thứ Hai
Cố H/T. Thích Thiền Tâm

Loài hữu tình sau khi mạng chung, đã bỏ Thân Tiền Hữu, chưa thọ Thân Hậu Hữu thì ở vào giai đoạn cảm Thân Trung Hữu.  Thân Trung Hữu nầy do Năm Ấm vi tế kết hợp, nên cũng gọi là Trung Ấm Thân.  Trong đây, trừ những chúng sanh tạo Nghiệp Cực Thiện thuộc cõi Vô Sắc, hoặc Nghiệp Cực Ác thuộc nẻo A Tỳ, thì liền hóa sanh ngay những nơi đó, mà không trải qua Trung Ấm Thân.  Ba tiết trước của bản chương thuật lại hình dáng xấu đẹp sai biệt của những Trung Ấm Thân thuộc các nẻo thiện ác, trạng thái của Trung Hữu lúc vào thai và khi chuyển thọ Thân Hậu Hữu ở trong thai.  Hai tiết mục kế, nói về tiên triệu khi chúng sanh lâm chung sẽ sanh về ác đạo hay thiện đạo, cùng những cảnh tướng hiển hiện khi Trung Hữu sắp sanh về các nẻo.  Tiết sau cùng nói tổng quát về Nghiệp Duyên của chúng sanh thăng trầm trong Tam Giới, hoặc được siêu sanh về Tịnh Độ.  Mục đích của chương nầy là trình bày cảnh duyên thiện ác, cho người học Phật bỏ điều dữ tu Pháp Lành, và biết trước các Nghiệp Tướng để tìm nẻo thiện sanh, tránh đường sa đọa.


THÂN TRUNG HỮU

Sao gọi là Trung Hữu?  Trung Hữu là Thân Quả Báo ở khoảng giữa của đời nầy và đời sau, vì Quả Báo ấy có mà chẳng phải không, nên gọi là “Hữu”.  Trung Hữu cũng gọi là Trung Ấm, vì thân ấy do Năm Ấm tạo thành.


Đức Phật bảo Nan Đà:
"Khi Cha Mẹ giao hợp là lúc Thân Trung Hữu vào thai.  Trung Ấm có hai loại:  hình sắc xinh đẹp, và dung mạo xấu xa.  Trung Hữu của Địa Ngục hình rất xấu, sắc Đen như than.  Trung Hữu của Bàng Sanh sắc nám như khói.  Trung Hữu của Ngạ Quỷ sắc đạm như nước.  Trung Hữu của người và Trời Dục Giới sắc như Vàng ròng.  Trung Hữu của Chư Thiên cõi Sắc rất đẹp, màu tươi Trắng sáng rỡ.  Thân Trung Ấm của hàng nhơn Thiên ở cõi Dục, đại để bằng đứa trẻ năm bảy tuổi.  Thân Trung Ấm của chúng sanh cõi Sắc lớn bằng Thân Bản Hữu và có y phục vì do nhiều chủng tử tàm tu.  Chúng sanh ở cõi Vô Sắc không có Trung Ấm Thân, bởi vì không hình sắc.  Loài hữu tình cực thiện như Nghiệp Báo cõi Vô Sắc và cực ác như Nghiệp Báo Ngục A Tỳ, khi chết rồi liền thọ sanh ngay, không trải qua thân Trung Hữu.  Trung Ấm Thân có loại hai tay hai chân, có loại bốn chân, nhiều chân, hoặc không chân.  Đại khái, chúng hữu tình tùy theo Nghiệp đã tạo, phải thác sanh về nẻo nào, loài nào, thì Trung Ấm Thân có hình dáng giống như loài ấy.  Trung Hữu của Chư Thiên đầu hướng lên, Trung Hữu của người, Bàng Sanh và Quỷ nằm ngang mà bay đi.  Trung Hữu của chúng sanh cõi Địa Ngục đầu trúc xuống.  Các Trung Ấm Thân đều có Thần Thông, nương hư không mà đi, thị tuyến rất xa và sáng suốt, trong khoảnh khắc đã tìm đến chỗ phải thọ sanh."  (Tỳ Nại Gia Tạp Sự)



Trung Ấm Thân cũng có đủ các căn.  Trung Hữu của kẻ tạo Nghiệp Ác, ánh ra sắc Đen xám cũng như đêm tối tăm.  Trung Hữu của kẻ tạo Nghiệp Thiện ánh ra sắc Trắng như đêm trong sáng.  Mắt của Trung Ấm Thân nhìn suốt xa như Thiên Nhãn không bị chướng ngại, thấy các Trung Hữu khác và chỗ mình sẽ thọ sanh.  Trong giây phút Trung Ấm Thân có thể bay vòng quanh giáp núi Tu Di, lại có thể đi xuyên qua tường vách núi non không chi chướng ngại, trừ ra thai Mẹ và tòa Kim Cang của Phật.  Những Trung Hữu thuộc về Nghiệp Ác, úp mặt nhìn xuống mà bay đi, còn những Trung Hữu thuộc về Nghiệp Thiện thì đầu ngước lên.



Trung Ấm Thân chỉ trụ được bảy ngày đêm, nếu trong thời hạn ấy không tìm được chỗ thác sanh, thì chết rồi sống lại, nhưng đại khái trong vòng 49 ngày là được thọ sanh.  Trung Hữu khi chết, hoặc sanh trở lại như thân trước, hoặc do Nghiệp lành dữ chuyển biến, đổi lại thành thân của các loại khác.  Trung Ấm cũng có tên là Kiền Đạt Phược (Hương Hành), vì đi tìm mùi, dùng mùi mà tự nuôi sống.  Lại Trung Hữu khi sắp diệt để thọ Thân Hậu Hữu, tùy theo Nghiệp đã tạo, thấy nhiều tướng khác nhau; bấy giờ tâm thức mơ màng dường như ở trong mộng.  Những kẻ tạo Nghiệp Sát, hay giết heo, dê, gà, vịt, tôm, cá, thì lúc ấy thấy những loài đó, lại thấy có người đang làm thịt, tùy theo Túc Nghiệp tự nhiên sanh ra ưa thích muốn đi đến xem.  Khi đến nơi liền bị cảnh sắc làm trở ngại không thể thoát ly, Trung Hữu liền diệt mà thọ Thân Hậu Hữu.  Lúc sắp diệt, Trung Ấm thấy nhiều màu sắc sanh diệt liên tục, như người sắp chết thấy những hình tướng tạp loạn, mắt chăm chú nhìn, tay chỉ chỗ nầy chỗ khác.  (Luận Du Già)



TRẠNG THÁI LÚC THỌ THAI

Trường hợp nào thân Trung Hữu không vào thai được?  Đó là những lúc Cha Mẹ không giao hợp, hoặc khi giao hợp tinh Cha ra tinh Mẹ không ra, tinh Mẹ ra tinh Cha không ra, hoặc đều không ra.  Lại nữa, hoặc khi người Mẹ quá mập, nhiều thịt dư, hay có các chứng bịnh như tử cung lạnh, khí huyết kết thành cục, vàng võ nhiều đàm, hoặc do uống thuốc cấm thai, cùng các chứng bịnh riêng của người Cha.  Về phần Nghiệp Báo, nếu Cha Mẹ tôn quý con ty tiện, hay là trái lại, thì không thể thành thai.  Hoặc có khi Cha Mẹ cùng con đều tôn quý hay đều ty tiện, nhưng Nghiệp Duyên không hợp cũng không thể thành thai.



Đức Phật bảo:
"Nầy Nan Đà!  Nếu không có các trường hợp như trên, thì Trung Hữu mới vào thai Mẹ.  Như các duyên đều thuận, khi Cha Mẹ giao hợp, Thân Trung Ấm ở xa trông thấy ánh sáng liền bay đến đó.  Lúc ấy, do Túc Nghiệp, Trung Hữu liền khởi ra các sự vọng tưởng; như Trung Ấm nam thì đối với Mẹ sanh lòng mến yêu, với Cha lại ganh ghét; Trung Hữu nữ thì đối với Mẹ sanh lòng ganh ghét, với Cha lại mến yêu; hoặc nam hoặc nữ đều thấy chính mình làm việc ân ái với Cha hay Mẹ.  Bấy giờ Trung Ấm bổng có cảm giác nóng hoặc lạnh, hay thấy mưa to, gió lớn, mây mù nổi lên, hoặc nghe nhiều tiếng huyên náo đáng chán buồn, hay tiếng thanh tao đáng ưa thích.  Khi các vọng tâm, huyễn cảnh nầy hiện ra, tùy nghiệp hơn kém, Trung Hữu lại khởi sanh mười Huyễn Tướng khác như:  nay ta vào nhà, ta muốn lên lầu, ta lên đền đài cao đẹp, ta lên ngồi trên giường ghế, ta vào am tranh, ta vào chòi lá, ta đi vô rừng, ta vào lùm bụi, ta xuyên qua lỗ tường vách, ta chui vào hàng rào.  Khi khởi các tưởng niệm như trên xong, Trung Hữu liền vào thai.  Sự kết thai đây có ba điều kiện hỗn hợp:  tinh Cha, huyết Mẹ và Nghiệp Thức.  Trạng thái nầy ví như người để sữa chín vào bình, rồi lấy đủa quậy đánh mãi cho đến khi dậy lên thành ra vị tô.  Kết quả hổn hợp của tinh Cha, huyết Mẹ, Nghiệp Thức hòa thành một khối gọi là Yết La Lam.



Nầy Nan Đà!  Ví như loại thảo trùng nương nơi cỏ mà sanh, cỏ không phải trùng, trùng không lìa cỏ, nhưng do nhân duyên cỏ hòa hợp mà con trùng thân sắc màu xanh.  Trường hợp nầy cũng như con bọ hung sanh nơi phân trâu, thân sắc màu vàng sậm.  Nên biết thân Yết La Lam do tinh Cha huyết Mẹ cũng lại như thế.  Lại nữa, thân Yết La Lam phải có đủ bốn giới:  Địa, Thủy, Hỏa, Phong, tức là các tánh chất:  cứng đặc, ướt nhuần, nóng ấm và khinh động.  Nếu thân ấy chỉ có địa giới thiếu thủy giới thì không thành; ví như người dùng tay nắm bột hoặc tro khô, khi buông tay ra, tro bột đều bay tan.  Trường hợp có thủy giới thiếu địa giới cũng như thế; ví như người chỉ nhồi nước hoặc dầu, rốt cuộc vẫn là chất tan lỏng không kết thành khối được.  Nên biết do Thủy Giới nên Địa Giới không rã, do Địa Giới nên Thủy Giới không tan.  Và nếu Yết La Lam thiếu Phong Giới thì không thể tăng trưởng, thiếu Hỏa Giới thì không thể thành thục.  Cho nên sắc thân con người khởi thỉ từ Yết La Lam do các duyên hòa hợp mà có sanh, trụ, tăng trưởng, suy hoại, thật rất đáng chán, ta không chút chi ưa thích!  Xét ra sanh tức là khổ, trụ là bịnh, tăng trưởng, suy hoại tức là già, chết.  Kẻ nào đối với biển hữu vi mà sanh lòng ưa thích, tất phải nằm trong thai Mẹ, chịu đủ các điều khổ".  (Luận Du Già, Tỳ Nại Gia Tạp Sự)



TRẠNG THÁI KHI Ở TRONG THAI

Đức Phật bảo:
"Nầy A Nan!  Thân Yết La Lam ở nơi thai Mẹ trong bảy ngày đầu, hình dáng như sữa tươi, từ đó do sức nội nhiệt, lần lần tăng trưởng.  Trong khoảng bảy ngày thứ hai, cảm phát Gió Nghiệp tên là Biến Mãn, thổi hai bên hông người Mẹ, khiến cho Yết La Lam đọng lại như sữa đặc, sắp hiện ra tướng trạng người, gọi là An Phù Đà.  Trong khoảng bảy ngày thứ ba, cảm phát Gió Nghiệp tên là Tàng Khẩu; so sức gió nầy thân An Phù Đà có hình dáng hai cánh tay khép lại, giống như cái chày đâm thuốc.  Trong khoảng bảy ngày thứ tư, cảm phát Gió Nghiệp tên là Nhiếp Thủ; do sức gió nầy biến tướng hai cánh tay khép lại thành ra Dà Na (mật hậu, mật hiệp), hình như chiếc giày cong cong.  Trong khoảng bảy ngày thứ năm, cảm phát Gió Nghiệp tên là Nhiếp Trì; do sức gió nầy chuyển biến Dà Na thành Bát La Xa Khê (nhục đoàn vị), hiện ra tướng hai bên mông, hai vai, thân và đầu.  Trong khoảng bảy ngày thứ sáu, cảm phát Gió Nghiệp tên là Vi Phạn; do sức gió nầy chuyển thành bốn tướng là hai cánh tay và hai bắp chơn.  Trong khoảng bảy ngày thứ bảy, cảm phát Gió Nghiệp tên là Toàn Chuyển; do sức gió nầy, thai nhi lần hiện ra hai bàn tay hai bàn chơn.  Trong khoảng bảy ngày thứ tám cảm phát Gió Nghiệp tên là Phiên Chuyển; do sức gió nầy, mười ngón tay và chơn sanh ra đầy đủ.  Trong khoảng bảy ngày thứ chín, cảm phát Gió Nghiệp tên là Phân Tán; do sức gió nầy sanh ra các tướng; mặt, tai, mũi, miệng và đường đại tiểu tiện.  Trong khoảng bảy ngày thứ mười, cảm phát hai luồng Gió Nghiệp tên là Kiên Tiên và Phổ Môn, hai thứ gió nầy làm cho thai nhi đọng chắc lại và phồng no đầy đủ dường như cái pháo.  Trong khoảng bảy ngày thứ 11, cảm phát Gió Nghiệp tên là Kim Cang, sức gió nầy làm cho thai nhi cửu khiếu đều thông, tay chơn máy động, miệng tươm máu bầm, mũi chảy ra nước.  Trong khoảng bảy ngày thứ 12, cảm phát hai luồng Gió Nghiệp tên là Khúc Khẩu, Xuyên Phát; sức thổi của hai thứ gió nầy khiến cho sanh ra đại tiểu trường, 320 chi tiết và 101 yếu huyệt.  Trong khoảng bảy ngày thứ 13, cảm phát Gió Nghiệp tên là Cơ Khát; do sức gió nầy, thai nhi bỗng sanh ra niệm đói khát, từ nơi cuống rún thâu rút chất bổ ăn uống của người mẹ vào, để tự nuôi dưỡng".  


Lúc ấy, Ðức Thế Tôn nói bài kệ:

Đứa bé trong thai Mẹ

Mười ba lần bảy ngày

Cảm giác thân trống không

Liền sanh niệm đói khát

Thức ăn của người Mẹ

Tư dưỡng vào thai nhi

Do đó thân mạng còn

Lần lần được thêm lớn. 



"Nầy A Nan!  Trong khoảng bảy ngày thứ 14, cảm phát Gió Nghiệp tên là Tuyến Khẩu; do sức gió nầy 900 đường gân sanh ra.  Trong khoảng bảy ngày thứ 15, cảm phát gió nghiệp tên là Liên Hoa, sức gió nầy làm cho sanh ra 20 mạch lớn, chất ăn uống chạy theo đó mà tư dưỡng thai nhi.  Mỗi mạch lớn có 40 mạch trung, mỗi mạch trung lại có 100 mạch nhỏ, thành ra tám vạn mạch có đủ màu sắc:  xanh, vàng, đỏ, trắng.  Những mạch nầy liên quan với các lỗ chân lông.  Trong khoảng bảy ngày thứ 16, cảm phát Gió Nghiệp tên là Cam Lộ, sức gió nầy làm cho cửu khiếu đều thông các tạng bên trong, hơi thở lưu chuyển theo thân thai nhi không còn trở ngại.  Trong khoảng bảy ngày thứ 17, cảm phát Gió Nghiệp tên là Mạo Ngưu Diện; sức gió nầy làm cho đôi mắt thai nhi sáng sạch, các căn khác lần lần thành tựu.  Trong khoảng bảy ngày thứ 18 cảm phát Gió Nghiệp tên là Đại Kiên Cường, sức gió nầy làm cho các căn tươi sạch, như gió thổi mây tan lộ ánh nhựt nguyệt.  Trong khoảng bảy ngày thứ 19, cũng do sức gió trước, từ thân căn, mạng căn, ý căn, cho đến các căn khác thảy đều thành tựu đầy đủ.  Trong khoảng bảy ngày thứ 20 cảm phát Gió Nghiệp tên là Kiên Cố; do sức gió nầy, các thứ xương thân đều sanh ra.  Trong khoảng bảy ngày thứ 21, cảm phát Gió Nghiệp tên là Sanh Khởi, sức gió nầy làm cho sanh ra thịt.  Trong khoảng bảy ngày thứ 22, cảm phát Gió Nghiệp tên là Phù Lưu, sức gió nầy làm cho sanh ra máu.  Trong khoảng bảy ngày thứ 23, cảm phát Gió Nghiệp tên là Tịnh Trì; sức gió nầy làm cho sanh ra da.  Trong khoảng bảy ngày thứ 24, cảm phát Gió Nghiệp tên là Trì Vân, sức gió nầy làm cho bì phu có sắc tươi nhuần.  Trong khoảng bảy ngày thứ 25, cảm phát Gió Nghiệp tên là Trì Thành, sức gió nầy làm cho máu thịt của thai nhi lần lần được tư nhuận.  Trong khoảng bảy ngày thứ 26, cảm phát Gió Nghiệp tên là Sanh Thành, sức gió nầy làm cho sanh ra tóc, lông, móng tay và chơn.  Trong khoảng bảy ngày thứ 27, cảm phát Gió Nghiệp tên là Khúc Dược; sức gió nầy làm cho thân tướng được thành tựu".

Khi ấy, Ðức Thế Tôn nói bài kệ:
Đứa bé trong thai Mẹ

Hăm bảy lần bảy ngày

Do các Nghiệp lành dữ

Thân tướng hiện xấu đẹp. 

Nếu thai nhi là trai

Ở hông bên mặt Mẹ

Ngồi co, tay che mặt

Hướng về phía xương sống. 

Như thai nhi là gái

Thì ở hông bên trái

Hai tay úp vào mặt

Ngồi hướng về trước bụng. 

Khi người Mẹ đi mau

Hoặc ngồi nằm hơi lâu

Hoặc ăn các mùi vị

Nóng, lạnh không hợp thân

Hoặc ăn ít ăn nhiều. 

Thai nhi đều chịu khổ. 

Cho nên người có trí

Chớ mến nẻo luân hồi. 




"Lại nữa, A Nan!  Trong khoảng bảy ngày thứ 28, thai nhi sanh ra tám thứ vọng tưởng điên đảo như: mình ngồi xe ngựa hoặc đi thuyền, ở lầu cao, nằm trên giường, nghe suối chảy, đến đầm ao, thấy sông rộng, ở khu vườn nhỏ, vào hoa viên to.  Trong khoảng bảy ngày thứ 29, cảm phát Gió Nghiệp tên là Hoa Điều, sức gió nầy làm cho thai thân sáng sủa, các tướng phân minh; do Nghiệp lành dữ đời trước, thai nhi hoặc đen, hoặc trắng, hoặc không đen trắng, hoặc có các màu sắc khác, hoặc khô khan, hoặc tươi nhuận.  Trong khoảng bảy ngày thứ 30, cảm phát Gió Nghiệp tên là Thiết Khẩu; do sức gió nầy, tóc lông móng tay chơn đều dài ra.  Trong khoảng bảy ngày thứ 31, đến 35, thai thân lần lần lớn, nhơn tướng đầy đủ.  Trong khoảng bảy ngày thứ 36, thai nhi sanh lòng nhàm chán, không vui.  Trong khoảng bảy ngày thứ 37, thai nhi khởi ra năm tưởng niệm điên đảo:  tưởng tướng bất tịnh, tưởng sự hôi nhơ, ở trong tù ngục, ở chỗ tối tăm, mình thấy buồn chán.  Trong khoảng bảy ngày thứ 38, cảm phát hai luồng Gió Nghiệp tên là Câu Duyên và Thú Hạ; sức thổi của hai thứ gió nầy làm cho thai nhi xoay chuyển, đầu trở xuống dưới, xuôi hai tay như sắp muốn ra.  Nếu đứa bé đời trước có tạo Nghiệp đọa lạc, thì tay chơn ngang dọc xoay trở không được, chết trong bụng Mẹ; làm cho người Mẹ rất đau đớn khổ sở hoặc có thể mạng chung.  Như đứa bé đời trước tạo những Nghiệp lành hay gây nhân sống lâu, thì khi sanh ra, Mẹ con đều an ổn.  (Kinh Đại Bảo Tích)



"Nếu thai nhi ở trong bụng Mẹ được chín tháng hay hơn chín tháng mới sanh ra gọi là viên mãn.  Như chỉ có tám, bảy hay sáu tháng, thì không gọi là viên mãn.  Thai tạng khi sanh trưởng có tám vị sai biệt:  Yết La Lam, Yết Bộ Đàm, Bế Thi, Kiền Nam, Bát La Xa Khê, Phát Mao Trảo, Căn Vị, Hình Vị.  Yết La Lam Vị là lúc tinh huyết mới kết động còn hơi lỏng hình như mũi tên.  Yết Bộ Đàm Vị (cũng gọi là An Phù Đà) là lúc thai tạng chưa sanh thịt, trong ngoài như sữa đặc.  Yết Bộ Đàm Vị là lúc thai nhi mới tượng hình, có dáng hai cánh tay khép lại, thịt đã sanh mà còn rất mềm.  Kiền Nam Vị (cũng gọi là Dà Na) là lúc khối thịt đã hơi cứng có thể xoa rờ được.  Bát La Xa Khê Vị (cũng gọi là Ban La Xa Khê) là lúc thai nhục lớn lên hiện ra tướng tay chân và đầu.  Phát Mao Trảo Vị là lúc tóc, lông, móng tay và chơn hiện ra.  Căn Vị là lúc phát sanh mắt, tai, mũi, miệng, và đường đại tiểu tiện.  Hình Vị là lúc các tướng nơi thân hiện ra đầy đủ rõ ràng.



Lại thai nhi còn do Nghiệp đời trước của mình, hoặc ảnh hưởng bởi người Mẹ gây ra, mà tóc lông, màu sắc làn da, hoặc chi phần có sự biến đổi.  Nếu trong lúc mang thai, người Mẹ ăn nhiều chất vôi, chất mặn, đứa con bị nguyên nhân ấy mà tóc lông thưa ít.  Như người Mẹ ở nơi chật hẹp nóng bức, hoặc thường gần chỗ lửa nóng, đứa con bị ảnh hưởng đó, màu da trở nên đen đúa; nếu trái lại, thường ở chỗ lạnh, thì đứa con màu da trắng.  Hoặc người Mẹ thích ăn nhiều chất nóng, về sau hài nhi sẽ có màu da hung đỏ.  Nếu trong lúc cấn thai, người Mẹ còn nhiều dâm dục, đứa con sẽ có làn da ghẻ chốc, sần sùi.  Trong lúc thai nghén, người Mẹ không khéo giữ gìn, thường chạy nhảy làm việc xốc xáo nặng nề, do ảnh hưởng đó, các chi phần của đứa con hoặc xiên xẹo hoặc không đầy đủ".  (Luận Du Già)

Niệm Phật một câu, phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy, tội diệt hà sa

Không có nhận xét nào: