Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

HÒA THƯỢNG CUA - PHẦN II

Niệm Phật một câu phúc sanh vô lượng - Lễ Phật một lạy tội diệt hà sa


PHẦN II: AM TRANH HOA SỨ
Theo Truyện Cổ Phật Giáo - Tỳ Kheo Thích Nguyên Đạt


Nhiều năm trôi qua như thế, Ngài quảy gói làm du Tăng đi khắp hang cùng ngỏ hẹp hỏi thăm tin tức về một người Mẹ mất con.  Trả lời câu hỏi của Ngài, mọi người đều lắc đầu không rõ.  Chỉ một mình Ngài vẫn giữ trọn lòng tin, Phật Trời không phụ người thành tâm, sẽ có ngày Mẹ con đoàn tụ.  Và bây giờ sự thật mà cứ ngỡ như mơ, Mẹ đang ngồi trước mặt kể về những năm tháng đau khổ trong đời.  
"Mẹ kể chuyện cho người mới gặp lần đầu sao có vẻ tin cậy đến thế?  Phải chăng vì từ lâu đã không có ai lắng nghe bằng tất cả tấm lòng;  Hay vì sợi dây tình cảm đã rung lên thành điệu nhạc vô thanh?  Nhìn Mẹ say sưa nói mà nội tâm Sư đang bị đấu tranh bởi hai tư tưởng trái ngược;  Bên này là tình cảm thông thường nên Sư ôm chầm lấy Mẹ, khát khao được ùa vào lòng Mẹ;  Bên kia là trí tuệ và lòng từ của một bậc chân tu, muốn độ Mẹ hiền qua biển khổ sanh tử.  Nếu hôm nay Sư nhận Mẹ đưa về chùa phụng dưỡng thì tình cảm Mẹ con sẽ khiến Bà sanh tâm chiếm hữu và khinh mạn đối với Chư Tăng.  Mẹ vẫn còn tâm chúng sanh với đủ tật tham, sân, si sao khỏi tổn phước, như thế thương Mẹ mà vô tình làm hại Mẹ;  Còn nếu không nhận Mẹ con, để Mẹ cứ mãi cô đơn nơi quán nước hiu quạnh thì hóa ra chẳng bạc bẽo lắm sao?  Làm thế nào trọn vẹn cả đôi đường, vẫn có thể gần gũi chăm sóc Mẹ và hướng dẫn Mẹ tu hành đúng Chánh Pháp mà Mẹ không bị tổn phước?"


Sư trầm tư suy tính, chợt lóe lên một ý nghĩ.  Ngài mỉm cười tự nhủ: Phải rồi, cần phải làm như thế!  Nắm bàn tay nhăn nheo gầy guộc của Mẹ, Ngài dịu dàng hỏi:
Này cụ, cụ có muốn theo tôi về nương cửa Phật chăng?


Bà cụ không tin vào tai mình:
Bạch Thầy, Thầy dạy gì con không rõ?


Sư thương cảm nhắc lại từng tiếng:
Bà cụ muốn theo tôi về chùa chăng?


Bà cụ mừng rỡ thốt lên:
Được thế thì còn gì bằng?  Nhưng bạch Thầy, con già yếu thế này đâu thể làm công quả cho nhà chùa được ạ!


Sư vỗ nhẹ vào tay Mẹ:
Bà cụ đừng lo!  Người khỏe có việc của người khỏe, người già yếu khắc có việc cho người già.  Bà cụ ở chùa sớm hôm nhớ Phật niệm Phật, biết đâu nhờ Phật độ trì mà sớm tìm gặp con mình.  Để tôi về chùa bạch cùng chúng Tăng, nếu được chấp thuận tôi sẽ quay lại đón cụ.


Từ đó bà cụ về ở am tranh nhỏ sau chùa.  Không ai biết bà là Mẹ của Hòa thượng trụ trì, ngay cả bà cũng không ngờ mình đang sống cạnh người con yêu quý.  Sáng nào Sư cũng đến thăm bà, hỏi han sức khỏe và nhắc bà niệm Phật.  Việc công quả hàng ngày, Sư phân công bà nhặt hoa lá trước am, khỏe làm mệt nghỉ.  Công việc thích nhất của bà là nhặt hoa Sứ trước am tranh.  Bà nâng niu từng đóa hoa, chọn những hoa còn tươi rữa sạch và đặt vào hai bát sứ;  Một bát bà dâng cúng Phật và bát kia bà danh biếu Sư.  Mỗi lần như thế, Sư nâng bát hoa Sứ bằng hai tay, nhìn thật lâu vào mỗi cánh hoa và mỉm cười cảm ơn cụ.  Không nói ra nhưng bà cũng biết Ngài trân trọng tấm lòng của bà đối với Ngài, chỉ có thế cũng đủ làm bà vui suốt cả ngày.  Theo lời dặn của Sư, lúc nào bà cũng cần trên tay chuỗi hạt Bồ Đề do Sư tặng, tay lần chuỗi miệng niệm thầm Lục Tự Di Đà.  Cứ như thế mà xâu chuỗi hạt theo bà như hình với bóng, là vật quý báu nhất đời như được gần gũi với Đức Phật và vị Hòa thượng trụ trì.  Và cũng thật lạ, từ khi về nương cửa Phật, mỗi ngày được Sư đến thăm dù chỉ giây lát nhưng bà cảm thấy hạnh phúc vô cùng.  Nỗi nhớ đứa con lưu lạc từ lâu nặng trĩu bây giờ bổng tiêu tan đâu mất.  Đêm đến bà rữa mặt sạch sẽ rồi đến bàn thờ Phật thắp một nén hương;  Bà không biết khấn vái gì nhiều, chỉ dâng lên Đức Phật lời cảm tạ chân thành vì đã ban cho mình niềm vui được sống và tu tập dưới sự dẫn dắt của Hòa thượng.  Bà cầu nguyện cho Ngài được khỏe mạnh sống lâu để làm lợi ích cho nhiều người.  Sau đó bà ngồi xếp chân trên giường tre lần chuỗi niệm Hồng Danh A DI ĐÀ Phật.  Ngày tháng êm đềm trôi qua, nhờ Hòa thượng trụ trì và Chư Tăng bổn tự mà bà cụ đã được an vui trong tuổi xế chiều, thấm nhuần Phật Pháp mà biết gạt bỏ phiền não, rữa sạch tập khí, tịnh tu Ba Nghiệp và một lòng niệm Phật cầu được vãng sanh.  Có thể nói đây là giai đoạn hạnh phúc sung mãn nhất trong đời Bà...


Một buổi sáng nọ bà bỗng lên cơn sốt, đầu nhứt mắt hoa, tay chân rũ liệt.  Sư vẫn đến thăm như thường lệ, thấy thế vội lấy nước cho bà uống, xia bóp tay chân bà rồi tự mình xuống bếp nấu cho bà bát chao ăn giải cảm.  Bà cụ tuy lòng áy náy vì sự chăm lo của Thầy, nhưng tận sâu xa của cõi lòng người Mẹ vẫn thấy sung sướng, tựa như đứa con nhỏ thân yêu của bà cũng quấn quít săn sóc bà như thế!  Có cái gì đó nữa lạ nữa quen nơi vị Hòa thượng khả kính này, bà đã cảm nhận từ lâu mà không dám thổ lộ.  Người già như ngọn đèn dầu, chỏ cần một cơn gió nhẹ là lịm tắt;  Lần này chỉ một trận cảm xoàng, nhưng sao bao nhiêu sức lực trong người hầu như cạn kiệt!  Toàn thân bà ê ẩm, rét run từng cơn, môi khô miệng đắng.  Nhiều lần bà cụ vừa khóc vừa thưa cùng Sư:
Bạch Thầy, xin Thầy hãy để mặc con, con khắc tự mình làm được.  Thầy chăm sóc con thế này, con e tổn phước lắm ạ!


Sư diu dàng đáp:
Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường Chư Phật.  Bà cụ chỉ có một mình, không con không cháu, tôi thay con cháu bà lo cho bà cũng được chứ sao đâu?


Đại chúng biết chuyện, vừa thương bà cụ vừa xót cho Sư nên bạch rằng:
Kính bạch Thầy, cho phép chúng con thay Thầy chăm sóc bệnh tình của bà cụ được chăng?


Bằng đôi mắt u uẩn, Sư nhìn mọi người và trầm ngâm lên tiếng:
Hai ngày nữa Thầy có việc phải đi xa vài hôm mà bệnh tình bà cụ không biết sẽ thế nào, tuổi già... thật khó lường trước được!  Mọi việc ở nhà Thầy trông nhờ các Cô Chú lo liệu cho.  Có điều nếu bà cụ qua đời, mọi người hãy thay Thầy làm đủ lễ cho chu tất, nhưng đừng đậy nắp áo quan mà đợi Thầy về sẽ tính.  Thầy sẽ cố thu xếp công việc sớm, xong lúc nào Thầy về ngay lúc ấy.


Trước khi ra đi, Sư đến am tranh ngồi với bà cụ rất lâu.  Không biết Sư nói với bà những gì, trấn an bà thế nào, nhưng khi Ngài đứng lên từ giả, bà cụ đã để rơi những giọt nước mắt hạnh phúc tột cùng.  Bà đã trãi qua những giây phút an lạc như được sống trong hào quang của Chư Phật, trọn vẹn tin tưởng rằng khi trút hơi cuối cùng bà sẽ được vãng sanh.  Cái chết đối với bà  giờ đây như một chuyến đi xa hứa hẹn nhiều điều kỳ thú nên bà bình thản chờ đợi nó.  Thật là lạ trong những giờ phút sau cùng của cuộc đời, bà lại ít nhớ đến đứa con lưu lạc của mình, mà chỉ nghĩ về Hòa thượng như một nơi nương tựa vững chắc, một dây liên kết giữa mình và Tam Bảo.  Hòa thượng đi rồi, đại chúng phân công nhau hàng ngày trợ niệm cho bà cụ.  Bà không mở mắt nổi, hơi thở yếu dần nhưng tai vẫn lắng nghe, ý vẫn duyên theo từng tiếng niệm Phật.  Những hình ảnh dĩ vãng lần lượt hiện về, nhớ lời dạy của Thầy mà bà hiểu rằng do nhiều đời trước bà đã tạo nhân xấu, nên kiếp này bà phải nhận quả khổ.  Bà không còn oán trách người, một lòng nương theo Lục Tự Di Đà và phát nguyện vãng sanh, nơi có Đức Phật A DI ĐÀ và Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM.  Nghĩ đến đây tâm bà chợt lắng xuống, sáu chữ Nam mô A DI ĐÀ Phật tràn đầy khắp không gian, lồng lộng cả đất trời.  Bà thấy mình rơi vào đường hầm sâu hun hút và cuối đường hầm ấy là một vùng ánh sáng chan hòa rực rỡ...  Và kìa Đức Phật A DI ĐÀ cùng Chư Thánh Chúng hiện rõ trước mặt bà, lung linh trong vòng hào quang chói lọi!  Vị Đại Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ đứng bên phải Đức Phật tay cầm một đài Sen hé nở, Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM đứng bên trái, hình dáng quen thuộc với tay cầm Tịnh Bình và nhành Dương Liễu mỉm cười và phất nhẹ cành Dương về phía bà.  Lập tức bà cảm nhận những giọt nước mát thấm đượm vào từng lỗ chân lông, người thấy nhẹ nhàng than thản vô cùng!  Bao nhiêu đau đớn của thể xác tự nhiên biến mất, bà như ngợp đi và hòa tan vào vùng ánh sáng huyền diệu của các Ngài.  Một mùi hương nhẹ hàng ở đâu tỏa ra khắp phòng khiến mọi người nhìn nhau thầm hỏi?  Bà cụ vẫn nằm đó, gương mặt rạng rỡ bình an như đang trong giấc ngũ say không mộng mị.  Một âm thanh nào trên cao vọng lại khi gần khi xa, thoạt có thoạt không, thánh thoát du dương chưa từng có trong đời.  Bà cụ đã ra đi an lành thanh thản quá đỗi, như rũ sạch mọi trần lao phiền não...


Bà cụ được khâm liệm chu đáo vào chiếc áo quan chưa đậy nắp, luôn có người bên cạnh hương khói tụng niệm suốt ngày đêm.  Tất cả mọi người kể cả bà cụ nằm trong quan tài đều như mong ngóng Hòa thượng trở về.  Và Ngài đã trở về sau hai ngày bà cụ mất, vừa về tới chùa Sư đã vội đi qua am tranh;  Từng bước chân Chánh Niệm theo công phu hành trì từ lâu nay gấp gáp hơn.  Biết tâm hơi xao động, Sư vội hít sâu và thở nhẹ vài lần để trở lại an nhiên.  Ngài bước vào ngưỡng cửa, nhìn Mẹ như chìm trong giấc ngủ, gương mặt vẫn tươi, nụ cười như phảng phất trên môi;  Tưởng chừng chỉ cần Sư lên tiếng gọi bà sẽ mổ mắt ra, cười với Ngài một nụ cười móm mém hồn nhiên.  Thắp một nén hương trầm cắm vào bát nhang, Sư chậm rãi từng bước trầm tư quanh quan tài của cụ ba vòng.  Đại chúng đang tụ tập trước am cũng ngạc nhiên từng cử chỉ lạ lùng của Hòa thượng, tự hỏi phải chăng có mối liên hệ nào giữa Hòa thượng và bà cụ?  Có lý nào...  Chợt tiếng Sư vang lên đánh thức mọi người:
Đức Phật đã từng dạy một người tu đắc đạo, cửu huyền thất tổ sanh thiên.  Nếu quả thật lời này không hư dối, xin Tam Bảo chứng minh cho lời nguyện của đệ tử cho chiếc quan tài này sẽ bay lên hư không!


Hòa thượng vừa dứt tiếng, chiếc quan tài bỗng như có một lực đẩy từ từ nâng lên cao át mái am tranh lơ lững!  Mọi người đồng loạt quỳ xuống, chắp tay nhìn lên bằng một niềm kính ngưỡng tột cùng.  Mắt Hòa thượng sáng ngời, an trú trong giây phút hiện tại tuyệt vời, một giây mà đằng đẵng thiên thu!  Tâm hiếu của người con hòa lẫn vào tâm từ của một bậc chân tu đắc đạo, nở tung như đóa Sen nở hương tinh khiết, tuy vô hình mà bất diệt, tuy vô thanh mà âm hưởng diệu kỳ, tuy vô tướng mà chan hòa khắp cùng cõi giới.  Khi chiếc áo quan từ từ trở về chỗ cũ, người ta thấy gương mặt bà cụ rạng rỡ tươi nhuận, mùi hương lạ lại tỏa khắp am tranh;  Mọi người đứng im bất động, đắm mình trong niềm phúc lạc...


Nơi quán nước ngày xưa của Mẹ, Sư lập một ngôi chùa đặt tên là Mai Trà Lai Tự, am tranh Mẹ từng ở có tên Dương Mẫu Đường sớm chiều khói hương nghi ngút.  Hòa thượng để lại cho đời một tấm gương Đại Hiếu sáng ngời muôn thuở;  Ngài là Thiền Sư Tông Diễn, Pháp hiệu Chơn Dung (1640 - 1711) vào đời Vua Lê Hy Tông, thuộc dòng Tào Động, quê ở thôn Phú Quân huyện Cẩm Giang.  Chúng ta ôn chuyện người xưa để tự nhắc mình về một tấm gương Đại Hiếu sáng ngời.  Không chỉ Ấn Độ mới có chuyện Đức MỤC KIỀN LIÊN, XÁ LỢI PHẤT;  Không chỉ Trung Hoa mới có chuyện Nhị Thập Tứ Hiếu, mà ở Việt Nam ta cũng có những câu chuyện thật đã làm cảm động lòng trời.  Hòa Thượng Cua đã lo cho Mẹ những ngày cuối đời hạnh phúc, độ cho Mẹ được vãng sanh về cõi an lành;  Còn chúng ta đã báo hiếu cho Cha Mẹ những gì?  Đó là câu hỏi mà mỗi người chúng ta không phân biệt tôn giáo, tuổi tác, không kể xuất gia hay tại gia đều tự mình suy gẫm và tìm cách trả lời.

Niệm Phật là nhân - Thành Phật là quả - Niệm Phật thành Phật

Không có nhận xét nào: